Rau sam: Công dụng và những công dụng tuyệt vời

- Dược liệu
Rau sam: Công dụng và những công dụng tuyệt vời

Có lẽ ai cũng biết đến rau sam là một loại rau dại mọc nơi có đất ẩm như bờ ruộng, lối mòn ven sông, suối . Nhưng không phải ai cũng biết tới tác dụng dụng thanh nhiệt, giải độc, khử phong của loài rau này. Hãy cùng tìm hiểu công dụng và những cách sử dụng hiệu quả từ rau sam.

  • Tên Tiếng Việt: Rau sam/ trường thọ thái/mã xỉ thái…
  • Tên khoa học: Portulaca oleracea
  • Họ khoa học: Portulaca ceae

Giới thiệu về cây rau sam

Đặc điểm thực vật

Trước khi tìm hiểu rau sam có tác dụng gì, ta cần nhận biết chính xác những đặc điểm thực vật của cây rau sam. Vậy rau sam là rau gì, phân bố ở đâu?

Thường thấy hình ảnh cây rau sam mọc thành cụm, lan tỏa trên mặt đất. Thân cây là thân thảo, rất mềm, chứa nhiều nước, bề ngoài có màu hồng tía, nhẵn bóng. Từ thân chính, phân ra rất nhiều nhánh nhỏ có khi vươn dài tới hơn 20cm. Lá rau sam nhỏ, vươn ra nhiều từ phần ngọn của các nhánh. Lá có hình giọt nước, bóng, nhẵn, sờ vào không cảm nhận thấy lông tơ. Mặt trên lá hướng ánh sáng có màu đỏ tía, mặt dưới phía giáp mặt đất có màu xanh nhạt pha bạc.

Cây rau sam có thân màu tía, hoa vàng nở rộ lúc sáng sớm nhiều nắng

Hoa rau sam màu vàng tươi, 5 cánh mỏng trổ ra từ tâm các ngọn nhánh. Hoa nở suốt từ mùa xuân cho tới mùa thu, nhưng vòng đời của hoa rất ngắn, nó chỉ nở và tồn tại lúc nắng sớm mai, sau vài tiếng sẽ héo. Hoa kết quả có hình tựa như hạt đậu nhỏ. Cắt ngang quả sau sam, nhận thấy phía trong có nhiều hạt đen, nhỏ li ti. Rau sam có hệ rễ bao gồm rễ chính và các rễ nhỏ bao quanh giúp cây vươn ra, bò sát trên mặt đất.

Phân bố

Rau sam có nguồn gốc xuất phát từ Ấn Độ và các nước Trung Đông, sau này phát tán rất nhanh trên thế giới như các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Nhật…

Tại Việt Nam, rau sam hầu như thấy ở tất cả các vùng miền. Nó ưa nơi đất ẩm nhưng lại cũng có khả năng chịu hạn. Tìm thấy nhiều ở nơi đất ẩm như ven bờ ruộng, nơi đường mòn quanh sông, suối,…

Cách trồng rau sam: người dân thường lấy nhánh cây giâm vào nơi đất ẩm. Cây phát triển từ thân, cành rất nhanh nhưng để phát tán rộng cần đến hạt.

Cách thu hái và chế biến dược liệu

Bộ phận thu hái:

Trừ phần rễ, còn lại tất cả thân lá, cành cây rau sam đều có thể làm dược liệu. Người làm thuốc thường thu hái rau sam từ mùa hè đến mùa thu.

Các chế biến: 

dựa vào cách dùng làm thuốc, phân ra 2 cách chế biến để làm dược liệu:

  • Dùng tươi: rau sam nhổ cả cây, loại bỏ phần rễ, rửa sạch, trần qua nước sôi. Sau đó giã nhuyễn, lọc lấy nước sử dụng làm thuốc
  • Dùng khô: Sau khi thu hái, rau sam được người dân rửa sạch, loại bỏ phần rễ, trần qua nước sôi rồi đem phơi khô. Bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc.

Thành phần hóa học

Các nhà khoa học đã tìm thấy trong rau sam có rất nhiều các thành phần hóa học mang lại lợi ích cho cơ thể con người.

  • Trước hết cần biết đến các axít béo omega-3 có trong rau sam nhiều hơn hẳn các loại rau ăn lá khác. Đặc biệt, rau sam là một trong số ít các loài rau dại có chứa EPA omega-3 chuỗi dài.
  • Có rất nhiều vitamin C, vitamin B và các carotenoit trong rau sam.
  • Ngoài ra còn tìm thấy nhiều khoáng chất như  magiê, sắt, canxi, kẽm, đồng.
  • Riêng trong thân cây rau sam màu hồng tía và hoa, lá màu vàng được các nhà khoa học phát hiện ra 2  chất betalain ancaloit: betacyanin màu hồng và betaxanthin màu vàng.

Công dụng của rau sam

Trước hết phải nói đến rau sam được sử dụng như một món rau ăn hàng ngày. Trên thế giới, nhiều nơi sử dụng rau sam cho bữa ăn với các cách khác nhau như luộc, nấu hay dùng tươi để trộn salad. Thi thoảng, nó cũng được nấu súp hoặc hầm. Hạt của cây rau sam còn được sử dụng để làm một loại bánh mì theo công thức của người thổ dân nước Úc. Trong y học cổ đại Hy Lạp, câu rau sam dùng trị táo bón và những căn bệnh viêm nhiễm hệ bài tiết.

Hạt cây rau sam được thổ dân nước Úc sử dụng làm bánh mì

 

Trong y học hiện đại

Dựa vào thành phần hóa học trong rau sam, các nhà y học hiện đại đã đưa ra công dụng tuyệt vời của loài rau dại này:

  • Nhờ lượng omega 3 có trong cây rau sam, loài cây này được sử dụng như một món ăn bài thuốc để giảm cholesterol, bảo vệ mạch máu
  • Có khả năng ngăn chặn sự phát triển của các khối u nhờ các khoáng chất tìm thấy trong rau sam như kẽm, đồng, magie, mamgan.
  • Có khả năng chống oxy hóa và  đột biến gen nhờ các ancaloit được tìm thấy trong thân, lá và hoa rau sam…

Trong y học cổ truyền

Rau sam là một vị thuốc Đông y. Rau sam có vị chua, hơi mặn, tính hàn, lành tính. Quy vào 3 kinh: Tâm, tỳ, can. Công dụng chung của rau sam là thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu giảm đau. Bên trong chữa: nóng trong, tiêu hóa kém, các bệnh về tiết niệu, kiết lỵ, trị giun sán; Bên ngoài trị mụn nhọt, lở loét.

Một số bài thuốc y học cổ truyền từ rau sam:

  • Bài 1 dùng rau sam tươi tẩy giun kim, giun đũa: hái 50gr rau sam tươi, bỏ rễ, rửa sạch, ngâm trong nước muối ấm. Để rau sam ráo nước rồi cho vào cối giã hoặc xay, lọc lấy nước, bỏ bã. Uống thứ nước này vào buổi sáng lúc mới thức dậy, bụng còn rỗng hoặc buổi tối khuya trước kh đi ngủ. Uống liên tục trong 4 ngày. 
  • Bài 2 rau sam, cỏ sữa chữa kiết lỵ: rau sam có tính kháng khuẩn đối với khuẩn lỵ, Ecoli, thương hàn. Để chữa bệnh kiết lỵ, lấy rau sam, cỏ sữa mỗi loại 1 lạng (nếu người bệnh đi ngoài ra máu thì thêm 20gr nhọ nồi), rửa sạch rồi đun với 0,4l nước. Cô đặc thành 0,1l nước. Chia ra thành 2 phần, mỗi phần 50ml uống 2 lần trong ngày. 
  • Bài 3 rau sam trị mụn bọc có mủ: Nếu trên thân thể bạn xuất hiện các mụn bọc nông, mưng mủ, đầu mụn hơi trắng, sưng tấy đỏ, đau. Có thể lấy 30gr rau sam, rửa sạch, ngâm trong nước muối cho sạch rồi vẩy khô nước, giã nát. Lấy phần rau sam đã giã nát đem bọc vào gạc sạch, đắp lên phần mụn ngày 2 lần. Có tác dụng giảm sưng, kháng khuẩn. Sau 2 ngày thì mụn sẽ “chín trắng”, đẩy mủ ra ngoài.

Chú ý không sử dụng phương pháp này cho mụn sâu, vết thương hở, không áp dụng cho vùng da mắt, các bộ phận sinh dục.

Những lưu ý khi dùng rau sam:

  • Nếu dùng rau sam như món ăn hàng ngày thì không nên đun nấu quá kỹ bởi rau sam chứa nhiều nước, rất mềm, nếu nấu lâu sẽ mất chất

  • Người đang mang thai hoặc có dấu hiệu mang thai bởi trong rau sam có một số chất ảnh hưởng tới bào thai
  •  Người đang bị tiêu chảy nếu sử dụng rau sam cần phải phối hợp với các vị thuốc có tính vị cay, ấm.
  • Người bị sỏi thận không nên dùng rau sam

Không sử dụng rau sam để trị chứng bệnh Tay chân miệng tại nhà. Những năm gần đây, khi dịch Tay chân miệng bùng phát, có rất nhiều người truyền tai nhau bài thuốc trị Tay chân miệng từ cây rau sam mà không cần đi bệnh viện. Lý giải việc này, báo Pháp Luật, TP.HCM, đã đưa ra ý kiến của TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM: hiện chưa có thuốc ngừa, chữa bệnh Tay chân miệng. Bệnh tự khỏi sau 7 -10 ngày nếu được thăm khám và chăm sóc đúng cách. Cây rau sam có tính thanh nhiệt, giải độc, kháng khuẩn nên cho rằng rau sam có thể chữa khỏi bệnh nhưng không đúng. Rau sam chỉ có thể giảm các triệu chứng như mụn nước, đau, nóng… mà không chữa dứt điểm chứng tay chân miệng. Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị một cách an toàn.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Rau sam: Công dụng và những công dụng tuyệt vời

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.17004 sec| 1653.727 kb