Cùng tham khảo bài viết để biết những thông tin chính xác về rau má và tác dụng của nước rau má.
I. TÊN GỌI
- Tên tiếng Việt: Rau má, Tích tuyết thảo, Liên tiền thảo…
- Tên khoa học: Centella asiatica (L.) Urban, Hydrocotyle asiatica L.
- Họ khoa học: Apiaceae (tức họ Hoa tán)
Hình ảnh cây rau má
II. MÔ TẢ ĐẶC ĐIỂM CÂY RAU MÁ
1. Mô tả hình dáng cây rau má
Rau má là loài cây thân thảo rất nhỏ. Cây chỉ cao chừng 5cm đến 10cm. Thân cây cây mảnh mai tựa như cây tăm. Cây mọc lan tỏa, bò trên mặt đất. Những cây còn nhỏ thường được phủ một lớp lông mỏng, lớn lên thân cây chuyển từ màu xanh non sang màu tía và tiêu biến lông. Cây tự mọc rễ ở các mấu để phát triển lan rộng.
- Lá rau má có dạng hình quạt tròn hoặc hình quả thận. Lá cây mọc so le nhau. Thường có 2 đến 5 lá mọc thành cụm tại các mấu. Phiến Lá nhẵn, màu xanh lá mạ, mép lá có khía như tai bèo mềm mại. Cuống lá mảnh mai, dài từ 3 cm đến 5 cm, nếu gặp vùng đất tốt có khi phát triển tới 8cm.
- Hoa rau má mọc thành từng cụm tạo thành những tán mọc riêng lẻ hoặc từ 2 tới 5 tán, mọc ra từ các nách lá. Mỗi tán hoa thường có từ 1 đến 5 bông hoa, sắc hoa trắng hoặc phớt đỏ. Các cánh hoa rau má có hình tam giác hoặc tựa như trái xoan; giữa hoa có phần nhị ngắn, bầu hoa hình cầu và bao phấn tựa như mắt chim.
- Quả rau má màu nâu đen. Đỉnh quả lõm, xung quanh gồm 7 đến 9 cạnh lồi. Các cạnh này thường nhẵn nhưng đôi khi có lông ngắn bao phủ và có vân mạng xung quanh. Mùa hoa quả rau má kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm.
Rau má có hệ thống thân rễ mọc thẳng đứng, đâm sâu xuống lòng đất. Rễ trắng, dài từ 1cm đến 10cm, gồm 1 rễ cọc chính phình to và nhiều rễ phụ.
2. Phân bố
Rau má là loài cây ưa vùng đất ẩm thấp như ở bờ ruộng, ven mương máng hay trong các thung lũng. Trên thế giới, cây rau má có nhiều ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á và Nam Á, phía Nam nước Trung Quốc (bao gồm cả đảo Hải Nam).
Tại Việt Nam, cây rau má mọc hoang dại ở đồng ruộng, đồi núi khắp nơi trong cả nước. Ngày nay, rau má được thuần hóa và trồng thành vùng nguyên liệu rộng lớn ở Thanh Hóa, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh…
3. Bộ phận sử dụng
Dùng toàn cây, cả phần rễ. Có thể dùng rau má tươi hoặc sấy để làm rau má khô, tán thành bột rau má.
III. THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Các nhà khoa học đã tìm ra các hợp chất hóa học có trong rau má bao gồm: beta carotene, sterol, saponin, alkaloid, flavonol, saccharide, các loại vitamin B1, B2, B3, C, K…, cùng các nguyên tố vi lượng như canxi, sắt, magiê, mangan, phốt pho, kali, kẽm, … Tuy nhiên, tỷ lệ các thành phần hóa học trên có trong cây rau má sẽ thay đổi theo địa lý và mùa thu hoạch.
Các nhà khoa học đã tính trung bình cứ 100 gram rau má thì có thể chiết xuất được: 88,2 gram nước; 3,2 gram đạm; 1,8 gram tinh bột; 4,5 gram cellulose; 3,7mg vitamin C; 0,15mg vitamin B1; 2,29mg canxi; 2mg phốt pho; 3,1mg sắt; 1,3mg beta carotene…
IV. RAU MÁ CÓ TÁC DỤNG GÌ?
1. Trong y học cổ truyền phương Đông
Các nước phương Đông, sử dụng rau má thông dụng trong bữa ăn hàng ngày. Không những thế, rau má còn được dùng làm thuốc. Đặc biệt tại nước Trung Quốc, vị thuốc rau má đã được ghi lại trong nhiều sách y dược cổ như Bản thảo cương mục, Bản thảo cầu nguyên, Đường bản thảo, Dược tính luận, Bản kinh, Biệt lục, Nam dược thần hiệu... Theo đó, dược liệu rau má có những tính chất sau:
- Vị: đắng
- Tính hàn,
- Quy vào các kinh: Can, Tỳ và Thận,
- Công dụng: thanh nhiệt lợi thấp, tiêu thũng giải độc
Chủ trị các bệnh: tiết tả về mùa hè, bệnh lỵ, vàng da do thấp nhiệt, sỏi đường tiết niệu, tiện huyết, khái huyết, thổ huyết, viêm họng, dị ứng mẩn ngứa, nhọt độc, tổn thương do sang chấn, bỏng...
Tác dụng của rau má
2. Trên thực nghiệm lâm sàng
- Giảm đau: Lấy rau má tán bột mịn, dùng mỗi lần khoảng 5-7 gram, ngày 3 lần có tác dụng giảm đau.
- Tác dụng tích cực lên bệnh nhân viêm gan virut cấp tính: Lấy 150 gram rau má tươi rồi rửa sạch, cho vào nồi, thêm 0,5l nước. Sắc cô đặc cho tới khi còn 1 nủa thì lọc lấy nước, pha thêm đường phèn uống 2 lần trong ngày. Uống lúc còn đói bụng cho kết quả tốt đối với người bệnh bị viêm gan virut cấp tính.
- Đối với bệnh nhiễm khuẩn màng não-tủy: Một số nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về tác dụng của rau má đối với người bệnh bị nhiễm khuẩn mảng não-tủy. Kết quả cho thấy khá khả quan, tuy nhiên chưa có những thông tin chi tiết.
- Trong rau má còn chứa một số chất có tác dụng kháng viêm và giảm huyết áp tĩnh mạch.
- Điều trị các bệnh ngoài da: Ở nước ta, rau má đã được các nhà nghiên cứu để điều trị các bệnh ngoài da, đặc biệt là trị bỏng dựa trên tính chất làm tăng sản sinh collagen để chữa lành vết thương.
3. Một số ứng dụng lâm sàng khác
Trên thế giới, rau má được dùng làm thực phẩm và bào chế thành dược liệu để chữa bệnh.
- Có nhiều tài liệu ghi nhận, cọng và lá rau má được dùng làm thuốc chữa nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Cụ thể là bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), bệnh zona, bệnh phong, tả, lỵ, bệnh giang mai, cảm cúm, H1N1 (cúm lợn), lao và bệnh sán máng.
- Ngoài ra rau má còn được xem là loại dược liệu trị mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, rối loạn tâm thần, bệnh Alzheimer và cải thiện trí nhớ.
- Rau má là thuốc lợi tiểu, tăng dinh dưỡng và bổ dưỡng ở Ấn Độ.
- Người ta dùng rau má làm thuốc bổ thần kinh và giã nát lá rau má tươi để điều trị vết thương ngoài da, tại Napal.
- Người dân Madagascar, dùng cây rau má để chữa loét đường tiêu hóa, chữa các vết sẹo ngoài da.
V. UỐNG NƯỚC RAU MÁ CÓ TỐT KHÔNG?
1. Tác dụng của nước rau má
Rau má được sử dụng làm nước uống rất tốt. Có thể dùng rau má tươi nấu nước uống, xay sinh tố rau má hoặc nấu nước rau má khô, hãm trà rau má…
Bản chất, nước rau má có tác dụng lợi tiểu, hạ nhiệt, thanh lọc cơ thể, làm hạ huyết áp. Đặc biệt trong mùa hè nắng nóng, bạn có thể dùng sinh tố rau má để uống nhằm giải nhiệt cơ thể.
Ngoài ra, dân gian ta còn lưu truyền bài thuốc nước rau má giải ngộc độc do ăn sắn tươi luộc.
Mặc dù rau má có nhiều tác dụng tốt nhưng cần phải sử dụng nước rau má đúng liều. Không nên thấy uống nước rau má mát lạnh, ngon mà lạm dụng loại nước này. Mỗi ngày chỉ nên uống một cốc nước rau má tươi tương đương với 40 gram rau má tươi. Không nên uống nước này liên tục trong thời gian dài.
Nước rau má có tác dụng thanh nhiệt, giải khát
2. Uống rau má nhiều có tốt không?
Mặc dù chưa có những nghiên cứu cụ thể về tác hại của việc dùng nhiều nước rau má, nhưng các chuyên gia y tế cũng đã đưa ra các khuyến cáo không nên lạm dụng nước rau má.
Trên trang Suckhoedoisong.vn ngày 9/08/2017, BS. Nguyễn Hồng Siêm (Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội) cho biết: Nếu dùng nhiều rau má trong thời gian dài có thể gây hại cho một số tế bào máu, tế bào gan, tế bào thận.
Dưới đây là một số tác hại do việc sử dụng nước rau má quá nhiều:
- Đường huyết tăng: Uống nước rau má hoặc sinh tố rau má quá nhiều khiến cho đường huyết tăng dẫn đến cholesterol trong máu cũng tăng. Điều này vô cùng nguy hại đối với những người bị bệnh tiểu đường.
- Gây nhức đầu: Một số nghiên cứu cho thấy uống trà hoặc nước rau má với lượng lớn, dài ngày có thể bị nhức đầu, thậm chí gặp tình trạng mất ý thức thoáng qua.
- Giảm khả năng mang thai, gây sảy thai: Ở nước ta, nhiều phụ nữ chọn sinh tố rau má làm loại nước giải khát có tác dụng thanh nhiệt giải độc lại còn làm đẹp da. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng dùng nước rau má lâu ngày có thể giảm khả năng mang thai, gây sảy thai.
- Gây tiêu chảy: Rau má tính hàn, nếu uống lượng nhiều sẽ có thể gây đầy bụng, tiêu chảy. Không nên dùng cho người có thân nhiệt thấp, thường hay lạnh bụng.
VI. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG RAU MÁ
Rau má là loại rau phổ biến trong tự nhiên, dễ tìm lại có nhiều công dụng. Tuy nhiên khi sử dụng rau má cần lưu ý các điểm sau:
- Cẩn trọng khi sử dụng cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
- Tránh dùng cho người mắc chứng bệnh thuộc thể hư hàn.
- Nếu bạn đang uống một số loại thuốc an thần, thuốc gây buồn ngủ, thuốc tiểu đường, chống co giật, barbiturat, benzodiazepin, thuốc mất ngủ, và các thuốc chống trầm cảm… thì không nên uống nước rau má. Bởi các thành phần có trong rau má có thể tương tác với thuốc.
=> Tham khảo: Mía dò: Tác dụng, cách dùng và những thông tin cần lưu ý
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm