Dầu giun - Cây thuốc trị bệnh - Đặc điểm, tác dụng, cách dùng

- Dược liệu
Dầu giun - Cây thuốc trị bệnh - Đặc điểm, tác dụng, cách dùng

Cây dầu giun là loại cây chủ yếu mọc hoang dại tại các vùng đất bồi phù sa ở Bắc Bộ. Ngay tên gọi của loài cây này cũng làm cho ta liên tưởng tới tác dụng của nó: tinh dầu trị bệnh giun. Với công dụng hữu ích của cây dầu giun, ngày nay ngoài những vùng có cây mọc hoang, nhân dân ta còn phát triển gieo trồng cây dầu giun thành vùng nguyên liệu rộng lớn để lấy cây chưng cất tinh dầu và làm thuốc trị bệnh. Cùng đọc bài viết dưới đây để biết thêm những thông tin về đặc điểm, tác dụng và cách dùng cây dầu giun trị bệnh.

Cây dầu giun
Hình ảnh cây dầu giun

TÊN GỌI

  • Tên tiếng Việt: Dầu giun, Muối dại, Cỏ hôi, Thanh hao đại, Thổ kinh giới…
  • Tên khoa học: Chenopodium ambrosioides L (Chenopodium anthelmintìcum A. Gray).
  • Họ khoa học: Chenopodiaceae (tức họ Rau muối)

Phân loại khoa học:

  • Giới (regnum): Plantae
  • Ngành (divisio): Tracheobionta
  • Lớp (class): Magnoliopsida
  • Bộ (ordo): Caryophyllales
  • Phân họ (subfamilia): Chenopodioideae
  • Chi (genus): Dysphania
  • Loài (species): D. ambrosioides

MÔ TẢ CÂY DẦU GIUN

Đặc điểm thực vật của cây

Dầu giun là một loại cây cỏ sống hằng năm, nhưng đôi khi cũng gặp những cây sống tới 2, 3 năm ở những vùng đất tốt, cao ráo. Chiều cao của thân cây khoảng từ 1m đến 1,5m, đôi khi cao hơn. Toàn bộ thân cây, vỏ, lá và hoa của cây dầu giun đều tỏa ra một mùi hăng đặc trưng mà ít loài thực vật nào có.

Lá cây dầu giun thường mọc cách. Cuống lá ngắn. Các phiến lá màu lục nhạt, dài và thon. Đầu lá nhọn. Mép lá xẻ răng cưa rất thưa, đôi khi không rõ rệt. Chiều dài của phiến lá khoảng chừng từ 35mm đến 75mm, rộng khoảng từ 13 mmm đến 25mm. Hai mặt lá được bao phủ một lớp lông mịn, nhiều ở phần gân lá và mặt dưới.

Các hoa mọc thành từng xim đơn ở nơi kẽ lá. Thường thấy ở giữa các chùm hoa là những bông đực hoặc lưỡng tính, bao xung quanh là những hoa cái nhỏ không có cuống. Mỗi bông hoa rất nhỏ, đường kính chỉ khoảng 1mm, bên trong có những bao hoa có cánh hình bầu dục, 5 nhị hoặc 3 nhị, bầu hoa hình bầu dục.

Quả dầu giun là những quả bế có màu lục nhạt hoặc màu nâu nhạt. Các quả này tựa như quả cầu nhỏ, đường kính chỉ khoảng chừng 1,5mm. Quả có cùi khá mỏng, bên ngoài được bao một lớp lá đài không rộng, bên trong có chứa một hạt rất nhỏ, hạt màu đen bóng. Quả dầu giun có mùi rất hắc.

Dầu giun
Hình ảnh quả và hoa cây dầu giun

Địa bàn phân bố

Trên thế giới, cây dầu giun thường mọc hoang dại ở các nước vùng nhiệt đới, ngoài ra có ở châu Âu (thấy nhiều ở vùng Địa Trung Hải).

Tại Việt Nam, cây dầu giun mọc khắp các vùng ở miền Bắc và miền Trung, tuy nhiên ở miền Bắc cây phát triển mạnh hơn. Cây dầu giun sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở loại đất phù sa bồi. Ở miền Bắc, cây dầu giun mọc hoang dại rất nhiều ở hai bên bờ sông Hồng, kéo dài từ tỉnh Vĩnh Phúc tới tỉnh Hà Nam, dọc theo bờ biển các tỉnh Thái bình, biển Đồ Sơn thuộc tỉnh Hải Phòng. Loài cây này sinh trưởng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7 hàng năm, mọc lan thành các bãi rộng mênh mông. Ngoài vùng đất phù sa ven sông, ở các vùng núi cao như Sa Pa (Lào Cai) hoặc Đà Lạt (Lâm Đồng) cây dầu giun mọc hoang cũng rất nhiều.

Đối với cây mọc hoang thì sẽ phát triển từ mùa xuân, đến giữa mùa hạ cây sẽ ra hoa kết quả. Sau đó đến mùa thu, quả chín già rồi bung hạt rụng xuống đất bị đất phù sa vùi lấp, đến mùa xuân năm sau lại đâm chồi nảy lộc.

Ngoài những cây dầu giun mọc tự nhiên, hiện nay cây dầu giun đang được gieo trồng ở nhiều nơi trong cả nước để lấy thân cành và hạt chưng cất tinh dầu, làm thuốc trị bệnh.

Bộ phận làm dược liệu

Sử dụng thân, cành, lá và hạt cây dầu giun để chưng cất tinh dầu và thuốc tẩy giun.

Thu hái

Cây dầu giun được người dân thu hái sau 6 tháng gieo trồng. Sau khi thu hái lần 1 thì 4 tháng sau đã có thể thu hái cành lá lần 2. Theo kinh nghiệm của dân gian thì nên cắt thân cành cây dầu giun khi cây có hoa nhưng quả chưa được chín, tiết trời khô ráo, tránh ngày mưa ẩm.

Thành phần hóa học

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về cây dầu giun, họ phát hiện trong cây dầu giun có nhiều chất hóa học. Trong số đó, chủ yếu là tinh dầu giun được sử dụng để trị bệnh. Loại tinh dầu này được chiết xuất từ lá, thân cành và hạt dầu giun. Hiệu suất tinh dầu từ hạt là khoảng từ 0,65% đến 1%; hiệu suất tinh dầu được chiết suất từ cây là khoảng 0,35%.

Tinh dầu của cây dầu giun có tính chất: mùi hăng, vị đắng và nóng, màu vàng nhạt. Trong tinh dầu này chứa 60-80% atcaridol (chất atcaridol là một peroxyt có nhân paraximen, chất này vô cùng dễ dàng bị phá hủy khi cất tinh dầu). Tinh dầu giun được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh phải chứa atcaridol trong khoảng 60% đến 80%.  Ngoài ra, trong tinh dầu giun có khoảng 20% p-cymen, l-limonen, d-camphor.

Rễ cây dầu giun chứa saponin.

Lá dầu giun chứa kaempferol-7-rhamnosid. Trong cả lá và hạt dầu giun chứa acid oxalic, acid citric, muối vô cơ và chenopodiosid B.

VỊ THUỐC DẦU GIUN

Tác dụng dược lý

Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã dùng cây dầu giun để trị giun sán, làm trà uống, làm thuốc lợi trung tiện.

Cây dầu giun được người dân chưng cất tinh dầu để trị bệnh giun đũa giun mó, tuy nhiên không dùng để tẩy giun kim và sán.

Lá cây dầu giun còn được sử dụng để đun nước uống nhằm điều trị đau dạ dày và chứng nuốt hơi ở trẻ bú mẹ.

Ngoài ra, lá cây dầu giun còn được sử dụng hãm trà uống trong ngày để chữa bệnh đau dây thần kinh.

Vị thuốc dầu giun
Vị thuốc dầu giun được sử dụng như thuốc trị giun

Độc tính có trong cây dầu giun

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học hiện đại đã chỉ ra độc tính ở tinh dầu giun. Với liều thấp, tinh dầu giun có khả năng làm suy tim, hạ huyết áp và làm hại đến nhịp thở đối với người có sức khỏe bình thường. Với liều cao, tinh dầu giun có tác dụng làm cho ống tiêu hóa bị xót, gây ra hiện tượng buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, lạnh các đầu ngón tay và ngón chân. Đã ghi nhận có trường hợp tử vong do tinh dầu giun gây tê liệt trung khu hô hấp.

Sử dụng tinh dầu giun để trị giun thì thấy: 1 dung dịch nước chứa 1/5.000 trong lượng tinh dầu giun có thể làm tê liệt giun đũa; đối với giun ký sinh trong loài ngựa rất khó để chữa nhưng cũng chỉ cần tới một liều khoảng từ 16ml đến 20ml tinh dầu giun cũng đã có thể tiêu diệt hết tất cả. Tinh dầu giun trị giun đũa giun mò rất hiệu quả nhưng đối với giun sán và giun kim thì khôn tác dụng.

Trong cây dầu giun có chất atcaridol, chất này có tác dụng mạnh gấp hai lần tinh dầu. Liều độc của chất atcaridol chiết xuất từ dầu giun  đối với 1kg trọng lượng thỏ là 300mg, chuột bạch là 600mg và đối với loài ếch thí nghiệm là 500mg. Sử dụng một dung dịch tinh dầu giun 1/8.000 cho cá thì sau 12 tiếng đồng hồ cá chết.

Các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo: tinh dầu giun và chất atcaridol có trong cây dầu giun có tác dụng giệt giun đũa nhưng lại chứa độc và rất nguy hiểm nên không dùng cho người già, phụ nữ có thai và những người có thể trạng yếu.

CÁCH DÙNG VÀ LIỀU DÙNG

Cách dùng

Thường dùng lá dầu giun hãm trà, tinh dầu giun chưng cất từ cành lá và hạt để pha tinh dầu trị bệnh giun.

Tinh dầu giun

Sử dụng thân cành và lá cây dầu giun để chưng cất tinh dầu. Những cây dầu giun sau khi thu hái cần phải đem đi chưng cất tinh dầu ngay; nếu để lâu lượng tinh dầu sẽ nhanh chóng bốc hơi, cây có thể thối giữa. Nếu không thể chưng cất ngay thì nên rải cây ra nơi thoáng mát, không chất thành đống.

Theo thống kê, vào tháng 6 hàng năm là thời điểm cây dầu giun cho tinh dầu cao nhất, cứ 1 hecta gieo trồng thì thu được khoảng 3,4 tấn cây, chưng cất được khoảng 30 lít tinh dầu.

TInh dầu giun
Tinh dầu từ cây dầu giun được chiết xuất từ cành và lá cây

Liều dùng

Đối với người trưởng thành: Để sử dụng trị giun có thể uống khoảng từ 30 giọt đến 50 giọt mỗi ngày, chia làm hai hay ba lần uống (có thể làm theo cách nhỏ tinh dầu vào miếng đường để nuối cho dễ). Sau 2 tiếng uống tinh dầu giun cần uống thêm  một liều thuốc tẩy muối magie sunfat. Nếu dùng 1 lần cả 30 giọt hay 50 giọt thì cần hòa tan trong 30ml dầu thầu dầu.
Đối với trẻ em: Chỉ dùng cho trẻ em trên 5 tuổi,  tùy theo độ tuổi mà thầy thuốc chỉ định uống khoảng từ 10 giọt đến 20 giọt một ngày.

*** Lưu ý: Không sử dụng tinh dầu giun khi đói bụng. Bên cạnh đó, thuốc dầu giun có độc tố nên khi dùng cần thận trọng, chỉ sử dụng khi có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ chuyên môn.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Dầu giun - Cây thuốc trị bệnh - Đặc điểm, tác dụng, cách dùng

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.21791 sec| 1634.969 kb