Cây huyết dụ: Tác dụng - Cách dùng - Lưu ý

- Dược liệu
Cây huyết dụ: Tác dụng - Cách dùng - Lưu ý

Trong Đông y, cây huyết dụ thường được sử dụng để cầm máu, là vị thuốc nam khá nổi tiếng, phổ biến và gần gũi với nhân dân Việt Nam. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn kỹ hơn những thông tin xung quanh vị thuốc này, mời quý vị và cách bạn cùng tìm hiểu. 

Cây huyết dụ
Hình ảnh bài thuốc huyết dụ

MÔ TẢ

Thông tin cơ bản

  • Tên thường gọi: Cây huyết dụ
  • Tên gọi khác: Cây long huyết, cây phát dụ, thiết thụ, huyết dụ lá đỏ, quyền diên ái (tên Dao), chổng đen (tên Tày).
  • Tên khoa học: Cordyline terminalis Kunth (Dracaena terminalis Jack)
  • Họ khoa học: thuộc họ huyết dụ (Dracaenaceae)

- Lưu ý huyết dụ có 2 loại:

  • Cây huyết dụ lá đỏ cả hai mặt (tên khoa học là Cordyline terminalis Kunth. var ferrea)
  • Cây huyết dụ lá một mặt đỏ và một mặt xanh (tên khoa học là Cordyline terminalis Kunth. var viridis)

Cả hai loại cây huyết dụ này đều sử dụng làm thuốc, trong đó, cây huyết dụ lá đỏ 2 mặt được sử dụng phổ biến hơn so với loại còn lại.

Đặc điểm thực vật

Cây huyết dụ là một loại dược liệu Việt Nam được ghi chép trong các tài liệu sách đông y, cây thuộc loại thực vật thân nhỏ, có chiều cao khoảng từ 1-2m. Thân cây mảnh và ít phân nhánh, phần vỏ cây có nhiều sẹo. Phần lá cây có màu đỏ đặc trưng, một số cây thường có màu đỏ tía, lá mọc chủ yếu tại ngọn, chiều dài khoảng từ 30-50cm, rộng khoảng từ 7-10cm. Hoa mọc thành cụm tại phần ngọn, mỗi nhánh có chứa nhiều hoa màu trắng, mặt ngoài hoa là màu tía, nhánh dài khoảng 30cm. Quả thuộc loại quả hình cầu, cây ra hoa và sai quả vào khoảng từ tháng 12 đến tháng 1 hàng năm.

Đặc điểm của huyết dụ

Phân bố địa lý

Khu vực phân bố cây huyết dụ chủ yếu tại hầu hết các tỉnh từ Bắc đến Nam. Do giống cây này sở hữu hình dáng khá đẹp, màu huyết dụ đặc biệt có màu đỏ nên cây huyết dụ không chỉ được trồng để làm thuốc mà còn được dùng làm cảnh. Do vậy, giống cây này rất dễ kiếm và dễ tìm để làm thuốc.

Bộ phận làm thuốc

- Bộ phận sử dụng: Bộ phận dùng làm thuốc là lá huyết dụ.

- Thu hái và chế biến: Người dân thường hái lá về rồi cắt ngắn phơi khô, để dùng dần làm thuốc. Ngoài ra, có một số bài thuốc còn dùng trực tiếp rễ cây hoặc lá tươi.

TÁC DỤNG CỦA CÂY HUYẾT DỤ

Tính vị

Trong các tài liệu đông y có ghi, huyết dụ có tính bình, vị hơi ngọt.

Thành phần hóa học

Theo các nghiên cứu, trong thành phần lá huyết dụ có chứa các thành phần như anthocyan, đường, acid amin, phenol...

Tác dụng

Lá huyết dụ có tác dụng gì? Theo đông y, vị thuốc huyết dụ quy kinh vào kinh Can và Thận mang đến tác dụng bổ máu, làm mát máu, bổ huyết, cầm máu, làm tan huyết ứ, giảm đau nhức xương khớp, lậu, tiêu chảy, rong kinh, tiểu tiện ra máu, ho ra máu... Nhìn chung, tác dụng cây huyết dụ là rất tốt cho máu, bổ huyết, cầm máu, có thể dùng tươi hoặc khô. 

  • Chữa đi tiểu ra máu 
  • Chữa chảy máu dưới da, chảy máu cam
  • Chữa xuất huyết tử cung, đi tiểu ra máu 
  • Chữa phong thấp, bị thương gây ứ máu 
  • Chữa ho ra máu, kiết lỵ ra máu
  • Chữa kinh nguyệt không đều, rong kinh, rong huyết, bạch đới, khí hư...
Tác dụng của cây huyết dụ
Cây huyết dụ giúp chữa các chứng đi tiểu ra máu, ho ra máu, kiết lỵ

LIỀU LƯỢNG - CÁCH DÙNG

Liều lượng

  • Đối với cây huyết dụ lá tươi: Liều dùng trung bình từ 20-30g
  • Đối với cây huyết dụ lá khô: Liều dùng trung bình từ 8-16g

Cách dùng

  • Cách dùng: Dùng ở dạng thuốc sắc hoặc dạng thuốc khác đều mang đến hiệu quả. 

Đối tượng sử dụng lá huyết dụ

  • Những người bệnh bị lao phổi, có hiện tượng bị ho ra máu 
  • Phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều, không đều. 
  • Bệnh nhân mắc bệnh trĩ nội, trĩ ngoại, đi cầu ra máu tươi. 
  • Những người đi tiểu ra máu, trẻ nhỏ bị chảy máu cam.

Lưu ý khi dùng

- Phụ nữ không nên dùng trước khi sinh con hoặc sau khi sinh xong mà bị sót nhau.

- Thận trọng đối với người cao tuổi, trẻ nhỏ.

- Tác dụng và hiệu quả của dược liệu hoặc các bài thuốc từ cây huyết dụ có thể sẽ chậm hơn so với thuốc Tây. Vì thế, người dùng cần phải thật kiên trì sử dụng. 

- Nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ và thầy  thuốc Đông y trước khi sử dụng thuốc. Người dùng nên tuân thủ theo đúng lời khuyên, hướng dẫn từ các bác sĩ. 

- Tùy theo bệnh tình, cơ địa hoặc mức độ nặng nhẹ của bệnh mà các bài thuốc từ cây huyết dụ có thể có hiệu quả hoặc sẽ gây dị ứng đối với một số bệnh nhân. Do vậy, trong quá trình sử dụng những bài thuốc từ cây huyết dụ, nếu gặp phải các triệu chứng lạ, bệnh nhân cần phải khai báo ngay với bác sĩ. 

- Không nên tự ý bỏ dùng thuốc Tây trong quá trình dùng thuốc nam nếu như không có sự chỉ định của bác sĩ. 

- Trước khi dùng, hãy rửa lá huyết dụ thật sạch sẽ. 

MỘT SỐ BÀI THUỐC TRỊ BỆNH TỪ LÁ HUYẾT DỤ

➢ Bài thuốc lá huyết dụ điều trị ho ra máu

Dùng khoảng 10g lá huyết dụ tươi, 8g rễ cây rẻ quạt, 4g thài lài tía, 4g trắc bách diệp phơi khô. Sao đen các vị cho khô rồi sắc nước uống hàng ngày. Mỗi ngày chia làm 2-3 lần.

Lá huyết dụ

➢ Bài thuốc chữa bệnh đi kiết lỵ ra máu 

Dùng mỗi vị 2g lá rau má, huyết dụ tươi, 12g cây cỏ nhọ nồi mang giã nát, rửa sạch hoặc xay nhuyễn, cho thêm chút nước. Vắt lấy nước cốt để uống. Uống liên tục khoảng từ 2-3 ngày, mỗi ngày 2-3 lần sẽ thấy bệnh thuyên giảm rõ rệt. Đối với trường hợp bị bệnh mãi không dứt, người bệnh nên đi gặp bác sĩ để được thăm khám điều trị. 

➢ Bài thuốc huyết dụ chữa đi tiểu ra máu

Dùng khoảng mỗi vị 10g lá lấu, lá cây muỗi, lá tiết dê, 20g lá huyết dụ tươi mang rửa sạch và giã nát. Sau đó, thêm một chút nước, lọc lấy nước cốt và uống. Người bệnh cũng có thể dùng khoảng 40-50g lá huyết dụ tươi để đẩy lùi tình trạng trên. 

➢ Bài thuốc cây huyết dụ chữa viêm ruột, trĩ nội, trĩ ngoại, khí hư, rong huyết, lỵ, hậu môn bị lở loét 

Dùng khoảng 20g lá bỏng (lá sống đờ), 40g lá huyết dụ tươi, 20g xích đồng nam (lá băn). Mang tất cả sắc mỗi ngày 1 thang, chia làm 2-3 lần. 

➢ Bài thuốc cây huyết dụ chữa băng huyết, rong kinh 

Lấy 20g lá huyết dụ tươi, 10g mỗi vị đài tồn tại của quả mái và rễ cỏ tranh, 8g rễ cỏ gừng. Thái nhỏ tất cả rồi cho 300ml vào sắc, sắc đến khi chỉ còn 100ml, chia làm 2 lần uống và uống hết trong ngày. 

➢ Bài thuốc lá huyết dụ chữa xuất huyết dưới da

Dùng mỗi vị 30g lá huyết dụ tươi, 20g rau má và 20g cỏ nhọ nồi, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần.

Tóm lại, dược liệu cây huyết dụ mang đến nhiều công dụng và lợi ích dành cho sức khỏe đối với con người. Vì thế, trong dân gian rất nhiều bài thuốc đã dùng vị thuốc này như một thành phần quan trọng không thể thiếu để điều trị đau nhức xương khớp, ho ra máu, chảy máu cam, phong thấp... 

Tuy vậy, không phải bất kỳ bài thuốc nào cũng luôn phù hợp và phát huy các công dụng đối với tất cả mọi người. Nếu bạn muốn áp dụng các bài thuốc dân gian từ cây huyết dụ để điều trị bệnh, hãy hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn kỹ lưỡng và các hướng dẫn cụ thể.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Cây huyết dụ: Tác dụng - Cách dùng - Lưu ý

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.17764 sec| 1628.516 kb