Cây diếp cá là thảo dược gì? Công dụng - Liều dùng - Kiêng kỵ

- Dược liệu
Cây diếp cá là thảo dược gì? Công dụng - Liều dùng - Kiêng kỵ

Cây diếp cá có vị cay chua, vị tanh của mùi cá, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, lợi tiểu. Bên cạnh đó, diếp cá còn có tác dụng chữa viêm khớp, viêm phổi, viêm gan, viêm tai - mũi - họng, táo bón, kiết lỵ, mụn nhọt, mẩn đỏ và một số chứng bệnh khác.

Để hiểu thêm về diếp cá - vị thuốc quý trong đông y, ONPLAZA xin chia sẻ đến bạn những thông tin hữu ích về công dụng - liều dùng - kiêng kỵ và các bài thuốc chữa bệnh từ cây diếp cá. Bạn đừng bỏ qua nhé!

hình ảnh cây diếp cá

I. MÔ TẢ DƯỢC LIỆU CÂY DIẾP CÁ

1. Tên gọi, phân nhóm

  • Tên gọi khác: Cây diếp cá còn được biết với tên gọi khác là: Lá giấp, rau giấp cá, ngư tinh thảo,…
  • Tên nước ngoài: Fish mint, chameleon plant, houttuynia…
  • Tên khoa học: Houttuynia cordata Thunb.
  • Họ: Giấp cá (Saururaceae)

2. Đặc điểm cây diếp cá

  • Diếp cá là loại cây thân thảo, sống lâu năm, cao khoảng từ 20 - 40cm.
  • Thân rễ cây diếp cá mọc ngầm dưới mặt đất. Rễ nhỏ mọc ở các đốt, có lông hoặc ít lông.
  • Lá thường mọc so le, đầu nhọn, có hình tim, mặt trên của lá có màu xanh sẫm và mặt dưới của lá có màu hơi tím. Lá có lông nhỏ dọc theo gân lá ở cả hai mặt.
  • Hoa của rau diếp cá thường mọc ở ngọn thân thành bông dài từ 2 - 2,5cm, có nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Quả có hạt hình trái xoan và nhẵn.
  • Khi vò toàn cây diếp cá có mùi hơi tanh như mùi cá. Mùa hoa quả thường rơi vào khoảng tháng 5 - tháng 7.

3. Phân bố cây diếp cá

Ở Việt Nam, cây diếp cá thường mọc hoang nhiều ở các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng. Bên cạnh đó, cây còn được trồng ở nhiều nơi để làm rau và làm thuốc chữa bệnh.  

Cây diếp cá là loại cây ưa ẩm ướt, ưa bóng, thường mọc ở đất ẩm, nhiều mùn dọc theo các bờ khe suối, mương nước trong thung lũng cũng như ở vùng đồng bằng. Cây sinh trưởng gần như quanh năm, phát triển mạnh nhất vào mùa Xuân hạ, có hoa quả hằng năm trên những cây không bị ngắt ngọn và thu hoạch lá thường xuyên. Cây cho khả năng tái sinh mạnh từ thân rễ. 

4. Bộ phận dùng của cây diếp cá

Cây diếp cá có thể dùng toàn cây, bỏ rễ. Sau khi thu hoạch, bạn có thể dùng tươi hoặc phơi sấy khô để dùng dần. 

5. Thành phần hóa học

Toàn thân của cây diếp cá đều chứa tinh dầu. Với thành phần chủ yếu là nhóm aldehyd và các dẫn xuất ceton như l-decanal, methyl-n-nonyl ceton,...và 3-oxododecanal có tác dụng kháng khuẩn.

Nhóm tecpen trong tinh dầu bao gồm các chất ?-pinen, geranil, myrcene limonene, camphen, linalool, bormyl acetat và caryophylen. 

Ngoài ra, còn có axit propionic, axit hexadecanoic, axit panmitic, axit linoleic, axit oleic, axit stearic, benzamide, lipid, vitamin K, aldehyd capric,...

Lá diếp cá có chứa các thành phần hoá học có lợi cho sức khỏe như ꞵ-sitosterol, cordalin và các flavonoid như rutin, afzelin, hyperin, quercetin, isoquercitrin.

6. Tác dụng của rau diếp cá

Theo nghiên cứu y học hiện đại và y học cổ truyền, tác dụng của rau diếp cá như sau:

- Ức chế acetylcholin, histamin làm giảm co thắt cơ trơn ruột

- Chống dị ứng và chống nọc rắn độc

- Tác dụng lợi tiểu

- Alcaloid cordalin trong rau diếp cá có thể gây kích ứng da phồng rộp

 Vị thuốc diếp cá

  • Tính vị

Diếp cá có vị chua, cay, có tính mát, mùi tanh của cá, tính vị, hơi độc

  • Quy kinh

Cây diếp cá quy vào kinh Phế. 

  • Công dụng :

Cây diếp cá có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, lợi tiểu, sát trùng. Có thể dùng ngoài da để chữa ung thũng, vết lở loét, trĩ. 

Theo kinh nghiệm dân gian, diếp cá có tác dụng trị bệnh trĩ, táo bón, lở ngứa, mụn nhọt, viêm phổi, phổi có mủ, đau mắt do nhiễm trực khuẩn mủ xanh, đau mắt đỏ, viêm ruột, bí tiểu tiện, kiết lỵ, kinh nguyệt không đều. 

Cây diếp cá giúp thanh nhiệt giải độc

Cây diếp cá giúp thanh nhiệt giải độc

Nếu dùng ngoài da, đem lá diếp cá tươi rửa sạch với nước muối, giã nhỏ rồi đắp trực tiếp lên chỗ sưng đau, lở ngứa. Đối với bệnh trĩ, ngoài uống và đắp thuốc, bạn còn có thể nấu nước để xông hơi rồi rửa sạch. 

Tại Trung Quốc, cây diếp cá được bào chế thành thuốc viên hoặc thuốc tiêm để điều trị nhiễm khuẩn hoặc làm thuốc bó lên những vùng tổn thương, giúp kích thích phát triển xương. 

Tại Nhật Bản, thân rễ cây diếp cá còn được sử dụng để chữa bệnh phụ nữ. 

Ngoài ra, có thể bào chế thành cao diếp cá có tác dụng lợi tiểu. Có thể dùng toàn cây để thanh nhiệt giải độc, chữa khó tiêu, điều kinh. Lá diếp cá được dùng để trị bệnh lậu, kiết lỵ, các bệnh về trĩ, mắt, da. 

Cách dùng - Liều dùng 

Cách dùng: dùng dưới dạng thuốc sắc uống, thuốc viên, thuốc bột, hoặc giã nát lọc lấy nước uống hoặc đắp thuốc. 

Liều dùng: trung bình mỗi ngày khoảng 6 - 12g (trừ rễ) và 20 - 40g cây tươi. 

7. Một số bài thuốc với vị thuốc diếp cá

Cây diếp cá với nhiều công dụng trong chữa bệnh đã được áp dụng trong các bài thuốc đông y cũng như được vận dụng trong kinh nghiệm dân gian từ xưa đến nay. Dưới đây ONPLAZA xin chia sẻ đến bạn một số bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ vị thuốc diếp cá.

  • Bài thuốc 1. Chữa sưng viêm ở người lớn và trẻ em với vị thuốc diếp cá

- Đơn thuốc: diếp cá, dưa chuột, khế, xương sông, cải rừng, huyết dụ, mía dò, đơn đỏ, nhài. Mỗi vị đều dùng lá, mỗi vị 15g, 3 miếng bí đao, 3 lá xích hoa xà và 3 miếng củ nâu. 

- Cách dùng - Liều dùng: giã nát, rồi vắt lấy nước cốt để uống. Bã lá dùng để xoa bóp chỗ sưng viêm. 

  • Bài thuốc 2. Cây diếp cá giúp chữa trĩ đau nhức

- Đơn thuốc: lá diếp cá

- Cách dùng - Liều dùng: nấu nước lá diếp cá, dùng xông, ngâm rửa vùng hậu môn ngay lúc còn nóng. Phần bã đem đắp vào chỗ đau. Nước sau khi xông, hoà thêm với muối ăn để rửa chỗ bị trĩ. Sau đó, giã nát lá tươi, đắp vào búi trĩ rồi băng bó lại. 

  • Bài thuốc 3. Cây diếp cá giúp chữa trĩ ra máu 

- Đơn thuốc: 2kg cây diếp cá, 1kg bạch cập

- Cách dùng - Liều dùng: đem sấy khô rồi tán thành bột mịn. Mỗi ngày uống khoảng 6 - 12g, chia làm 2 - 3 lần uống/ngày. 

  • Bài thuốc 4. Chữa viêm tai giữa với cây diếp cá

- Đơn thuốc: 20g cây diếp cá khô, 10 quả táo đỏ, 600ml nước. 

- Cách dùng - Liều dùng: Đem sắc đến khi còn 200ml, uống trong ngày chia làm 3 lần uống.

  • Bài thuốc 5.  Lá diếp cá giúp chữa viêm tắc tia sữa 

- Đơn thuốc: Lá diếp cá, lá cải trời, dùng tươi và lấy mỗi vị một nắm (khoảng 30g) 

- Cách dùng - Liều dùng: đem giã nát. Chế nước sôi vào rồi vắt lấy nước cốt uống còn bã chưng nóng với giấm, đắp bên ngoài.

  • Bài thuốc 6. Vị thuốc diếp cá chữa viêm ruột, kiết lỵ

- Đơn thuốc: Rau diếp cá 20g, xuyên tâm liên 16g, hoàng bá 8g.

- Cách dùng - Liều dùng: đem sắc lấy nước uống. Chia làm 2 lần uống trong ngày.

  • Bài thuốc 7. Chữa viêm phổi với cây diếp cá

- Đơn thuốc: Diếp cá 20g, lộ can 20g, kim ngân 20g, liên kiều 16g, hoàng liên 12g, hoàng cầm 12g, hạnh nhân 12g, ma hoàng 8g, cam thảo 6g, thạch cao 40g.

- Cách dùng - Liều dùng: Sắc lấy nước uống. Duy trì mỗi ngày 1 thang thuốc cho đến khi bệnh thuyên giảm. Lưu ý: Nếu thấy khó thở, đờm nhiều, có thể thêm tang bạch bì 12g và đình lịch tử 12g. Còn nếu ho ra máu, thì thêm bạch mao căn 12g.

  • Bài thuốc 8. Chữa trĩ ngoại bội nhiễm hay thể thấp nhiệt với diếp cá

- Đơn thuốc: Diếp cá 16g, kim ngân 16g, hoa hòe 12g, hoàng đằng 12g, kinh giới 12g, chi tử sao đen 12g, chỉ xác 8g. 

- Cách dùng - Liều dùng: Sắc lấy nước uống dùng hằng ngày. Mỗi ngày uống 1 thang thuốc.

  • Bài thuốc 9. Chữa viêm xoang nhiễm khuẩn

Cách 1:

- Đơn thuốc: Diếp cá 16g, hy thiêm 16g, kim ngân hoa 16g, ké đầu ngựa 16g, mạch môn 12g, chi tử 8g. 

- Cách dùng - Liều dùng: Sắc lấy nước uống dùng hằng ngày. Mỗi ngày uống 1 thang thuốc.

Cách 2:

- Đơn thuốc: thạch cao 40g, diếp cá 20g, kim ngân hoa 16g, tri mẫu 12g, sơn chi 12g, tân di 12g, mạch môn 12g, hoàng cầm 12g. 

- Cách dùng - Liều dùng: Sắc lấy nước uống dùng hằng ngày. Mỗi ngày uống 1 thang thuốc. Lưu ý: Nếu bệnh nhân sợ lạnh, nhức đầu, sốt, có thể bỏ bớt mạch môn, hoàng cầm, và cho thêm 12g bạc hà, 12g ngưu bàng tử.

  • Bài thuốc 10. Hỗ trợ điều trị sỏi thận

Cách 1: 

- Đơn thuốc: 20g diếp cá, 15g rau dệu, 10g cam thảo đất. 

- Cách dùng - Liều dùng: Sắc lấy nước uống dùng hằng ngày. Mỗi ngày uống 1 thang thuốc. Duy trì liệu trình uống trong 1 tháng.

Cách 2:

- Đơn thuốc: 100g diếp cá.

- Cách dùng - Liều dùng: diếp cá sao vàng, rồi hãm với 1 lít nước sôi trong 20 phút. Dùng thay nước uống hằng ngày. Duy trì liệu trình 2 tháng, mỗi liệu trình cách nhau 1 tuần.

8. Lưu ý & thận trọng khi dùng vị thuốc diếp cá

Diếp cá là vị thuốc nam, do đó, trước khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến từ thầy thuốc để dùng thuốc hiệu quả, an toàn, tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Trên đây ONPLAZA đã chia sẻ đến bạn những thông tin về cây diếp cá, hy vọng hữu ích cho bạn. Nếu bạn còn câu hỏi thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm cây dược liệu cam toại :https://onplaza.vn/duoc-lieu/cam-toai-n112.html << CLICK


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Cây diếp cá là thảo dược gì? Công dụng - Liều dùng - Kiêng kỵ

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.20559 sec| 1645.617 kb