Râu sâm? Liều dùng, công dụng và những lưu ý khi sử dụng

- Dược liệu
Râu sâm? Liều dùng, công dụng và những lưu ý khi sử dụng

Râu sâm hay sâm râu là phần củ, rễ của cây nhân sâm, tựa như chòm râu. Loại sâm này có tác dụng bồi bổ cơ thể và được sử dụng theo nhiều cách như ngâm rượu, ngâm mật ong, dùng trong chế biến các món ăn dạng hầm nhừ…

Cùng đọc bài viết về sâm râu để biết công dụng, liều dùng và những lưu ý khi dùng loại sâm này.

I. TÊN GỌI

  • Tên tiếng Việt: Sâm râu, Nhân sâm, Sâm cao ly, Sâm Triều Tiên…
  • Tên khoa học: Panax ginseng C.A.Mey
  • Họ khoa học: Araliaceae (tức họ Cuồng)

Hình ảnh cây nhân sâm (tức sâm râu)

Hình ảnh cây nhân sâm (tức sâm râu)

 

II. SÂM RÂU LÀ GÌ?

Sâm râu tức là bộ phận rễ, củ hay còn gọi là râu của cây nhân sâm trong tự nhiên hoặc cây nhân sâm trồng. Loại dược liệu này thuôn dài, gồm hai nhánh rễ chính xoắn vào nhau và nhiều rễ con ngắn, thô, trông giống như hình người. Phân biệt râu sâm trồng và râu sâm trong tự nhiên ta cần biết các đặc điểm: râu sâm trồng thường không thấy nốt sần; sâu sâm rừng tự nhiên thường có những nốt sần (tức trân châu điểm) rất rõ, khích thước dài và khá dai.

 

III. MÔ TẢ HÌNH ẢNH CÂY NHÂN SÂM

Nhân sâm là loài cây nhỏ. Thân cây có chiều cao khoảng từ 30cm đến 50cm. Ở ngọn cây có một vòng lá khoảng 4 đến 5 lá tạo thành. Các lá có cuống dài. Phiến lá màu xanh sẫm, là loại lá kép chân vịt. Mới đầu, lá trổ ra gồm 3 lá chét, sau đó phát triển thành 5 lá. Các lá chét phía ngoài nhỏ hơn những lá chét ở giữa. Mép lá xẻ hình răng cưa.

Cây nhân sâm trồng khoảng 3 năm thì bắt đầu cho hoa. Mùa hoa nhân sâm thường vào mùa hạ. Hoa trổ ra từ ngọn cây, mọc lên giữa vòng lá một trục cao khoảng 10 cm, rồi tỏa ra những nụ và hoa có màu trắng nhạt, những bông hoa nhỏ này họp lại thành tán đơn. Mỗi bông hoa gồm có 5 cánh, lá đài 5 răng và 5 nhị hoa. Phía dưới là bầu hoa, chia thành 2 ô nhỏ. Quả nhân sâm là loại quả hạch. Quả có hình dạng tựa hình cầu, mầu đỏ tươi sau chuyển sang mầu đỏ thẫm.

Rễ của cây nhân sâm thường to bằng ngón tay. Từ rễ chính phân ra nhiều nhánh tựa như phần tay chân của con người, bởi vậy cây còn được gọi là nhân sâm. Mỗi củ sâm thường có khối lượng khoảng 150 gram tuy nhiên đôi lúc cũng tìm thấy những củ nặng từ 300 gram đến 400 gram.

Củ nhân sâm 

Củ nhân sâm 

 

IV. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra các thành phần hóa học chính trong sâm râu là các saponin triterpenoid tetracyclic thuộc nhóm dammaran. Các chất này được gọi chung là ginsenosid.

Ngoài ra trong cây sâm râu còn có các thành phần khác: 0,05%-0,25% tinh dầu, các phytosterol 0,029%, glycan, vitamin B1, vitamin B2…

 

V. PHÂN LOẠI SÂM RÂU

Sâm râu còn được gọi là sâm cao ly và được phân thành các loại theo chế biến đó là sâm cao ly khô, sâm cao ly tươi; theo phân bố địa lý là: sâm cao ly Việt Nam, sâm cao ly Hàn Quốc và sâm cao ly Triều Tiên. Dưới đây là những thông tin chi tiết về những loại sâm râu này.

 

  • Sâm cao ly tươi

Sâm tươi là loại sâm có màu vàng ngà, rất đẹp mắt. Loại sâm này có mùi thơm nhẹ nhàng. Sâm cao ly tươi dùng để pha trà, ngâm rượu, ngâm mật ong, nấu cháo hoặc ninh hầm trong nhiều món ăn.

 

  • Sâm cao ly khô

Loại sâm này đã được chế biến bằng cách sấy khô nên rất cứng. Khi sử dụng sâm cao ly khô cần thái lát mỏng. Dùng theo cách ngậm, nhai trực tiếp hoặc cũng có thể tán bột mịn để pha trà uống.

 

  • Sâm cao ly Việt Nam

Ở Việt Nam, sâm râu được trồng và làm dược liệu. Đây là giống sâm cao ly, còn gọi là sâm đất. Giống sâm này về hình dạng tương tự các loài ở Triều Tiên và Hàn Quốc tuy nhiên kích thước nhỏ hơn và phần củ màu hồng nhạt.

Sâm cao ly Việt Nam thường được dùng kết hợp với một vài dược liệu khác để bồi bổ cơ thể. Ngoài ra, loài sâm này còn có tác dụng trị một số bệnh như: Tiểu tiện nhiều lần trong ngày với lượng nước tiểu thải ra lớn, bổ máu, chữa bệnh kiết lỵ… Cách dùng: ngâm rượu, nấu hầm trong các món ăn cùng các loại thực phẩm khác.

 

  • Sâm cao ly Hàn Quốc

Sâm cao ly Hàn Quốc to và nặng hơn cả. Bề ngoài hình dáng củ sâm rất đẹp, hơn nữa sâm lại có mùi thơm đặc trưng. Người ta sấy khô sâm cao ly Hàn Quốc để làm thành Hồng sâm. Hoặc có thể cạo vỏ, sấy khô rồi tẩm đường để làm Bạch sâm.

 

  • Sâm cao ly Triều Tiên

Triều Tiên chính là nguồn gốc của sâm cao ly. Người dân nơi đây sử dụng sâm cao ly như một vị thuốc hay loại trà phổ biến. Họ sấy khô, tán bột mịn pha trà hoặc ăn sống, nấu ăn, ngâm rượu sâm cao ly để bồi bổ sức khỏe, phòng chống bệnh tật.

 

VI. CÔNG DỤNG CỦA SÂM RÂU

Sâm râu là loại thảo dược mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Các nhà khoa học cũng đã khẳng định, trong sâm râu có nhiều dưỡng chất quý hiếm mà ít loài thảo mộc nào có được. Sâm râu là một loại thuốc bổ dưỡng rất tốt cho người có thể trạng yếu, mới ốm dậy, người bị suy nhược cơ thể, tăng cường sinh lực, làm cho gân cốt mạnh lên, bổ khí huyết. Sau đây là những tác dụng cụ thể của sâm râu:

 

  • Tác dụng bồi bổ cơ thể:

Các thành phần có trong sâm râu là các chất rất bổ dưỡng cho cơ thể. Đó là saponin, axit amin và nhiều nguyên tố vi lượng… Nếu sử dụng sâm râu thường xuyên với lượng thích hợp sẽ tăng cường sức khỏe cho cơ thể, làm cho hệ miễn dịch của bạn tốt hơn, xua tan những mệt mỏi căng thẳng.

 

  • Tác dụng tích cực lên hệ thần kinh trung ương:

Một số nghiên cứu đã chỉ ra thành phần có trong sâm râu có khả năng kích thích quá trình hưng phấn của vỏ não. Ngoài ra, các chất đó còn cải thiện độ linh hoạt của hệ thần kinh, ức chế những rối loạn của hệ thần kinh trung ương.

 

  • Tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng chống bệnh tật:

Sâm râu có khả năng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Theo thống kê của các nhà khoa học, người sử dụng sâm râu thường xuyên có sức khỏe tốt hơn; khả năng nhiễm các yếu tố xâm hại bên ngoài như virus, nhiễm độc rượu… ít hơn so với những người không sử dụng sâm râu.

 

  • Tác dụng tích cực đối với khả năng sinh lý:

Chất ginsenoside trong sâm râu có khả năng kích thích tuyến yên. Ngoài ra, chất này còn có khả năng tăng cường khả năng sinh lý.

 

  • Tác dụng làm đẹp da:

Sâm râu chính là loại thảo mộc có khả năng tuyệt diệu trong việc trẻ hóa làn da, làm đẹp da và tăng độ đàn hồi cho da, đặc biệt là những phụ nữ sau tuổi 35.

Ngoài ra, sâm râu còn có khả năng cải thiện chứng rối loạn nhịp tim do chloroform và adrenalin gây ra; bồi bổ chức năng thận; bảo vệ gan và tăng chức năng thải độc gan; ngăn ngừa cholesterol phát sinh trong cơ thể, giảm hình thành xơ vữa động mạch và có khả năng tăng tuần hoàn máu não.

 

VII. LIỀU DÙNG SÂM RÂU

Từ 4 gram đến 12 gram mỗi ngày.

 

VIII. CÁCH SỬ DỤNG SÂM RÂU

  • Ngâm rượu

Ngâm sâm râu tươi với rượu theo tỷ lệ 1 lít rượu ngâm với khoảng từ 100 gram đến 200 gram sâm râu tươi. Tiến hành ngâm rượu sâm trong vòng 3 tháng thì dùng được, để càng lâu càng tốt. Tham khảo: Cách ngâm rượu sâm hàn quốc chi tiết nhất

rượu sâm râu

Loại rượu này có tác dụng bồi bổ cơ thể, làm cho gân cốt mạnh thêm. Ngoài ra, sâm râu có hình dáng rất đẹp, đặt sâm râu vào các bình thủy tinh sang trọng sẽ có giá trị trưng bày, làm cho không gian nhà ở, phòng rượu thêm phần sang trọng.

 

  • Ngâm mật ong

Để giảm tính đắng và tăng cường tác dụng của nhân sâm, người ta thường dùng nhân sâm ngâm mật ong. Nhân sâm ngâm mật ong có tác dụng làm đẹp da, chống ô xy hóa, tác động tích cực lên hệ tiêu hóa; sử dụng được cho nhiều đối tượng.

Cách làm: lấy sâm râu thái nhỏ hoặc thái lát chéo rồi xếp vào lọ thủy tinh, đổ ngập mật ong. Để trong vòng 10 ngày thì bắt đầu dùng được. Có thể dùng sâm râu ngâm mật ong ngậm, hãm trà uống.

 

IX. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG SÂM RÂU

Sâm râu có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng dùng được. Một số đối tượng không được dùng sâm râu gồm: Người đang mang thai, trẻ em dưới 14 tuổi, người đang mắc chứng táo bón, bị viêm loét dạ dày, đau dạ dày, viêm gan, viêm ruột.

Không dùng sâm râu tùy tiện. Nếu dùng sâm râu tùy tiện có thể gây ra hậu quả xấu như biến bệnh nhẹ thành nặng, nặng thành nguy kịch. Trong sách cổ đã ghi nhận có thai phụ tự ý ăn nhân sâm đã tử vong.

Mọi thông tin về sâm râu trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bạn đọc muốn sử dụng sâm râu phải có sự thăm khám, chỉ định và tư vấn của bác sĩ y học cổ truyền.

Vị thuốc có tác dụng cường tim và hạ đường huyết.: https://onplaza.vn/duoc-lieu/con-bo-n204.html


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Râu sâm? Liều dùng, công dụng và những lưu ý khi sử dụng

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.14793 sec| 1637.555 kb