Hạt khiếm thực: Tác dụng, cách dùng, giá bán

- Dược liệu
Hạt khiếm thực: Tác dụng, cách dùng, giá bán

Khiếm thực là hạt của một loài cây súng mọc ở vùng ao hồ, đầm lầy. Hạt khiếm thực ở nước ta chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Dược liệu này có tác dụng bổ tỳ, ích thận, cố tinh. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết rõ hơn về tác dụng, cách dùng và giá bán hạt Khiếm thực tại Việt Nam.

Khiếm thực
Vị thuốc khiếm thực

TÊN GỌI

  • Tên tiếng Việt: Khiếm thực, Khiếm Thật, Kê đầu thực, Kê Đầu, Nhạn Đầu…
  • Tên khoa học: Semen euryales Ferox.
  • Họ khoa học: Nymphaeaceae (tức họ Súng)

Phân loại khoa học:

  • Giới (regnum): Plantae
  • Bộ (ordo): Nymphaeales
  • Họ (familia): Nymphaeaceae
  • Chi (genus): Euryale
  • Loài (species): E. ferox

MÔ TẢ CÂY KHIẾM THỰC

Đặc điểm thực vật

Khiếm thực là loài cây sinh sống ở vùng ao hồ, đầm lầy. Cây này sống hàng năm. Lá cây có dạng hình tròn, rất rộng, lá nổi trên mặt nước tựa như lá cây sung. Phiến lá chi làm 2 mặt với 2 màu sắc khác nhau: mặt trên màu xanh lục, mặt dưới tiếp xúc với mặt nước có màu tím.

Cây khiếm thực
Cây khiếm thực thuộc họ súng nhưng không phải cây hoa súng

Vào mùa hè, các nhánh cây mang hoa trồi lên mặt nước. Ngay nơi đầu các thân cành có một hoa, sáng nở tối tàn.

Quả khiếm thực có dạng hình cầu, là chất xốp màu tím hồng. Mặt ngoài quả khiếm thực có gai, trên đỉnh còn đài sót lại. Bên trong quả chứa các hạt hình cầu rất rắn chắc, màu đen, thịt quả trắng ngà.

*** Lưu ý, cây khiếm thực có cả ở Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, cây khiếm thực nam chưa thấy ra quả và có hạt. Nên hạt khiếm thực chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Còn vị khiếm thực Nam có nguồn gốc trong nước là củ của cây súng, tức củ của cây khiếm thực nam.

Phân bố

Cây khiếm thực có hạt chủ yếu được trồng ở Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh với Việt Nam như tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Đông cây khiếm thực được trồng thành vùng nguyên liệu rộng lớn.

Bộ phận làm dược liệu

-  Khiếm thực Bắc: Cây khiếm thực tại Trung Quốc cho quả để làm dược liệu, tên dược gọi là Semen Euryales. Dược liệu khiếm thực là các hạt hình tròn, có đường kính khoảng 0,6cm; bên ngoài có một đầu có màu trắng ngà chiếm khoảng 1/3 diện tích hạt, đầu còn lại có màu đỏ nâu; bên trong chất cứng giòn, chất thịt màu trắng ngà, dạng bột.

Hoa khiếm thực
Hoa khiếm thực bắc

-  Khiếm thực Nam: Bên cạnh đó có cây khiếm thực nam ở Việt Nam, dùng củ của cây này để làm thuốc thay thế hạt khiếm thực. Loại này là những củ nhỏ có đường kính khoảng từ 0,5cm đến 0,8cm; bên ngoài đã bỏ phần vỏ nhẵn màu trắng xám; bên trong  có màu trắng ngà, chứa tinh bột không mùi, vị nhạt.

Cây hoa súng
Hoa khiếm thực nam hay còn gọi là hoa súng

Thu hái & Bào chế

- Thu hái: Hàng năm, vào khoảng tháng 9 tháng 10 người dân hái quả khiếm thực chín về rồi sau đó xay cho vỡ ra, sàng xảy bỏ vỏ lấy nhân phơi khô dùng dần.

- Bào chế: Tại Trung Quốc, người ta bào chế dược liệu Khiếm thực theo một số cách như sau:

  • Cách 1: sao Khiếm thực - Lấy cám gạo và Khiếm thực theo tỷ lệ như sau: 5kg cám gạo:50kg hạt Khiếm thực. Đem cám gạo rang nóng cho đến khi thấy khói bay lên thì cho hạt Khiếm thực vào, tiếp tục sao cho đến khi hạt Khiếm thực đổi màu vàng thì ngừng; cuối cùng đem sàng bỏ cám, lấy hạt khiếm thực để riêng cho nguội. Cách này được ghi ttrong sách “Dược Tài học”.
  • Cách 2: Đem quả Khiếm thực về rồi chọn lấy quả tốt, loại bỏ những quả bị mối mọt sau đó loại bỏ tạp chất, lọc phần thịt quả bỏ đi, chỉ giữ lại phần nhân hạt. Đem nhân hạt sao vàng, tán nhỏ, bảo quản dùng dần. Phương pháp bào chế này được ghi trong sách “Phương Pháp Bào Chế Đông Dược”.
  • Cách 3: Lấy hạt khiếm thực phơi khô rồi sau đó chưng cho chín, loại bỏ vỏ hạt, giữ lấy phần nhân rồi tán thành bột. Phương pháp này được ghi trong sách “Trung Quốc Dược học Đại từ điển”.

Thành phần hóa học

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra trong dược liệu Khiếm thực có chứa các thành phần hóa học chính như sau:

  • Protid
  • Lipid,
  • Calcium,
  • Phosphor,
  • Thiamine,
  • Nicotinic acid,
  • Vitamin C,
  • Carotene
  • Tinh bột…

TÁC DỤNG CỦA KHIẾM THỰC

Khiếm thực là loại dược liệu dùng trong Đông Y. Nhìn chung, vị thuốc khiếm thực là loại dược liệu có tính bình; vị ngọt hơi chát; công dụng bổ tỳ, ích thận, cố tinh.  Tuy nhiên, trong nhiều sách cổ của y học Trung Hoa, dược liệu Khiếm thực được ghi chép lại có một số tính chất khác nhau, người viết xin được nêu ra đây để bạn đọc tham khảo và so sánh:

Tính vị

  • Trong sách Bản Kinh: vị ngọt sáp, tính bình, không có độc
  • Trong sách Dược phẩm Hóa Nghĩa: vị ngọt, dùng khô thì ấm, dùng tươi thì mát.
  • Trong sách Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển: vị ngọt, tính sáp, khí bình, không độc.
  • Trong sách Đông Dược Học Thiết Yếu: vị ngọt, sáp, tính bình.

Quy kinh

  • Trong sách Dược Phẩm Hóa Nghĩa: quy vào các kinh Can, Tỳ, Vị
  • Trong sách Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải: quy vào các kinh Tâm, Thận, Tỳ, Vị.
  • Trong sách: Trung Dược Học: quy vào 2 kinh Tỳ, Thận.
  • Trong sách Đông Dược Học Thiết Yếu: quy vào kinh Tâm, Thận.

Công dụng

  • Trong sách Bản Kinh có ghi:  Bổ trung, ích tinh khí, cường chí, làm sáng mắt, làm tai nghe rõ.
  • Trong sách Bản Thảo Cầu Chân có ghi: Lợi thấp, cố Thận, bế khí
  • Trong sách Trung Dược Học có ghi: Kiện Tỳ, chỉ tả, ích Thận, bế khí, trừ thấp.
  • Trong sách Đông Dược Học Thiết Yếu có ghi: Bổ Tỳ, Thận, bền tinh tủy. Trị đái hạ, Di tinh, tiểu nhiều, lưng đau, gối mỏi.
  • Trong sách Bản Thảo Cương Mục có ghi: Chỉ khát, ích Thận.

Dùng trị các bệnh

Trong Đông y, dược liệu Khiếm thực được sử dụng để chữa trị các bệnh sau đây:

  • Làm thuốc bổ an thần cho người già, thận yếu, lưng đau, mắc chứng tiểu đêm.
  • Chữa di tinh
  • Chữa tiêu hóa kém, tiêu chảy
  • Chữa khí hư huyết trắng…
Hạt khiếm thực
Hạt khiếm thực được ví là nhân sâm trong nước

CÁCH DÙNG HẠT KHIẾM THỰC

Vịt thuốc Khiếm thực được các thầy thuốc Đông y dùng làm thuốc theo nhiều cách khác nhau tùy vào mục đích sử dụng:

  • Dùng tươi
  • Sấy khô sắc lấy nước
  • Sấy khô, sao vàng tán bột mịn làm viên hoàn
  • Có thể dùng Khiếm thực độc vị hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác để trị bệnh.

Lưu ý khi dùng:

  • Không nên lạm dụng hạt Khiếm thực. Theo cảnh báo của các thầy thuốc Đông Y, nếu  ăn nhiều Khiếm Thực sẽ làm cho tiêu hóa khó.
  • Không dùng hạt Khiếm thực cho người bị táo bón, tiểu tiện không thông.
  • Những thông tin về dược liệu Khiếm thực và những bài thuốc nêu chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc không được tự ý áp áp dụng.

MỘT SỐ BÀI THUỐC CHỮA BỆNH TỪ KHIẾM THỰC

➣ Bài 1: Chữa chứng hoạt tinh (gồm di tinh, tiết tinh…)

Trong sách Kim Tỏa Cố Tinh Hoàn – Y Phương Tập Giải có ghi bài thuốc này gồm các vị thuốc với liều lượng như sau: Khiếm thực (chưng) 80 gram, Liên tu 80 gram, Liên tử 80 gram, Long cốt 40 gram, Mẫu lệ 40 gram, Sa uyển tật lê 80 gram, Đem Liên tử tán thành bột mịn để riêng, rồi nấu thành hồ. Các vị còn lại trộn đều rồi tán bột mịn, đem hồ Liên tử trộn với bột này làm thành viên hoàn.

Cách dùng: Mỗi ngày dùng khoảng từ 16 gram đến Ngày uống 16 – 20g

➣ Bài 2: Trị mộng tinh, hoạt tinh

Trong sách Ngọc Tỏa Đơn – Lỗ Phủ Cấm phương có ghi bài thuốc này gồm các vị thuốc sau đây: Kê đầu nhục (tức Khiếm thực) 60 gram, Liên hoa nhụy 30 gram, Long cốt 60 gram, Ô mai nhục 60 gram. Đem các vị thuốc trên tán bột. Sau đó lấy thêm Sơn dược chưng chín, bỏ vỏ, rồi nghiền nát như cao trộn với bột thuốc mà vo viên lại mỗi viên to chừng bằng hạt đỗ đen.

Cách dùng: Mỗi lần uống 30 viên chiêu với nước cơm, dùng khi đói bụng.

➣ Bài 3: Chữa bệnh di tinh bạch trọc

Trong sách Thủy Lục Nhị Tiên Đơn -Thông Hành có ghi bài thuốc này gồm các vị thuốc Khiếm thực, Kim anh tử. Lấy Khiếm thực giã nát sau đó phơi khô, tán thành bột mịn trộn với cao Kim anh tử làm thành viên hoàn.

Cách dùng: Ngày uống khoảng 8 gram đến 12 gram.

➣ Bài 4: Chữa tiểu đêm, lưng đau, gối mỏi, ăn uống kém ở người già

Gồm các vị thuốc: Khiếm thực lượng vừa phải, Phá cố chỉ 6gram, Ích trí nhân 6 gram. Trước tiên lấy Khiếm thực sao vàng rồi tán bột mịn. Phá cố chỉ và Ích trí nhân đem sắc nước uống.

Cách dùng: Dùng ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 8 gram bột Khiếm thực uống cùng nước sắc Phá cố chỉ, Ích nhân.

➣ Bài 5: Chữa thần kinh suy nhược, viêm ruột mạn tính

Lấy2 vị thuốc Khiếm thực và Kim anh tử lượng bằng nhau. Đem 2 vị này trộn đều rồi tán nhỏ, thêm mật ong rừng tự nhiên trộn làm viên hoàn.

Cách dùng: Ngày uống 2 -3 lần, mỗi lần khoảng 4 gram.

➣ Bài 6: Chữa bệnh viêm phế quản, hư suyễn ở người già

Gồm các vị thuốc với liều lượng như sau: Khiếm thực 50 gram, Táo nhân 10 gram, cùi Hồ đào 10 gram, Gạo tẻ 100 gram.

Cách làm: Đem Khiếm thực đập dập, Hồ đào nghiền cả vỏ.  Đem các vị thuốc nêu trên vào nấu cháo như bình thường. Khi chín thì thêm đường phèn cho ngọt.

Cách dùng: Ăn như ăn cháo, chia ngày 2 lần.

➣ Bài 7: Chữa chứng thận hư, khí nhược, tiểu tiện đục

Gồm các vị thuốc với liều lượng như sau: Khiếm thực 15 gram, Phục linh 10 gram, Gạo tẻ vừa đủ.

Cách làm: Đem các vị Khiếm thực, Phục linh giã nát, rồi sắc với nước trước cho mềm sau đó cho gạo vào nấu thành cháo.

Cách dùng: Ăn như ăn cháo, duy trì từ 5 đến 7 ngày.

➣ Bài 8: Chữa chứng mộng tinh, mất ngủ

Gồm các vị thuốc với liều lượng như sau: Khiếm thực 10 gram, Hạt sen 40 gram, Phục thần 20 gram. Đem các vị trên đun lửa nhỏ đến khi mềm thì thêm đường kính, bỏ bã phục thần. Lọc lấy nước uống đồng thờis ăn Hạt sen và Khiếm thực.

➣ Bài 9: Chữa thận hư, di tinh, đái dầm, tỳ hư, đại tiện lỏng

Gồm các vị với liều lượng như sau: Khiếm thực 20 gram, hạt Kim anh 15 gram, Gạo lứt 100 gram, Đường phèn vừa đủ. Lấy hạt Kim anh bỏ nhân rồi cho thêm Khiếm thực sắc lấy nước bỏ bã; tiếp tục cho Gạo lứt vào nấu cháo cùng nước sắc này đến khi chín nhừ thì thêm đường phèn vừa ăn. Dùng trong ngày.

➣ Bài 10: Chữa khí hư, thận hư, tiểu tiện không thể tự chủ

Tìm lấy Khiếm thực 30 gram, Ngân hạnh 10 gram, Gạo nếp 30 gram. Đem tất cả nấu cháo. Ăn ngày 1 lần. Duy trì 1 liệu trình khoảng 7 đến 10 ngày.

➣ Bài 11: Chữa các chứng tỳ hư bất vận, tiêu chảy lâu ngày không dứt, ăn uống kém, cơ thể mệt mỏi

Gồm các vị thuốc với liều lượng như sau: Khiếm thực 30 gram, Biển đậu 30 gram, Liên nhục 30 gram, Phục linh 30 gram, Bạch truật 30 gram, Sơn dược 30 gram, Nhân sâm 8 gram, hạt Ý dĩ 30 gram. Đem tất cả  các vị trên tán thành bột mịn,. Dùng ngày khoảng 2-3 lần, mỗi lần 6 gram pha với nước sôi thêm chút đường cho dễ uống.

GIÁ BÁN KHIẾM THỰC BAO NHIÊU?

Hiện nay, tại thị trường Việt Nam giá bán hạt Khiếm thực giao động từ 380.000đ đến 500.000đ cho 1kg. Tùy thuộc vào chất lượng, độ to nhỏ của hạt Khiếm thực.

Chẳng hạn như cơ sở cung cấp Khiếm thực tại địa chỉ Thảo dược Sinh Phương (địa chỉ tại số 226A Ngô Quyền, P.La Khê, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) giá 500.000đ/kg.

Hay chuỗi cửa hàng dược liệu của Công ty Cổ phần Đông y Trường Xuân bán dược liệu Khiếm thực giá 110.000đ/250gram.

Vậy ở đâu bán khiếm thực?

Bạn có thể mua dược liệu Khiếm thực tại các cửa hàng, nhà thuốc Đông dược, Nam dược trên toàn quốc. Có nhiều nhà thuốc Đông dược uy tín lâu năm đã mở bán loại dược liệu này online, bạn có thể dễ dàng đặt mua mà không cần đến trực tiếp. Tuy nhiên, trước khi đặt mua, bạn cần tìm hiểu rõ thương hiệu Nhà thuốc, nguồn gốc, tình trạng của sản phẩm và giá cả, tránh đặt mua ở những địa chỉ đăng bán dược liệu giá rẻ nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Hạt khiếm thực: Tác dụng, cách dùng, giá bán

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.11981 sec| 1661.602 kb