Cây bạc hà có nguồn gốc ở châu Âu nhưng ngày nay loài cây này đã xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới. Không khó để bạn tìm thấy bạc hà trong thuốc trị ho, kẹo singum, hay một ly nước giải khát… Cùng đọc bài viết để tìm hiểu rõ hơn về những công dụng tuyệt vời của cây bạc hà đối với sức khỏe.
Tên tiếng Việt: Bạc hà
Tên Tiếng Anh: Mint
Tên khoa học: Mentha arvensis L.
Họ khoa học: Lamiaceae (Hoa môi)
Hình ảnh cây bạc hà
Bạc hà là cây gì
Đặc điểm nhận dạng
Bạc hà được sử dụng nhiều trong nấu ăn, pha chế, làm thuốc… nhưng bạn đã bao giờ nhìn thấy hình ảnh cây bạc hà tươi. Dưới đây là những mô tả chi tiết về hình dáng, màu sắc của cây bạc hà.
Bạc hà là loại cây thân thảo lâu năm. Loài cây này có thân mềm, mọc ngầm sát mặt đất, có thể cao lên tới 50cm.
Lá cây bạc hà là loại lá đơn. Các lá mọc đối nhau qua thân, lá dạng hình dùi, mép lá có nhiều răng cưa, hai mặt của lá có lông tơ mềm tạo sắc bạc.
Hoa bạc hà mọc thành chùm dọc thân. Bông hoa bạc hà rất nhỏ, mang sắc trắng là chủ yếu, đôi khi thấy hoa màu hồng, hoặc tím nhạt. Cây cho quả bế, bên trong gồm 4 hạt.
Nguồn gốc, phân bố
Bạc hà là loài cây có nguồn gốc từ châu Âu. Ở Châu Á, bạc hà Nhật Bản vô cùng nổi tiếng bởi chứa lượng metol lên tới trên 80%. Bạc hà cũng được trồng rộng rãi ở các tỉnh Cát Lâm, Phúc Kiến, Vân Nam… Trung Quốc
Ở Việt Nam hiện nay có bạc hà mọc hoang và bạc hà trồng thành vùng dược liệu. Đối với loại mọc hoang, chúng thường phân bố ở vùng núi cao, khí hậu lạnh mát quanh năm như Tam Đảo, Sapa, Sìn Hồ, Bắc Cạn, Sơn La… Đôi khi cũng tìm thấy giống bạc hà hoang tại vùng đồng bằng như Ba Vì (Hà Nội).
Đối với loại trồng thành vùng dược liệu lớn, chủ yếu là các giống bạc hà nhập khẩu, năng suất cao. Tại vùng đồng bằng Sông Hồng: Gia Lâm (Hà Nội), Nghĩa Trai (Hưng Yên)… hoặc phía Nam, có tỉnh Bình Thuận sở hữu vùng trồng cây bạc hà ở huyện Bắc Bình rất nổi tiếng.
Thu hái và chế biến
- Thu hái:
Khoảng từ 4 đến 5 tháng sau khi trồng, sẽ được thu hoạch đợt đầu tiên. Thường vào tháng 5 tháng 6, khi đó thân cây bạc hà vươn cao, đã trổ hoa người ta cắt lấy thân cành có lá.
Sau đó, cứ cách 2 -3 tháng lại cho thu hoạch 1 lần tới khi cây già cỗi
- Chế biến: có 2 cách để chế biến bạc hà
+ Cách 1: Chưng cất tinh dầu
Chọn ngày nắng ráo, vào buổi sáng khi thân cây không còn đọng sương đêm, người dân dùng liềm cắt ngang thân cành thành từng nhỏ, để vào bóng râm để 1 ngày cho héo bớt rồi chưng cất tinh dầu.
Bạc hà được chưng cất thành tinh dầu
+ Cách 2 phơi khô làm vị thuốc: Sau khi cắt, bạc hà được làm sạch, băm ra từng khúc 3-5cm, phơi khô, bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc. Khi làm vị thuốc, có thể sao vàng.
Những thành phần hóa học trong cây bạc hà
Các nghiên cứu đã chỉ ra hoạt chất chính chiết xuất từ thân, cành, lá bạc hà là tinh dầu bạc hà (khoảng 0,5 đến 1.5%). Thành phần chính trong tinh dầu bạc hà là Mentola Cl0H19OH, ngoài ra có limonen, α, β; cimen, pulegon, methyl acetat, myrcen…
Bên cạnh đó, trong bạc hà có một lượng rất nhỏ vitamin C, vitamin A, các khoáng chất sắt, kali, magie, photpho… Ngoài ra còn có chất béo và protein nhưng không đáng kể.
Tác dụng của cây bạc hà
Bạn có thể tìm thấy bạc hà dễ dàng trong các sản phẩm xung quanh bạn như: kẹo ngậm ho, dầu xoa bóp, kẹo cao su… hay đơn giản nhất là kem đánh răng có vị the mát. Dân gian mách bảo, nơi nào trồng cây bạc hà, nơi đó rất ít muỗi. Ngày nay, tinh dầu bạc hà là thành phần tự nhiên có trong nhiều sản phẩm xịt côn trùng. Đúng vậy, bạc hà được sử dụng rộng rãi khắp mọi nơi trên thế giới. Vậy cây bạc hà có tác dụng gì, tinh dầu bạc hà có tác dụng gì?
Trong y học hiện đại
Ngày nay, y học hiện đại đã chỉ những công dụng của lá bạc hà, tinh dầu bạc hà :
- Khử trùng, kháng khuẩn,
- Kháng viêm, giảm đau
- Kích thích hệ tiêu hóa
- Giảm và cắt cơn ho
Trong đông Y
Vị thuốc bạc hà cay, tính mát, không độc. Vị thuốc này chủ yếu được dùng để chữa trị cảm mạo, tán phong nhiệt, sốt cao, đau đầu, hắt hơi, ngạt mũi, người không ra mồ hôi. Ngoài ra, còn sử dụng bạc hà để chữa các bệnh về đường tiêu hóa như: ăn uống khó tiêu, nôn mửa, kém ăn.
Các thầy thuốc Đông y, thường dựa vào tình trạng của người bệnh mà đưa ra liều lượng vị thuốc bạc hà. Tuy nhiên, không quá 12gr mỗi ngày cho 1 người trưởng thành. Có 2 cách sử dụng là: dùng lá bạc hà tươi làm sạch, trần qua nước muối ấm, để ráo nước rồi giã nhỏ, vắt lấy nước; hoặc dùng bạc hà khô sắc nước uống.
Lưu ý trong lựa chọn và sử dụng bạc hà
- Lựa chọn: thường nhầm với lá húng lủi
Nhiều người nhầm tưởng bạc hà là cây húng quế/húng lủi dùng ăn sống, làm rau thơm. Nhưng đây là 2 loài hoàn toàn khác nhau. Lá bạc hà xanh bạc, hình tù, cây cao. Cây húng lủi bò trên mặt đất, gân lá màu tía. Khi nếm, lá bạc hà có vị cay hơn, the mát hơn húng lủi.
Cây húng lủi (trái) thường bị nhầm lẫn với cây bạc hà (phải)
- Sử dụng
- Nếu bạn dùng bạc hà bằng phương pháp sắc thuốc, không nên đun lâu hơn 15 phút tránh làm mất lượng tinh dầu quý.
- Trong đông Y, khuyến cáo không dùng cho: người khí hư, huyết táo, can dương thịnh biểu hư, mồ hôi ra nhiều.
- Không sử dụng bạc hà cho trẻ sơ sinh
- Chất Menthol trong cây bạc hà được cho là lành tính nhưng vẫn có những trường hợp dị ứng với chất này.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm