Nhân trần là gì? Tác dụng chữa bệnh của cây nhân trần

- Dược liệu
Nhân trần là gì? Tác dụng chữa bệnh của cây nhân trần

Nhân trần là loại thảo mộc hoang dã trong thiên nhiên. Loại thảo mộc này vừa dễ tìm, rẻ tiền lại dễ dàng chế biến theo cách sắc thuốc hoặc hãm trà để trị một số bệnh như: viêm gan, vàng da, cảm sốt…

Cùng đọc bài viết để biết thêm những thông tin thú vị về cây nhân trần và những tác dụng trị bệnh tuyệt vời từ loại thảo mộc này.  

I. NHÂN TRẦN LÀ GÌ?

1. Tên gọi

  • Tên tiếng Việt: Nhân trần, Chè nội, Chè cát…
  • Tên khoa học: Adenosma caeruleum R. Br.
  • Họ: Asteraceae (tức họ Cúc)

Hình ảnh cây nhân trần

Hình ảnh cây nhân trần

2. Câu chuyện thú vị về vị thuốc nhân trần

Dân gian Trung Hoa xưa có câu chuyện rất thú vị về cây thuốc nhân trần. Người xưa truyền lại rằng có một người con gái đến khám bệnh tại nhà của danh y Hoa Đà. Người con gái này có thân hình gầy guộc như que củi, sắc mặt xanh sao vàng vọt, mắt vàng ngà. Danh y Hoa Đà xem tướng mạo mà đoán bệnh, cô gái này mắc chứng “Hoàng đản bệnh” ngày nay gọi là bệnh viêm gan vàng da. Ngày ấy, bệnh này không có cách cứu chữa, tiên sinh Hoa Đà đã nói với cô gái rằng: “Căn bệnh này tôi không chữa được, cô hãy về đi!”. Nghe vậy, cô gái đành ngậm ngùi lui về nhà.

Sau một năm, tình cờ vị danh y Hoa Đà gặp lại cô gái bị “Hoàng đản bệnh” hôm nào, nay bỗng thân hình béo tốt, nước da không còn xanh xao vàng vọt mà lại hồng hào, dáng vẻ nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh. Thấy lạ, thầy thuốc Hoa Đà liền lại gần và hỏi:

  • “Cô đã tìm được ai để chữa khỏi bệnh vậy?”.
  • “Không ạ, cháu không uống thuốc của ông lang nào cả”- Cô gái trả lời
  • “Vậy có tự dùng thuốc gì không?” – Hoa Đà tiếp tục hỏi
  • “Không, cháu cũng không dùng thuốc gì cả” – cô gái đáp.

Danh y Hoa Đà trong lòng đầy nghi vấn, ông tự nhủ bệnh nặng vậy có thể nào tự khỏi được. Suy nghĩ một hồi rồi ông lại tiếp:

  • “Cô thử nghĩ kỹ xem, hàng ngày ngoài việc dùng cơm có còn ăn thứ gì khác nữa không?”.
  • “Không ạ. Mấy năm nay đói kém, cơm gạo chẳng đủ, cháu phải lên núi hái dã cao đầu để ăn”.

Biết được vậy, tiên sinh Hoa Đà nhờ cô gái dẫn đi xem thứ rau mà cô thường ăn hàng ngày. Thì ra đó chính là một vị thuốc được dùng để chữa chứng hoàng đản: Cây hoàng cao đầu. Từ đây, thầy thuốc Hoa Đà đã nghiên cứu về cây hoàng cao đầu, ông cho rằng loài cây này có tác dụng chữa trị bệnh viêm gan vàng da. Sau này, ông đặt cho cây hoàng cao đầu là “nhân trần” viết lại trong câu thơ: “Tam nguyệt Nhân trần tứ nguyệt cao, ngũ nguyệt khảm lai đương sài thiêu”.

3. Mô tả hình ảnh cây nhân trần

Nhân trần vốn là loại cây thân thảo mọc hoang dại trong tự nhiên. Cây nhân trần sống hàng năm. Chiều cao của thân cây nhân rần khoảng chừng 50cm đến hơn 1m. Thân cây tròn, nhỏ có màu tía. Lá cây hình trứng ngượ, đầu lá nhọn, mép lá có răng cưa. Toàn bộ hai mặt lá đều được bao phủ một lớp lông trắng mịn màng. Từ thân chính, cây phân thành nhiều nhánh. Hoa nhân trần mọc ở ngọn và các đầu cành. Hoa tím biếc rất đẹp. Các hoa mọc đơn, hình ống tựa loa kèn. Quả nhân trần là loại quả nang, hình trứng, lúc còn non quả màu xanh, khi già quả màu nâu rồi khô đi, tự tách hạt, phân tán nhờ gió. Mùa hoa thường có vào tháng 6 tháng 7 rồi sau đó kết quả vào mùa thu chừng tháng 8  tháng 9.

nhân trần khô

Nhân trần khô

Nhân trần là loài cây ưa sáng, thường mọc ở các vùng đồi trọc. Cây này không chịu được ngập úng. Trước đây cây chỉ mọc hoang dại nhưng ngày nay đã được gieo trồng thành vùng nguyên liệu rộng lớn.

4. Phân bố

Trên thế giới, cây nhân trần được ghi nhận có tại các nước Thái Lan, ấn Độ, Inđônêxia. Tại Việt Nam, cây Nhân trần thường mọc dại các vùng đồi, ruộng ở trung du miền núi phía Bắc. Thường thấy nhiều ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội. Tại phía Nam, cũng thường thấy nhân trần xuất hiện tại tỉnh Tây Ninh.

Ngày nay, cây nhân trần được trồng thành vùng nguyên liệu rộng lớn tại nhiều nơi trong cả nước. Tiêu biểu là vùng Mê Linh (Vĩnh Phúc), Gia Lộc (Hải Dương), Sóc sơn (Hà Nội)…

5. Bộ phận sử dụng làm dược liệu

Toàn bộ phần thân rễ, lá, quả nhân trần đều được sử dụng làm dược liệu.

Dược liệu quý hiếm: Cây vông vang? Tác dụng và những bài thuốc chữa bệnh

II. NHÂN TRẦN CÓ TÁC DỤNG GÌ?

1. Y học hiện đại

Các nghiên cứu dược lý của các nhà khoa học hiện đại đã chỉ ra những tác dụng của cây nhân trần:

  • Có khả năng tăng tiết mật, thúc đẩy quá trình bài tiết dịch mật.
  • Bảo vệ tế bào gan, ức chế quá trình nhiễm mỡ của tế bào gan.
  • Hạ huyết áp, điều chỉnh rối loạn lipid máu.
  • Chống đông máu, thúc đẩy quá trình dung giải fibrin
  • Giải nhiệt, giảm đau, chống viêm
  • Ức chế các vi khuẩn và một số loại nấm: tụ cầu vàng, trực khuẩn bạch hầu…
  • Tăng cường sức đề kháng cho hệ miễn dịch và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.

2. Y học cổ truyền

Nhân trần là vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong nhân dân và trong y học cổ truyền. Theo y học cổ truyền, nhân trần có:

Tính vị: vị đắng, tính hơi hàn

Quy kinh: tỳ, vị, can, đởm

Công dụng: Thanh nhiệt lợi thấp, lợi mật thoái hoàng.

Chủ trị: hoàng đản, tiểu tiện bất lợi, viêm loét da do phong thấp.

 

III. MỘT SỐ BÀI THUỐC CHỮA BỆNH TỪ CÂY NHÂN TRẦN

Nhân trần được sử dụng phổ biến như nguyên liệu để làm nên món trà uống hàng ngày. Có thể hãm trà hoặc dùng cùng các vị thuốc khác để sắc uống trị bệnh. Vị thuốc nhân trần dễ kiếm, vừa rẻ tiền lại vừa dễ sử dụng. Xin được giới thiệu tới bạn đọc một số bài thuốc chữa bệnh hay có vị thuốc nhân trần mà người người xưa đã truyền lại để tham khảo và có thể vận dụng mỗi khi cần.

trà nhân trần

Trà nhân trần có tác dụng tốt cho người bị bệnh viêm gan, vàng da

Bài 1: Trị viêm gan cấp và mãn tính

Tìm lấy 30 gram nhân trần khô rồi thái vụn, bỏ vào ấm hãm với nước sôi trong bình giữ nhiệt. Sau khoảng 20 phút thì dùng được, có thể thêm chút đường phèn cho dễ uống. Dùng uống trong ngày.

Bài 2: Trị viêm gan vàng da cấp tính

Lấy 300 gram nhân trần, 60 gram sinh địa hoàng, trà khô 30 gram. Đem các vị trên tán vụn rồi hãm với nước sôi trong bình kín khoảng 20 phút. Rót uống nước như uống trà mỗi ngày.

Bài 3: Trị viêm gan giai đoạn di chứng có biểu hiện chán ăn, chướng bụng khó tiêu

Dùng nhân trần và mạch nha mỗi vị 500 gram cùng với 250 gram vị quất bì. Đem các vị này đi tán vụn rồi dùng mỗi ngày khoảng 60 gram hãm nước sôi, ủ trong khoanrgg 20 phút thì đung dược. Dùng như uống trà hàng ngày.

Bài 4: Chữa cảm nắng, hạ sốt, làm ra mồ hôi 

Lấy mỗi loại 16 gram các vị nhân trần, hoạt thạch, hoàng cầm; mỗi loại 8 gram các vị thạch xương bồ, mộc thông, hoắc hương, xuyên bối mẫu; mỗi loại 6 gram các vị xạ can, liên kiều, bạc hà, bạch đậu khấu. Đem tất cả rửa sạch rồi cho vào nồi thêm nước, sắc trên lửa nhỏ. Lọc lấy nước uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang.

Bài 5: Nhân trần giúp cho phụ nữ sau sinh ăn ngon miệng, nhanh chóng phục hồi sức khỏe

Lấy nhân trần một nhúm khoảng 30gram, đun nước uống trong ngày. Duy trì 7- 10 ngày liên tục.

 

IV. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG

Nhân trần là loại thảo mộc có trong tự nhiên, mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên cần phải lưu ý một số điểm sau khi sử dụng:

  • Không sử dụng trà nhân cho phụ nữ mang thai uống dài ngày. Do nhân trần có tác dụng lợi tiểu gây tiểu nhiều, làm mất các chất dinh dưỡng của cơ thể qua việc bài tiết nước tiểu nhiều.
  • Phải lựa chọn nguyên liệu nhân trần sạch, đảm bảo an toàn. Loại bỏ nhân trần ẩm mốc, bị phun thuốc diệt cỏ để nhanh khô.
  • Không lạm dụng nước nhân trần hoặc kết hợp nhân trần, cam thảo nấu nước uống thay nước lọc. Nếu cần kết hợp hai vị thuốc này cần phải có sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ trước khi dùng. Không tùy ý sử dụng.

About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Nhân trần là gì? Tác dụng chữa bệnh của cây nhân trần

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.28647 sec| 1633.383 kb