Cây huyết giác - Vị thuốc hỗ trợ điều trị ứ huyết, bế kinh

- Dược liệu
Cây huyết giác - Vị thuốc hỗ trợ điều trị ứ huyết, bế kinh

Huyết giác là vị thuốc quý trong Đông y. Từ loài cây mọc hoang trên vách đá, cây huyết giác đã được con người đưa về trồng làm cảnh trong sân vườn và lấy thân gỗ làm dược liệu. Dược liệu huyết giác có tác dụng trị bệnh bong gân, làm dịu các vết bầm dập do chấn thương bên ngoài…

Để tìm hiểu thêm thông tin trị bệnh về cây huyết giác, Onplaza kính mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

I. TÊN GỌI

  • Tên tiếng Việt: Huyết giác, Xó nhà, Cau rừng…
  • Tên khoa học: Dracaena cambodiana
  • Họ: Dracaenaceae (tức họ Huyết giác)
  • Bộ: Asparagales (Măng tây)

 

II. CÂY HUYẾT GIÁC LÀ GÌ?

Cây huyết giác còn được gọi là cây xó nhà, là loài cây thân gỗ nhỏ. Thân cây có chiều dài khoảng từ 2m đến 4m, có khi lên tới 10m. Đường kính thân cây khoảng 30cm. Phần thân cây gần gốc rất thẳng, một số thân lâu năm hóa gỗ; ở giữa thân rỗng, phần gỗ có màu nâu đỏ, các nhánh có sẹo lá to, ngang.

Hình ảnh cây huyết giác

Hình ảnh cây huyết giác

Lá cây huyết giác có màu xanh tươi. Mỗi phiến lá có hình dạng tựa lưỡi mác dài, rất cứng, các lá mọc thành cụm xòe nơi đầu ngọn chính và các nhánh. Đầu lá nhọn, mép lá nguyên, mép nguyên, lá không có cuống mà phần lá mọc ra từ ngọn tạo thành bẹ. Khi lá rụng để lại phần sẹo trên thân cây.

Cây huyết giác trổ hoa ở các ngọn thân. Hoa màu lục pha vàng nhạt. Các hoa mọc tụm lại thành từng chùm. Mỗi chùm hoa có khi dài tới 1m. Các hoa nhỏ, đường kính khoảng 7-8mm.

Quả huyết giác có hình cầu, đường kính rộng khoảng 1cm. Lúc còn non quả có mầu xanh, khi chín chuyển sang màu đỏ. Trong mỗi quả huyết giác thường có 3 hạt hình cầu.

 

III. PHÂN BỐ

Cây huyết giác thường thấy xuất hiện ở các núi đá vôi. Trên thế giới, cây huyết giác có ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Việt Nam và Campuchia…

Tại Việt Nam, cây huyết giác có ở khắp nơi, thường bám vào các núi đá vôi, cả trong đất liền và các vùng biển đảo. Thấy nhiều ở các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh… Hiện nay, huyết giác không chỉ mọc hoang trong tự nhiên mà còn được trồng làm cảnh.

 

IV. BỘ PHẬN LÀM DƯỢC LIỆU

Cây huyết giác cho bộ phận thân hóa gỗ nơi gốc cây bị nấm bệnh (lignum dracaenae) để dùng làm dược liệu. Bộ phận này có màu đỏ, hình trụ rỗng ruột hay những mảnh gỗ hình dạng, kích thước khác nhau, thường gọi là huyết giác hoặc huyết kiệt. Huyết giác có chất gỗ rất cứng, vị hơi chát chát và không hề có mùi.

Vị thuốc huyết giác là Đông dược quý 

Vị thuốc huyết giác là Đông dược quý 

 V. THU HÁI BÀO CHẾ

Người ta thu hái huyết giác vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tìm chọn những cây huyết giác đã già, hoặc đã chết, rồi cưa lấy phần gỗ chuyển màu đỏ nâu; loại bỏ vỏ ngoài, những gỗ đã mục nát và phần giác trắng; sau đó thái lát phơi khô.

Dược liệu huyết giác thành phẩm là những khối lõi gỗ hình trụ rỗng bên trong; cũng có khi là dạng mảnh gỗ nhỏ có màu đỏ nâu, kích thước không đồng đều. Dược liệu huyết giác rất cứng, nếm thì thấy hơi chát nơi đầu lưỡi, không ngửi thấy mùi hương.

 

VI. TÁC DỤNG CHỮA BỆNH CỦA HUYẾT GIÁC

Tác dụng dược lý theo khoa học hiện đại

Trong các khối gỗ huyết giác có chứa nhựa huyết giác. Các nghiên cứu về gỗ huyết giác đã chỉ ra chất nhựa này bao gồm các hỗn hợp nhiều nhân vòng hữu cơ, flavonoid, saponin steroid, dracoresin… Dựa vào thành phần hóa học này, các nhà khoa học đã nghiên cứu để tìm ra những tác dụng dược lý của vị thuốc huyết giác.

Theo những nghiên cứu dược lý hiện đại, dược liệu huyết giác có những tác dụng chính sau đây:

  • Khả năng chống đông máu: Dịch chiết xuất từ dược liệu huyết giác có khả năng ngăn ngừa sụ hình thành khuyết khối. các nhà khoa học chỉ ra rằng huyết giác có tác dụng này bởi tính chất ức chế tập kết tiểu cầu của dược liệu.
  • Kháng khuẩn: Chiết xuất dịch từ gỗ huyết giác, các nhà khoa học đã tìm thấy một số chất có khả năng ức chế sự hình thành và phát triển của loài nấm Staphylococcus aureus  và một số loài khác.
  • Một nghiên cứu khác được thực nghiệm trên thỏ. Các nhà khoa học dùng cồn huyết giác sử dụng cho thỏ thí nghiệm. Kết quả cho thấy cồn huyết giác có khả năng: làm giãn mạch; tăng IgA, IgG trong máu; giảm glycopen trong gan.
  • Ngoài ra, một thực nghiệm trên loài chuột trắng cũng đã được tiến hành. Theo đó, dịch chiết xuất từ dược liệu huyết giác có khả năng tăng tỷ lệ sống sót của chuột thí nghiệm trong môi trường thiếu ô xy và áp suất giảm


Tác dụng của vị thuốc huyết giác trong Đông y

Trong y học cổ truyền phương Đông, huyết giác là vị thuốc quý. Theo đó, vị thuốc này có những tính chất sau đây:

  • Vị: đắng, chát
  • Tính: bình
  • Tác dụng: chỉ huyết, hoạt huyết, sinh cơ, hành khí
  • Trị bệnh: Mụn nhọt lâu ngày không liền, vết thương chảy máu, phụ nữ bế kinh, huyết ứ trệ sau khi sinh đẻ, tụ máu do chấn thương, đau nhức lưng, u hạch…
  • Liều dùng và cách dùng: Dùng 10 -20 gram để sắc uống hoặc ngâm rượu xoa bóp, dùng ngoài lấy lượng vừa phải.

 

VII. NHỮNG BÀI THUỐC TRỊ BỆNH TỪ HUYẾT GIÁC

Vị thuốc huyết giác thường được các thầy thuốc Đông y kết hợp với các vị thuốc khác để chữa trị nhiều chứng bệnh khó. Dưới đây là một số bài thuốc trị bệnh từ dược liệu huyết giác mà người viết đã sưu tầm được.

 

Bài 1: Trị vết thương do té ngã gây tụ máu

Tìm lấy các vị huyết giác 15 gram, huyết dụ (bao gồm cả lá, hoa và rễ) 30 gram. Đem rửa sạch 2 vị thuốc trên rồi sắc trên lửa nhỏ. Dùng nước uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang, duy trì từ 7 đến 10 ngày.

 

Bài 2: Trị bệnh phong thấp, tay chân tê nhức

Tìm lấy các vị với lượng như sau: huyết giác 20 gram, quế chi 20 gram, thiên niên kiện 20 gram, đại hồi 20 gram, địa liền 20 gram, gỗ vang 40 gram. Đem các vị này trộn đều rồi thái vụn, thêm vào 0,5 lít rượu trắng khoảng 30 độ, ngâm trong vòng 1 tuần đến 10 ngày. Sau đó vắt lấy nước thuốc, bỏ phần bã.

Dùng thứ rượu thuốc này thấm vào các vị trí bị đau nhức rồi xoa đều, ngày dùng 3 lần sáng, chiều, tối.

 

Bài 3: Rượu huyết giác trị chấn thương bầm máu, sưng tấy

Tìm lấy các vị với liều lượng như sau: huyết giác 40 gram, ô đầu 40 gram, thiên niên kiện 20 gram, địa liền 20 gram, long não 15 gram; đại hồi 12 gram, quế chi 12 gram.

Đem tất cả các vị trên trộn đều rồi tán nhỏ. Sau đó bỏ vào bình, ngâm với 1 lít rượu trong vòng 1 tuần. Sau đó lọc nước rượu thuốc này ra, bỏ phần bã, chế thêm rượu trắng cho lượng rượu thuốc vừa đủ 1 lít.

Dùng bông tẩm rượu thuốc rồi chấm nhẹ lên chỗ sưng đau, bầm máu, xoa đều nhẹ nhàng.

 

Bài 4: Thuốc bổ máu

Gồm các vị thuốc với liều lượng như sau: huyết giác 100 gram, hoài sơn 100 gram, hà thủ ô 100 gram, quả tơ hồng 100 gram, hạt đậu đen sao cháy 100 gram, hạt vừng đen 30 gram, ngải cứu 20 gram, gạo nếp rang 10 gram. Đem các vị trên trộn đều rồi tán bột mịn, sau trộn đều cùng mật ong rừng tự nhiên thành các viên nhỏ như hạt lạc. Sử dụng các viên hoàn này khoảng 10-20gram mỗi ngày, uống cùng nước ấm.

 

Bài 5: Thông huyết ứ và giảm đau do bong gân

Lấy các vị với liệu lượng như sau: huyết giác 20 gram, quế chi 20 gram, đại hồi 20 gram, địa liền 20 gram, thiên niên kiện 20 gram, mỗi vị 20g. Đem tất cả trộn đều rồi tán nhỏ, ngâm trong nửa lít rượu trắng 30 độ. Sau một tuần thì dùng được rượu này, lấy miếng bông thấm rượu ngập rồi chấm vào nơi bong gân, ứ huyết, sau đó xoa đều. Ngày làm 3 lần, mỗi lần khoảng 15 phút.

Vị thuốc Việt Nam: Cây xuyên tiêu - Công dụng cách dùng dược liệu quý

VIII. NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG HUYẾT GIÁC

  • Không sử dụng vị huyết giác cho người đang mang thai và đang trong kỳ kinh nguyệt.
  • Do huyết giác có tác dụng chống tập kết tiểu cầu nên phải lưu ý khi dùng với thuốc chống đông máu. Trong trường hợp này phải có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
  • Nếu sử dụng huyết giác trong thời gian dài với lượng nhiều có thể gây chảy máu kéo dài Tuy nhiên dùng dược liệu với liều lượng lớn có khả năng gây chảy máu kéo dài.

Tóm lại, huyết giác là thuốc quý trong Đông y, tuy nhiên sử dụng loại thuốc này cũng có một số các tác dụng phụ. Những thông tin về dược liệu huyết giác trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu cần sử dụng huyết giác trị bệnh, nhất định không dùng tùy ý, phải có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ Đông y.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Cây huyết giác - Vị thuốc hỗ trợ điều trị ứ huyết, bế kinh

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.21362 sec| 1630.094 kb