Xích thược - Bài thuốc chữa các chứng huyết nhiệt trong đông y

- Dược liệu
Xích thược - Bài thuốc chữa các chứng huyết nhiệt trong đông y

Xích dược là loài cây cảnh quý có vẻ đẹp rực rỡ sánh cùng các loài bạch thược, mẫu đơn. Ngoài giá trị làm cảnh, cây xích thược còn cho củ dùng làm dược liệu trị nhiều chứng bệnh. Cùng tham khảo bài viết để biết thêm những bài thuốc chữa bệnh hay trong đông y từ loài cây xinh đẹp này.

I. TÊN GỌI

Tên tiếng Việt:  Xích thược, Thảo thược dược, Xuyên xích thược.

Tên khoa học: Radix Paeoniae rubrae

Họ khoa học:  Ranunculaceae (tức họ Mao lương)

Hình ảnh cây xích thược

Hình ảnh cây xích thược

II. XÍCH THƯỢC LÀ GÌ?

Xích thược là vị thuốc Đông y. Vị này được làm từ rễ khô của cây xích thược (Radix Paeoniae rubrae).

Bề ngoài, vị thuốc xích dược thành phẩm là những khối hình trụ hơi cong. Khối này dài từ 5 cm đến 40 cm, đường kính khoảng từ 0,5 đến 3 cm. Quan sát bằng mắt thường ta thấy mặt ngoài của dược liệu có màu nâu, lớp vỏ nhăn có nhiều vân và các rãnh dọc, bề mặt thô, nhiều vết sẹo của rễ con và những lỗ nhô lên theo bề ngang. Phần vỏ ngoài này cũng rất dễ bị tróc.

Bẻ đôi dược liệu, ta thấy rất dễ gãy, vỏ mỏng, chất bên trong tuy cứng nhưng khá giòn, mặt cắt có màu trắng ngà đôi khi ngả sang màu hồng phấn. Bên trong thấy có nhiều vân gỗ xuyên tâm rõ ràng, đôi khi có vết nứt ở tâm gỗ. Nếm thử dược liệu thấy có vị đắng, hơi chua, chát nơi đầu lưỡi; ngửi thấy hương thơm nhẹ nhàng.

Vị thuốc xích thược 

Vị thuốc xích thược 

III. MÔ TẢ HÌNH ẢNH CÂY XÍCH THƯỢC

  • Cây xích thược (không gọi là hoàng xích thược) là loài cây thân  thảo sống lâu năm. Cây có hệ rễ phát triển phình to thành củ.
  • Thân cây có chiều cao khoảng từ 50 cm đến 80 cm. Thân cây xích thược hình trụ dài, bề ngoài nhẵn, không có lông bao phủ.
  • Lá xích thược màu xanh lục. Các lá mọc so le. Lá kép tựa như lông chim. Cuống lá khá dài. Phiến lá chia nhiều thùy hẹp, mép lá nguyên không xẻ răng cưa. Cả hai mặt lá xích thược đều trơn nhẵn.
  • Vào tháng 5 đến tháng 7 hàng năm hoa xích thược trổ ra từng bông đơn lẻ ở các nách lá và ngọn cây, không tạo chùm. Mỗi cây có từ 1 đến 7 bông. Hoa khá to, xòe ra 8 cánh, màu hồng thẫm rất đẹp. Nhị vàng chính giữa. Hoa tỏa ra mùi thơm tương tự như hoa hồng. Do có đặc điểm này mà xích thược còn được trồng làm cảnh.
  • Quả xích thược thường kết vào khoảng tháng 8 tháng 9 hàng năm. Trong quả có chứa từ 3  đến 5 hạt.

 

IV. NGUỒN GỐC VÀ PHÂN BỐ

Cây xích thược có nguồn gốc ở vùng Đông Á. Có nhiều ở Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Bởi có vẻ ngoài rất đẹp nen loài cây này thường được trồng làm cảnh giống như mẫu đơn hay bạch dược. Ngoài ra củ của cây còn làm thuốc.

Tại Việt Nam, những năm 1970, Viện Dược liệu Việt Nam đã đưa cây xích thược từ Trung Quốc về cấy giống ở Sapa (Lào Cai).

 

V. THU HÁI, CHẾ BIẾN

Hàng năm, người dân thường thu hái củ xích thược vào mùa xuân hoặc mùa thu.

Người ta tiến hành nhổ cây, đào lấy gốc rễ sau đó giũ sạch đất cát rồi cắt bỏ thân, rễ con, giữ lại phần củ. Làm sạch củ rồi phơi hoặc sấy khô.

 

VI. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Các nhà khoa học đã tìm ra các thành phần hóa học có trong rễ xích thược bao gồm: paeoniflorin, tanin, tinh bột, nhựa, sắc tố và đường. Trong số đó, thành phần chủ yếu là chất paeoniflorin.

 

VII. XÍCH THƯỢC CÓ TÁC DỤNG GÌ?

1. Tác dụng dược lý hiện đại

Các nhà khoa học hiện đại đã đưa cây xích thược vào công trình nghiên cứu. Qua thí nghiệm lâm sàng, họ đã chỉ ra một số các tác dụng của xích thược như sau:

  • Trong củ xích thược có thành phần hóa học Paeoniflorin. Chất này có tác dụng kháng viêm và hạ sốt.
  • Giảm đau co thắt

Một số nghiên cứu trên súc vật cho thấy các hoạt chất được chiết xuất từ củ xích thược có tác dụng chống co thắt ruột, trị bệnh đau dạ dày, giảm cơn đau co bóp tử cung và đặc biệt là tác dụng giảm đau do các cơn co thắt gây ra.

  • Kháng vi rút đường ruột

Xích thược có chứa một số các hoạt chất mang khả năng kháng khuẩn coli, khuẩn lị, khuẩn thương hàn… Đồng thời còn có khả năng diệt các loại vi rút: cúm, herpes và một số loại nấm.

  • Chống thiếu máu cơ tim

Thực nghiệm đã chứng minh thảo mộc xích thược có khả năng làm giãn động mạch vành, đồng thời ngăn ngừa tập tiểu cầu. Từ đó chống lại sự hình thành của huyết khối và giúp tăng lưu lượng máu cho động mạch vành. Ngoài ra, xích thược còn được đề cập đến với tác dụng làm giảm áp lực cho tĩnh mạch cửa.

  • Ngoài ra, các nhà khoa học còn đã tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm về tác dụng của xích thược đối với các tế bào ung thư. Kết quả cho thấy, còn xích thược có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung đồng thời gia tăng khả năng của thực bào.

 

2. Theo Đông y 

Ở nước ta, xích thược được dùng phổ biến trong y học cổ tryền. Vị thuốc xích dược được các thầy thuốc Đông y chỉ ra có những đặc điểm và công dụng như sau:

  • Vị:  chua, hơi đắng
  • Tính: hàn
  • Quy vào các kinh: Can, Tỳ
  • Tác dụng: Lương huyết, trừ ứ, giảm đau.

Xích thược được dùng để trị một số bệnh sau:

  • Ôn độc phát ban, ỉa máu,
  • Chảy máu cam
  • Mắt đỏ sưng đau,
  • Can uất, sườn đau, kinh bế, hành kinh đau bụng, hòn cục trong bụng,
  • Sưng đau do sang chấn, nhọt độc sưng đau.

Các thầy thuốc Đông y còn dựa vào cách thức sử dụng mà chỉ ra những tác dụng của xích thược:

  • Xích thược dùng tươi: chữa tán tà, hành huyết.
  • Xích thược tẩm rượu trắng rồi sao vàng: chữa thổ huyết, đổ máu cam.
  • Xích thược tẩm giấm rồi sao: Chữa kinh bế, đau bụng.

 

VIII. LIỀU LƯỢNG

Sử dụng vị thuốc xích thược với liều dùng: 6 - 12 gram mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc.

 

IX. CÁC BÀI THUỐC ĐÔNG Y CÓ CHỨA VỊ XÍCH THƯỢC 

  • Bài 1: Trị bệnh băng huyết, khí hư gây đau bụng

Gồm các vị xích thược 20 gram, hương phụ 12 gram. Cho thêm vài hạt muối trắng vào rồi sắc nước. Dùng thứ nước thuốc này uống khi còn nóng.

  • Bài 2: Trị chứng gãy xương giai đoạn đầu, bị đau do ứ thương

Gồm các vị xích thược 8 gram, nga truật 8 gram, xuyên khung 8 gram, đào nhân 8 gram, hồng hoa 8 gram, thổ miết trùng 8 gram, quy vĩ 12 gram, nghệ 12 gram, ô mai 12 gram. Đem tất cả các vị trên sắc với nước. Lọc lấy nước thuốc mà uống nhiều lần trong ngày. Ngày 1 thang.

  • Bài 3: Trị viêm tuyến tiền liệt, tiểu buốt

Gồm các vị xích thược 16 gram, đào nhân 16 gram, đan sâm 8 gram, hồng hoa 8 gram. Đem tất cả sắc nước uống trong ngày.

  • Bài 4: Trị bế kinh ở phụ nữ

Lấy mỗi loại 8 gram các vị sau: xích thược, đương quy, huyền hồ, hồng hoa, hương phụ, xuyên khung. Sắc uống trong ngày.

  • Bài 5: Trị nhọt sưng nơi vú

Lấy các vị đan sâm 20 gram, xích thược 16 gram, bạch chỉ 12 gram đem trộn đều rồi tán thành bột mịn. Đem bột này trộn với mỡ lợn và sáp ong vàng rồi quết thành cao. Bôi cao này vào chỗ nhọt sưng sẽ giảm đau, kháng viêm.

  • Bài 6: Trị mụn nhọt, rôm xảy vào mùa hè

Lấy các vị xích thược 12 gram, liên diệp 16 gram, kim ngân hoa 12 gram, liên kiều 12 gram, đạm trúc diệp 12 gram, thạch cao 10 gram. Đem các vị này sắc nước uống trong ngày, mỗi ngày 1 tháng.

Vị thuốc đang được săn lùng trong danh sách dược liệu Việt Nam: Tắc kè - Vị thuốc đặc biệt dành cho quý ông

X. LƯU Ý 

  • Không sử dụng vị thuốc xích thược cho người đang bị cảm hàn gây đau bụng đi ngoài; người huyết hư.
  • Không dùng chung xích thược với Lê lô
  • Tránh nhầm lẫn xích thược với bạch thược và thược dược. Trong Đông y có 1 vị thuốc là bạch thược (Paeonia lactiflora Pall) cùng họ Mao lương với vị thuốc xích thược. Cần phân biệt để tránh nhầm lẫn trong sử dụng. Về hình thức, thì xích thược có hoa màu đỏ, bạch thược có hoa màu trắng. Về ứng dụng trị bệnh xích thược thiên về thanh nhiệt lương huyết, tiêu nhọt, phá tích tụ; bạch thược dưỡng huyết ích âm, giảm đau. Ngoài ra cũng cần tránh nhầm lẫn giữa xích thược và cây hoa thược dược được trồng làm cảnh. Dù cả hai cây này đều có màu sắc đỏ hồng rực rỡ và thân lá cây gần giống nhau nhưng tác dụng trị bệnh thì khác nhau.

About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Xích thược - Bài thuốc chữa các chứng huyết nhiệt trong đông y

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.21181 sec| 1626.047 kb