I.TÊN GỌI
- Tên tiếng Việt: Tam phỏng, xoan leo, tầm phỏng…
- Tên khoa học: Cardiospermum halicacabum
- Họ khoa học: Sapindaceae (tức Bồ hòn)
II.MÔ TẢ HÌNH ẢNH CÂY TAM PHỎNG
Cây tam phỏng được dân gian gọi với tên là cây xoan leo. Đây là loài cây thân thảo, dây leo. Cây thường leo cao tới 2m. Thường thấy trong các bãi hoang, mọc xen lẫn với các cây cỏ dại, bám vào cây thân chủ mà leo lên.
Hình ảnh cây tam phỏng (tức cây xoan leo)
Hình ảnh cây tam phỏng tựa như cây mướp đắng dây leo. Thân cây là dây leo mảnh, mềm, có các khía dọc quanh thân. Từ thân nhánh phân ra các nhánh mỏng. Lá cây tam phỏng là loại lá kép, mỗi lá được tảo bởi 3 lá chét. Đầu lá nhọn, mép lá hình răng cưa. Nếu dùng tay vò lá tươi sẽ cảm nhận thấy lá tiết ra dịch nhầy, hơi nhớt, nếm có vị hơi đắng, không có mùi hương.
- Cây tam phỏng trổ hoa thường kéo dài từ tháng Tư đến tháng Tám hàng năm. Hoa tam phỏng mầu trắng mọc từng chùm ở kẽ lá và cuống chung, bao gồm cả 2 tua cuốn mọc đối.
- Quả tam phỏng là quả nang, có dạng màng, tạo ra 3 ô tựa như quả lê hoặc hình chiếc đèn lồng. Quả tạo thành 3 khía phồng lên nơi đỉnh gân quả. Chính vì vậy mà được gọi với tên “Tam phỏng”. Bên trong quả tam phỏng chứa 3 hạt hình cầu trong 3 ô cách biệt, lớp áo bao bọc bên ngoài vỏ hạt màu vàng sáng, bên trong là hạt màu đen bóng.
Quả của cây xoan leo còn gọi là tam phỏng bởi quả có 3 phần phồng lên rõ rệt
II.BỘ PHẬN SỬ DỤNG
Toàn bộ cây tam phỏng có thể dùng làm thuốc. Người dân dùng liềm keo toàn bộ phần thân cành, và nhổ gốc lấy rễ, sau đó giũ sạch đất cát, bụi bẩn dính trên thân cây, sau đó phơi khô, có thể cắt khúc nhỏ. Bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc, tránh ánh sáng mặt trời.
III.TÁC DỤNG CHỮA BỆNH CỦA CÂY TAM PHỎNG
1. Trên thế giới
Tuy là loài cây hoang dã nhưng từ lâu, tam phỏng đã được con người sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Tại đất nước Ấn Độ, người dân nước này đã lấy cây tam phỏng để chữa trị rắn cắn, nên ở đây còn gọi cây tam phỏng với cái tên cây rắn cắn. Nhân dân Ấn Độ còn dùng cây tam phỏng để trị bệnh tê thấp, đau nhức tê bì tay chân, đau dây thần kinh, viêm tai giữa. Hay ở Campuchia, người dân một số vùn cũng dùng lá tươi của cây tam phỏng để đắp ngoài và trị một số bệnh ngoài da.
Ngày nay, các nhà khoa học đã tìm ra trong cây tam phỏng có chữa nhiều chất hóa học có lợi cho cơ thể con người. Các chất đó là saponin, quebraquitol, và tinh dầu. Ở Ấn Độ, các nhà khoa học đã chỉ ra cây tam phỏng có tác dụng bảo vệ gan, hỗ trợ bệnh nhân bị tiểu đường và cao huyết áp. Tại Đài Loan, các nhà nghiên cứu khoa học lại tìm ra tác dụng chống viêm, chống ô xy hóa của cây Tam phỏng.
2. Tại Việt Nam
a. Trong dân gian
Từ xa xưa, người dân vẫn lưu truyền bài thuốc chữa đau mắt đỏ bằng cây tam phỏng: Lấy thân, lá cây tam phỏng tươi rồi rửa sạch sau đó nấu nước xông hơi lên mắt, làm ngày 2 lần sẽ đỡ đau mắt đỏ. Trẻ em vùng nông thông cũng thường được các bà, các mẹ nấu nước tắm bằng thân lá cây tam phỏng tươi. Theo người dân, thứ nước tắm này có công dụng sát khuẩn, trị rôm xảy, mụn nhọt ngoài da.
b. Trong y học cổ truyền
Bên cạnh đó, ở Việt Nam, tam phỏng còn được sử dụng như một vị thuốc Đông y. Vị thuốc tam phỏng có vị đắng, hơi cay; tính mát; tác dụng tiêu thũng chỉ thũng, lương huyết giải độc và tiêu viêm. Các thầy thuốc Đông y thường dùng tam phỏng kết hợp với các vị khác để chữa các chứng bệnh sau đây:
- Sốt cao, cảm lạnh, ho
- Viêm đường tiết niệu, viêm thận
- Tiểu đường
- Huyết áp cao
- Tê thấp
- Các bệnh ngoài da: mụn nhọt, chốc lở, eczema.
- Các bệnh về gan
Cây tam phỏng được dùng làm thuốc Đông y dưới dạng sắc uống hoặc giã nát dùng bôi ngoài da, nấu nước tắm. Liều dùng mỗi ngày từ 6gram tới12gram với loại dược liệu khô sắc nước uống. Còn dùng ngoài da lấy lượng vừa phải.
c. Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây tam phỏng
- Bài 1: Trị tiểu đường
Tìm lấy cây tam phỏng tươi và râu ngô tươi mỗi loại 30gram. Rửa sạch rồi cho vào 3 bát nước sắc đến khi cô đặc còn 1 chén thì chắt ra sử dụng. Ngày uống làm 2 lần, mỗi lần 1 chén sau khi ăn cơm xong.
- Bài 2: Trị mẩn ngứa, rôm sảy, chốc lở
Lấy các vị tam phỏng tươi 100gr, kinh giới tươi 50gr cùng với 30gr lá khế chua tươi. Đem tất cả rửa sạch rồi cho vào nồi nước nấu, chế thêm 1 nhúm muối trắng. Đun sôi một lúc thì tắt bếp. Dùng nước này pha với nước sạch để tắm cho trẻ nhỏ hoặc người lớn sẽ nhanh chóng hết rôm sảy, ngứa ngáy, mụn nhọt ngoài da.
- Bài 3: Trị viêm đường tiết niệu
Lấy khoảng 15gram thân cành tam phỏng khô sắc nước cô đặc lại khoảng chừng 1 bát. Lọc lấy nước này pha thêm 1 thìa rượu trắng, uống ngày 1 -2 lần. Kiên trì sử dụng sẽ thuyên giảm các chứng viêm đường tiết niệu.
- Bài 4: Trị chứng đau nhức xương khớp
Lấy 30gram cây tam phỏng tươi, rửa sạch rồi để cho ráo nước. Đem đi ĩa nát rồi cho lên chảo xào với một nhúm muối hạt rồi bọc vào vải xô, đắp lên vùng bị đau nhức ngày 1-2 lần.
- Bài 5: Thanh nhiệt giải độc, giải rượu, bảo vệ chức năng gan
Lấy vị thuốc tam phỏng khô với lượng chừng 60gram đem đi nấu nước hoặc hãm trà uống hằng ngày.
Lưu ý: Cây tam phỏng là thảo mộc quý, có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên, chưa có các nghiên cứu sử dụng vị thuốc tam phỏng bằng đường uống dành cho phụ nữ có thai, người đang cho con bú và trẻ nhỏ. Bởi vậy cần phải vô cùng cẩn trọng khi sử dụng vị thảo mộc này cho các đối tượng trên.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm