Hương phụ, tác dụng chữa bệnh của Hương phụ

- Dược liệu
Hương phụ, tác dụng chữa bệnh của Hương phụ

Trong Đông y có câu “Nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ”. Hương phụ tức là vị thuốc hương phụ được làm từ thân rễ cây củ gấu phơi khô. Hương phụ có tác dụng nổi tiếng trong chữa trị các bệnh của phái nữ.

I. HƯƠNG PHỤ LÀ GÌ?

Hương phụ là vị thuốc được làm từ thân rễ cây củ gấu sấy khô. Sở dĩ thân rễ củ ấu được gọi là hương phụ bởi vì khi bẻ vị thuốc này ra một lúc mới cảm nhận được hương thơm dịu dàng của nó. Hương tức là hương thơm, phụ tức là theo sau, phía sau.

 

Củ gấu khô tức vị thuốc hương phụ

Củ gấu khô tức vị thuốc hương phụ

II. MÔ TẢ HÌNH ẢNH CÂY CỦ GẤU

Cây hương phụ tức cây củ gấu hay còn gọi là cỏ gấu. Loài cây này có tên khoa học là Cyperus rotundus L, thuộc họ Cyperaccae (tức họ cói). Đây là loài cây cỏ sống lâu năm. Nó thường mọc là là mặt đất, nhưng đôi khi có cây cao tới 40cm. Lá cây củ gấy màu xanh lục, phân thành nhiều tầng, mỗi tầng gồm 3 lá bao quanh gốc cây. Củ ấy trổ hoa từ thân, đoạn thân cây củ gấu trổ hoa có tiết diện hình tam giác. Hoa củ gấu là hoa lưỡng tính, kết quả bế.

Cây củ gấu có hệ rễ phát triển mạnh. Khi cây non, các rễ màu trắng, to mập. Đôi khi có các rễ mọc ngược rồi tỏa thành cây, tự mọc các rễ con để hút chất dinh dưỡng, như một cụm cây mới. Một phần hệ rễ mọc ngang, đâm sâu xuống đất, phần thân rễ này già đi có màu nâu sậm hoặc màu đen, phình to thành các củ.

 

Hình ảnh cây hương phụ (tức cây cỏ gấu)

Hình ảnh cây hương phụ (tức cây cỏ gấu)

III. THU HÁI VÀ SƠ CHẾ DƯỢC LIỆU HƯƠNG PHỤ

Người ta thường đào lấy cả cây củ gấu rồi sau đó vun thành đống, dùng lửa đốt cháy phần thân lá, để lại phần củ. Rửa sạch củ rồi phơi khô làm thuốc.

Dược liệu hương phụ thành phẩm là những thân rễ hình thoi, bề ngoài có màu nâu sẫm hoặc màu đen, nhiều nếp nhăn dọc và  các đốt ngang quanh thân. Mỗi đốt nhỏ lại có nhiều lông cứng màu đen và những vết sẹo của việc cắt những rễ con đê lại. Cắt ngang dược liệu sẽ thấy lõi giữa màu nâu sẫm, phần thịt bao bọc quanh lõi màu xám nhạt, đưa lên miệng nếm thì cảm nhận thấy vị đắng, mùi thơm nhẹ.

Lưu ý, vị thuốc Hương phụ có 2 loại. Một loại làm từ cây củ gấu mọc trong vườn, có kích thước nhỏ hơn, bề ngoài đen nhánh, rễ củ rất cứng. Một loại nữa được làm từ cây củ gấu mọc trên cát biển, loại này có vỏ màu nâu nhạt, rễ củ to hơn. Tính chất dược liệu hoàn toàn giống nhau.

IV. TÁC DỤNG CỦA DƯỢC LIỆU HƯƠNG PHỤ

1. Theo y học hiện đại

Từ một loại cỏ dại trong tự nhiên, cây củ gấu đã được các nhà nghiên cứu đưa vào phòng thí nghiệm để phân tích. Sau đây là một số tác dụng dược lý của vị thuốc hương phụ:

  • Các tác giả Vũ Văn Điền và Hoàng Kim Huyền đã làm thí nghiệm về tác dụng dược lý của dược liệu hương phụ. Họ thấy rằng nước sắc của hương phụ tương tự như là chất estrogen – một loại hóc môn nội tiết tố nữ. Hoặc trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã chỉ ra cao lỏng chiết xuất từ hương phụ làm ức chế sự co bóp và giảm tình trạng căng thẳng đối với tử cung của động vật có thai và không có thai.
  • Dược liệu hương phụ cũng được các nhà khoa học chỉ ra rằng nó có tác dụng giảm đau, ức chế thần kinh trung ương đối với những loài động vật được lựa chọn để làm thí nghiệm.
  • Hương phụ có tính chất kháng khuẩn đối với Staphylococcus aureus và Sh.shiga.

Vị thuốc hương phụ

Vị thuốc hương phụ

2. Theo y học cổ truyền

Ở nước ta, vị thuốc hương phụ được sử dụng trong dân gian và trong y học cổ truyền. Các thầy thuốc y học cổ truyền phương Đông đã chỉ ra, vị thuốc hương phụ có vị đắng, hơi cay; tính bình; quy vào các kinh can, tam tiêu.

Trong y học cổ truyền, hương phụ có tác dụng: Lí khí, điều kinh, thư can, chỉ thống. Các thầy thuốc y học cổ truyền lại dựa vào cách chế biến củ gấu mà đưa ra công dụng của loại dược liệu này:

  • Đối với củ gấu sao đen: Công dụng cầm máu, sử dụng cho người phụ nữ bị rong kinh lâu ngày.
  • Đối với củ gấu tẩm nước muối rồi sao: Công dụng chữa trị các bệnh về huyết.
  • Đối với củ gấu tẩm nước tiểu của trẻ em (tức đồng tiện): Công dụng giáng hỏa.
  • Đối với củ gấu tẩm giấm: Công dụng tiêu tích tụ
  • Đối với hương phụ tứ chế (chế 4 vị giấm, muối, rượu, nước gừng): Công dụng trị các bệnh của nữ giới.

Hương phụ là vị thuốc được các thầy thuốc Đông y dùng để chữa các chứng bệnh sau:

  • Chữa bệnh cho nữ giới: kinh nguyệt không đều, đau bụng trong kỳ hành kinh, viêm tử cung.
  • Chữa bệnh đau dạ dày do thần kinh; chứng ăn không tiêu, chướng bụng đầy hơi gây nôn mửa, tiêu chảy
  • Chữa bệnh mắt sung huyết đau đỏ

 

V. CÁCH SỬ DỤNG HƯƠNG PHỤ TRỊ BỆNH

Hương phụ được sử dụng trong nhiều bài thuốc hay để trị bệnh. Có thể dùng hương phụ độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để sắc uống. Cũng có thể dùng hương phụ để nấu ăn làm món ăn bài thuốc theo kinh nghiệm trong dân gian. Sau đây là một số cách dùng hương phụ trị bệnh:

Bài 1: Trị chứng khách nhiệt trong tim, khí kết ở bàng quang gây buồn bực ở phụ nữ.

Trong Trung Quốc Dược học Đại từ điển có ghi lại bài thuốc của Đường Huyền Tông:  “Hễ đàn bà bị chứng khách nhiệt trong tim, khí kết ở bàng quang và dưới sườn, ngày thường buồn bực không được vui vẻ” thì sử dụng các vị sau: Hương phụ 300 gram, quế tâm 150 gram, vu di 90 gram. Tất cả đem đi tán bột mịn rồi trộn với mật, quết đến ngàn chầy thì vo viên to bằng hạt đỗ lớn. Ngày dùng 40 viên chia làm 2 lần, uống cùng với một chén rượu trắng hoặc nước gừng sắc khi đói, duy trì liều thuốc cho tới khi khỏi bệnh.

Bài 2: Trị đau dạ dày do thần kinh, ăn không tiêu, chướng bụng gây nôn mửa, tiêu chảy

Tìm lấy vị thuốc hương phụ lượng khoảng 6 – 12 gram sắc nước uống trong ngày. Cũng có thể tán bột mịn vo viên để ăn hoặc ngâm rượu thuốc để uống.

Bài 3: Trị tỳ vị hư nhược, rối loạn tiêu hóa.

Trong Dược điển Trung y có ghi bài thuốc Hương sa dưỡng vị hoàn trị chứng tỳ vị hư nhược, rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, đau bụng, buồn nôn, đi lỵ. Gồm các vị thuốc hương phụ 6 gram, sa nhân 3 gram, mộc hương 5 gram, chỉ thực 6 gram, đậu khấu nhân 5 gram, hậu phác 10 gram, hoắc hương 5 gram, bạch truật 10 gram, trần bì 10 gram, phục linh 10 gram, bán hạ 10 gram, cam thảo 3 gram, sinh khương 10 gram cùng với đại táo 5 quả. Tất cả đem sắc uống trong ngày, mỗi ngày một thang.

Bài 4: Khai uất, điều kinh trị kinh nguyệt không đều,đau bụng kinh, trướng vú do uất ức thần kinh

Lấy vị thuốc hương phụ chia ra 4 phần đều nhau. Ngâm mỗi phần riêng với muối, dấm, rượu, nước tiểu trẻ em. Sau đó sao khô tất cả rồi tán bột mịn vo viên hoàn. Ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 4 viên.

Bài 5: Trị đau bụng kinh

Tìm lấy các vị hương phụ, ngải diệp, trần bì đều mỗi vị 15 gram cùng với 2 đóa nguyệt quỳ hoa. Tất cả rửa sạch rồi cho vào siêu sắc nước, uống mỗi ngày 1 thang.

Bài 6: Trị nhiễm độc thai nghén, phù nề

Dùng 12 gram hương phụ với 500 gram bí đao. Gọt vỏ bí đao, bỏ ruột rồi thái lát, đem nấu canh cùng hương phụ, khi nấu chín thì thêm gia vị vừa ăn. Lấy canh này ăn mỗi ngày 1 lần, duy trì từ 5 đến 10 ngày.

Bài 7: Trị rối loạn kinh nguyệt, ngày hành kinh kéo dài nhưng ít, đau bụng dưới

  • Nguyên liệu: 250 gram thịt bò, 10 gram hương phụ, 12 gram ngải cứu, 12 gram diên hồ sách, 20 gram gừng tươi.
  • Cách chế biến: Làm sạch thịt bò rồi thái miếng mỏng. Rửa sạch hương phụ, ngải cứu và diên hồ sách rồi gói vào túi vải xô, rửa sạch gừng tươi rồi đập giập. Cho tất cả vào nồi, chế nước cho ngập rồi đun dưới lửa nhỏ cho đến khi nhừ, bỏ bã thuốc, thêm gia vị vào món canh cho vừa ăn.
  • Cách dùng: Ăn món này ngày 1 lần. Duy trì trong 7 ngày liên tục.

Lưu ý: Không sử dụng vị thuốc hương phụ cho người âm hư, huyết nhiệt.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Hương phụ, tác dụng chữa bệnh của Hương phụ

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.17862 sec| 1645.672 kb