Ngũ vị tử có tác dụng gì? Cách dùng làm thuốc điều trị bệnh - Địa chỉ mua

- Dược liệu
Ngũ vị tử có tác dụng gì? Cách dùng làm thuốc điều trị bệnh - Địa chỉ mua

Ngũ vị tử là vị thuốc họ Schisandraceae. Quả ngũ vị tử có 5 vị: đắng, ngọt, mặn, cay, chua được sử dụng trong các bài thuốc có tác dụng an thần, chống suy nhược cơ thể, ra mồ hôi nhiều....

Ngũ vị tử là một loại thảo dược quý được thu hoạch từ quả của cây Ngũ vị bắc và Ngũ vị Hoa nam. Ngũ vị tử được mệnh danh là “thuốc quý trị bách bệnh” trong y học cổ truyền phương Đông. Kính mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây để biết Ngũ vị tử có tác dụng gì và những cách sử dụng Ngũ vị tử làm thuốc trị bệnh. 

Cây Ngũ vị là loại cây dây leo dàn, quả có màu đỏ mọc thành chùm

NGŨ VỊ TỬ LÀ GÌ?

Ngũ vị tử là một loại dược liệu dùng trong Y học cổ truyền phương Đông. Dược liệu này được làm từ quả chín phơi (hoặc sấy khô) của 2 loài cây thuộc họ Ngũ vị. Đó là quả của cây Ngũ vị bắc (danh pháp khoa học là Schisandra chinensis (Turcz.) và cây Ngũ vị Hoa nam (danh pháp khoa học là Schisandra sphenanthera ehd. et Wils.).

Tên thường gọi là: Ngũ Vị Tử, Ngũ Mai Tử, Huyền Cập…

Tên khoa học: Fructus Schisandrae

Phân loại khoa học: 

  • Giới (regnum): Plantae
  • Bộ (ordo): Austrobaileyales
  • Họ (familia): Schisandraceae
  • Chi (genus): Schisandra
  • Loài (species): S. chinensis

CÂY NGŨ VỊ CÓ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM GÌ?

Mô tả hình ảnh cây ngũ vị

Cây ngũ vị là loài dây leo to. Chiều dài thân cây khoảng từ 5m đến 7m, đôi khi dài tới 10m. Từ thân chính, cây tỏa ra các cành nhánh màu xám, bề ngoài có nhiều nốt sần, các cành non hơi tạo cạnh.

Lá cây ngũ vị mọc so le qua thân cành. Các phiến lá dạnh hình trứng, gốc lá thuôn hẹp, phần đầu lá có mũi nhọn, mép lá xẻ rang cưa dạng nhỏ. Mỗi phiến lá thường có chiều dài từ 5cm đến 11cm, chiều rộng từ 3cm đến 7cm. Hai mặt lá có màu sắc không giống nhau: Mặt trên hướng ánh sáng mặt trời có màu lục sẫm, nhẵn; mặt ngược lại có màu bạc nhẹ, những lá non còn có lông bao phủ trên hệ thống gân lá. Cuống lá dài chừng 1,5cm đến 3cm.

Quả ngũ vị tử
Quả Ngũ vị tử khi chín màu đỏ mọng

Cây ngũ vị cho những hoa có màu vàng trắng, mùi thơm nhẹ nhàng. Đây là những hoa đơn tính, mọc khác gốc. Mỗi tràng hoa bao gồm từ 6 cánh đến 9 cánh, bên trong chứa 5 nhị. Quả ngũ vị tức ngũ vị tử là những quả mọng hình cầu rất đẹp, khi chín quả có màu đỏ sẫm rất bắt mắt. Mỗi quả ngũ vị thường có đường kính từ 5 đến 7mm, bên trong chứa khoảng 1 đến 2 hạt nhỏ. Mùa hoa ngũ vị kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, sau đó kết quả vào khoảng tháng 8 đến tháng 9.

Phân bố

Từ năm 1830, tác giả C.L.Blome đã tách loài Ngũ vị thành 2 chi là Schisandra Michx và Kadsura Juss dựa trên đặc điểm của lá noãn và sự sắp xếp các phân quả. Toàn bộ 2 chi này gồm khoảng 50 loài ngũ vị, các cây này xuất hiện nhiều ở Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á, ngoài ra còn có một số loài ở Bắc Mỹ.

Riêng ở Việt Nam, chúng ta tìm thấy 4 loài, trong số đó có 2 loài thuộc chi Schisandra Michx (S. coccinea Michx; S chinensis Baill) và 2 loài thuộc chi Kadsura Juss. (K longgipedunculata Finet. Et Gagnep.).

Cụ thể hơn, ở vùng núi cao giáp với biên giới Trung Quốc thuộc Sapa, Bát Xát tỉnh Lào Cai và Phong Thổ, Sìn Hồ tỉnh Lai Châu, của Việt Nam, chúng ta đã tìm thấy loài ngũ vị có tên khoa học là S chinensis Baill. Loài cây này cũng có nhiều ở Trung Quốc

Thu hái và bào chế

Người dân thường tiến hạch thu quả ngũ vị vào mùa thu, lúc này quả đã chín đỏ. Sauk hi thu hoạch quả, cần nhanh chóng sơ chế bằng cách: chọn quả chín đỏ, phơi khô hoặc có thể đồ chín rồi phơi khô, sàng lọc để loại bỏ cuống và một số tạp chất bám dính, cuối cùng phơi hoặc sấy khô một lần nữa. Sau đó cần bảo quản ngũ vị tử ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm mốc và ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

Ngũ vị tử tươi
Quả ngũ vị tử được thu hái khi đã chín

Bào chế:

  • Cách 1: Bào chế Ngũ vị tử sống: Lấy quả ngũ vị tử chín đỏ đang còn tươi rồi loại bỏ tạp chất, sau đó giã vụn mà dùng.
  • Cách 2: Bào chế Thố Ngũ vị tử (tức ngũ vị tử chế giấm): Dùng quả ngũ vị trộn với dấm một lượng vừa phải cho thấm đều, sau đó cho vào trong coóng  kín rồi đồ cho đến khi quả đổi màu đen thì thôi. Đem quả ngũ vị đã đồi ra để ráo nước rồi phơi hoặc sấy khô. Khi nào dùng thì giã dập.

DƯỢC LIỆU NGŨ VỊ TỬ

Đối với ngũ vị tử Bắc: Là những quả hinh cầu không đều nhau, đôi khi hình cầu dẹt. Bề ngoài có lớp vỏ nhăn nheo màu đỏ tía. Chất rắn chắc. Bên trong, quả chứa từ 1 đến 2 hạt. Hạt ngũ vị tử Bắc có hình thận, vỏ mỏng và rất giòn. Vỏ hạt màu vàng nâu, khá sáng bóng. Khi đập giập quả thì nhận thấy hạt có mùi thơm, nếm thấy hơi cay pha chút đắng.

Đối với ngũ vị tử Hoa nam: Các quả khá nhỏ, vỏ ngoài mang sắc đỏ ngả nâu. Vỏ quả nhăn nheo, héo khô. Phần thịt quả thường dính chặt với hạt.

NGŨ VỊ TỬ CÓ TÁC DỤNG GÌ?

Tác dụng dược lý theo khoa học hiện đại

Ngũ vị tử là một loại dược liệu có trong thiên nhiên và được các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng trong lâm sàng của nền y học tân tiến, các nhà khoa học đã chỉ ra một số tác dụng dược lý của dược liệu Ngũ vị tử như sau:

  • Tăng tiết mật và bảo vệ các tế bào gan: Các nhà khoa học đã tìm thấy các lignan có trong Ngũ vị tử. Chất này có khả năng giảm các tổn thương gan cho những bệnh nhân mắc bệnh viêm gan mãn tính do virus. Dược liệu Ngũ vị tử được các thầy thuốc sử dụng để điều trị viêm gan. Quả ngũ vị sau khi bào chế có khả năng hồi phục chức năng gan, đồng thời làm giảm ALT huyết thanh nhanh đối với bệnh nhân viêm gan mạn tính, ngoài ra còn có khả năng giải độc cơ thể dựa vào tính chất kích thích cytochrom P450. Trong Ngũ vị tử cũng có những hoạt chất hóa học có khả năng thúc đẩy quá trình tổng hợp protein trong gan và hoạt động các tiểu thể gan, từ đó dẫn tới khả năng giải độc cho cơ thể nhanh chóng và hồi phục chức năng gan.
  • Trợ tim và điều hòa tuần hoàn máu: Qua thực nghiệm lâm sàng, cao Ngũ vị tử đã cho thấy kết quả tích cực trong hoạt động trợ tim và điều hòa tuần hoàn máu.
  • Điều hòa huyết áp: Dược liệu Ngũ vị tử có khả năng hạ huyết áp, đồng thời khi cơ thể có hiện tượng giảm tuần hoàn thì lại có thể điều tiết huyết áp về mức ổn định.
  • Tác động tích cực đối với hệ hô hấp: Qua thực nghiệm lâm sàng, dược liệu Ngũ vị tử đã chứng minh được tác dụng tiêu đờm, giảm ho và kích thích hô hấp.
  • Tác động lên hệ thần kinh: Dược liệu Ngũ vị tử có khả năng giảm đau, an thần; đồng thời loại dược liệu này còn có khả năng làm dãn mạch ngoại biên, tăng tính kích thích, phản xạ, làm tăng các hoạt động phản xạ có điều kiện.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm ra nhiều tác dụng khác của Ngũ vị tử đối với cơ thể con người. Bao gồm các tác dụng: tăng chức năng của hệ miễn dịch, kháng khuẩn, kháng virus, tăng xúc giác, tăng thị lực, và còn có thể ức chế sự hợp thành DNA của những tế bào gây ung thư.

Ngũ vị tử có tác dụng gì
Ngũ vị tử khô được dùng làm thuốc chữa bệnh

Theo y học cổ truyền phương Đông

Trong y học cổ truyền phương Đông, Ngũ vị tử được mệnh danh là “vị thuốc quý chữa bách bệnh”. Theo đó, được liệu Ngũ vị tử có những tính chất sau đây:

  • Vị: Chua, hơi cay
  • Tính: Ôn
  • Quy kinh: Phế, Thận
  • Tác dụng: An thần, liễm phế, bổ thận, chí hãn sáp tinh chỉ tả sinh tân chỉ khát.
  • Chủ trị các chứng bệnh: Đau bụng đi tả, Viêm gan mạn tính, Viêm đường hô hấp, làm cho An thần, cơ thể suy nhược…

Cách dùng, liều luợng:  Dùng phối hợp với các vị khác dưới dạng thuốc sắc uống hoặc tán bột làm viên hoàn; ngày dùng từ 1,5 gram đến 6 gram.

  Lưu ý: Các thầy thuốc Đông y đưa ra một số khuyến cáo đối với vị thuốc Ngũ vị tử như sau:

  • Không dùng cho người nhiệt thịnh, mới phát ban và ho trong giai đoạn đầu
  • Không dùng cho người bệnh bên trong có thực nhiệt, bên trong có thực tà
  • Không dùng cho người bị viêm khí, phế quản mới sốt và ho.
  • Không dùng cho người đang mang thai
  • Khi dùng Ngũ vị tử có thể có một số tác dụng phụ như đau dạ dày, phát ban ngoài da, ợ nóng…

CÁCH DÙNG NGŨ VỊ TỬ CHỮA BỆNH

Ngũ vị tử là loại thuốc quý, chữa được nhiều bệnh. Các thầy thuốc y học cổ truyền dân tộc Việt Nam đã sử dụng Ngũ vị tử trị bệnh bằng nhiều cách: kết hợp Ngũ vị tử với các vị thuốc khác rồi sắc lấy nước mà uống hay tán bột làm viên hoàn; dùng Ngũ vị tử chế biến món ăn hoặc ngâm rượu. Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh có chứa thành phần dược liệu Ngũ vị tử.

Vị thuốc ngũ vị tử
Ngũ vị tử được dùng kết hợp với các dược liệu khác giúp điều trị một số chứng bệnh

Các bài thuốc trị bệnh

Bài 1: Dùng cho cơ thể suy nhược, ra nhiều mồ hôi

  • Gồm các vị: Ngũ vị tử 63 gram, Bá tử nhân 125 gram, Bán hạ khúc 125 gram, Mẫu lệ 63 gram, Nhân sâm 63 gram, Ma hoàng căn 63 gram, Bạch truật 63 gram và Đại táo 30 quả.
  • Cách làm: Trước tiên lấy 30 quả Đại táo rửa qua rồi nấu cho nhuyễn, bỏ hát, nghiền nát. Các vị thuốc còn lại trộn đều rồi tán thành bột mịn. Lấy Đại táo nhào với thứ bột này rồi viên thành các viên to bằng hạt ngô.

Cách dùng: Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống khoảng 20 – 30 viên.

Bài 2: Chữa bệnh Thận dương hư, hoạt tinh

  • Gồm các vị: Ngũ vị tử 8 gram, Tang phiêu diêu 12 gram, Long cốt 12 gram, Phụ tử 12 gram.
  • Cách dùng: Sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang.

Bài 3: Chữa chứng tân dịch không đủ làm cho miệng khô, khát nước

  • Gồm các vị: Đảng sâm 12 gram, Mạch đông 12 gram, Ngũ vị tử 6 gram.
  • Cách dùng: Sắc nước thuốc uống, ngày dùng 1 thang.

Bài 4: Chữa viêm gan mạn tính

  • Độc vị: Ngũ vị tử sao khô tán mịn
  • Cách dùng: Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 3 gram với nước ấm hoặc chắt lấy nước cơm thêm chút đường mà dùng. Duy trì một đợt trong vòng 30 ngày.

Các món ăn trị bệnh

Bài 1: Rượu Ngũ vị tử – Ngũ vị tử tốt cho người bị suy nhược thần kinh, mất ngủ, hay hồi hộp, đánh trống ngực

  • Lấy Ngũ vị tử 30 gram, Nhân sâm khoảng 20 gram, Câu kỷ tử 30 gram, cùng 0,5 lít rượu trắng. Ngâm trong vòng 1 tuần thì dùng được, để lâu càng tốt.
  • Cách dùng: Uống mỗi ngày 1 lần trước khi đi ngủ khoảng 15ml.
Rượu ngũ vị tử
Cách dùng ngũ vị tử ngâm rượu cho người suy nhược thần kinh

Bài 2: Món Tim lợn hầm Ngũ vị tử tốt cho người hồi hộp gây rối loạn nhịp tim, mất ngủ, thở gấp, vã mồ hôi hột, kích ứng, khát nước.

  • Dùng tim lợn 1 cái và Ngũ vị tử khoảng 9 gram. Đem tim lợn làm sạch, mổ khoét rồi cho ngũ vị tử vào trong khâu lại, hầm cách thủy. Ăn ngày 1 lần.

MUA NGŨ VỊ TỬ Ở ĐÂU?

Ngũ vị tử là thảo dược quý. Có nhiều cửa hàng Đông dược cung cấp nguồn hàng này với giá giao động từ 200.000đ đến 600.000đ  1kg. Chẳng hạn như:

  • Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ và Xuất nhập khẩu TIÊN PHONG (địa chỉ 19 Đinh Liệt, Tam Kỳ, Quảng Nam) bán dược liệu Ngũ vị tử với giá 200.000đ/kg.
  • Công ty CP Siêu Thị Thảo Dược (địa chỉ số 320 Đường Chiến Thắng – Hà Đông – Hà Nội) phân phối sản phẩm Ngũ vị tử với giá 400.000đ/kg
  • Trung tâm Cây thuốc quý Hòa Bình (địa chỉ số 73, K2, Mường Khến, Tân Lạc, Hòa Bình) cung cấp dược liệu Ngũ vị tử nhập khẩu từ Trung Quốc với giá 490.000đ/kg.

Còn rất nhiều địa chỉ cung cấp dược liệu Ngũ vị tử mà người viết không thể liệt kê hết. Tuy nhiên trước tình trạng nhiều địa chỉ rao bán Ngũ vị tử chung chung, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, tốt nhất người tiêu dùng nên đến trực tiếp các nhà thuốc Đông y để lựa chọn mặt hàng và tham khảo giá trước khi mua sản phẩm.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Ngũ vị tử có tác dụng gì? Cách dùng làm thuốc điều trị bệnh - Địa chỉ mua

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.16805 sec| 1663.75 kb