- Tên tiếng Việt: Ma hoàng, Thảo ma hoàng, xuyên ma hoàng, sơn ma hoàng…
- Tên khoa học: Ephedra sinica Stapf.
- Họ khoa học: Ephedraceae (Ma hoàng)
I. MÔ TẢ CÂY MA HOÀNG
Cây ma hoàng (khác với mã hoàng) là loài cây bụi nhỏ. Thân cây là thân thảo có phần gốc hóa gỗ. Thân cây mọc thẳng đứng ở phía gốc, lên cao thường bò ngang. Cây có chiều cao khoảng từ 20 – 40cm. Từ gốc tỏa ra nhiều nhánh thành bụi lớn. Cành cây rất cứng, chia làm nhiều đốt, mỗi đốt dài từ 3-6cm bao quanh nhiều khía dọc.
Lá cây ma hoàng thường mọc đối, đôi khi mọc vòng từng 3 lá một. Lá thoái hóa thành những vảy nhỏ, đầu vảy rất nhọn hơi cong và rất cứng. Mặt lá hướng ánh sáng màu xám trắng, mặt ngược lại có màu hồng nâu.
Cây ma hoàng trổ hoa vào khoảng tháng 5-6 hàng năm. Hoa màu vàng mọc ra từ nách những vảy lá. Hoa đực và hoa cái mọc ở các cây khác nhau. Khoảng tháng 7 tháng 8 thì kết quả. Quả ma hoàng được bao bọc trong những lá bắc màu đỏ hồng rất đẹp mắt. Mỗi quả thường có 2 hạt.
Cây ma hoàng sống được ở những nơi đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt. Thậm chí ở một số nơi, cây ma hoàng ngập chìm trong tuyết mùa đông, khi xuân tới, tuyết tan ra cây lại đâm chồi nảy lộc, sinh trưởng bình thường. Cây tái sinh từ hạt và những chồi mọc ra từ gốc cũ.
II. PHÂN BỐ CÂY MA HOÀNG
Ma hoàng có nguồn gốc ở các vùng ôn đới ấm. Tìm thấy loài cây ma hoàng nhiều ở các nước như Triều Tiên (phía Bắc), Trung Hoa, Nga và có ở một số nước Đông Âu.
Cây ma hoàng đã được đưa về Việt Nam để trồng nhưng khí hậu không thích hợp nên không phát triển được. Nguồn dược liệu ma hoàng chủ yếu của nước ta đang dùng là nhập khẩu từ Trung Quốc.
III. BỘ PHẬN SỬ DỤNG CỦA CÂY MA HOÀNG
Cây ma hoàng cho cả thân cành và cả rễ để làm dược liệu.
Người dân thu hái thân cành ma hoàng quanh năm. Khi các cành đã đạt độ dài cần được cắt sau đó làm sạch, cắt khúc phơi hoặc sấy khô.
Ma hoàng còn được sơ chế theo cách sau để dễ dàng sử dụng. Lấy ma hoàng sao tẩm với mật ong theo tỷ lệ ma hoàng 100kg sao tẩm với 20l mật ong.
IV. THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Các nhà khoa học đã tìm thấy trong ma hoàng có thành phần chính là ephedrine, đây là một loại akaloid. Ngoài ra còn có các thành phần hóa học khác như ephedrin, d-pseudoephedrin, metyl ephedrin, d-N-metyl ephedrin, nor ephedrin…
Tại Trung Hoa, ma hoàng được sử dụng làm dược liệu phải tuân thủ quy định kiểm nghiệm: chứa tối thiểu 0,8% akaloid toàn phần, và độ tro tối đa là 0,9%.
V. CÔNG DỤNG CÂY MA HOÀNG
Ma hoàng được sử dụng như 1 vị thuốc cả trong Đông y và Tây y.
1. Trong y học cổ truyền:
Vị thuốc ma hoàng được sử dụng chủ yếu trong y học cổ truyền phương Đông. Vị thuốc ma hoàng mang vị đắng, hơi cay; tính ấm; quy vào các kinh Tâm, Phế, Bàng Quang và Đại trường.
Các thầy thuốc Đông y chỉ ra Ma hoàng có công dụng: làm cho cơ thể tiết ra mồ hôi, hạ đờm, cầm suyễn, lợi tiểu.
2. Trong y học hiện đại:
Các nhà khoa học hiện đại đã chỉ ra tác dụng dược lý của ma hoàng dựa vào thành phần hóa học chủ đạo được tìm thấy trong thân, cành ma hoàng là ephedrin :
• Chất này có khả năng làm giãn phế quản, phù hợp cho những trường hợp phế quản bị co thắt gây khó thở
• Giảm nhu động ruột và dạ dày
• Có khả năng kích thích cơ tim, làm cho tim đập nhanh đồng thời có khả năng làm huyết áp tăng cao và kéo dài .
• Gây hưng phấn lên vỏ đại não giúp phấn chấn tinh thần, tránh gây buồn ngủ và có khả năng gây hưng phấn trung khu hô hấp.
• Ma hoàng có công dụng miễn dịch rất nhanh.
• Ma hoàng làm cơ thể bài tiết mồ hôi nhiều hơn.
• Thông tiểu, kích thích bài tiết và bài tiết dịch vị nhiều hơn.
Đối với phần rễ cây ma hoàng, các nhà nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm và đi đến kết luận: Tác dụng của rẽ cây ma hoàng lại trái ngược với tác dụng của thân cành cây ma hoàng. Nếu như các chất ở thân cành cây ma hoàng khiến cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi, làm huyết áp tăng cao, giãn phế quản thì các chất hóa học trong rễ cây ma hoàng lại có tác dụng cầm mồ hôi, làm giảm huyết áp, khiến hô hấp tăng nhanh và các mạch máu ngoại vi giãn ra.
VI. LIỀU DÙNG CÂY MA HOÀNG
1. Trong Đông y
Ma hoàng thường được dùng dưới dạng sắc cành cây khô uống với lượng từ 5 -10gr cho 1 người trong một ngày. Ma hoàng ít khi được dùng độc vị mà thường được phối hợp với các vị thuốc khác.
2. Trong Tây y
Người ta chiết xuất chất ephedrin dưới dạng muối clohydrat hay sulfat để sử dụng cho người bệnh dưới dạng riêng lẻ, đôi khi kết hợp với các chất aspirin, papaverin hay cafein.
Đối với bệnh hen: Liều sử dụng mỗi ngày thông thường là 0,05–0,15g để chữa bệnh hen. Lưu ý, bắt đầu sử dụng với liều 0,02g, sau khi đáp ứng thuốc mới tăng lên liều cao hơn.
Đối với bệnh sổ mũi: Sử dụng chất ephedrin làm thuốc nhỏ mũi liều lượng 3% ephedrin trong nước, nhỏ mỗi lần 1-2 giọt.
VII. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG
• Chiết xuất các chất có từ thân cành của cây ma hoàng có tác dụng làm tăng huyết áp nên phải rất cẩn trọng khi sử dụng cho bệnh nhân mắc chứng huyết áp cao, có tiền sử huyết áp tăng đột ngột.
• Tuyệt đối không sử dụng vị thuốc từ cành thân cây ma hoàng đối với người bệnh có chứng biểu hư ra nhiều mồ hôi, phế hư kèm sốt cao.
• Cần phân biệt lá cành, thân của cây ma hoàng có tác dụng làm ra mồ hôi còn đối với phần Rễ ma hoàng (thường gọi là ma hoàng căn) lại có tác dụng cầm mồ hôi. Tránh nhầm lẫn trong điều trị đối với 2 vị thuốc này.
Xem thêm: Địa liền - Tác dung và đặc điểm của cây thuốc quý << Chi tiết.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm