Nhắc đến khổ sâm, đại đa số nghĩ tới ngay loại khổ sâm cho rễ. Nhưng thực chất, có ít nhất 2 loại khổ sâm: cây khổ sâm cho lá và cây khổ sâm cho rễ. Cả 2 loại này đều có vị đắng (khổ tức là đắng) được sử dụng làm thuốc Đông y. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra sự khác biệt và công dụng chữa bệnh của từng loại khổ sâm.
Tên khoa học
- Cây khổ sâm cho lá tên khoa học là Croton tonkinensis Gagnep, thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae). Loài này còn có tên gọi khác là Khổ sâm Bắc bộ hay là cây cù đèn
- Cây khổ sâm cho rễ tên khoa học là Sophora flavescens Ait, thuộc họ đậu (Fabaceae). Còn có tên dân giã khác là dã hòe, khổ cốt.
Cây khổ sâm cho lá bên phải, cây khổ sâm cho rễ bên trái, hai loại hoàn toàn khác nhau
Đặc điểm thực vật
Khổ sâm cho lá
Khổ sâm cho lá có thân nhỏ cao từ 0,7m – 1,2m, độ cao tùy thuộc vào độ lớn của bụi cây.
Lá hình mũi mác, dài khoảng 5cm, rộng khoảng 2,5cm, mọc thành vòng giả hoặc đối xứng từ 3 -6 lá. Mặt trên của lá khổ sâm có màu xanh nhạt, mặt dưới màu trắng bạc. Nếu để lá khô, mặt dưới lá càng trở nên trắng bạc hơn, mặt trên thâm đen.
Vào tháng 5 tới tháng 8 cây trổ hoa. Hoa trổ ra từ kẽ lá hoặc đầu cành. Bao gồm cả hoa đơn tính và lưỡng tính. Có sự khác biệt rõ rệt giữa hoa đực và hoa cái. Hoa cái có 3 vòi nhị, 5 cánh dài trong khi đó hoa đực chỉ có 1 vòi nhị. Hoa cho ra quả già có màu đỏ hung, bao bọc quanh quả là lớp lông trắng ngà, xòe ra 3 cánh, trong có hạt màu nâu hình trứng, mỏ nhọn.
Khổ sâm cho rễ
Thấp hơn loại khổ sâm cho lá, khổ sâm cho rễ thấp hơn, thường cao cao từ 0,5m - 1m
Lá của khổ sâm cho rễ là lá chét hình lưỡi mác dài từ 2-5cm, rộng 7-15mm. Lá mọc so le, mỗi nhánh gồm 5 -10 cặp lá chét. Hoa mọc ra từ ngọn hoặc kẽ lá. Hoa mọc thành từng cụm dài 10 – 20cm, có màu vàng nhạt. Kết quả màu đen, hình cầu, mỗi quả có độ dài từ 5 – 12cm tùy nơi đất tốt/xấu.
Khổ sâm cho rễ có thân nhỏ, ngược lại phần rễ hình trụ lớn.
Địa bàn phân bố
1. Khổ sâm cho lá: trước đây là cây mọc hoang, có nơi trồng để làm cảnh trong nhà. Hiện nay, cây khổ sâm cho lá được trồng nhiều ở các tỉnh miền bắc cho nên còn có tên khác là cây khổ sâm Bắc bộ.
2. Khổ sâm cho rễ có nguồn gốc từ Trung Quốc, các tỉnh Quảng Đông,Vân Nam, Phúc Kiến, Hà Bắc. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, cây khổ sâm Trung Quốc được gây giống tại Sapa, Lào Cai. Hiện nay, cây được trồng tại một số tỉnh miền Bắc nhưng với số lượng rất ít. Chủ yếu là nguồn nhập từ phương Bắc, Trung Quốc.
Bộ phận dùng
Tên gọi đã cho biết bộ phận được sử dụng làm thuốc của mỗi loại cây: Lá và rễ.
1. Cây khổ sâm cho lá (hay còn gọi là cây khổ sâm Bắc bộ, cây cù đèn), phần lá được thu hái, dùng tươi hoặc phơi khô dùng làm thuốc. Người dân thường thu hái lá bánh tẻ vào các mùa trong năm, sau đó phơi khô, trước khi sử dụng làm thuốc thường được sao vàng, hạ thổ.
Lá của cây khổ sâm Bắc bộ, hay còn gọi là cây cù đèn dùng làm thuốc
2. Khổ sâm cho rễ (tức cây khổ sâm Trung Quốc, cây khổ cốt, dã hòe), bộ phận được sử dụng làm dược liệu là phần rễ. Mỗi năm 2 lần vào mùa xuân, mùa thu, đào lấy củ và rễ, loại bỏ phần thân và rễ non, rửa sạch, thái miếng phơi khô hoặc sấy khô làm thuốc.
Bộ phận rễ của cây khổ sâm Trung Quốc (hay còn gọi là cây khổ cốt, dã hòe) được phơi khô làm thuốc
Thành phần hóa học
Khổ sâm cho lá
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho thấy, chiết xuất lá khổ sâm cho ra những thành phần hóa học chính: flavonoid, alkaloid, β – sitosterol, stigmasterol, acid benzoic, tecpenoid.
Khổ sâm cho rễ
Qua nghiên cứu, cho thấy chiết xuất rễ khổ sâm được các thành phần hóa học chính: alcaloid matrin, oxymatrin, sophoranol, anagyrin, N-methylcytisin, baptifolin, sophocarpin; ngoài ra còn có thêm một số thành phần hóa học với số lượng rất nhỏ như kuraridin, d-isomatrin, norkurarinon…
Tác dụng dược lý của vị thuốc khổ sâm
Khổ sâm là sâm đắng, vậy vị thuốc khổ sâm có tác dụng gì trong y học cổ truyền và y học hiện đại?
Vị và quy kinh trong y học cổ truyền
Khổ sâm lá thể hiện vị đắng, tính bình, đặc biệt lưu ý vị này hơi có độc. Quy vào kinh Đại tràng (tức Ruột già)
Khổ sâm cho rễ thể hiện vị đắng, tính mát, không độc. Quy vào kinh Tâm, Can và Đại trường (tương đương là Tim, Gan, và Ruột già)
Tác dụng dược lý của khổ sâm cho lá
Y học cổ truyền cho rằng vị thuốc khổ sâm cho lá (tức khổ sâm Bắc bộ, cây cù đèn) có công dụng trong trị bệnh như sau: chữa một số bệnh đường tiêu hóa như viêm – đau dạ dày, tá tràng, đại tràng, trị hiệu quả chứng đầy hơi, chướng bụng, loại bỏ cảm giác khó tiêu sau khi ăn uống.
Y học hiện đại: chỉ ra 1 số thành phần hóa học trong khổ sâm cho lá có hoạt tính chống lại trùng sốt rét Plasmodium kể cả chủng nhậy và chủng kháng cloroquin. Đặc biệt, có chất còn chứa họat tính độc, ức chế với một số dòng tế bào u.n.g t.h.u của người (gan, màng tim, màng tử cung). Ngoài ra lá khổ sâm còn có các thành phần hóa học có tác dụng kháng khuẩn, ức chế các loại nấm da.
Tác dụng dược lý của khổ sâm cho rễ
- Y học cổ truyền
Khổ sâm cho rễ được dùng trong chống sốt, cơ thể đổ nhiều mồ hôi, sử dụng làm thuốc chống sán lãi, chữa tiếng tim đập không đều, tiêu chảy cấp, trị chứng bệnh eczema, nhiễm trùng roi âm đạo…
- Y học hiện đại
+ Lương y Vũ Quốc Trung (báo suckhoedoisong.vn ngày 7.9.2015) có viết: Khổ sâm chủ yếu trị chứng rối loạn nhịp tim. Một số nghiên cứu đã chỉ ra hoạt chất D-matrin có trong khổ sâm ức chế trực tiếp trên cơ tâm nhĩ động vật, từ đó chống rối loạn nhịp tim.
+ Rễ khổ sâm làm tăng lượng bạch cầu, chống vi khuẩn và chống u.n.g t.h.u.
+ Ức chế tổng hợp prô –tê- in cho nên làm giảm quá trình sao chép vi-rút.
+ Thực nghiệm lâm sàng cho thấy ôxy matrin có trong rễ khổ sâm dùng trong điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng bởi ức chế sự mất kết hạt của các tế bào mastocyt.
+ Khổ sâm rễ còn được dùng trong chống bệnh máu trắng bởi cơ chế chống lại tia X.
+ Ngoài ra còn được sử dụng lợi niệu khi bệnh nhân bị phù nề.
Liều lượng sử dụng
Để sử dụng vị thuốc khổ sâm, các thầy thuốc phương Đông có thể điều chỉnh lượng theo từng bài thuốc.
Chẳng hạn như đối với vị thuốc khổ sâm cho lá được dùng dưới 2 dạng là tươi hoặc khô. Với lá tươi có thể dùng 9-10 lá nhai trực tiếp.
Với lá khô mỗi ngày chỉ sử dụng tối đa trong khoảng 10-20gr đẻ sắc thuốc hay hãm nước uống.
Đối với vị thuốc khổ sâm cho rễ thường được dùng với các cách đa dạng hơn như: thuốc sắc, tán bột mịn, vo viên để sử dụng tiện lợi dễ dàng. Liều lượng dùng trong một ngày cho một người lớn là 10 -12gr rễ thái lát phơi khô sao vàng.
Lưu ý
- Không được sử dụng vị thuốc khổ sâm liều cao, gây buồn nôn nhức đầu. Nếu dùng rồi cần phải giải thuốc ngay để hết các triệu chứng trên.
- Các đối tượng sau không được sử dụng vị thuốc khổ sâm: Người đang trong tình trạng suy nhược cơ thể, người bị chứng táo bón dài ngày.
Tóm lại, có ít nhất 2 vị thuốc mang tên khổ sâm trong y học cổ truyền. 2 vị thuốc này là hai loài cây khác nhau và sử dụng bộ phận khác nhau để làm thuốc: 1 vị sử dụng lá, 1 vị sử dụng rễ. Mặc dù, 2 vị này đều có thể để phòng trừ các bệnh về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, Khổ sâm cho lá chủ trị các bệnh về đường tiêu hóa, còn khổ sâm cho rễ đặc biệt được các thầy thuốc sử dụng để trị chứng rối loạn nhịp tim. Nên cần lưu ý để tránh nhầm lẫn hai vị thuốc này trong giới thiệu và làm thuốc.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm