La hán quả: công dụng, cách dùng, giá bao nhiêu?

- Dược liệu
La hán quả: công dụng, cách dùng, giá bao nhiêu?

Loại quả này được người dân nấu nước uống giải khát hàng ngày bởi nó có vị ngọt, tính mát, mùi thơm dịu nhẹ

La hán quả là loại dược liệu được sử dụng làm vị thuốc trong Đông  y..  Vậy cách nấu nước la hán quả thế nào? Uống nhiều nước la hán quả có tốt không? Giá bán la hán quả bao nhiêu? Cùng đọc bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về la hán quả. 

I./TÊN GỌI

Tên tiếng Việt: La hán, Giả khổ qua…

Tên khoa học: Momordica grosvenori Swingle

Họ: Cucurbitaceae (tức họ Bí)

la-han-qua-xanh

Hình ảnh La hán quả

II./MÔ TẢ HÌNH DẠNG CÂY LA HÁN

Cây la hán là loại dây leo, cây này sống cạnh một cây thân chủ. Nếu nhìn qua, cây La hán khá giống cây Chanh leo. Chiều cao của dây leo khoảng từ 1m đến 3m, đôi khi cao hơn. Từ thân cây mọc ra các tua rua giúp thân cây leo lên cây thân chủ để đón ánh nắng mặt trời.

Lá la hán là các phiến hình trái tim. Chiều dài trung bình của mỗi phiến lá khoảng chừng 10cm, chiều rộng trung bình khoảng chừng 3 cm. Cuống lá dài khoảng 4cm. Hai mặt lá màu xanh lục, mặt dưới nổi rõ hệ thống gân hình mạng.

Hoa của cây la hán mọc ra từ các nách lá, thành từng chùm. Mỗi chùm hoa la hán thường có từ 2 đến 3 bông. Mỗi bông hoa có màu vàng nhạt, dài chừng 3 cm.

Quả la hán tròn xoe, tựa hình cầu. Mỗi quả có đường kính trung bình khoảng từ 5cm đến 8cm, tùy theo độ to nhỏ. Quả la hán khi còn non có màu xanh lá mạ, khi già màu lục sẫm, sau khi phơi hoặc sấy khô sẽ đổi sang màu nâu hoặc màu cánh gián. Phủ bên ngoài quả là một lớp lông nhung mỏng và đôi khi có những sọc dọc sẫm màu. Vỏ quả khá giòn, dễ dàng dùng tay bẻ quả ra làm đôi. Bên trong quả có lớp thịt mỏng màu vàng trắng, chất xốp nhẹ, mặt trong của lớp vỏ thể hiện 10 sọc dài màu nâu.

Hạt la hán có dạng hình tròn, vỏ hạt màu nâu, phần rìa khá dày, lõm ở giữa. Bên trong hạt chứa 2 lá mầm, nếm thấy vị ngọt thanh.

Người dân thường chọn những quả la hán lớn, tròn xoe, lớp vỏ ngoài cứng chắc màu vàng nâu sáng bóng, lắc bên tai không nghe tiếng kêu  là loại tốt để dùng làm thuốc trị bệnh.

 III./ĐỊA BÀN PHÂN BỐ

Cây la hán có nhiều ở phía Nam nước Trung Quốc và phía Bắc nước Thái Lan. Tại Trung Quốc, các vùng Quảng Tây, Quế Lâm nổi tiếng là nơi trồng la hán tốt nhất thế giới.

Loài cây này chưa thấy được trồng tại Việt Nam.

IV./THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Các nhà khoa học đã tìm thấy các thành phần hóa học chính trong quả la hán bao gồm:

  • Đường: chiếm tỷ lệ khoảng 25 – 38%. Trong đó khoảng 10 – 18% fructose và 5 – 15% glucose
  • Saponin tritecpen,
  • Chất nhầy (D-mannitol),
  • Ngoài ra còn có protein, vitamin C và nhiều nguyên tố vi lượng như Mn, Fe, Zn, Se, Iốt….

V./TÁC DỤNG CỦA LA HÁN QUẢ

1./Theo nghiên cứu khoa học

Các nghiên cứu khoa học về quả la hán đã chỉ ra trong loại quả này có các saponin tritecpen. Đây là các chất có vị ngọt rất đậm, phù hợp để sử dụng cho người mắc bệnh đái tháo đường.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy la hán quả có tác dụng phòng chống ung thư, kháng khuẩn, chống viêm, và ức chế quá  trình lão hóa trong cơ thể người.

Ngày nay, một số các chế phẩm từ Tây y dùng chữa viêm thanh khí quản, viêm họng, chữa ho long đờm có thành phần là La hán quả.

2./Theo y học cổ truyền phương Đông

La hán quả được sử dụng trong Đông y như một loại dược liệu. Theo Đông y, dược liệu la hán quả có những tính chất sau đây:

  • Vị: ngọt
  • Tính: mát
  • Quy vào các kinh: Phế, Đại tràng
  • Tác dụng: Thanh nhiệt, nhuận phế, nhuận tràng, thông tiện.
  • Dùng để chữa các chứng bệnh: Cảm sốt, viêm khí quản, ho gà, lao phổi, viêm họng, mất tiếng, ho có nhiều đờm, táo bón, tiểu đường.
  • Liều dùng: 9 gram đến 15gram cho một người trong ngày.
  • Cách dùng: Sắc nước hoặc hãm uống.

2.1/Quả la hán đối với người mắc bệnh tiểu đường

Quả la hán có vị ngọt tự nhiên, nên nhân dân thường nấu nước la hán kết hợp với một số thảo mộc khác để làm nước giải khát. Thực vậy, lượng đường tự nhiên trong la hán quả có thể thay thế cho một số loại đường nhân tạo và các loại nước ngọt. Điều này có ý nghĩa đối với bệnh nhân mắc chứng tiểu đường. Hơn nữa, mặc dù la hán quả có vị ngọt nhưng lại chứa rất ít chất béo, thậm chí là vô cùng thấp so với các loại thực phẩm hàng ngày. Cho nên một số chuyên gia dinh dưỡng thường đề cập tới quả la hán như một loại thảo dược tốt cho người béo phì thừa cân và bệnh nhân tiểu đường nhằm mục đích giảm các thực phẩm chứa đường nhân tạo.

Trong một số tài liệu y dược cổ phương Đông, La hán quả còn được sử dụng như một vi thuốc quan trọng trong điều trị chứng đái đường. Nếu người mắc chứng tiểu đường dùng thường xuyên nước uống từ la hán quả sẽ có tác dụng đưa lượng đường trong máu về mức cân bằng, kích thích cơ thể sản sinh insulin nhiều hơn, giảm biến chứng do căn bệnh nguy hiểm này gây ra.

2.2./ Quả la hán đối với phụ nữ mang thai

La hán quả có thể dùng cho phụ nữ đang mang thai. Loại quả này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp bà bầu ngăn ngừa một số bệnh trong quá trình mang thai như  viêm họng, viêm amidan, hen suyễn, táo bón,…

Tuy nhiên, khi sử dụng la hán quả cho người đang mang thai cần lưu ý một số điểm sau:

Chỉ dùng cho bà bầu đã qua giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ.

Đối với những bà bầu có cơ địa mẫn cảm, bị đau dạ dày không nên sử dụng la hán quả.

VI./CÁCH NẤU NƯỚC LA HÁN QUẢ

Vài năm gần đây, nước la hán quả đã nổi lên như một thứ nước giải khát có tác dụng giảm cân, hạ nhiệt, giải độc, phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Vậy bạn đã biết cách nấu nước la hán quả đúng cách? 1 quả la hán dùng với bao nhiêu nước thì phù hợp? Sau đây là cách nấu nước la hán quả:

  • Nguyên liệu: 1 quả la hán, 1,5 lít nước
  • Thực hiện: Lấy 1 quả la hán lớn tròn, bên ngoài màu vàng nâu sáng bóng có phủ lớp lông nhung, lắc quả bên tai không nghe thấy tiếng động. Đem quả la hán này đi rửa sạch, loại bỏ hết lớp lông bên ngoài. Tiếp theo cần bổ quả la hán làm đôi hoặc làm tư, phần ruột bên trong màu vàng nâu, hơi dính là loại tốt, nếu bị khô hoặc mối mọt thì bỏ đi, chọn quả khác. Đun sôi 1,5 lít nước sạch rồi cho la hán quả vào. Tiếp tục đun sôi khoảng từ 5 đến 10 phút nữa thì tắt bếp. Để nguội và sử dụng.

VII./UỐNG LA HÁN QUẢ NHIỀU CÓ TỐT KHÔNG?

Mặc dù la hán quả có tính mát, vị ngọt thanh, lại có tác dụng bổ phế nhuận tràng, tốt cho người bệnh tiểu đường nhưng không nên lạm dụng nước la hán thay cho nước lọc. Mỗi ngày chỉ dùng từ 1 đến 2 ly.

Ngoài ra, các thầy thuốc Đông y cũng đưa ra các khuyến cáo, những người có thể chất hư hàn, tay chân hay lạnh, nước da nhợt nhạt, đại tiện phân lỏng, lưỡi có rêu tráng thì không nên dùng nước la hán quả.

VIII./MỘT SỐ CÁCH SỬ DỤNG LA HÁN QUẢ KHÁC

1./Trà La hán quả kết hợp với Cúc hoa

Tìm lấy khoảng 2 -3 quả la hán tươi cùng với 25 gram Cúc hoa loại dùng pha trà. Đem la hán quả rửa sạch, loại bỏ phần lông nhung rồi bóp thành 8 phần. Đun sôi 1,5 lít nước lọc rồi thả la hán quả vào đun trong vòng nửa tiếng. Cuối cùng thêm Cúc hoa vào rồi đun thêm 15 phút nữa thì dừng.

Có thể dùng nóng hoặc để nguội thêm đá cho mát lạnh.

Trà la hán quả hoa cúc

Trà la hán quả hoa cúc

2./Rượu la hán quả

Nguyên liệu: Lấy khoảng 10 trái la hán khô cùng với 4 lít rượu tráng 45 độ.

Cách ngâm:  Đem la hán quả rửa sạch rồi lấy phần thịt bên trong cho vào bình thủy tinh hoặc bình sành sứ, đổ ngập rượu, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Rượu này phải ngâm trong vòng 9 tháng mới có thể sử dụng.

Cách dùng: mỗi ngày dùng từ 1 đến 2 chén nhỏ sau bữa ăn.

3./Nước la hán hạnh nhân

Nguyên liệu: La hán 1 quả, Hạnh nhân 10 gram.

Cách làm: Đem La hán quả bóp nát vụn rồi sắc cùng Hạn nhân lấy nước. Hoặc có thể hãm với nước sôi trong bình giữ nhiệt.

Cách dùng: Ngày uống 1 thang, chia làm nhiều lần trong ngày.

Tác dụng: Tốt cho người đang mắc chứng cảm mạo gây ho có đờm, người bị viêm phế khí quản.

4./ Nước la hán mứt hồng

Nguyên liệu: La hán quả 1 quả, Mứt hồng 1 quả.

Cách làm: Đem nghiền vụn La hán quả rồi cho vào nồi, thêm mứt hồng và đổ ngập nước. Đun sôi khoảng 30 phút thì ngừng.

Cách dùng: Ngày sắc 1 thang, lấy nước uống trong ngày.

Tác dụng:  Tốt cho người bị dị ứng cơ địa, ho gà

5./ Nước La hán quả kết hợp Bàng đại hải

Nguyên liệu: La hán 1 quả , Bàng đại hải 2 – 3 hạt.

Cách làm: Đe La hán quả nghiền nat rồi cho vào sắc kỹ cùng bàng đại hải.

Cách dùng: Ngày sắc 1 lần lấy nước uống trong ngày.

Tác dụng: Trị đại tiện táo kết, đường ruột táo nhiệt.

6./Canh La hán quả với thịt lợn nạc

Nguyên liệu: La hán quả 50 gram, thịt lợn nạc 100gram.

Cách làm: Đem La hán quả thái lát rồi đem cho vào nồi thêm nước đun sôi khoảng 20 phút. Sau đó cho thêm thịt nạc đã sơ chế sạch, thái lát vào nấu canh. Nêm gia vị vừa ăn. Ăn cùng cơm trong ngày.

Tác dụng: Hỗ trợ điều trị bệnh lao.

IX./LA HÁN QUẢ GIÁ BAO NHIÊU?

Tại Việt Nam, La hán quả chủ yếu là nhập ngoại từ Trung Quốc, một phần nhập khẩu từ Thái Lan. Giá bán La hán quả trong khoảng 1 năm trở lại đây khá đắt do bệnh dịch Covid hành hoành, nguồn nhập hàng bị hạn chế.

Qua khảo sát của người viết, La hán quả được bán với mức giá từ 280.000đ đến 500.000đ cho mỗi kg. Có mức giá khác nhau này bởi sự phân loại trong kích cỡ La hán quả. Loại càng to, tròn, căng bóng thì càng đắt giá, các loại nhỏ, màu nâu xỉn thì giá thấp hơn.

Để mua được La hán quả loại chất lượng tốt, bạn đọc cần lưu ý một số mẹo chọn quả như sau: Quả to, hình cầu, bề ngoài có màu nâu sáng bóng, ngửi thấy mùi thơm nhẹ, nếu bóp nát thì lộ ra phần thịt bên trong màu vàng nâu, hơi dính. Ngược lại, quả nhỏ, vỏ nâu xỉn, bên trong khô mốc là loại xấu, không nên sử dụng.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về La hán quả: công dụng, cách dùng, giá bao nhiêu?

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.17896 sec| 1636.883 kb