Đại phúc bì là một trong những dược liệu đông y đã được sử dụng lâu đời trong y học cổ truyền. Vị thuốc này được dùng để chuyên trị trướng bụng, đầy hơi, phù thũng, thông tiêu, hạ khí hành thủy. Vậy đại phúc bì là gì? Tác dụng của đại phúc bì ra sao? Bài viết sau đây, chúng tôi sẽ chia sẻ đến quý vị và các bạn những thông tin về dược liệu này.
ĐẠI PHÚC BÌ LÀ GÌ?
Đại phúc bì là vỏ ngoài và vỏ giữa đã được phơi khô của trái cau hay còn gọi là phần cùi quả cau. Phần vỏ cứng của quả cau có hình trứng dài hoặc hình bầu dục, lõm cong, chiều dài khoảng từ 4-7cm, chiều rộng từ 2-3,5cm, vỏ dày khoảng 0,2-0,5cm.
Tên gọi
- Tên gọi: Đại phúc bì
- Tên gọi Hán Việt khác: Phúc bì, Thảo đông sàng (Hòa Hán Dược Khảo),Đại phúc tân lang (Đồ Kinh Bản Thảo), Đại phúc nhung (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Trư tân lang (Bản Thảo Cương Mục).
- Tiếng Trung: 大 腹 皮
- Tên khoa học: Pericarpium Arecae.
Đặc điểm
Ở phần ngoài vỏ có màu từ đen đến nâu thẫm, nhô lên các vân nhăn dọc hoặc vân ngang. Tại phần đỉnh có vết sẹo dài của vòi nhụy, phần gốc có phần vết cuống quả và đài hoa, vỏ quả thường là hình vỏ sò, từ nâu đến nâu thẫm, thể nhẹ, chất rắn, có thể xé nhỏ theo chiều dọc. Nếu xé dọc có thể thấy những sợi vỏ quả giữ, vị hơi se, mùi nhẹ.
Một số vùng dùng miếng mo cau rồi phơi khô cũng gọi là đại phúc bì. Tên khoa học của cây cau là Areca catechu Linn, thuộc họ Arecaceae, thân trụ thẳng đứng, đường kính dài khoảng 10-15m. Toàn thân cây cao đều không có lá, chỉ có những vế lá đã bị rụng. Tại phần có ngọn có một lá rộng và to, xẻ lông chim, hoa cái to hơn hoa đực. Quả cau có hình hạch hoặc hình trứng, hạt cau có hình nón và hơi cụt.
Ngoài cây cau nhà, Đại phúc bì còn được lấy từ vỏ quả cau rừng hoặc cây sơn binh lang:
– Cây cau rừng (Areca laosensis O.Becc) – giống cây thân trụ và mọc thẳng đứng đơn độc, chiều cao khoảng 2-6m, các đốt phân đều đặn, mỗi đốt cách xa nhau từ 8-10cm, chiều dài lá khoảng 1m, lá kép lông chim, những lá chét được xếp vào rất sát nhau, không đều, hình lá cong lưỡi liềm. Cây ra quả vào khoảng tháng 11-12, mọc hoang tại những rừng thứ sinh ẩm của Việt Nam.
– Cây Sơn binh lang (hay còn được gọi là cây cau dại, cây cau rừng), tên khoa học là Pinanga, chiều cao 2-6m, cây mọc thành các bụi, nhiều các vết sẹo, cuống lá đã bị rụng. Phần lá tập trung tại ngọn, quả hình trứng, dài, màu vàng khi chín, hoa vàng nhạt. Tại Thanh Hóa, Nghệ An thường dùng loại cau này làm cảnh.
*** Lưu ý: Một số nơi cũng dùng bẹ của buồng cau (thường gọi đó là lưỡi mèo) và cho đó là Đại phúc bì, xắt thật nhỏ rồi sắc nước uống để trị phù thũng, giúp an thai tốt.
Phân bố
Cây cau được trồng ở khắp mọi nơi tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An.
VỊ THUỐC ĐẠI PHÚC BÌ
Bộ phận dùng
Vỏ quả cau đã bỏ vỏ xanh, phơi hoặc sấy khô. Vỏ quả khô, chọn những quả có nhiều xơ xốp vàng, mềm, dai là tốt; không nên chọn quả bị cứng, mốc, đen.
Thu hái, chế biến, bảo quản
– Thu hái: Đại phúc bì dược liệu sẽ được thu hái từ mùa đông năm nay đến mùa xuân năm sau, hái quả cau khi quả vẫn chưa chín, phơi khô sau khi đã luộc, bổ đôi , bỏ vỏ xanh đi, chỉ lấy phần cùi.
Nếu thu hoạch vào cuối mùa xuân đến đầu mùa thu, hái những quả chín, phơi hoặc sấy khô sau khi đã luộc, bóc lấy cùi, đập cho xơ rồi phơi khô (lúc này gọi là đại phúc mao).
– Chế biến: Đại phúc bì sau khi đã loại bỏ được tạp chất, mang rửa sạch, cắt đoạn, làm khô. Đại phúc mao cũng làm tương tự.
– Bảo quản: Đặt tại nơi khô ráo, thoáng mát, thỉnh thoảng xông lưu huỳnh để đề phòng mối mọt.
Bào chế
- Cách 1: Rửa sạch, mang ủ mềm trong một đêm rồi xé tơi ra, phơi hoặc sấy khô, đến khi độ ẩm đạt dưới 13%.
- Cách 2: Tùy theo đơn (có thể tẩm rượu sao).
- Cách 3: Dùng để nấu bằng cao đặc.
- Cách 4: Trước tiên dùng rửa rượu, thực hiện rửa qua phần nước đậu đen, phơi khô rồi lùi vào trong tro nóng, xắt thật nhỏ.
- Cách 5: Rửa sạch với rượu rồi mang rửa nước đậu nành, rửa lại phơi khô, sao khô, sau đó xắt ra dùng. (Thiên Kim Phương).
Cách dùng và liều dùng
– Cách dùng đại phúc bì:
- Dùng trong những trường hợp bị trướng bụng đầy hơi, phù thũng, thông tiêu.
- Dùng chín đối với trường hợp sử dụng để an thai, bình vị.
- Dùng ở dạng cao đặc với trường hợp trị phù thũng, đau đầu.
– Liều lượng dùng:
- Đối với trường hợp sắc: Dùng 4,5-9g.
- Đối với trường hợp cao đặc: Dùng 1/4 chỉ -1/2 chỉ.
TÁC DỤNG CỦA ĐẠI PHÚC BÌ
Thành phần hóa học
Đại phúc bì dược liệu có chứa nhiều các alcaloid tương tự như trong hạt cau nhưng tỷ lệ này rất thấp như arecolin hay guvacoline, arecaidin…
Tác dụng
Theo Đông y, vị thuốc đại phúc bì có vị cay, tính hơi ôn, đi vào các kinh gồm: Vị, Tỳ, Tiểu tràng và Đại tràng, có tác dụng hành khí, tiêu tích, lợi thủy, đạo trệ. Chuyên dùng trị trướng bụng, tiêu chảy, tiểu tiện khó, chân sưng cước khí. Kiêng kỵ dùng cho cơ thể bị suy nhược, hư mà không có thấp nhiệt.
MỘT SỐ BÀI THUỐC TỪ ĐẠI PHÚC BÌ THEO KINH NGHIỆM DÂN GIAN
Bài thuốc hạ khí khoan trung
Dùng khi thấp làm khí trệ trướng đầy, trở ngại ruột và dạ dày,
– Bài thuốc 1: Bột nhất gia giảm chính khí
- Nguyên liệu: Mỗi vị 12g hạnh nhân, đại phúc bì, mầm mạch, thần khúc. Mỗi loại 8g hoặc hương chi, hậu phác, 6g trần bì, 16g phục linh bì, 16g nhân trần.
- Thực hiện: Sắc uống.
– Bài thuốc 2: Hoàng cầm hoạt thạch thang giúp chữa mình nóng, sốt, rêu lưỡi vàng nhạt mà trơn, mạch hoãn, ra mồ hôi đỡ sốt
- Nguyên liệu: Mỗi vị 12g hoàng cầm, phục linh bì, trư linh, hoạt thạch. 8g đại phúc bì, 6g thông thảo, 6g bạch đậu khấu (cho vào sau).
- Thực hiện: Sắc uống.
Bài thuốc trị nước mũi
Dùng đại phúc bì sắc lấy nước để rửa (Trực Chỉ Phương).
Bài thuốc trị thủy trướng ứ nước bí đầy, có thai phù thũng
Dùng vỏ cây chân chim, vỏ quả cau, vỏ đại cốt bì (khủ khởi), vỏ gừng sống, mỗi vị 6g, sắc uống (theo kinh nghiệm dân gian).
Bài thuốc trị lợi niệu tiêu sưng
Dùng khi tiểu tiện khó, chân sưng phù, bụng phù to thủy thũng
– Bài 1: Thuốc sắc ngũ bì (dùng chữa phù thũng, tiểu tiện không lợi, bụng trướng)
- Nguyên liệu: Mỗi vị 12g vỏ rễ dâu, vỏ gừng, vỏ quả cau. Mỗi vị 8g trần bì, phục linh bì
- Thực hiện: sắc uống
– Bài 2: Bột đại phúc bì (trị cước khí, chân sưng phù)
- Nguyên liệu: Lấy liều lượng mỗi nguyên liệu bằng nhau gồm tang bạch bì, đại phúc bì, lai phục tử. Mỗi vị 8g kinh giới tuệ, gừng sống, hạt tía tô, chỉ xác, ô dược, trần bì, kết hợp cùng 2g trầm hương.
- Thực hiện: Sắc uống.
Theo Trung Dược Học Giảng Nghĩa, vị thuốc đại phúc bì có vị cay, chất nhẹ, chủ yếu chuyên về hành khí sơ trệ, lại cũng có thể giúp khoan trung, khoan hòa bên trong, trừ trướng mãn, lại mang đến tác dụng tiêu phù thũng, lợi tiểu. Vì vậy, với những người tiểu ít, sử dụng mang đến nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, những loại thuộc về phá tiết, nên nếu như phù trướng do khí hư thì không nên dùng.
Trên đây là một số thông tin về vị thuốc Đại phúc bì dược liệu, hi vọng mang đến những thông tin hữu ích về dược liệu dành cho quý vị và các bạn đọc.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm