Sâm bố chính: Đặc điểm, phân loại, tác dụng và địa chỉ mua sâm bố chính

- Dược liệu
Sâm bố chính: Đặc điểm, phân loại, tác dụng và địa chỉ mua sâm bố chính

Cây sâm bố chính là loại nam dược quý được nhân dân Việt Nam trồng thành vùng nguyên liệu rộng lớn.

Loại sâm này có tác dụng bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ điều trị một số bệnh về đường hô hấp. Cùng đọc bài viết để tìm hiểu những thông tin hữu ích về đặc điểm, công dụng, cách dùng và giá bán sâm bố chính trên thị trường Việt Nam hiện nay.

I./ MÔ TẢ HÌNH ẢNH CÂY SÂM BỐ CHÍNH

Sâm bố chính có tên khoa học là Hibiscus sagittifolius Kurz, là loài cây thân thảo. Thân cây khá yếu. Chiều cao trung bình của thân cây sâm bố chính khoảng từ 50 cm đến 100 cm. Phần thân rễ phình to, có hình dạng tựa như củ nhân sâm, bề ngoài có màu vàng ngà hoặc trắng.

Lá cây màu xanh lục. Các lá to ở phía dưới gốc, càng về phần ngọn cây kích thước các lá càng thu nhỏ. Mỗi phiến lá có hình dạng tựa như trái xoan, đuôi lá nhọn hình tim hoặc hình mũi tên, gốc lá tù. Bao phủ trên mặt lá là một lớp lông đơn.

Hoa sâm bố chính trổ ra đơn độc từ các kẽ lá. Các hoa này khá to, đường kính trung bình của mỗi bông khoảng 8cm. Sắc hoa màu đỏ hoặc hồng, pha chút vàng. Cuống hoa khá dài, khoảng chừng từ 5cm đến 8 cm, được bao phủ một lớp lông cứng, phần đầu cuống hơi phình lên. Phần đài hoa có hình tuí, dài khoảng chừng 12mm đến 14mm, gồm nhiều lông tua tủa và một số răng nhỏ. Quan sát thấy khi đài hoa rách ra rồi rụng xuống để lộ hoa 5 cánh dài khoảng từ 5cm đến 6cm, rộng khoảng từ 3cm đến 4 cm ở ngọn. Phần nhị hoa gắn liền, dính vào cùng với nhau; bao phấn phủ lên tận gốc.

Cây sâm bố chính cho quả hình dạng tựa như quả trứng. Kích thước của mỗi quả thường dài gấp ba lần đài hoa. Quả sâm bố chính khi chín sẽ tự nứt, bung ra thành 5 mảnh, quan sát thấy cả mặt trong và mặt ngoài đều được bao phủ một lớp lông ngắn. Trong quả chứa các hạt màu nâu, hình thận, bên ngoài lớp hạt có những đường vân sát nhau, sờ thấy thô ráp.

II./ ĐỊA BÀN PHÂN BỐ

Trước đây, sâm bố chính ở Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngày nay, loài cây này đã được thuần hóa và trồng trên diện tích lớn để khai thác. Các vùng trồng sâm bố chính nhiều là Nam Đàn, Thanh Chương, Hương Sơn (Nghệ An, Hà Tĩnh); Quảng Bình; miền Bắc có tỉnh Hòa Bình và một số vùng núi thuộc Tây Bắc Việt Nam.

Cây sâm bố chính

Hình ảnh cây sâm bố chính 

III./ PHÂN LOẠI SÂM BỐ CHÍNH

Tại Việt Nam, cây sâm bố chính được phân loại theo hai cách: một là theo màu sắc của hoa, hai là theo địa hình phân bố.

1./ Phân loại theo màu hoa

– Loài sâm bố chính hoa đỏ tươi:

Thường thân cây khá to, mỗi bông hoa xòe ra 5 cánh lớn, rễ ít phân nhánh và được đánh giá là có dược tính cao nhất trong các loại sâm bố chính. Cây này thường mọc hoang dại, ít thấy trồng riêng biệt và có sự chăm sóc nên rất quý hiếm. Thường thấy cây sâm bố chính hoa đỏ xuất hiện ở các vùng đồi núi phía Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

– Loài sâm bố chính  hoa màu hồng phấn:

Những cây này thường được trồng nhiều ở vùng đồng bằng để làm cảnh. Cây có hình dáng đẹp, sắc hoa tươi tắn, hài hòa. Tuy nhiên tác dụng dược tính không bằng loại có hoa màu đỏ tươi.

– Loài sâm bố chính hoa đỏ hồng:

cây này có khả năng sinh trưởng tốt tại nhiều vùng đất khác nhau: đồi núi thấp, đồng bằng và đất phù sa. Cây được trồng tại nhiều nơi trên cả nước. Sâm bố chính hoa đỏ hồng phát triển khá nhanh, cho sản lượng lớn, dễ dàng thu hoạch. Người ta ước tính cứ trồng khoảng 1000m2 loài cây này thì có thể cho thu hoạch từ 1 tấn đến 1,2 tấn củ.

– Loài sâm bố chính hoa vàng:

Thân cây cao chừng 1m đến 1,2m, hoa có sắc vàng, đặc điểm sinh trưởng giống các loại còn lại. Tuy nhiên, loài cây này khác 3 loại sâm bố chính trên là không có củ.

2./ Phân loại theo địa hình

–        Sâm bố chính mọc ở đồi núi thấp: Đây là những cây thường mọc ở các nơi có độ cao dưới 1000m so với mực nước biển. Ở nước ta, các cây này mọc nhiều ở miền Trung và Tây Nguyên.

        Sâm bố chính mọc ở các đồi bán sơn địa: Mọc hoang và được trồng ở các vùng Đông Nam bộ, An Giang, Kiên Giang.

–        Sâm bố chính mọc trên đất phù sa: phân bố chủ yếu tại tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Tiền Giang

IV./ BỘ PHẬN SỬ DỤNG

Sử dụng rễ củ sâm bố chính để làm thuốc. Thường chọn các củ của cây cao trên 50cm, rễ mập mạp, củ to.

Người dân thường thu hoạch cây vào mùa thu đông, khi rễ củ đã phình to và già.

Sau khi thu hái cần loại bỏ phần thân cành, giữ lại phần rễ củ. Đem rễ sâm bố chính tươi ngâm trong nước vo gạo qua đêm rồi đem rửa sạch, đồ cho chín, cuối cùng là phơi hoặc sấy khô.

Sâm bố chính khô

 Sâm bố chính khô 

V./ TÁC DỤNG CỦA SÂM BỐ CHÍNH

1./Theo kinh nghiệm dân gian

Sâm bố chính được cho rằng là loại sâm quý giá chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh của Việt Nam. Theo kinh nghiệm dân gian Việt Nam, sâm bố chính có tác dụng chính là bồi bổ sức khỏe cho những người có thể trạng ốm yếu, ngoài ra còn được sử dụng để chữa trị một số bệnh thông thường.

Trong dân gian, dược liệu sâm bố chính thường được dùng ngâm rượu, tẩm mật ong hoặc dùng kết hợp với một số loại thảo dược khác (như cam thảo, ngải cứu, ích mẫu…) nhằm chữa bệnh lao phổi, điều hòa kinh nguyệt, tăng cường sinh lý nam… Sau đây người viết xin được giới thiệu tới bạn đọc một số cách sử dụng sâm bố chính theo kinh nghiệm dân gian

a./Rượu  sâm bố chính

Tìm lấy 1kg sâm bố chính ngâm cùng 10 lít rượu trắng khoảng 35 độ. Cần sơ chế sâm bố chính như sau: rửa sạch rồi sao vàng hạ thổ. Ngâm thứ rượu này khoảng 1 tháng là có thể dùng được, để lâu càng tốt. Thường sử dụng mỗi ngày khoảng từ 1 chén đến 2 chén rượu nhỏ trong bữa ăn. Tác dụng của loại rượu này là tăng cường sinh lực, cải thiện chức năng sinh lý cho nam giới.

b./ Sâm bố chính khô thái lát 

Người dân nhiều nơi ở Việt Nam thường thu hái sâm bố chính sau đó rửa sạch, đồ chín rồi thái thành các lát mỏng đem phơi trong bóng râm hoặc sấy ở nhiệt độ thấp.

Loại sâm khô này được dùng để pha trà hoặc nấu nước uống, tác dụng tăng cường sức khỏe, giúp ăn ngon miệng, dễ ngủ.

c./ Sâm bố chính tẩm mật ong

Lấy sâm bố chính thái lát rồi ngâm cùng với mật ong rừng tự nhiên. Ngâm trong hũ thủy tinh hoặc sành sứ đậy nắp kín khoảng chừng 3 tháng là sử dụng được. Người già hoặc trẻ nhỏ có thể ăn mỗi ngày từ 1 đến 3 lát sâm ngâm mật ong một ngày. Ngoài ra, có thể lấy vài lát sâm dùng pha trà uống mỗi ngày. Uống đều đặn trong thời gian dài sẽ thấy sức khỏe được cải thiện, ăn ngon, ngủ tốt, mắt sáng tinh anh, trong người khỏe mạnh, khoan khoái.

2./Theo y học cổ truyền phương Đông

Trước khi cây sâm bố chính được du nhập vào Việt Nam, người ta cho rằng loài cây này có nguồn gốc tại Trung Quốc. Tại Trung Quốc, các thầy thuốc Đông y dùng rễ và lá sâm bố chính chữa bệnh lao phổi, ho do phổi khô, sản hậu tiện bí, thần kinh suy nhược, mụn nhọt sưng lở.

Tại Việt Nam, sâm bố chính được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền dân tộc. Theo y học cổ truyền phương Đông, sâm bố chính là loại dược liệu có tính chất như sau:

  • Vị: ngọt, nhạt.
  • Tính: bình.
  • Quy vào các kinh: Phế, Tỳ.
  • Tác dụng: Bổ mát, nhuận phế, dưỡng tâm, sinh tân dịch; bổ tỳ vị, giúp tiêu hoá tốt, tăng cường sức khỏe.
  • Chủ trị các chứng bệnh: Ho, sốt nóng phổi yếu, táo, khát nước, người gầy còm, phụ nữ kinh nguyệt không đều, bạch đới khí hư. Bên cạnh đó, còn được sử dụng chữa các bệnh mụn nhọt, ngứa ghẻ ngoài da.
  • Liều dùng: Mỗi ngày trung bình khoảng từ 6 gram tới 12 gram.

Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh từ sâm bố chính trong Đông y:

a./ Dương hư hơi thở ngắn, mỏi mệt, ăn không biết ngon

Gồm các vị thuốc: Sâm bố chính 40 gram, Bạch truật 20 gram, Chích thảo 4 gram, Mạch môn 4 gram, Hoàng kỳ 10 gram, Ngũ vị 6 gram, Liên nhục 6 gram, Phụ tử 4 gram, Đại táo 3 gram, Gừng nướng 3 lát. Đem tất cả sắc nước uống ngày 1 thang.

b./ Sốt kéo dài

Gồm các vị thuốc: Sâm bố chính 16 gram, Sa sâm 10 gram, Thạch hộc 10 gram, Mạch môn 12 gram, Hoàng cầm 12 gram. Đem tất cả sắc nước uống ngày 1 thang.

Bài thuốc này có nhằm ích khí, dưỡng âm thanh nhiệt, rất tốt cho người bị sốt dài ngày.

c./Bổ khí huyết

Gồm các vị thuốc: Sâm bố chính 30 gram, Hoài sơn 15 gram, Đương quy 15 gram, Ý dĩ sao 15 gram. Đem tất cả các vị trên sấy cho khô rồi tán thành bột mịn, trộn bột này với mật ong rừng tự nhiên rồi vo viên uống hàng này. Dùng mỗi ngày khoảng 15 gram tới 20 gram.

d./ Bồi bổ cơ thể

Dùng sâm bố chính nấu thành cao rồi đem hoà với sữa người hoặc cao ban long mà uống. Ngày dùng 10 gram.

Thứ cao sâm bố chính này rất tốt cho người bị suy nhược gầy yếu, miệng khô khát, đái són, thường bị táo bón.

e./ Chữa phụ nữ khí hư bạch đới

Gồm các vị thuốc: Sâm bố chính 20 gram, Trử ma căn 20 gram, Bạch biển đậu 20 gram. Đem tất cả sắc nước thuốc uống ngày 1 thang.

VI./ SÂM BỐ CHÍNH GIÁ BAO NHIÊU?

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại sâm bố chính với các mức giá khác nhau. Để định giá củ sâm bố chính thường dựa vào nguồn gốc xuất xứ và độ to nhỏ của củ sâm. Chẳng hạn như sâm bố chính mọc hoang dã nơi núi rừng tự nhiên sẽ có giá cao hơn loại sâm bố chính được trồng và chăm bón theo vùng nguyên liệu rộng lớn. Thường giá sâm bố chính được chia theo kích cỡ và độ tuổi của cây sâm: Sâm bố chính loại 5 củ/kg giá khoảng 400.000đ/kg; loại 6 củ/kg giá khoảng 300.000đ/kg; loại 7 củ/kg lại rẻ hơn, giá chừng 200.000đ đến 250.000đ/kg.

VI./ Ở ĐÂU BÁN SÂM BỐ CHÍNH ?

Thường thấy sâm bố chính được bán ở các tiệm thuốc Đông y hoặc tiệm thuốc Nam. Ngoài sản phẩm sâm bố chính tươi nguyên củ, sâm bố chính khô nguyên củ thái lát, còn có các sản phẩm rượu sâm bố chính, sâm bố chính tẩm mật ong sẵn rất tiện lợi.

Ngày nay khi công nghệ thông tin phát triển, bạn có thể không cần đến tận cửa hàng để mua mà có thể đặt mua sâm bố chính trên mạng internet. Tuy nhiên, trước khi quyết định đặt mua các bạn nên tham khảo thông tin về nơi cung cấp, nguồn gốc xuất xứ dược liệu sâm bố chính, loại bao nhiêu củ cho một kg, hình dạng thật của sản phẩm, cách bào chế và giá thành của sản phẩm. Tốt hơn hết bạn nên đặt mua của các nhà cung cấp có uy tín trên thị trường, hoạt động lâu năm, có đầy đủ giấy phép đăng ký kinh doanh và cung cấp các mặt hàng đang bán ra thị trường. Không nên đặt mua ở các địa chỉ chung chung, không cho biết các thông tin chi tiết về sản phẩm.

Như vậy, sâm bố chính ban đầu là loại dược liệu nhập ngoại, ngày nay đã trở thành là loại sâm quý của Việt Nam. Sâm bố chính có tác dụng bồi bổ sức khỏe và có thể dùng điều trị một số bệnh, phù hợp với nhiều đối tượng, lại dễ tìm mua và giá thành không quá cao đối với đời sống của đại đa số người dân Việt Nam.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Sâm bố chính: Đặc điểm, phân loại, tác dụng và địa chỉ mua sâm bố chính

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.22354 sec| 1644.992 kb