Công dụng - Cách dùng và bài thuốc chữa bệnh từ cây ô môi

- Dược liệu
Công dụng - Cách dùng và bài thuốc chữa bệnh từ cây ô môi

Cây ô môi hay còn gọi là cây bọ cạp nước là loài cây có những chùm hoa hồng tươi vô cùng thân thuộc với người dân Nam Bộ. Người ta hái trái ô môi rồi cạo lấy phần cơm thịt bên trong mà ăn như thức quà hàng ngày. Không những thế quả, vỏ thân và lá ô môi còn có tác dụng trị bệnh hay.

 

Hình ảnh cây ô môi rất thân thuộc với người dân Nam bộ 

Hình ảnh cây ô môi rất thân thuộc với người dân Nam bộ 

I. TÊN GỌI

Tên tiếng Việt: Ô môi, Bọ cạp nước…

Tên khoa học: Cassia grandis L. F

Họ: Fabaceae  (tức họ Đậu)

 

II. CÂY Ô MÔI LÀ GÌ?

Cây ô môi là loài cây thân gỗ thuộc họ Đậu. Thân cây ô môi có chiều cao khoảng từ 10m đến 20m. Toàn bộ lớp ngoài của thân cây có màu nâu đen và trơn nhẵn. Cây ô môi chứa nhiều cành lớn mọc theo phương ngang thẳng, vỏ ngoài cành nhẵn nhụy, tuy nhiên các cành non thường có một lớp lông mịn màu gỉ sắt bao phủ bên ngoài.

Lá cây ô môi là dạng lá kép, hình dạng tựa lông chim. Mỗi lá thường chứa từ 8 đến 20 đôi lá phụ. Các phiến lá thon dài từ 7cm đến 12 cm, chiều rộng từ 4cm đến 8cm, hai đầu lá không nhọn mà tròn, mặt lá phía trên có phủ lông mịn, màu xanh bóng, ở giữa có hệ thống gân lá nổi bật.

Vào tháng 2 tháng 3 hàng năm, cây ô môi bắt đầu ra hoa. Những chùm hoa ô môi màu hồng tươi mọc ra từ những nách lá đã rụng. Hoa ô môi mọc gần nhau tạo thành chùm với nhiều cụm hoa lớn, rủ xuống rất đẹp. Mỗi chùm hoa dài khoảng chừng từ 20cm đến 40cm.

Từ tháng 5 trở đi, hoa ô môi kết quả. Những quả này hình trụ, dẹt, mỗi quả có kích thước chiều dài khoảng 40 cm đến 60 cm, đường kính từ 3cm đến 4 cm. Các quả có lớp vỏ rất cứng, khi già đi thì vỏ quả chuyển từ xanh sang màu nâu đen, lúc này quả cũng cong cong tựa hình lưỡi liềm. Bên trong mỗi quả, thường chia thành 50 tới 60 khoang nhỏ. Trong mỗi khoang là 1 hạt ô môi nhỏ xíu, hình dạng tròn hoặc bầu dục, màu vàng xanh và rất cứng. Bao xung quanh các hạt là phần thịt ô môi có màu nâu đen. Nếm thử phần cơm thịt quả ô môi thì cảm nhận được vị ngọt pha chút chát, mùi hắc. Người dân Nam bộ ở Việt Nam thường lấy thứ cơm ô môi này mà đem ngâm rượu để uống hàng ngày, nhằm bồi bổ sức khỏe.

Trái ô môi dùng ngâm rượu bồi bổ sức khỏe

Trái ô môi dùng ngâm rượu bồi bổ sức khỏe

III. PHÂN BỐ CÂY Ô MÔI

Cây ô môi được các nhà nghiên cứu xác định có nguồn gốc từ các nước Nam Mỹ. Trên thế giới, cây này có hoa đẹp, tán rộng nên được trồng để làm cây lấy bóng mát quanh nhà, sân vườn.

Tại  Việt Nam, cây ô môi rừng tự nhiên rất ít, cây được trồng nhiều ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Đặc biệt hình ảnh cây ô môi rất đỗi thân thuộc với bà con nông dân Nam bộ.  Thường thấy người dân lấy trái cây ô môi tách vỏ, rồi tạo cây giống ô môi trồng dọc theo các bờ kênh làm bóng mát.

 

IV. BỘ PHẬN LÀM DƯỢC LIỆU

Cây ô môi cho bộ phận lá, vỏ và quả ô môi để làm dược liệu.

 

V. THU HÁI BÀO CHẾ

Quả ô môi: Vào mùa thu, người dân thường chọn lấy những quả chín để sử dụng phần cơm thịt phía trong. Sau khi thu hái cần phải bỏ vỏ, lấy hạt, và phần cơm thịt bên trong để ngâm rượu.

Cũng có thể dùng quả ô môi để nấu cao mềm. Cách làm: Lấy 1kg cơm và hạt từ quả ô môi  cùng 1 lít nước trắng (nếu tăng thêm lượng thì lấy theo tỉ lệ tỉ lệ 1:1), đem đi đun sôi. Sau đó mang thứ nước này đi cô đặc cách thủy thành loại cao mềm, chia ra các phần nhỏ, bảo quản trong lọ kín để dùng dần.

Lá và vỏ ô môi: Thu hái quanh năm, thường được sử dụng khi còn tươi. Lúc nào dùng thì hái trên cây xuống. Thường được bào chế theo cách rửa sạch rồi giã nát, vắt lấy nước để trị bệnh ngoài da. 

 

VI. Ô MÔI CÓ TÁC DỤNG GÌ?

1. Trong nhân dân

Người dân Nam bộ thường dùng quả, lá và vỏ cây ô môi để sử dụng trong đời sống ngày ngày.

  • Cơm thịt trong trái ô môi:

Cac nhà khoa học đã tiến hành phân tích các thành phần hóa học có trong cơm của trái ô môi. Bao gồm các chất hóa học sau: chất nhày, tanin, saponin, calci oxalat, glucid, antraglucozit, tinh dầu và ngoài ra còn có cả chất nhựa.

Người dân Nam bộ dùng trái ô môi bóc lấy cơm mà ăn chơi. Trái ô môi thường được bày bán rất nhiều ở các chợ phía nam. Người dân bó quả ô môi thành những bó như bó củi. Trẻ em nông thôn Nam bộ rất thích cạo lấy phần cơm thịt phía trong để ăn trực tiếp. Ngoài ra quả ô môi để già và phơi khô cứng thì để nhiều năm cũng không bị hư hỏng nên rất dễ bảo quản.

Cơm ô môi còn được bà con dùng để ngâm rượu uống hàng ngày nhằm kích thích hệ tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng; chữa các bệnh đau nhức xương khớp.

Cao mềm nấu từ phần cơm trong quả ô môi làm thuốc kích thích tiêu hóa, nhuận tràng.

  • Hạt ô môi:

Người dân Nam bộ thường sử dụng hạt ô môi ngâm vào nước nóng già tay cho tới khi bong lớp vỏ cứng bên ngoài thì bóc lấy phần nhân bên trong. Lấy nhân hạt ô môi đem nấu với nước đường cho mềm để làm thành phần trong các món chè giải khát, có tác dụng tương tự như các loại hạt trong sâm bổ lương.

  • Lá, vỏ cây ô môi:

Tìm lấy lá hoặc vỏ cây ô môi tươi, rửa sạch rồi giã nát, lọc lấy nước để trị các bệnh ngoài da như: ghẻ, hắc lào, mụn nhọt, mẩn ngứa.

Có tài liệu ghi nhận, người dân Campuchia sử dụng lá và vỏ cây ô môi để đắp ngoài da điều trị vết cắn của bò cạp, rắn.

Nước sắc lá ô môi còn có tác dụng trị chứng bệnh đau lưng, nhức mỏi xương khớp toàn thân.

 

2. Trong y học cổ truyền

Ô môi còn được sử dụng trong y học cổ truyền. Theo đó ô môi là vị thuốc có vị ngọt, hơi chát, mùi hắc. Trong y học cổ truyền, các thầy thuốc thường sử dụng cơm trong quả ô môi nhằm:

  • Kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, tăng cảm giác thèm ăn trong các bữa ăn hàng ngày.
  • Chữa trị các bệnh về đau nhức xương khớp.
  • Làm nhuận tràng, thông tiện và có thể dùng để chữa trị bệnh kiết lỵ
  • Chữa trị các bệnh ngoài da: viêm da, hắc lào, lở ngứa.

 

VII. CÁCH DÙNG CÂY Ô MÔI

Quả ô môi: dùng tươi, ngâm rượu hoặc nấu cao, Vỏ thân và lá ô môi: sắc uống hoặc giã nát dùng đắp ngoài.

 

VII. LIỀU DÙNG CÂY Ô MÔI

  • Quả ô môi dùng trong trị bệnh táo bón, giúp nhuận tràng: lượng từ 4 gram đến 6 gram. Nếu cần tẩy ruột thì dùng 10 gram đến 20 gram.
  • Rượu ô môi: dùng tối đa ngày 2 lần, mỗi lần 20ml.
  • Nước cốt vỏ thân và lá: nếu sắc uống thì dùng từ 15 gram đến 20 gram; nếu dùng ngoài thì lựa mà lấy cho phù hợp.

 

VIII. BÀI THUỐC TRỊ BỆNH TỪ Ô MÔI

Trong dân gian và trong y học cổ truyền đều có những bài thuốc hay trị bệnh từ vị thuốc ô môi. Người viết tổng hợp được 3 bài thuốc từ quả, thân và lá cây ô môi. Xin mời bạn đọc tham khảo:

 

Bài 1: Vỏ cây ô môi trị bệnh thấp khớp

Tìm lấy 50 gram vỏ cây ô môi, dây đau xương 100 gram, cốt toái bổ 100 gram và nhục quế 30 gram. Ngâm tất cả các vị này trong 1 lít rượu trắng 35 độ, ngâm trong khoảng 1 tháng thì dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20ml. Tránh lạm dụng.

 

Bài 2: Rượu trái ô môi kích thích tiêu hóa, bồi bổ cơ thể, có thể giảm đau nhức xương khớp

Lấy quả ô môi và rượu với tỷ lệ 1 quả ô môi tương ứng với 0,5l rượu. Ngâm trong thời gian khoảng 30 ngày thì dùng được, để lâu càng tốt. Dùng thứ rượu này 2 lần mỗi ngày trước bữa ăn, mỗi lần 20ml.

 

Bài 3: Lá ô môi trị bệnh ngoài da

Tìm lấy lá ô môi tươi, rửa sạch rồi giã nát, vắt lấy nước bôi vào phần da bị tổn thương. Bôi ngày vài lần, lưu ý không chà xát vùng da tổn thương.

Dược liệu hỗ trợ điều trị ứ huyết, tụ máu hiệu quả: https://onplaza.vn/duoc-lieu/huyet-giac-n175.html

IX. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG Ô MÔI

  • Dùng rượu ô môi có thể gây ra một số tác dụng phụ như: say, buồn ngủ, đỏ mặt, nhức đầu, váng đầu.
  • Không dùng rượu ô môi cho các đối tượng sau: trẻ nhỏ, người mang thai và đang cho con bú; người có tiền sử dị ứng rượu; người đang mắc bệnh đau dạ dày và các bệnh về gan thận.
  • Ngoài ra, nhiều người còn lầm tưởng cây ô môi là cây canh ki na của Việt Nam nhưng đây là hai loài khác nhau. Tránh nhầm lẫn trong sử dụng.

Tóm lại, cây ô môi có nhiều tác dụng trong bồi bổ sức khỏe và trị bệnh. Tuy nhiên nếu cần dùng ô môi để trị bệnh, phải có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ. Mọi thông tin phía trên chỉ mang tính chất tham khảo. Không tự ý sử dụng.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Công dụng - Cách dùng và bài thuốc chữa bệnh từ cây ô môi

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.16960 sec| 1640.25 kb