Cùng đọc bài viết dưới đây để có thêm nhiều thông tin hữu ích về tác dụng, cách sử dụng và giá bán bạch cúc hoa tại thị trường Việt Nam.
TÊN GỌI
Tên thường gọi: Bạch cúc hoa, Tiết hoa, Nữ hoa, Mẫu cúc, Cúc trắng…
Tên khoa học: Chrysanthemum morifolium Ramat (Chrysanthemum sinese Sabine)
Họ khoa học: Asteraceae (tức họ Cúc)
CÂY BẠCH CÚC
Bạch cúc là loài cây thân đứng, mặt ngoài của thân nhẵn và khía thành các rãnh. Lá bạch cúc chia ra từ 5 đến 3 thùy hình trái xoan, đầu lá hơi nhọn, mép lá xẻ hình răng cưa. Màu sắc của 2 mặt lá phân biệt rõ rệt, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt và trắng có lớp lông bao phủ. Cuống lá bạch cúc ngắn, có tai ở gốc. Đầu lá bạch cúc khá to, những lá bắc phía ngoài hình chỉ, được bao phủ bởi một lớp lông trắng mịn, những lá phía trong thuôn hình trái xoan.
Phần ngọn cây trổ ra từ 1 đến 2 hàng hoa hình lưỡi nhỏ, màu trắng tinh khôi; các hoa ở giữa mang dạng hình ống, màu vàng ngà. Hoa không có mào lông; tràng hoa có dạng hình ống và có tuyến, 5 thùy và nhị chia ra làm 6 phần; bao phấn nằm ở tai ngắn, nằm nghiêng có 1 – 2 hàng hoa hình lưỡi nhỏ, màu trắng, các hoa ở giữa hình ống, màu vàng nhạt.
Quả bạch cúc hình bế, đôi khi có hình giống trái xoan.
Phân bố
Cây bạch cúc hoa có nguồn gốc từ vùng Đông Á. Từ xa xưa, loài hoa này được trồng phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc để làm cây cảnh và lấy hoa làm thuốc, pha trà.
Bộ phận làm dược liệu
Cây bạch cúc cho bộ phận hoa để làm dược liệu.
Thu hái, bào chế
Người dân thường tiến hành thu hái bạch cúc hoa vào cuối mùa thu, đầu mùa đông, khoảng thời gian này kéo dài từ tháng 9 tới tháng 11 hàng năm, khi này hoa cúc đã nở rộ. Người ta thường cắt cả cây đem về rồi giũ bỏ tạp chất. Sau đó ngắt lấy phần hoa để riêng.
Hoa bạch cúc sau khi thu hái có thể dùng tươi. Những hoa còn nguyên đóa, màu trắng tươi sáng, mùi thơm nhẹ nhàng, không lẫn tạp chất hay cành lá, cuống lá là loại tốt. Nếu không dùng tươi ngay, có thể đem phơi khô trong bóng râm hoặc sấy ở nhiệt độ thấp để giữ nguyên hương vị.
Thành phần hóa học
Các nhà khoa học tìm thấy trong bạch cúc hoa chứa các thành phần hóa học chủ yếu như sau: borneol, camphor, chrysanthenone, lutein-7-ramnoglucoside, cosmoiin, apigenin-7-O-Glucoside.
BẠCH CÚC HOA CÓ TÁC DỤNG GÌ?
Cây bạch cúc cho hoa rất đẹp. Những bông hoa trắng nhỏ như cúc áo nên gọi là bạch cúc. Bên cạnh việc trồng cây làm cảnh, hoa bạch cúc còn được dùng để hãm làm thức trà ngon uống hàng ngày, ngoài ra còn có thể dùng để trị bệnh. Dưới đây là một số tác dụng của bạch cúc hoa nói chung và tác dụng của trà bạch cúc nói riêng.
Trong nhiều y thư cổ tại Trung Quốc ghi lại những tính chất dược lý của vị thuốc bạch cúc hoa:
- Tính vị:
- Trong Bản kinh: vị đắng, tính bình
- Trong Biệt lục: vị ngọt, không độc
- Trong Thang dịch bản thảo: vị đắng mà ngọt, tính hàn
- Quy kinh: Vị thuốc bạch cúc hoa quy vào các kinh: Phế, Tỳ, Can, Thận.
- Công hiệu: Dưỡng huyết mục, minh mục, sơ phong, thanh tán phong nhiệt, bình can, thanh nhiệt, giải độc.
- Chữa trị các chứng bệnh: Chóng mặt, đau đầu, đỏ mắt, hoa mắt, các chứng du phong do phong nhiệt ở can gây nên, đau một bên đầu.
- Liều dùng: Bạch cúc hoa thường được dùng hãm trà hoặc thuốc sắc kết hợp với các vị khác. Liều dùng từ 6 gram tới 20 gram trong một ngày.
CÁCH DÙNG BẠCH CÚC HOA LÀM THUỐC CHỮA BỆNH
Trà bạch cúc hoa
Trà bạch cúc không còn xa lại gì đối với người phương Đông, nhất là phụ nữ Á Đông rất ưa chuộng loại trà thảo mộc này. Loại trà này có màu trắng sáng sinh động, hương thơm nhẹ nhàng, vị ngọt ngào do được pha cùng mật ong rừng hoặc đường phèn. Có tài liệu ghi chép rằng, trà bạch cúc được cho là có nguồn gốc thời nhà Tống, bên Trung Quốc. Từ xa xưa, người ta đã biết làm trà hoa cúc để mang tới cảm giác thư thái, nhẹ nhàng cho cơ thể. Ngày nay, các nhà khoa học còn chỉ ra trong hoa bạch cúc có các chất tốt cho cơ thể con người như: chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất, axit amin…
Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy chất apigenin trong trà bạch cúc hoa có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Loại trà này cũng có lợi cho những người thường xuyên làm việc văn phòng, tiếp xúc với máy tính nhiều giờ liên tục trong ngày, ít vận động.
Trong lịch sử Ai Cập cổ đại có ghi chép, trà hoa cúc là một loại trà quý có khả năng làm dịu các cơn đau bụng kinh. Ngày nay, các nhà khoa học đã tiến hành thực nghiệm lâm sàng đối với con người, kết quả cho thấy uống trà hoa cúc sẽ khiến lượng glycine trong nước tiểu tăng, đây là một hợp chất có thể làm ổn định sự co thắt cơ. Các nhà nghiên cứu đây là lý do mà trà bạch cúc hoa có thể làm dịu các cơn đau bụng do kỳ hành kinh ở nữ giới.
Tại Việt Nam, các thầy thuốc y học cổ truyền đã kết hợp bạch cúc hoa cùng với một số thảo dược khác để làm trà sẽ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Chẳng hạn, kết hợp Bạch cúc hoa với Trà xanh và Hoa hòe sẽ mang tới tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể, giải độc gan, làm sáng mắt và có hả năng phòng ngừa chứng nhức đầu do nhiệt; Bạch cúc hoa kết hợp với dược liệu Kim ngân hoa, Bồ công anh giúp tiêu độc, nhuận gan, chữa trị các bệnh mụn nhọt, ghẻ ngứa ngoài da, hỗ trợ điều trị viêm gan cấp tính; Bạch cúc hoa kết hợp với Phục linh được sử dụng làm đẹp da, khiến cho sắc mặt hồng hào, tăng tuổi thọ.
Ngoài ra, trà hoa cúc nói chung, bạch cúc hoa nói riêng là một loại trà thảo dược nổi tiếng có khả năng trị liệu tâm thần. Trà hoa bạch cúc có thể làm thư thái tinh thần, giãn cơ. Lấy Bạch cúc hoa với lượng khoảng từ 3 gram tới 5 gram. Hãm với khoảng 200ml nước sôi 100 độ C.
Cách 1: Uống nóng
Lấy nước sôi tráng bình và bạch cúc hoa trong khoảng 1 phút, gạn nước này bỏ đi, rồi thêm 150ml nước sôi vào hãm trong vòng 5 phút là có thể thưởng trà. Có thể kết hợp Bạch cúc hoa với một số loại thảo dược khác như Cỏ ngọt, Táo đỏ, Kỷ tử,… và pha thêm chút mật ong hoặc đường phèn.
Cách 2: Uống lạnh
Sau khi hãm trà bằng nước sôi theo cách 1, đem trà bỏ vào ngăn mát tủ lạnh hoặc thêm đá vào để uống cho mát.
*** Lưu ý: Chỉ nên uống trà hoa cúc mỗi ngày từ 1 đến 2 lần. Không dùng thay nước lọc.
Bột bạch cúc hoa
Bột Bạch cúc hoa chữa chứng chóng mặt, giữ gìn nhan sắc
Theo sách Thái Thanh Kinh Bảo phương, dùng bạch cúc hoa hái vào ngày 9 tháng 9 âm lịch hàng năm với lượng 2 kg, Phục linh 1 kg. Trộn đều hai thứ rồi tán thành bột mịn. Dùng ngày 3 lần, mỗi lần khoảng 8 gram, chiêu cùng rượu nóng.
Bột bạch cúc hoa trị ban đậu chạy vào mắt sinh ra màng mộng
Trong sách Nhân Trai trực chỉ phương luận có ghi: Lấy các vị thuốc sau với lượng đều nhau, gồm Bạch cúc hoa, Cốc tinh thảo, Vỏ đậu xanh đem trộn đều rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần lấy thứ bột này khoảng 4 gram cùng 1 quả thị chính, 1 chén gạo nếp, nấu cho đến khi cơm cạn thì ăn. Mỗi ngày ăn 3 trái. Bệnh nhẹ thì ăn khoảng 5 đến 7 ngày, bệnh nặng thì duy trì nửa tháng sẽ hết.
Bạch cúc hoa trị mắt có màng mộng sau khi bị bệnh
Trong sách Cấp cứu phương có ghi: Lấy các vị Bạch cúc hoa, Thuyền thoái, lượng bằng nhau, đem tán bột. Mỗi lần lấy khoảng từ 2 gram tới 12 gram bột này trộn với một ít mật ong rồi sắc uống.
Bạch cúc hoa trị đinh nhọt, mụn nhọt có mủ
Trong Lâm sàn thường dụng Trung dược thủ sách có ghi: Lấy các vị Bạch cúc hoa 160 gram, Cam thảo 20 gram, đem sắc uống ngày 1 thang.
LƯU Ý KHI SỬ DỤNG BẠCH CÚC HOA
Không dùng trà bạch cúc hoa thay nước lọc, chỉ nên uống 1 đến 2 lần trong ngày.
Không dùng bạch cúc hoa cho các đối tượng: khí hư, vị hàn, ăn ít, tiêu chảy; dương hư hoặc đầu đau sợ lạnh.
BẠCH CÚC HOA GIÁ BAO NHIÊU?
Giá bạch cúc hoa trên thị trường giao động từ 150.000đ đến 200.000đ cho 100 gram (1 lạng bạch cúc hoa). Ngoài các túi sản phẩm bạch cúc hoa đóng gói trần, còn có các sản phẩm bạch cúc hoa đóng hộp, đóng dạng trà túi lọc hoặc đóng trong các chai thủy tinh rất sang trọng, dễ bảo quản và sử dụng. Người viết xin được giới thiệu tới bạn đọc một số mức giá của sản phẩm bạch cúc hoa như sau:
- Trà Hoa Cúc Trắng – Bạch Cúc của nhà cung cấp mang tên Tôi Yêu Trà (Địa chỉ: Tòa CT14A1, KĐT. Ciputra, Võ Chí Công, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) giá túi đóng gói 50 gram là 75,000₫, Hũ thủy tinh là 115,000₫.
- Trà bạch cúc An Trà (địa chỉ An Trà – 75A Nguyễn Chánh Sắt, P13, Q.Tân Bình, TP.HCM) giá 99.000đ/hộp 50 gram
Hiện nay trên thị trường có nhiều nơi cung cấp sản phẩm bạch cúc hoa. Người mua nên lựa chọn những loại bạch cúc hoa hữu cơ, và thành phẩm là những hoa sấy khô tự nhiên, không chứa hóa chất bảo quản, không sử dụng lưu huỳnh để sấy.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm