Tìm hiểu râu ngô có tác dụng gì và cách nấu nước râu ngô giải độc

- Dược liệu
Tìm hiểu râu ngô có tác dụng gì và cách nấu nước râu ngô giải độc

Có một loại “tiên dược” giá rẻ cho mọi người sử dụng để thanh nhiệt, giải độc cơ thể là râu ngô. Cây ngô là loài cây lương thực phổ biến ở nước ta. Cây ngô cho bắp lấy hạt làm thức ăn, râu ngô lại có thể nấu nước, pha trà uống hàng ngày giúp thông tiểu, lợi tiểu, giảm huyết áp, giải độc cơ thể.

​​​​​​​I- RÂU NGÔ LÀ GÌ?

1- Nguồn gốc

Râu ngô (hay còn gọi là râu bắp) là phần vòi nhụy của hoa ngô – một bộ phận trên cây ngô. Cây ngô có nguồn gốc từ Châu Mỹ rồi được di thực đi khắp nơi trên thế giới với mục đích chính là làm lương thực. Tại Việt Nam, cây ngô là người bạn thân thuộc của người nông dân. Cây ngô cho bắp lấy hạt làm thức ăn cho người, thức ăn cho gia súc, gia cầm, râu ngô thì làm dược liệu.

 

Hình ảnh cây ngô 

Hình ảnh cây ngô 

2- Đặc điểm cây ngô

Cây ngô là cây thân thảo, thân thẳng, được tạo bởi các đốt, bên ngoài trơn nhẵn được bao bọc bởi các bẹ lá, bên trong xốp, giữa lòng thân rỗng. Cây có chiều cao từ 1m đến hơn 2m.

  • Lá cây ngô có phiến lá to, dài hình lưỡi mác, đuôi lá nhọn, mép nguyên. Bề mặt lá có phủ một lớp lông rất ngắn, sờ bằng tay thấy cảm giác nhám, thô ráp.
  • Cây ngô trổ hoa ra từ các nách lá và đầu ngọn, bông hoa dài, hình trụ, mang sắc xanh lục. Cây ngô có hoa đực và hoa cái riêng. Hoa ngô đực trổ lên từ đầu ngọn thân cây. Hoa cái tạo nên bắp ngô trổ ra từ nách lá được bao bọc bởi một lớp lá bắc dày. Nhụy hoa cái chính là phần râu ngô. Nhụy này có dạng sợi dài khi mới trổ có màu trắng ngà sau đổi sang màu vàng phát triển thành một chùm dài như chòm râu, độ dài của râu ngô chừng 15cm. Khi hoa cái đậu nhụy, râu ngô đổi sang màu nâu tím rồi khô dần đi theo độ già của bắp ngô.
  • Quả ngô, tức bắp ngô được tạo ra từ thân hoa cái, hình trứng thuôn dài, vuốt về phần đầu. Bắp ngô bao gồm hệ thống các hạt ngô xếp bao quanh nõ ngô. Hạt ngô màu trắng sữa lúc còn non, về sau phát triển thành các hạt cứng, bên ngoài rắn, nhẵn bóng, màu vàng cam.

3- Thu hái và sơ chế râu ngô

Người dân vùng núi phía Bắc thường trồng ngô từ tháng giêng, tháng 2 khi trời có mưa, sau 3 tháng đã cho thu hoạch bắp ngô. Người dân lấy bắp riêng, thu râu ngô riêng. Râu ngô chỉ chọn những chùm nâu vàng bóng mượt, không chọn loại đen bẩn lẫn nhiều tạp chất hay bị ẩm mốc. Sau đó phơi khô, bảo quản dùng dần, hoặc bán cho các cơ sở thuốc nam, thuốc bắc làm dược liệu.

Dược liệu râu ngô dùng để làm trà râu ngô

Dược liệu râu ngô dùng để làm trà râu ngô

 

II- THÀNH PHẦN HÓA HỌC TRONG RÂU NGÔ

Các nhà khoa học đã tìm ra trong râu ngô chứa khá nhiều các loại vitamin như vitamin K, vitamin A, vitamin B1, Vitamin B2, vitamin B6, vitamin C. Ngoài ra, râu ngô còn có muối kali, tanin, tinh dầu, lipid và một số nguyên tố vi lượng… Chính vì thế mà nước râu ngô dùng để làm thứ nước giải khát mùa hè có mùi thơm, vị thanh mát rất dễ uống.

 

III-TÁC DỤNG TUYỆT VỜI CỦA RÂU NGÔ

Từ xa xưa, nhân dân ta đã biết sử dụng râu ngô đun nước giải khát vào ngày hè nóng nực, dùng râu ngô trị chứng tiểu buốt tiểu dắt, tiểu đục…

1- Tính vị, công dụng

Theo y học cổ truyền phương Đông, thảo dược râu ngô có  vị ngọt, tính bình; quy vào 2 kinh can, thận. Các thầy thuốc Đông y cho rằng râu ngô có tác dụng lợi thủy tiết nhiệt, bình can lợi đởm. Sử dụng râu ngô để trị các bệnh viêm gan, vàng da, phù nề; viêm túi mật, sỏi túi mật; làm thuốc lợi tiểu... Râu ngô được dùng dạng tươi với liều lượng 100gr-200gr mỗi ngày, dạng khô từ 30gr-60gr mỗi ngày.

2- Tác dụng của trà râu ngô

Đặc biệt, nước râu ngô hay trà râu ngô là loại nước giải khát vô cùng có lợi cho cơ thể bạn. Vậy nước râu ngô có tác dụng gì? Dưới đây là một số tác dụng của nước râu ngô đối với sức khỏe mà người viết tổng hợp được:

  • Thanh nhiệt, giải độc
  • Trị và phòng chống bệnh sỏi thận
  • Thông tiểu, lợi tiểu, hiệu quả trong chữa bệnh tiểu dắt, tiểu buốt, tiểu đục.
  • Hạ huyết áp.
  • Hỗ trợ giảm cân.

 

IV- CÁCH NẤU NƯỚC RÂU NGÔ GIẢI ĐỘC

Râu ngô được mệnh danh là “tiên dược rẻ” cho mọi gia đình bởi nó là loại thảo dược an toàn, thân thuộc với người dân Việt Nam, dễ trồng, giá thành rẻ lại có vô vàn các công dụng tốt cho sức khỏe con người. Uống nước râu ngô có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cung cấp nhiều vitamin và các khoáng chất cho cơ thể, giúp kéo dài tuổi thanh xuân. Bạn có thể hãm trà râu ngô để uống nóng hoặc nấu nước râu ngô pha lạnh để làm nước giải khát hàng ngày.

1- Cách nấu nước râu ngô:

a. Chuẩn bị nguyên liệu:

Râu ngô, rễ cỏ tranh, mã đề và vài khúc mía lau. Rửa sạch các nguyên liệu trên để cho ráo nước. Đối với mía lau cần cắt khúc và đập dập nhằm cho chất ngọt tiết ra.

Nếu bạn không có đủ các nguyên liệu trên thì có thể dùng 1 nắm râu ngô và vài khúc mía lau là được. Hoặc nếu không có mía lau, bạn có thể dùng đường phèn để thay thế cho vị ngọt thanh mát của mía lau.

b. Cách nấu:

Cho các nguyên liệu râu ngô, rễ tranh, mã đề, mía lau đã sơ chế vào nồi, chế thêm 2 lít nước. Đun sôi khoảng 5 phút rồi hạ lửa nhỏ đun thêm 1-2 phút rồi tắt bếp. Để cho nguyên liệu ngâm trong nước khoảng 30 phút.

Sau đó để nước nguội rồi lọc lấy nước, bỏ phần bã.

c. Cách dùng:

Bảo quản nước này trong bình thủy tinh để uống trong ngày, nếu bảo quản ngăn mát tủ lạnh có thể để được 2 ngày. Tuy nhiên tốt nhất bạn vẫn nên nấu nước uống trong ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc thanh nhiệt, giải độc, làm cho mát gan và làm đẹp da. Nếu bạn sử dụng nước râu ngô từ 1 -2 ly trước bữa ăn sẽ làm cho cảm giác thèm ăn giảm, hỗ trợ giảm cân rất tốt lại lành tính.

d. Mẹo làm trà râu ngô ngon:

  • Chọn râu ngô: Để làm được trà râu ngô có vị thanh mát cần phải lựa chọn loại râu ngô tốt để nấu. Râu ngô chất lượng tốt là loại râu có sợi to, chùm râu dài đều, những sợi râu óng ả, màu vàng nâu. Râu ngô khô dễ bảo quản, dễ vận chuyển nhưng để nấu được nước râu ngô ngon tốt nhất là sử dụng loại râu ngô tươi, mới thu hái. Nguồn râu ngô tự nhiên, không qua phun xịt thuốc trừ sâu do trồng cấy.
  • Kết hợp các vị thảo mộc: bông mã đề, rễ cỏ tranh, cây cỏ xước để có hương vị trà thơm ngon và tăng hiệu quả thanh lọc cơ thể. 

 

V- LƯU Ý KHI SỬ DỤNG RÂU NGÔ

Râu ngô có vô vàn những công dụng tốt cho cơ thể bạn. Tuy nhiên, sử dụng râu ngô cũng cần phải lưu ý một số điều dưới đây để tránh gặp phải những tác dụng không mong muốn:

  • Nên uống trà râu ngô trong ngày, không để qua ngày. Nếu nấu nước râu ngô (hoặc pha trà) để ngăn mát tủ lạnh bảo quản chỉ nên sử dụng trong 2 ngày liên tiếp.
  • Nếu sử dụng râu ngô nấu nước uống hàng ngày chỉ nên sử dụng trong 10 ngày cho 1 liệu trình, bởi râu ngô có có tác dụng lợi tiểu, dùng nhiều cũng không tốt.
  • Những người có hệ bài tiết kém, người huyết áp thấp, tỳ vị hư hàn không nên uống nhiều nước râu ngô hoặc uống thay cho nước lọc trong ngày.
  • Người già, trẻ nhỏ không nên uống nước râu ngô vào buổi chiều tối, bởi râu ngô lợi tiểu gây đi đái nhiều vào ban đêm.

=> Tìm hiểu tác dụng và giá bán của dược liệu cẩu tích hiện nay: https://onplaza.vn/duoc-lieu/cau-tich-n263.html


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Tìm hiểu râu ngô có tác dụng gì và cách nấu nước râu ngô giải độc

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.22476 sec| 1625.977 kb