Ngày nay, các nhà khoa học đã đưa Thổ hoàng liên vào nghiên cứu, dược liệu Thổ hoàng liên được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền dân tộc Việt Nam. Cùng tham khảo những thông tin phía dưới để biết thêm về cây thổ hoàng liên, công dụng và những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả.
TÊN GỌI
- Tên tiếng Việt: Thổ hoàng liên, Hoàng liên đuôi ngựa
- Tên khoa học: Thalictrum foliolosum D.C.
- Họ khoa học: Ranunculaceae. (tức họ Mao Lương)
- Trong Dược điển Việt Nam (2002), dược liệu Thổ hoàng liên đã được ghi tên và danh sách dược liệu Việt Nam.
CÂY THỔ HOÀNG LIÊN
Thổ hoàng liên là loại cây thân nhỏ, cây có chiều cao trung bình khoảng từ 40 cm đến 50 cm. Thân cây khá mỏng, mềm và bề ngoài nhẵn.
Lá cây thổ hoàng liên là những lá kép 3 lần lông chim, lá tạo bẹ bao bọc lấy thân cây. Cuống lá gồm 2 phần là cuống chính; cuống lá bậc hai và cuống lá bậc ba. Cuống lá chính có chiều dài khoảng từ 10 cm đến 15 cm; cuống lá bậc 2 và bậc 3 ngắn hơn, cuống lá bậc 2 khoảng từ 5 cm đến 7 cm, còn cuống lá bậc 3 chỉ từ 1cm đến 3 cm. Những lá chét mang hình dạng bầu dục, đôi khi tròn; mép lá có xẻ hình tai bèo. Các phiến lá dài, mang màu sắc xanh lục, mặt trên phiến lá màu lục đậm, mặt dưới nhạt hơn.
Hoa thổ hoàng liên rất nhỏ, cánh khá mỏng, màu tím nhạt. Kết quả nhỏ như hạt thóc, phần đầu quả có mỏ hơi nhọn.
Cây thổ hoàng liên có hệ thân rễ rất phát triển. Rễ khá to, đường kính của thân rễ khoảng từ 0,3cm đến 0,5cm. Trong phần rễ có phân ra nhiều mấu, các mấu cách nhau khoảng từ 0,5cm đến 1cm. Nếu bẻ phần rễ ra sẽ nhận thấy mặt cắt ngang chứa nhiều xơ, thịt rễ màu vàng tươi hoặc vàng ngà.
Phân bổ
Ở nước ta, cây mọc nhiều ở vùng rừng núi Tây Bắc, đặc biệt là khu vực huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Loài cây này đã được trồng thí nghiệm tại vườn thuốc Sapa (tỉnh Lào Cai) và Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).
Bộ phận làm thuốc
Cây Thổ hoàng liên cho bộ phận thân rễ (Rhizoma Thalictri) để làm dược liệu. Dược liệu thổ hoàng liên thành phẩm là những đoạn thân rễ đã được cắt ngắn, phơi khô. Chiều dài của các đoạn dược liệu này khoảng từ 2cm đến 4 cm, đường kính từ 0,2cm đến 0,5 cm. Bề ngoài của dược liệu có màu nâu sẫm, có những rễ nhỏ khá ngắn màu vàng ngà hoặc các vết sẹo do rễ con để lại. Chất của dược liệu khá cứng, bẻ gẫy thấy mặt cắt không phẳng, bên trong nhiều xơ, đôi khi rỗng lòng, chất màu vàng tươi. Nếm thử thấy dược liệu có vị đắng.
Thu hái & bào chế
Thu hoạch thân rễ cây thổ hoàng liên vào mùa thu đông là tốt nhất. Lúc này cây đã già, củ rễ phát triển trưởng thành nhất và thân lá đã rụi. Tuy nhiên do thổ hoàng liên thường mọc trong rừng, xen lẫn với các loại cây khác, cho nên nếu để thân lá rụi đi mới thu hoạch thì rất khó tìm thấy, cho nên người dân thường đào lấy củ vào các tháng 6, tháng 7, tháng 8 trong năm.
Phần rễ củ thổ hoàng liên sau khi đào về cần rửa sạch đất cát, loại bỏ phần trên cổ rễ và những phần rễ con. Sau đó tiến hành phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ chừng 50 tới 60 độ C, độ ẩm không quá 12% thì đạt.
THÀNH PHẦN, CÔN DỤNG THỔ HOÀNG LIÊN
Thành phần hóa học
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về các chất hóa học có trong cây thổ hoàng liên. Họ đã chỉ ra các thành phần hóa học trong thân rễ thổ hoàng liên bao gồm: khoảng 3% becberin, 0,3% panmatin, 0,02% jatrorrhizin và một ít thalictrin nhưng có khi không thấy chất này.
Công dụng
Thổ hoàng liên là vị thuốc được sử dụng trong nhân dân ta từ lâu đời, không những thế nó còn là vị thuốc trong y học cổ truyền phương Đông. Theo Đông y, loại dược liệu này có những tính chất như sau:
- Vị: đắng
- Tính: hàn
- Quy vào các kinh: Can, Tâm, Tỳ, Vị, Đởm và Đại tràng.
- Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, sát khuẩn.
Các thầy thuốc y học cổ truyền thường sử dụng dược liệu Thổ hoàng liên để chữa trị các chứng bệnh: Viêm ruột, lỵ trực khuẩn, viêm họng, viêm gan, đau mắt, sốt cao, bụng chướng đầy hơi.
LIỀU DÙNG
Trong Đông y, vị thuốc Thổ hoàng liên được sử dụng với liều dùng tương tự như vị Hoàng Liên Bắc (loài này có danh pháp khoa là học Cyclea bicristata Diels). Dùng mỗi ngày khoảng từ 4 gram tới 6 gram, chia ra từ 2 đến 3 lần trong ngày.
BÀI THUỐC CHỮA BỆNH TỪ THỔ HOÀNG LIÊN
Thổ hoàng liên là loại nam dược quý, chữa được nhiều bệnh khó. Nhân dân ta từ xưa đã biết dùng thổ hoàng liên làm thuốc. Ngày nay, thổ hoàng liên là loại thảo dược được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền phương Đông. Các thầy thuốc y học cổ truyền dân tộc Việt Nam đã sử dụng thổ hoàng liên trị bệnh bằng nhiều cách: Có thể uống dưới dạng thuốc bột hoặc viên hoàn; sắc uống thì ít dùng vì rất đắng; ngoài ra cũng có thể bôi ngoài chữa mụn nhọt, ngậm chữa lở loét miệng, đắp ngoài chị bệnh trĩ…
Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh có chứa thành phần dược liệu thổ hoàng liên, kính mời bạn đọc tham khảo:
Kích thích tiêu hóa
Gồm các vị Thổ hoàng liên 0.5 gram, Đại hoàng 1gram và Quế chi 0,75gram. Đem tất cả các vị trên tán thành bột mịn rồi uống với nước ấm trong ngày, mỗi ngày 3 lần.
Chữa tưa lưỡi, sưng lưỡi, lở loét miệng
Lấy Thổ hoàng liên tán thành bột mịn rồi trộn với mật ong. Có thể bôi lên chỗ lở loét quanh miệng, môi và đồng thời ngậm trong khoang miệng ngày 2 lần sẽ khỏi.
Chữa lỵ trực khuẩn
Lấy Thổ hoàng liên với lượng 12 gram. Đem đi tán thành bột mịn rồi dùng. Cách dùng: uống với nước ấm mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 gram.
Hoặc có thể dùng bài thuốc phối hợp Thổ hoàng liên với một số vị: Hoàng Bá, Hoàng Cầm. 3 vị này lượng bằng nhau, đem sắc lấy nước uống.
Chữa lở loét do độc nhiệt
Lấy các vị sau: Thổ hoàng liên 8 gram, Hoàng bá 8 gram, Hoàng Cầm 8 gram, Chi tử 12 gram. Đem tất cả các vị trên sắc nước uống, ngày 1 thang.
Chữa sốt cao, sốt phát ban
Gồm các vị thuốc Thổ hoàng lien 8 gram, Đại hoàng 8 gram, Chi tử 8 gram. Đem tất cả các vị thuốc trên sắc nước mà dùng, mỗi ngày 1 thang.
Chữa đau mắt đỏ, chảy nước mắt
Bao gồm các vị: Thổ hoàng liên 8 gram, Cúc hoa 8 gram, Chi tử 8 gram, Xuyên khung 4 gram, Bạc hà 8 gram. Đem tất cả các vị thuốc trên sắc rồi xông hơi vào mắt và uống nước thuốc khi còn nóng ấm. Dùng mỗi ngày 3 lần, sau khi ăn. Ngoài ra còn có thể bào chế dung dịch Thổ hoàng liên 5-30% làm thuốc nhỏ vào mắt.
Chữa bệnh trĩ
Lấy dược liệu Thổ hoàng liên và Đậu đỏ, lượng bằng nhau. Đem 2 vị trên tán nhỏ rồi trộn đều. Dùng bột này đắp lên nơi trĩ lồi ra, ngày 1 lần, duy trì lâu dài.
Cai rượu
Gồm các vị thuốc: Thổ hoàng liên, Ngũ vị tử khô, Can cát, Mạch môn đông. Đem tất cả các vị trên sắc lấy nước dùng.
LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THỔ HOÀNG LIÊN
Thổ hoàng liên là nam dược quý, sử dụng để trị bệnh. Tuy nhiên khi sử dụng thổ hoàng liên cần lưu ý các điểm sau:
- Các thầy thuốc y học cổ truyền khuyến cáo không dùng Thổ hoàng liên cho những ngừi có khí hư, tỳ vị hư hàn.
- Chống chỉ định sử dụng đối với những người dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần hóa học có trong dược liệu Thổ hoàng liên.
- Trong Đông y, Thổ hoàng liên được dùng để thay thế vị Hoàng liên trong một số bài thuốc bởi tính chất dược liệu của hai vị này tương đương nhau.
Như vậy, chúng tôi đã cung cấp tới bạn đọc những thông tin chi tiết về cây thuốc Thổ hoàng liên, công dụng và một số bài thuốc trị bệnh theo y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian. Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bạn đọc cần sử dụng Thổ hoàng liên để trị bệnh cần phải có sự thăm khám, tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý làm theo các bài thuốc chữa bệnh bên trên.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm