Huyền sâm là vị thuốc được làm nên từ củ và rễ của cây huyền sâm. Cây huyền sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc, được di thực vào nước ta và trồng rộng rãi thành vùng dược liệu. Không chỉ được sử dụng trong y học cổ truyền, huyền sâm còn được các nhà nghiên cứu để ứng dụng vào y học hiện đại. Cùng đọc bài viết để tìm hiểu về cây huyền sâm và những tác dụng diệu kỳ của củ sâm đen này.
Tên tiếng Việt: Huyền sâm, nguyên sâm, ô nguyên sâm, thổ sâm…
Tên khoa học: Scrophularia ningpoensis Hemsl
Họ khoa học: Gueule de loup, Scrophulariaceae (Mõm sói)
Đặc điểm nhận dạng cây huyền sâm
Mô tả cây huyền sâm
Huyền sâm là loài cây sống nhiều năm, thân thảo. Thân cây hình vuông, có chiều cao lên tới trên 2m. Nhìn bằng mắt thường sẽ thấy vỏ thân cây màu xanh, hình dáng thân cây vuông, có những rãnh dọc kéo dài, thân phình to ở 4 góc.
Trên các cành chứa đầy lá to bản, phiến lá rộng, mọc đối xứng, đôi khi mọc so le. Mỗi là có hình mác, cuống lá ngắn, phần lá tiếp giáp cuống tù, đầu lá nhọn. Toàn bộ bề mặt lá có phủ lớp lông nhỏ. Mặt trên lá có màu xanh thẫm, mặt dưới xanh nhạt. Mép lá hình răng cưa.
Cây huyền sâm được trồng rộng rãi thành vùng nguyên liệu
Cây huyền sâm cho hoa vào tháng 6 đến tháng 10. Hoa huyền sâm thường trổ ra từ ngọn cây hoặc các đầu cành nhỏ. Mỗi chùm tựa như một bông hoa lớn nhưng thực ra được tạo bởi các bông hoa nhỏ. Hoa có 2 màu: vàng nâu hoặc tím đỏ. Kết quả nang hình trứng, bên trong có hạt đen.
Cây huyền sâm có rễ cọc chính dài tới 15cm, phình ở giữa và thon dần về phía dưới. Chỗ rễ cây phình ra tạo thành củ hình trụ. Vỏ củ huyền sâm tươi có màu nâu đất, nhiều nếp nhăn sâu. Để lâu củ huyền sâm sẽ chuyển sang màu đen nên thường được người dân gọi là sâm đen. Cắt ngang củ, nhận thấy bên trong màu đen, đầu củ ướt như keo, chính giữa là các xơ.
Nguồn gốc và phân bố
Cây huyền sâm còn có tên gọi là Bắc huyền sâm. Cái tên này biểu thị rõ nguồn gốc của huyền sâm là ở phương Bắc, tức Trung Quốc. Huyền Sâm vốn ở Trung Quốc và ngày nay được trồng ở rất nhiều tỉnh như: Đạt Huyện, Ôn Giang, Giang Tây, Thiểm Tây, Quý Châu…
Từ những năm 1960, cây giống huyền sâm được đưa về nước ta. Trước tiên, huyền sâm được trồng thử nghiệm ở thị trấn SaPa, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào cai) cùng với khu vực huyện Phó Bảng (tỉnh Hà Giang).
Sau thời gian thử nghiệm thành công, cây giống huyền sâm được đưa về nhân rộng ở vùng Đồng bằng Sông Hồng và đưa vào khu vực miền trong là Đà Lạt (Lâm Đồng).
Bộ phận dùng làm thuốc
Cây huyền sâm cho rễ củ để làm thuốc. Khi thân cây sắp tàn, cũng là lúc người dân đào củ để sơ chế.
Củ huyền sâm tươi sau khi thu hoạch → rửa sạch để cho của ráo nước → phơi trong bóng râm cho hoái → đem đi ủ đến khi ruột huyền sâm chuyển thành màu đen → thái lát sấy khô → bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc để sử dụng.
Vị thuốc huyền sâm được làm từ củ huyền sâm
Thành phần hóa học
Các nhà khoa học đã chỉ ra, trong cây huyền sâm có chứa 2 thành phần hóa học chính là harpagid và harpagosid. Ngoài ra còn có acid béo (oleic, linoleic), tinh dầu và chất đường...
Tác dụng của vị thuốc huyền sâm
Vị thuốc huyền sâm được bào chế từ củ và rễ của cây huyền sâm. Ngày nay, có nhiều công trình nghiên cứu về dược liệu huyền sâm. Các nghiên cứu này đưa ra công dụng của dược liệu huyền sâm như: hạ sốt; kháng khuẩn, trung hòa độc tố bạch hầu; làm giãn mạch hạ áp; có tác dụng cường tim nhẹ; hạ đường huyết; chữa các bệnh nấm da…
Theo Đông y, vị thuốc huyền sâm có vị đắng mặn, tính hơi hàn, tác dụng vào thận cùng kinh phế. Từ xa xưa, các thầy thuốc Đông y đã chỉ ra những tác dụng chính của huyền sâm như sau: thanh nhiệt, dưỡng âm, giải độc, tan khối kết (nghĩa là làm mềm các khối nhọt, u cục, lao hạch).
Trên trang sukhoedoisong.vn TS Nguyễn Đức Quang đã chia sẻ Một số bài thuốc quý, dễ chế biến và sử dụng từ vị thuốc huyền sâm:
- Bài thuốc làm mát hầu họng, giảm đau: Nếu nhận thấy yết hầu sưng tấy, đỏ, đau thì lấy huyền sâm, ngưu bang tử mỗi vị 20gr sắc nước uống thường ngày tới khi khỏi.
- Bài thuốc trị phát ban: 16gr huyền sâm, 12gr thăng ma, 8gr cam thảo sắc uống hàng ngày.
- Bài thuốc trị nhiệt miệng: Huyền sâm, sa sâm, mạch môn, hoàng bá, ngọc trúc mỗi vị 12g; sinh địa, cỏ nhọ nồi mỗi vị 16g; tri mẫu, đan bì mỗi vị 8g; cam thảo 4g, nước 700ml. Rửa sạch những vị thuốc trên rồi cho vào siêu cùng nước. Sắc thuốc dưới lửa nhỏ, cho đến khi cô đặc còn 250ml thì nhấc ra, lọc lấy nước chia làm 3 lần uống trong ngày khi nước còn ấm. Duy trì trong 1 tuần sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn.
Lưu ý khi sử dụng vị thuốc huyền sâm
Trong Đông y, vị thuốc huyền sâm kiêng dùng cho người có tỳ vị thấp hư, đang bị tiêu chảy.
Các nhà khoa học hiện đại đã chỉ ra, huyền sâm có tác dụng cường tim nhẹ nên phải vô cùng cẩn trọng khi sử dụng vị thuốc này cho các trường hợp bị rối loạn tim mạch. Cần phải xác định huyết áp, nhịp tim cho người bệnh trước khi sử dụng huyền sâm.
Mọi bài thuốc nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không được tùy ý sử dụng. Cần phải qua thăm khám và chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng huyền sâm làm thuốc.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm