Vị thuốc xuyên khung: Tác dụng, liều dùng và cơ chế hoạt động

- Dược liệu
Vị thuốc xuyên khung: Tác dụng, liều dùng và cơ chế hoạt động

Xuyên khung là loài thảo mộc có nguồn gốc từ Trung Hoa. Ngày nay, loài cây này đã được di thực, trồng rộng rãi tại Việt Nam. Củ xuyên khung được bào chế để làm thuốc trong Đông Y. Vậy xuyên khung có tác dụng gì, liều dùng bao nhiêu? Xin mời bạn tham khảo bài viết dưới đây. 

  • Tên tiếng Việt: Xuyên khung, Hương thảo, Đỗ khung…
  • Tên khoa học: Ligusticum wallichii Franch
  • Họ khoa học: Apiaceae (hoa tán)

Mô tả cây xuyên khung

Đây là loài cây thân thảo. Thân cây nhỏ, thẳng, bên ngoài có nhiều gân chạy dọc, bên trong rỗng.

Lá xuyên khung có hình dáng tựa như lá đinh lăng, mọc đối. Cuống lá tạo thành bẹ, dài tới hơn 10cm, có khi tới 17cm; các phiến lá xẻ sâu tựa lông chim, kép nhiều lần. Nếu chạm phải lá xuyên khung hoặc vò nát sẽ cảm nhận được mùi thơm bởi lá chứa nhiều tinh dầu. 

Cây xuyên khung được trồng tại Việt Nam

 Cây xuyên khung được trồng tại Việt Nam

Cây xuyên khung cho hoa nhỏ màu trắng, mọc thành tán, hoa có cuống ngắn. Quả xuyên khung có hình dạng tựa quả trứng nhỏ. Đây là loại quả bế, bên trong có 1 hạt. 

Củ và rễ cây xuyên khung vùi sâu trong lòng đất. Củ xuyên khung cầm rất chắc tay, bề ngoài đen, cắt ra thấy bên trong có màu trắng ngả vàng, đưa lên mũi ngửi thấy mùi thơm dễ chịu. 

Phân bố 

Trước tiên, xuyên khung được phát hiện tại những vùng núi cao, khí hậu lạnh mát của vùng Tây Bắc, Vân Nam, Trung Quốc. Hiện nay cây đã được di thực đi nhiều nơi trên thế giới. Trong đó có Ấn Độ, Nepal, Việt Nam…

Ở Việt Nam, xuyên khung có ở các tỉnh miền núi như Hà Giang, Lào Cai, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), được trồng nhiều ở Hưng Yên. 

Bộ phận sử dụng làm dược liệu

Sau khi trồng ít nhất 2 năm, thường vào mùa thu, cây xuyên khung cho rễ và củ để làm dược liệu. Củ xuyên khung làm thuốc cần đạt tiêu chuẩn củ lớn, vỏ màu nâu, trong màu trắng vàng, mùi thơm.

Củ xuyên khung dùng làm dược liệu 

Củ xuyên khung dùng làm dược liệu 

Để thành vị thuốc, cần chế biến xuyên khung đúng cách: Sau khi thu hái phải loại bỏ phần thân, rễ nhỏ → rửa sạch, để cho ráo nước → ủ 2-3 ngày cho củ mềm → thái lát mỏng phơi/sấy → bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc, tránh ánh sáng trực tiếp 

Liều dùng: Tùy theo chứng bệnh và thể tạng của bệnh nhân mà thầy thuốc Đông y cho lượng xuyên khung từ 4 đến 12g. Có 3 cách để sử dụng vị thuốc xuyên khung: Sắc nước, pha hãm, ngâm ướp

Thành phần hóa học

Trong củ xuyên khung có nhiều thành phần hóa học. Trong đó chủ yếu là alcaloid bay hơi và tinh dầu. Ngoài ra còn có một số hoạt chất khác: ligustilide, ferulic acid, senkyunolide …

Tác dụng và cơ chế hoạt động xuyên khung trong Đông Y

  • Tính vị: vị cay; tính ôn; quy kinh can, đởm và tâm bào. 
  • Tác dụng: hành khí hoạt huyết, khu phong táo thấp. 
  • Chủ trị: đau đầu, đau nhức xương khớp, các chứng bệnh liên quan đến kinh nguyệt như đau quặn bụng, bế kinh… 

Những món ăn bài thuốc từ xuyên khung

xuyên khung có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡn

Xuyên khung có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng

Ngày 10/10/2020, trên trang suckhoedoisong.vn TS Nguyễn Đức Quang đã chia sẻ một số món ăn có vị thuốc xuyên khung rất có lợi cho sức khỏe. Người viết xin đăng lại để bạn đọc có thể tham khảo.

  • Món cháo trị động thai, dọa sảy thai: xuyên khung 6gr, hoàng kỳ 16gr, gạo nếp loại ngon khoảng 50-100gr. Tất cả rửa sạch, đổ ngập nước, rồi ninh nhừ. Khi ăn thì loại bỏ bã thuốc. 
  • Món Xuyên khung tán chữa đau nửa đầu: Lấy vị thuốc xuyên khung mang đi tán bột cho mịn. Mỗi lần dùng 6gr xuyên khung hòa với rượu và nước đun sôi để nguội. 
  • Món Thịt lợn hầm xuyên khung bán hạ tốt cho người bị đau đầu do tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, mắc các chứng bệnh về mạch máu thần kinh: Lấy 2 vị xuyên khung, bán hạn chế, mỗi loại 12gr, thêm bạch biển đậu sao 20g. Rửa sạch, sắc trong lửa nhỏ cô đặc lấy nước ấy hầm với 60gr thịt lợn nạc đến khi nhừ, gia giảm vừa ăn. Mỗi ngày ăn món này 1 lần.

Những đối tượng không nên dùng xuyên khung

Xuyên khung là vị thuốc bắt nguồn từ Trung Hoa. Trong các văn bản y khoa cổ của nước này có ghi rõ vị thuốc xuyên khung và những đối tượng kiêng kỵ với xuyên khung:

  • Trong Bản thảo Kinh sơ có ghi: không dùng xuyên khung cho người mắc bệnh thượng thực hạ hư, nôn mửa, ho, mồ hôi trộm, miệng khô, phát khát, âm hư hỏa vượng, phiền táo
  • Trong Đắc phối bản thảo: Người có tỳ hư, hỏa uất, bụng đầy, ăn ít không dùng.
  • Trong sách Bản Thảo Tùng Lâm: xuyên khung không dùng khi người bệnh mắc chứng đờm suyễn, khí thăng.

Ngoài ra trong cuốn Phẫu Hối Tinh Ngĩa có chép dùng thuốc sắc xuyên khung dài ngày có thể làm mất chân khí. 

Tóm lại, xuyên khung có rất nhiều công dụng trị bệnh nhưng khi dùng cần cẩn trọng. Đặc biệt đối với người âm hư, hỏa vượng phải hết sức lưu ý. Bên trên có công thức món cháo trị dọa sảy thai do TS BS Nguyễn Đức Quang đưa ra nhưng khi sử dụng cần được sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ, không được tùy ý với người đang mang thai. Ngoài ra, trong Đông y, không dùng xuyên khung kết hợp với các vị Hoàn liên, Hoàng kỳ và Sơn thù du. 
 
 


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Vị thuốc xuyên khung: Tác dụng, liều dùng và cơ chế hoạt động

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.18237 sec| 1630.703 kb