Cây bắc tử thảo còn được gọi là cây tử thảo hay cây cỏ ngọc. Loài cây này có tên khoa học là Radix Lithospermi Lithospermumerythrorhizon Sieb. et Zucc. Đây là thực vật có hoa thuộc họ Vòi voi (Boraginaceae).
Mô tả cây Bắc tử thảo
Bắc tử thảo là loài cây thân thảo, sống hàng năm. Thân cây cao từ 0,6m, có khi cao tới 1,2m. Thân cây mọc thẳng đứng, bao phủ toàn thân cây là một lớp lông mỏng. Từ thân cây, tỏa ra các cành cong ở đầu ngọn.
Lá cây bắc tử thảo có hình dạng như cây mác, thuôn dài, đầu lá nhọn. Lá mọc so le nhau. Phiến lá dài và cứng. Nếu sờ tay vào các mặt lá sẽ cảm nhận thấy độ nhám.
Hoa bắc tử thảo ban đầu có màu trăng sau đổi sang màu vàng nhạt. Cây kết quả hình trứng, bề ngoài nhẵn bóng, màu trắng.
Rễ cây bắc tử thảo vùi sâu trong lòng đất, các rễ chính to như đầu đũa. Rễ cái có phần đầu rễ to lớn, phần đuôi vuốt nhỏ, ít khi phân nhánh nhỏ. Rễ bắc tử thảo khô rất dai, khó bẻ gãy. Bên ngoài rễ bắc tử thảo có màu vàng ngà hoặc màu nâu tía.
Phân bố
Bắc tử thảo có nguồn gốc từ Trung Quốc. Loài cây này được đưa về trồng tại Việt Nam tuy nhiên do khí hậu và thổ nhưỡng không phù hợp nên chưa trồng rộng rãi và phổ biến.
Nguồn bắc tử thảo hiện nay tại Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Bộ phận dùng làm thuốc
Người ta thường sử dụng rễ của cây bắc tử thảo để làm thuốc, đôi khi cũng có dùng lá, thân cây để thay thế.
Phần rễ của Bắc tử thảo được thu hái vào mùa xuân lúc cây bắt đầu đâm chồi hoặc vào mùa thu khi cây đã có quả chín. Khi này người dân nhổ cây lấy rễ, giũ sạch đất rồi mang đi phơi (có thể cắt nhỏ trước khi phơi). Lưu ý, không rửa rễ cây bắc tử thảo trong nước trước khi phơi để tránh làm mất những hoạt chất có lợi.
Thành phần hóa học
Trong cây bắc tử thảo gốm có thành phần như: acetylshikonin, B-dimethylacryloylshikonin, Bhydroxyisovalerylshikonin shikonin, isobutyrylshikonin…
Trong rễ cây bắc tử thảo gồm có: isobutylshikonin, β’ – dimethylacryl – shikonin, β – hydroxyisovaleryl – shikonin, Chất tương tự 1,4 – benzoquinon của shikoiiofuran E, các lithospemiidin A và B, các shinokofuran A, B, C, D, E cùng một số các hoạt chất intemiedin, myoscopin, hydroxymyoscopin.
Tác dụng dược lý
Các nhà khoa học đã thực hiện các thí nghiệm lâm sàng để tìm ra các tác dụng dược lý của cây bắc tử thảo. Dưới đây là một số nghiên cứu tiêu biểu về tác dụng dược lý của loại thảo dược này.
Ức chế tiết nội tiết tố hướng sinh dục từ tuyến yên
Thử nghiệm trên thỏ và chuột nhắt cho thấy cao bắc tử thảo làm từ rễ và thân cành cây bắc tử thảo có khả năng ức chế động dục, ngăn cản chức năng của buồng trứng và tinh hoàn, đồng thời hoạt tính của tuyến giáp cũng bị suy giảm. Ngoài ra, cao bắc tử thảo còn gây ra hiện tượng sẩy thai trong giai đoạn đầu ở cả thỏ và chuột nhắt.
Làm giảm glucose trong huyết tương
Thử nghiệm cao nước chế từ rễ cây bắc tử thảo trên chuột nhắt trắng. Từ cao nước này, các nhà khoa học đã tách phân đoạn các chất có hoạt tính chứa lithospemian A, B, C với trọng lượng phân tử: 6.700, 750.000 và 280.000, tương ứng. Các chất hóa học này đều có tác dụng hạ đường huyết đối với chuột nhắt bình thường và chuột nhắt đã được gây đái tháo đường với aloxan.
Kháng viêm, giảm đau
Các chất Shikonin và acetylshikonin có trong cây bắc tử thảo được thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cho thấy chúng có khả năng giảm đau nhẹ và hạ sốt mức độ vừa. Chất Acetylshikonin có trong loài cây này cũng tác dụng chống viêm đối với thử nghiệm trên loài chuột cống trắng đã bị cắt bỏ tuyến thượng thận.
Hy vọng tìm ra thuốc đặc trị bệnh HIV/AIDS
Các nhà khoa học đã tiến hành ủ nước sắc cây bắc tử thảo với virus HIV. Đây là loại virus HIV được các nhà khoa học lấy ra từ tế bào H9 đã bị nhiễm mãn tính trong 4 ngày. Sau 9 ngày ủ với nước sắc cây bắc tử thảo, các nhà khoa học thực hiện soi các tế bào dưới phương pháp huỳnh quang gián tiếp. Kết quả từ thí nghiệm này cho thấy số lượng các tế bào bị nhiễm HIV hiển thị rõ ràng. Đây là một kết quả đáng ghi nhận trong bước tiến của các nhà khoa học trên con đường tìm ra thuốc đặc trị bệnh HIV/AIDS
Công dụng rễ bắc tử thảo
Trên thế giới, người dân nhiều nơi sử dụng bắc tử thảo làm thuốc. Trong dân gian Tây Ban Nha, nước hãm lá bắc tử thảo được xem như là vị thuốc an thần tuyệt vời.
Tại Trung Quốc, các bác sĩ y học cổ truyền dùng rễ cây bắc tử thảo để bào chế thuốc chống viêm, hạ sốt trong chữa trị các bệnh sởi, bỏng nhiệt và eczema; còn lá cây bắc tử thảo được sử dụng làm thuốc lợi tiểu.
Tại Ấn Độ, cây bắc tử thảo đã được trồng và sử dụng từ lâu đời. Các thầy thuốc y học cổ truyền Ấn Độ dùng rễ cây bắc tử thảo để bào chế thuốc lọc máu. Đặc biệt, cành và rễ cây bắc tử thảo được sắc cô đặc rồi bào chế thành sirô để chữa các bệnh đậu mùa, sởi, mẩn ngứa. Ngoài ra, người dân nơi đây còn thu hái quả bắc tử thảo để chữa bệnh sỏi thận, làm lợi tiểu, chữa bệnh gút và những bệnh về bàng quang.
Tại Việt Nam, Bắc tử thảo là vị thuốc thông dụng trong y học cổ truyền. Trong Đông y, bắc tử thảo có vị đắng, hơi mặn; tính hàn; tác dụng thanh nhiệt, thanh huyết, tiêu độc. Các thầy thuốc Đông y nước ta sử dụng bắc tử thảo để chữa trị các bệnh: Đậu mùa, sởi, thủy đậu, lở ngứa mụn nhọt, Viêm da, bỏng da, ung thư nang lông…
Một số cách dùng bắc tử thảo chữa bệnh
Vị thuốc bắc tử thảo thường được sử dụng theo 2 cách là sắc nước uống và tán mịn để bôi ngoài da. Dưới đây là một số các dùng bắc tử thảo chữa bệnh.
Dạng nước sắc
- Chữa và phòng bệnh sởi: Lấy bắc tử thảo, cam thảo đất mỗi vị 10gr đem đi rửa sạch rồi sắc nước uống ngày 1 thang.
- Chữa nổi ban xuất huyết: Lấy bắc tử thảo 12gr, mẫu đơn bì 14gr, xích thược 14gr, liên kiều 12gr, kim ngân hoa 12gr và cam thảo 4gr đem đi sắc nước trên lửa nhỏ. Sau đó lọc lấy nước uống trong ngày.
- Chữa đậu chẩn không mọc: Lấy 80gr bắc tử thảo sắc nước uống trong ngày lúc nước thuốc còn ấm.
Dạng tán bột
Chữa mụn, nhọt sinh ra do nhiệt: Lấy các vị: bắc tử thảo, bạch chỉ, đương quy, mỗi loại 12gr cùng với Huyết kiệt 1kg dùng tán bột nhỏ, trộn đều rồi thoa thành từng lớp mỏng lên vùng da bị nổi mụn nhọt.
Lưu ý trong sử dụng
Không sử dụng vị thuốc bắc tử thảo cho người đang bị tiêu chảy, tì vị hư yếu.
Mặc dù có thể sử dụng bắc tử thảo để chữa trị các bệnh sởi, thủy đậu… nhưng không được dùng bắc tử thảo cho người bị bệnh đầu mùa mức độ nặng.
Mọi thông tin về cây bắc tử thảo trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có nhu cầu sử dụng bắc tử thảo trị bệnh cần phải có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm