Cây mã đề - Đặc điểm và tác dụng chữa bệnh của vị thuốc

- Dược liệu
Cây mã đề - Đặc điểm và tác dụng chữa bệnh của vị thuốc

Mã đề vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam. Có lẽ ai cũng đã một lần ăn món rau mã đề hoặc uống nước mã đề, râu ngô vào ngày hè nóng nực. Ngoài tác dụng làm rau ăn, mã đề lá nhỏ, mọc hoang dại còn được dùng làm thuốc với những tác dụng tuyệt vời. 

  • Tên tiếng Việt: Mã đề, Bông mã đề, Xa tiền thảo 
  • Tên khoa học: Plantago asiatica
  • Họ khoa học: Plantago (Mã đề) 

I.    MÔ TẢ CÂY MÃ ĐỀ

Tại Việt Nam xuất hiện 2 loại mã đề. Đó là mã đề lá lớn và mã đề lá nhỏ. Loại mã đề lá lớn (Plantago major) chủ yếu dùng làm rau ăn trong các món như luộc, nấu canh, ăn lẩu… Mã đề lá nhỏ (Plantago asiatica) thường được dùng làm thuốc. Cũng có ý kiến cho rằng, cả 2 loài này chung 1 nguồn gốc nhưng mã đề lá lớn là do thuần dưỡng, chăm bón nhiều nên tốt lá hơn, cây mập hơn loại mã đề mọc hoang dại. 

 Cây mã đề lá nhỏ dùng làm thuốc

Cây mã đề lá nhỏ dùng làm thuốc

Cây mã đề là loài cây thân thảo, lâu năm. Lá mã đề mọc thành cụm, tụ lại nơi gốc cây. Lá có dạng thìa, cuống lá dài, phiến lá hình chiếc thìa. Gân lá hình cung dọc theo sống lá, quy tụ lại ở hai đầu.  

Khoảng tháng 7 - tháng 8 hàng năm, hoa mã đề trổ lên từng bông ngay từ nách lá hoặc gốc cây theo phương thẳng đứng. Bông hoa dài, có cán, hoa lưỡng tính trên 1 gốc. Quả mã đề là dạng quả hình hộp, bên trong có từ 8- 20 hạt màu nâu đen bóng.  Cây mã đề hoang dại sinh sản chủ yếu bằng hạt, nhờ gió phát tán.

II.    NGUỒN GỐC VÀ PHÂN BỐ CÂY MÃ ĐỀ

Cây mã đề ưa vùng đất ẩm. Có thể tìm thấy cả ở đồng bằng và vùng núi cao trên khắp thế giới. Đến nay, các nhà khoa học chưa xác định được nguồn gốc của họ mã đề. 

Riêng cây mã đề lá nhỏ (Plantago asiatica) được xác định nguồn gốc tại vùng cận nhiệt đới Nam Á. Loài này đã được người dân Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản dùng làm thuốc từ lâu đời. 

III.    BỘ PHẬN LÀM THUỐC

Toàn bộ các bộ phận trong cây mã đề đều có thể sử dụng làm dược liệu. Thời điểm thu hái dược liệu tốt nhất là khoảng tháng 7 - 8. Khi này cây đã trưởng thành, cho lá  lớn nhất, hạt cũng đã già. 

Sau khi thu hái, mã đề cần làm sạch bụi bẩn, tạp chất lẫn vào. Sau đó phơi/sấy khô. 

Với cách thu hạt, người dân đập vỏ để làm nát quả, sau đó lọc lấy hạt qua rây rồi phơi khô hạt, bảo quản để sử dụng. Hạt mã đề trong đông y được gọi là xa tiền tử, để tìm hiểu thêm về vị thuốc xa tiền tử vui lòng xem tại bài viết: Xa tiền tử (Hạt mã đề) - Công dụng, cách dùng vị thuốc chữa bệnh

Toàn bộ cây mã đề được sử dụng làm dược liệu

Toàn bộ cây mã đề được sử dụng làm dược liệu

Trong Đông y chia ra các vị như sau:

-    Lá cây mã đề dùng tươi hoặc phơi khô

-    Toàn cây bỏ rễ, phơi khô làm nên vị xa tiền thảo.

-    Hạt cây mã đề phơi khô làm nên vị xa tiền tử. 

IV.    THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY MÃ ĐỀ

Các nhà nghiên cứu khoa học đã tìm thấy các chất khác nhau trong thân, rễ và lá cây mã đề:

-    Lá cây mã đề chứa rất nhiều canxi và các khoáng chất. Lượng vitamin A trong 100gr lá mã đề tương đương với lượng vitamin A có trong củ cà rốt. Ngoài ra, còn có chất nhầy, chất đắng, vitamin C, vitamin K yếu tố T.

-    Thân mã đề chứa aucubin là một dạng glucozit 

-    Các nhà khoa học tại Ấn Độ đã tìm thấy chất nhầy và axit plantenolic trong hạt mã đề.

V.    TÁC DỤNG CỦA CÂY MÃ ĐỀ

1.    Y học hiện đại

Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng mã đề như một dược liệu:

-    Ở Ấn Độ, chất nhầy có trong hạt mã đề đã được bào chế làm thuốc nhuận tràng, điều trị táo bón. Không những thế, nó còn được đưa vào thành phần của một số loại ngũ cốc nhằm giảm lượng đường trong máu, điều trị cholesterol tăng cao. 

-    Hay ở Bulgaria, thuốc chống nhiễm trùng cho các vết thương trên da được bào chế từ lá của cây mã đề Plantago Major. 

-    Một số nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra: chất aucubin trong thân và lá cây mã đề có tác dụng chống độc và bảo vệ gan. Tại một số nước ở Châu Âu, lá mã đề có tác dụng giảm đau, giải độc do các cây tầm ma, thường xuân độc gây ra.  

-    Nghiên cứu lâm sàng cũng chỉ ra mỗi ngày dùng 20-30gr mã đề tươi sắc lấy nước uống chia 3 lần trong ngày. Nghiên cứu này khẳng định tác dụng của cây mã đề làm ổn định huyết áp cho người mắc bệnh huyết áp cao. 

2.    Những tác dụng chữa bệnh thần kỳ trong Đông y

Từ xa xưa, cây mã đề đã được lưu truyền trong dân gian như một loại thảo mộc lợi tiểu. Những ngày trưa hè nóng bức, người dân ở nhiều nơi, sử dụng lá mã đề khô nấu nước uống giải nhiệt, chữa chứng tiểu són, tiểu buốt. 

Trong Đông y, mã đề là vị thuốt có vị ngọt, tính lạnh, không độc. Vị thuốc mã đề quy vào các kinh can, thận, bang quang. Các thầy thuốc Đông y dùng mã đề chữa trị các bệnh về tiết niệu như đái buốt, đái rắt; đường tiêu hóa như tiêu chảy, kiết lỵ; ngoài ra còn dùng để cầm máu, chữa chảy máu cam, tiêu đờm trị ho…

3.    Một số bài thuốc đơn giản từ cây bông mã đề

  • Bài 1 - trị bệnh tiểu ra máu: Lấy 20gr bông mã đề hoặc 40gr rễ mã đề khô sắc nước uống hàng ngày. 
  • Bài 2 - trị bệnh tiêu chảy: Lấy 16gr hạt mã đề khô, 10gr sơn tra khô, sắc nước dưới lửa nhỏ uống trong ngày. Hoặc có thể lấy hạt mã đề khô tán bột mịn, lấy khoảng 3-6gr hòa với cháo trắng nêm chút đường dùng để ăn nhiều lần trong ngày. 
  • Bài 3 - Trị tiêu chảy cho trẻ em: Lấy khoảng 30gr hạt mã đề khô, cho vào túi vải, nấu nước, pha thêm chút đường cho trẻ uống nhiều lần trong ngày. Tỷ lệ khỏi bệnh sau 2 ngày điều trị tới 91,3%. 
  • Bài 4 - Trị bệnh ho: Lấy bông mã đề với lượng khoảng 40gr đến 1 lạng sắc nước uống trong ngày. 
  • Bài 5 - trị bí tiểu: Lấy 10gr hạt mã đề cùng 2gr cam thảo, rửa sạch thêm 0,6l nước đun cạn đến khi còn 0,2l thì chắt lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Hoặc chỉ cần lấy 12gr hạt mã đề hoặc lá mã đề sắc lấy nước uống trong ngày.
  • Bài 6 : - Trị nóng gan, nổi nhiều mụn nhọt: Lấy 1 nắm lá mã đề tươi non cùng 1 gan lợn vừa phải, tất cả sơ chế sạch, thái nhỏ, dùng xào hoặc nấu canh ăn trong bữa cơm hằng ngày. Ăn liên tục trong vòng 1 tuần sẽ hiệu quả. Khi dùng bài thuốc này cần phải kiêng các loại đồ ăn cay, nóng, không uống rượu bia. 
  • Bài 7 :- Trị chảy máu cam. Lấy mã đề tươi rửa sạch, ngâm qua nước muối, để ráo, giã nát vắt lấy nước uống, bã mã đề thì đắp lên trán. 

Lưu ý: cây mã đề có tác dụng lợi tiểu, cho nên không phải đối tượng nào cũng có thể uống nước mã đề hằng ngày với mục đích giải khát. Người đang mang thai tuyệt đối không dùng. Người thận yếu, suy thận, người già có chức năng thận kém không dùng. 

Mời bạn tham khảo thêm Cây lạc tiên - Bài thuốc chữa mất ngủ:https://onplaza.vn/duoc-lieu/cay-lac-tien-n84.html << TẠI ĐÂY


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Cây mã đề - Đặc điểm và tác dụng chữa bệnh của vị thuốc

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.18355 sec| 1646.273 kb