Cùng đọc bài viết dưới đây để có những thông tin hữu ích về vị thuốc Chi tử, những bài thuốc trị bệnh và một số lưu ý khi dùng vị thuốc Chi tử trị bệnh.
I. TÊN GỌI
- Tên tiếng Việt: Chi tử, dành dành…
- Tên khoa học: Gardenia jasminoides ellis
- Họ khoa học: Rubiaceae (Tức họ Cà phê)
II. CHI TỬ LÀ GÌ?
Giải nghĩa vị thuốc Chi tử, trong Trung Quốc Dược học Đại từ điển có chú giải: Chi tức là chén để đựng rượu, Tử tức là hạt quả. Vì cây cho quả có hình dáng giống như cái chén uống rượu nên đặt tên vị thuốc là Chi tử.
Vị thuốc chi tử
III. MÔ TẢ HÌNH ẢNH CÂY CHI TỬ
Chi tử tức là cây dành dành trong dân gian. Loài cây này là một nam dược quý. Cây chi tử có thân nhỏ, nhẵn. Từ thân chính phân ra nhiều cành nhánh. Các cành này mềm, có khía dọc thân.
Lá cây chi tử là loại lá mọc đối, cũng thấy mọc vòng 3. Các phiến lá có hình dạng trái xoan, hoặc bầu dục, thuôn dài. Ở đinh lá có mũi nhọn, hơi tù. Mặt trên của phiến lá có màu lục sẫm, bóng láng, mặt ngược lại lục nhạt. Lá khá dai, hệ thống gân lá nổi bật. Ngoài ra cây còn có thêm những lá kèm, các lá này khá mềm, đầu lá nhọn, gốc lá ôm bọc ấy thân cành tựa dạng bẹ.
Hoa chi tử có màu trắng, tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng. Các hoa này mọc đơn độc ở đầu cành, đầu nhánh cây. Cuống hoa dài gồm 6 cạnh xòe ra như cánh. Đài hoa phân làm 6, thuôn nhọn phần đầu, 6 cánh dọc trên đài hoa. Tràng hoa chi tử cũng phân thành 6 phần, đỉnh đài tròn, phần ống tràng hoa nhẵn nhụi cả hai mặt. Nhị hoa phân 6, các chỉ khá ngắn, bao phấn hình tù. Bầu hoa chi làm 2 ô nhưng không hoàn toàn tách biệt, vòi hoa dài bằng ống tràng, nhiều noãn.
Quả chi tử hình bầu dục thuôn dài. Mỗi quả phân ra thành 6 đến 7 cạnh dọc có cánh. Bên trong chứa nhiều hạt hình dẹt. Mùa hoa chi tử kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 và kết quả từ tháng 5 đến tháng 12 hàng năm.
Hình ảnh cây chi tử
Tổng hợp các loại dược liệu quý của Việt Nam: https://onplaza.vn/duoc-lieu.html
IV. PHÂN BỐ
Cây chi tử là loài mọc hoang. Thường thấy cây mọc thành bụi trong rừng núi hoặc ven sông, ao hồ, những nơi đất ẩm.
V. BỘ PHẬN LÀM DƯỢC LIỆU
Cây chi tử cho quả để con người dùng làm dược liệu. Thường thấy hình ảnh quả chi tử khô nhỏ như ngòn tay, vỏ quả rất mỏng có màu màu vàng đỏ, bên trong đỏ thẫm có nhiều hạt. Loại chi tử có mùi thơm, khô giòn, không mối mọt là loại tốt
VI. THU HÁI VÀ BÀO CHẾ
Người ta tiến hành thu hái quả chi tử vào lúc tiết trời chuyển sang Hàn lộ. Đây là lúc quả chi tử bắt đầu bước vào thời điểm chín liên tục, vỏ quả đồi màu sang màu vàng.
Quả chi tử sau khi hái về cần phải biết cách bào chế. Người ta thường bào chế quả chi tử theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số cách bào chế quả chi tử thành dược liệu:
- Cách 1: Theo sách “Lôi công bào Chích luận”: Hái quả chi tử về rồi phải bỏ tai và vỏ, chỉ giữ lại phần hạt chi tử. Lấy hạt này ngâm với nước sắc cam thảo qua đêm rồi vớt ra phơi cho khô thật kỹ rồi đem đi tán bột mà dùng.
- Cách 2: Theo “Đan Khê Tâm Pháp”: Dùng để chữa bệnh ở thượng tiêu, trung tiêu thì dùng cả vỏ xác của quả chi tử; Dùng để trị hạ tiêu thì bỏ vỏ xác rồi sau đó rửa sạch nước màu vàng đem sao; Dùng để trị bệnh thuộc huyết thì cần phải sao đen quả chi tử.
- Cách 3: Theo “Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển”: Quả chi tử sau khi thu hái xong cần phơi hoặc sấy khô ngay lập tức. Nếu sấy lò thì ban đầu cần phải sấy lửa to sau đó để lửa nhỏ dần, luôn tay đảo trộn nhẹ nhàng tránh làm trầy xước vỏ quả và đề phòng tình trạng ngoài vỏ thì khô, bên trong vẫn còn ẩm, dễ thối mốc.
- Cách 4: Theo “Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược”: Lấy quả chi tử chín mà trộn lẫn với một ít phèn chua rồi cho vào nước sôi nấu khoảng 20 phút, sau đó vớt ra phơi khô vỏ, tiếp tục sấy quả cho đến khi khô giòn bên trong.
VII. CÔNG DỤNG
1. Tác dụng dược lý
Vị thuốc chi tử được dùng chủ yếu trong Đông y. Trong các sách Trung dược học, Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược có ghi lại những tác dụng dược lý của loại dược liệu này:
- Ức chế trung khu sản nhiệt, tác dụng này tương tự như tác dụng dược lý của các vị Hoàng liên, Hoàng cầm tuy nhiên yếu hơn hai vị này (ghi trong Trung Dược học).
- Lợi mật: Dược liệu chi tử làm tăng tiết mật. Trong Sổ tay Lâm sàng Trung dược có ghi: thực nghiệm lâm sàng trên súc vật sau khi thắt dẫn ống mật cho thấy chi tủ có tác dụng ức chế lượng bilirubin trong máu, dịch chi tử còn làm tăng co bóp túi mật.
- Cầm máu: Trong Trung dược học có ghi: Vị thuốc chi tử sao cháy thành than được dùng để cầm máu.
- Kháng khuẩn: Nước sắc thuốc chi tử có tác dụng kìm hãm sự phát triển của các khuẩn tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh và trực khuẩn lỵ (Theo Sổ ray Lâm sàng Trung dược).
- An thần: Nước sắc dược liệu chi tử có tác dụng tích cực trong điều trị chứng mất ngủ cho những người bệnh bị viêm nhiễm gây sốt cao làm não xung huyết và hưng phấn thần kinh. Trong thực nghiệm lâm sàng đối với loài chuột trắng, nước sắc kiệt của quả chi tử cũng cho thấy tác dụng an thần (theo Trung dược học).
- Hạ huyết áp: Các thí nghiệm lâm sàng trên súc vật cho thấy nước sắc chi tử có tác dụng hạ huyết áp (theo Sổ tay Lâm sàng Trung dược).
- Ức chế tế bào ung thư: Trong Sổ tay Lâm sàng Trung dược có ghi lại một số thí nghiệm lâm sàng trên động vật cho thấy nước sắc của dược liệu chi tử có thể ức chế các tế bào ung thư trong nước bụng các động vật thí nghiệm.
2. Vị thuốc Chi tử
Chi tử là vị thuốc trong y học cổ truyền phương Đông. Dược liệu chi tử có những tính chất sau:
- Vị: đắng
- Tính: Hàn, không có độc
- Quy vào các kinh: Tâm, Phế, Vị
- Tác dụng: Tả hỏa, giải độc, lợi tiểu, chỉ huyết.
- Chủ trị: Trị chứng bệnh nóng nẩy, bồn chồn do nhiệt chứng, bệnh vàng da do thấp nhiệt mà ra, bệnh mắt đỏ, đau họng, chảy máu cam, lở loét miệng, tiểu tiện ra máu. Nếu bị sưng ứ thì dùng chi tử đắp ngoài.
VIII. LIỀU DÙNG VÀ CÁCH DÙNG
- Vị thuốc chi tử được các thầy thuốc Đông y dùng khoảng từ 8 gram tới 20 gram cho một người trong ngày, tùy theo chứng bệnh và thể trạng người bệnh.
- Dùng vị thuốc chi tử theo các cách: Dùng chi tử tươi, hoặc sao vàng, sao đen.
IX. NHỮNG BÀI THUỐC TRỊ BỆNH TỪ VỊ THUỐC CHI TỬ
- Bài 1: Trị chứng mất ngủ, người bất rứt sau khi bị thương hàn
Tìm lấy 14 quả chi tử cùng với hương xị 4 chén, đem hai vị này sắc nước uống trong ngày.
- Bài 2: Trị chảy máu cam
Tìm lấy vị thuốc chi tử khô đem đi sao đến cháy đen, nghiền nhỏ rồi dùng bột này thổi vào mũi nhiều lần sẽ có hiệu quả.
- Bài 3: Trị bí tiểu
Lấy khoảng 14 quả chi tử, 1 củ tỏi, chút muối. Đem giã nát tất cả rồi dán vào chỗ rốn và nơi bọng đái. Dùng một lúc sẽ thông tiểu.
- Bài 4: Trị đại tiện ra máu tươi
Lấy nhân chi tử đem sao đến cháy thành than, dùng mỗi lần 1 muỗng uống với nước ấm.
- Bài 5: Trị kiết lỵ lúc sinh
Lấy chi tử tán bột mịn rồi uống bột này với rượu nóng. Uống khi bụng còn đói, mỗi lần 1 thìa canh, nếu bệnh nặng uống không quá 7 lần thì khỏi.
- Bài 6: Trị bỏng nhiệt
Lấy quả chi tử khô tán thành bột mịn sau đó quết với lòng đỏ trứng gà rồi xoa vào vị trí bị bỏng nhiệt. Sau khi bôi sẽ thấy mát dịu ngay.
X. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG CHI TỬ
1. Những đối tượng không được sử dụng chi tử
Chi tử là vị thuốc đắng và tính lạnh nên tổn vị thương huyết. Nên không dùng cho người tỳ vị bị suy nhược, người mắc chứng huyết hư phát sốt, người bị chứng lở loét vì khí huyết hư mà không thể thu liễm.
2. Tránh nhầm lẫn Chi tử với một số loại cây
Chi tử cũng được gọi là cây dành dành nên đôi khi bị nhầm lẫn với một số loài dành dành:
- Dành dành bắc có tên khoa học là Gardenia tonkinensis Pitard. Cây này thường được trồng làm cảnh vì có hoa lớn và đẹp. Quả dành dành này cũng có thể dùng nhuộm màu.
- Dành dành láng có tên khoa học là G. philastrei Pit. Loài này có nhiều ở Phước Tuy, Nha Trang.
- Dành dành Ăng co có tên khoa học là G, angkorensis Pitard. Loài dành dành này xuất hiện nhiều ở Nha Trang, Hòn Tre.
- Dành dành Thái có tên khoa học là G. sotepensis Hutc in Craib, thấy nhiều tại Đà Lạt.
Ở Trung Quốc còn có cây Thủy chi tử, danh pháp khoa học là Gardenia radicans Thumb. Về hình dáng, loài này rất giống với Chi tử, chỉ khác biệt ở chỗ hoa xếp chồng, ít khi kết quả, hoa quả đều nhỏ hơn Chi tử.
Ngoài ra, trong sử dụng cũng cần phải phân biệt quả Chi tử với quả Sử quân tử. Vì hai loại quả này gần giống nhau.
Tóm lại, chi tử là vị nam dược tuy không hiếm nhưng rất quý. Vị thuốc chi tử có nhiều công dụng trị bệnh hay. Tuy nhiên, nếu bạn đọc muốn dùng chi tử để trị bệnh thì phải có sự thăm khám, tư vấn và chỉ định của thầy thuốc y học cổ truyền. Mọi thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không nên tự ý đọc bài thuốc mà làm theo, gây nên tác hại khôn lường.
Bưởi bung - Một vị thuốc có tác dụng trị cảm cúm khá tốt và cực kì an toàn
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm