Cùng tìm hiểu để biết nhiều hơn về tác dụng và những điều cần lưu ý khi sử dụng mía dò trị bệnh.
I-TÊN GỌI
- Tên tiếng Việt: Mía dò, Cát lồi, Đọt đắng, mía thuốc…
- Tên khoa học: Costus speciosus Smith
- Họ: Costaceae (tức họ Mía dò)
II-MÔ TẢ ĐẶC ĐIỂM CÂY MÍA DÒ
Mía dò (khác với cây mía voi) là cây thân cỏ, cao chừng 60cm đôi khi cao tới 1,2m. Thân cây mềm và xốp ít phân nhánh. Thân rễ nằm ngang tạo thành củ rất nạc.
- Lá cây mía dò dạng bẹ, phân bố dạng so le. Khi còn non, lá xếp tựa hình xoắn ốc, bao phủ nhiều lông, gốc lá hơi tròn, đầu lá nhọn, mép nguyên. Lá phát triển trưởng thành có phiến lá dài, thẳng, mặt trên trơn nhẵn, gân lá nổi rõ, mặt dưới phủ lớp lông màu bạc.
- Cây mía dò trổ hoa ở đầu ngọn các thân. Hoa mọc thành cụm màu trắng ngà rất đẹp. Chùm hoa gắn liền với thân, không có cuống, hình trứng, mọc sít nhau, các cặp lá bắc không đối xứng có màu đỏ. Vào tháng 7 hàng năm, cây mía thuốc kết quả nang hình bầu dục có 3 cạnh, bên trong có rất nhiều hạt đen bóng nhẵn.
Cây mía dò có ở nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Ghine, Malaysia,… Tại Việt Nam, cây mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh trong sân nhà ở nhiều nơi. Thường thấy nhiều ở các vùng núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, cũng xuất hiện tại các tỉnh phía Nam như Long An, Tiền Giang...
III-TÁC DỤNG CÂY MÍA DÒ
Cây mía dò có hoa và quả rất đẹp, có thể trồng làm cảnh, lại có thể dùng thân cành và rễ làm thuốc, đọt có thể ăn. Từ lâu, người dân Việt Nam đã dùng mía dò để chống viêm, giảm sốt, giảm đau; trị các bệnh viêm tai, thấp khớp, tiểu buốt… Vậy nên cây mía dò còn được gọi là cây mía thuốc.
Ngày nay, cây mía thuốc trong dân gian đã được đưa vào nghiên cứu. Các nhà khoa học đã thực hiện các thí nhiệm lâm sàng để đưa ra những tác dụng của cây mía thuốc:
1- Chống viêm:
Thí nghiệm dược liệu mía dò trên chuột cống đã gây phù chân với liều lượng 0,25gr/kg và 0,15gr/kg, kết quả cho thấy tác dụng ức chế phù khoảng từ 32% đến 58,5%. Bên cạnh đó, thí nghiệm trên chuột cống trắng đã gây viêm nội khớp cho thấy cao mía dò với liều lượng 0,25g/kg đã ức chế chứng sưng khớp lên tới 55,6 %. Ngoài ra, với mô hình chuột trắng bị gây u hạt dùng cao mía dò liều lượng 0,75% và 1,25% mang lại kết quả là giảm 29,5% và 47,2% trọng lượng u hạt.
2- Giảm đau:
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm cao mía dò trên chuột nhắt trắng đã gây đau nội tạng bằng các tiêm dung dịch axit acetic vào vùng bụng. Kết quả cho thấy dùng cao mía dò với liều 0,17g/kg và 0,25g/kg làm cho các lần đau giảm 48,8%, và giảm 60% so với lô chuột đối chứng.
3- Giảm trọng lượng tuyến ức:
Sử dụng cao mía dò liều lượng 0,3% và 0,5% tiêm vào da chuột nhắt trắng đực đang còn non. Kết quả cho thấy, trọng lượng tuyến ức của chuột đã thu nhỏ hơn 34,5% và 49,7% so với lô đối chứng.
Tác dụng của cây mía dò
IV-CÁCH DÙNG CÂY MÍA DÒ
Cây mía dò là loại thuốc nam quý của Việt Nam. Loài thảo dược này không chỉ được sử dụng trong dân gian mà còn được sử dụng trong y học cổ truyền nước ta. Có nhiều cách sử dụng mía dò làm thuốc trị bệnh. Dưới đây là một số cách thức sử dụng vị thuốc mía dò:
1- Ép nước
Bài thuốc chữa viêm tai, viêm mắt: Sử dụng đọt mía dò tươi, rửa sạch, ngâm với nước muối loãng nửa tiếng để tiệt trùng. Sau đó để ráo nước rồi ép hoặc giã lấy nước. Dùng nước này nhỏ vào mắt và tai bị viêm ngày 2 lần, mỗi lần 2 giọt. Để nước thuốc trong 5 phút rồi lấy bông thấm khô. Duy trì liều dùng 3-4 ngày để đạt hiệu quả cao.
2- Sắc nước
- Bài 1: Chữa viêm thận cấp, phù nề
Lấy 15gr thân rễ mía dò khô (hoặc 30gram thân rễ mía dò tươi) rửa sạch rồi cho vào ấm, chế thêm 1 lít nước sạch. Sắc thuốc trên lửa nhỏ cho đến khi các tinh chất tan vào nước. Gạn lấy nước này uống hàng ngày.
- Bài 2: Chữa xơ gan cổ trướng
Lấy các loại thảo dược khô: mía dò, hạt dành dành, lá bồ công anh mỗi loại 10gr thêm vào 15gram nhân trần khô. Đem tất cả các nguyên liệu trên rửa sạch rồi cho vào siêu sắc cùng 1 lít nước. Sắc cô đặc còn 2 cốc nước. Dùng nước này chia 2 lần, mỗi lần 1 cốc uống vào buổi sáng và tối sau khi ăn 15 phút.
- Bài 3: Chữa đái rắt, đái buốt
Lấy các loại thuốc lá nam sau rễ cây mía dò, lá bông mã đề, râu ngô, rễ cỏ tranh, mỗi vị 10gr dạng khô. Rửa sạch rồi cho vào ấm sắc cùng 1,5 lít nước uống trong ngày khi nước thuốc còn nóng ấm.
3- Nấu nước dùng bôi ngoài
Mía dò còn được sử dụng để chữa bệnh ngoài da như Chữa trị các bệnh da liễu như eczema, nổi mề đay, mụn nhọt gây mẩn ngứa. Để trị bệnh này, cần lấy thân lá mía dò tươi hoặc khô rồi nấu nước. Sử dụng nước này để pha nước tắm. Nước cô đặc và phần bã thì bôi ngoài và thoa lên vùng da bị bệnh.
V-NHỮNG THÔNG TIN CẦN LƯU Ý
Cây mía dò là loại thảo dược quý nhưng trong cây có độc tính cần phải lưu ý khi sử dụng.
- Không nên sử dụng mía dò cho người có thai
- Các thầy thuốc y học cổ truyền đưa ra lời khuyên đối với những người sử dụng mía dò trị bệnh là không ăn rau muống, không ăn mắm tôm tép, không uống bia rượu và đồ uống có ga. Nếu sử dụng các thứ trên sẽ giảm tác dụng của vị thuốc mía dò.
- Sử dụng mía dò để trị bệnh cần phải có bác sĩ chuyên môn thăm khám, tư vấn và chỉ định, không tùy ý sử dụng vị thuốc mía dò.
Tóm lại, cây mía dò hay còn gọi là cây mía thuốc có nhiều tác dụng trị bệnh lại dễ dàng tìm kiếm và gieo trồng. Tuy nhiên, trong cây mía dò có độc, cần phải lưu ý khi trồng cây làm cảnh trong vườn nhà, để xa tầm tay trẻ nhỏ. Mọi thông tin trên về cây mía dò chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu quý vị có nhu cầu sử dụng mía dò làm thuốc cần phải có chỉ định của thầy thuốc. Không tùy ý sử dụng mía dò để trị bệnh.
=> Những công dụng chữa bệnh của Sa nhân: https://onplaza.vn/duoc-lieu/sa-nhan-n262.html
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm