Cây riềng - tác dụng - liều dùng - kiêng kỵ

- Dược liệu
Cây riềng - tác dụng - liều dùng - kiêng kỵ

Cây riềng là một trong những vị thuốc quý của đông y, có tên gọi là cao lương khương. Vị thuốc này có tác dụng chữa đau dạ dày, tiêu chảy, tiêu hóa kém, hắc lào, lang ben, viêm họng,...


Trong bài viết dưới đây chúng tôi xin chia sẻ đến bạn những công dụng, liều dùng và kiêng kỵ khi sử dụng riềng.

Tên gọi, phân nhóm

- Tên khác: riềng còn có tên gọi khác là cao lương khương, riềng gió, riềng thuốc, kìm sung, phong khương, tiểu lương khương, lương khương, có khá (Thái)

- Tên khoa học: alpinia officinarum Hance.

- Họ: Gừng (Zingiberaceae)

Mô tả về cây riềng

  1. Đặc điểm cây riềng

Riềng là cây thân thảo, sống lâu năm, cây có thể cao đến 2m. Lá riềng màu xanh, có hình mũi mác và nhọn ở đầu, ngoài ra có một số lá có hình tròn thuôn.

Hoa riềng thường nở từ tháng 5 đến tháng 8, mọc trên đỉnh cây tạo thành một cụm có hình dáng như chiếc dùi và có màu trắng xanh.

Rễ riềng thường mọc bò ngang, phình to thành củ, có nhiều rễ con xung quanh. Khi củ riềng còn non có màu đỏ nâu, lúc già có màu vàng nhạt. Củ thường chia thành nhiều đốt với kích thước không đều nhau, có hương thơm nhẹ và bên ngoài có vảy bao phủ. Ruột củ riềng là ruột đặc, có màu vàng nhạt hoặc màu trắng và chứa nhiều sợi xơ

Cây riềng thường cho ra quả vào tháng 9 - tháng 11. Quả có hình tròn thuôn, dạng hạch. Khi chín già quả có màu nâu.

  1. Phân bố

Cây riềng có nguồn gốc từ Trung Quốc tập trung nhiều tại các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam.

Ở Việt Nam, cây riềng phân bố ở khắp mọi nơi, cây phát triển mạnh ở những nơi có đất ẩm như bờ ruộng, bờ ao.

  1. Bộ phận dùng 

Củ riềng thường được sử dụng để làm thuốc. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng thêm lá riềng và hạt riềng dùng làm thuốc chữa bệnh.

 

  1. Thu hái – Sơ chế

- Thu hái: Củ riềng được thu hái quanh năm. Sau khi trồng riềng khoảng 1 năm, bạn có thể đào lên để thu hoạch củ. Những củ riềng già thường cho chất lượng tốt hơn.

- Sơ chế: bạn đem rửa sạch đất cát trên củ riềng và cắt bỏ rễ con. Có thể dùng riềng tươi hoặc thái lát mỏng chừng 4 - 6cm rồi đem phơi khô để dùng dần

  1. Bảo quản

Đối với củ riềng tươi: sau khi rửa sạch bạn cần để cho khô vỏ hoàn toàn. Sau đó, có thể để vào những nơi khô ráo, thoáng mát hoặc có thể để trong ngăn mát tủ lạnh để bảo quản riềng được tốt hơn và lâu hơn. 

Đối với củ riềng khô: bạn có thể bọc vào các túi nilon hoặc bỏ vào hũ nhựa, bảo quản trong điều kiện nhiệt độ phòng, thoáng khí và tránh nơi ẩm ướt.

  1. Thành phần hóa học

Trong củ riềng có chứa nhiều thành phần hóa học có lợi cho sức khỏe con người như: tinh dầu 1 %, Metylxinnamat, Chất cay galangola, Xineola, Alpinin C17H16O6, Kaempferol C16H12O6, Galangin C15H10O5

Vị thuốc củ riềng

  1. Tính vị

Riềng là vị thuốc có vị cay, thơm và tính ấm

  1. Quy kinh

Quy vào hai kinh Tỳ và Vị

  1. Củ riềng có tác dụng gì?

- Theo Đông y, tác dụng của củ riềng như sau: tiêu sưng, tiêu thực, trừ hàn, ôn trung, giảm đau,...

Chủ trị các chứng bệnh đau dạ dày, đau bụng tiêu chảy, đau bụng do hàn, nhức xương khớp, nôn ói, khó tiêu,...Ngoài ra nó còn được sử dụng để điều trị các chứng đau vùng thượng vị do cảm phong hàn, nôn mửa, ăn không tiêu, ợ chua, ợ hơi, tiêu hóa kém,...

- Theo nghiên cứu y học hiện đại, công dụng của củ riềng như sau: thải độc, sát trùng, kháng viêm, kích thích tiêu hóa, giảm tiêu chảy, cải thiện khả năng lưu thông tuần hoàn máu, chống oxy hóa, ngăn chặn gốc tự do, ngăn ngừa thoái hóa não bộ, tăng cường chức năng nhận thức, phòng chống bệnh trầm cảm, làm vết bỏng da nhanh lành, cải thiện hệ miễn dịch, ngăn ngừa ung thư, tăng chất lượng tinh trùng và khả năng sinh sản ở đàn ông,...

  1. Cách dùng - Liều dùng

- Cách dùng: củ riềng có thể được sử dụng dưới dạng thuốc sắc, ngâm rượu, phối hợp với các vị thuốc khác hoặc dùng bôi ngoài da.

- Liều dùng: khuyến cáo mỗi ngày chỉ nên sử dụng từ 8 - 16 gam riềng.

  1. Tác dụng phụ, độc tính

Củ riềng lành tính và không có độc. Tuy nhiên vị thuốc này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu sử dụng quá liều và không đúng cách như: tăng tiết axit dạ dày, nóng trong, dị ứng, đau bụng,...

Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây riềng

Những bài thuốc chữa bệnh từ riềng, cây riềng, củ riềng, lá riềng cho hiệu quả chữa bệnh cao. Dưới đây chúng tôi đã tổng hợp những bài thuốc để bạn tham khảo.

 

Củ riềng với nhiều tác dụng chữa bệnh hiệu quả[/caption]

Bài thuốc 1: Cây riềng điều trị đau bụng do nhiễm lạnh

  • Đơn thuốc: 200g củ riềng, 80g hậu phác, 120g quế. 
  • Cách dùng, liều dùng: Mang các vị thuốc trên sấy khô rồi đóng gói hoặc bảo quản trong hộp có nắp đậy để dùng dần. Mỗi ngày lấy 12 gam hỗn hợp thuốc và sắc với 200ml nước đến khi còn 50ml nước thì dừng sắc. Áp dụng liệu trình này liên tục từ 2 - 4 ngày để cải thiện tình trạng bệnh.

Bài thuốc 2: củ riềng giúp điều trị đau bụng kinh

  • Đơn thuốc: 60 gam củ riềng, 60 gam hạt tía tô, 60 gam trần bì (vỏ quýt)
  • Cách dùng, liều dùng: Các vị thuốc trên đem phơi khô, sau đó tán nhỏ thành bột mịn. Mỗi ngày sử dụng 4 gam bột thuốc pha với nước đun sôi để nguội hoặc với 1 chén rượu nhỏ. Mỗi ngày uống 2 lần. Duy trì liệu trình này từ 5 - 7 ngày để cải thiện bệnh.

Bài thuốc 3. Củ riềng chữa bệnh phong thấp

  • Đơn thuốc: Củ riềng 12 gam, hương phụ 12 gam
  • Cách dùng, liều dùng: Đem các dược liệu trên tán thành bột và sắc uống mỗi ngày.

Bài thuốc 4. Điều trị bệnh sốt rét với củ riềng

  • Đơn thuốc: Củ riềng khô 300gam, Thảo quả khô 100 gam, vỏ quế khô 100 gam
  • Cách dùng, liều dùng: Tán các dược liệu trên thành bột mịn. Rồi trộn với mật ong nguyên chất để làm viên hoàn, mỗi viên có kích thước to bằng hạt ngô. Uống 15 viên/ngày/lần trước khi lên cơn sốt.

Bài thuốc 5. Cây riềng chữa đau dạ dày cấp

  • Đơn thuốc: 6 gam củ riềng chế với đại hoàng, 6 gam vỏ quýt khô, 6 gam thanh bì, 6 gam mộc hương, 6 gam cửu tiết xương bồ, 15 gam sơn tra, 4 gam đinh hương
  • Cách dùng, liều dùng: Sắc đặc, chia làm 3 lần uống/ ngày. Mỗi ngày dùng một thang thuốc.

 Bài thuốc 6. Cây riềng điều trị bệnh đau dạ dày do hư hàn

  • Đơn thuốc: 30 gam huyết căn, 10 gam ô dược, 8 gam củ riềng, 8 gam củ gấu, 7 gam kê tử hương, 4 gam sa nhân
  • Cách dùng, liều dùng: Đem sắc thuốc với 3 bát nước, đến khi cạn còn 1 bát thì ngưng. Mỗi ngày chia làm 2 lần uống. Duy trì liệu trình liên tục trong 5 ngày để cải thiện bệnh

Bài thuốc 7. Điều trị bệnh hắc lào với củ riềng tươi

  • Đơn thuốc: củ riềng tươi
  • Cách dùng, liều dùng: Củ riềng tươi mang giã nát, sau đó đắp trực tiếp lên chỗ bị hắc lào khoảng 30 phút. Thực hiện đều đặn 1 lần/ngày đến khi khỏi hẳn. 

Bài thuốc 8. Hạt củ riềng trị đau bụng kèm thổ tả, khó tiêu, buồn nôn

  • Đơn thuốc: hạt củ riềng 
  • Cách dùng, liều dùng: Đem xay nhuyễn hạt củ riềng. Mỗi lần sử dụng từ 6 - 10 gam cho đến khi bệnh thuyên giảm. 

Bài thuốc 9.  Làm rượu xoa bóp với củ riềng - chữa đau nhức cơ thể, xương khớp, đau thần kinh tọa

  • Đơn thuốc: 20 gam củ riềng đã phơi khô, 20 gam nhân hạt gấc sao vàng, 20 gam thạch xương bồ, 16 gam trần bì, 16 gam thiên niên kiện, 24 gam quế
  • Cách dùng, liều dùng: Cho tất cả các vị thuốc trên vào hũ thủy tinh và ngâm chung với rượu trong vòng 10 ngày. Sau 10 ngày bạn có thể mang ra xoa bóp lên các vết thương bị đau nhức, các vết bầm tím, chấn thương, kết hợp với mát xa, xoa bóp nhẹ nhàng để rượu thuốc thấm sâu vào bên trong phát huy tối đa tác dụng giảm đau và chữa lành tổn thương.

Bài thuốc 10. Công dụng của lá riềng chữa rôm sảy, mụn kê ở trẻ em

  • Đơn thuốc: 200g lá riềng tươi 
  • Cách dùng, liều dùng: Lá riềng tươi đem rửa sạch, nấu với 1l nước trong khoảng 10 phút. Sau đó pha loãng nước lá để tắm hoặc lau người cho bé, giúp giảm ngứa, chống nhiễm trùng và sát khuẩn ngoài da.

Lưu ý khi dùng củ riềng chữa bệnh

  • Củ riềng không có độc tính tuy nhiên bạn cũng cần sử dụng đúng liều lượng và thời gian được khuyến cáo
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú, bệnh nhân bị dị ứng với một trong các thành phần của riềng không nên sử dụng thuốc
  • Không sử dụng dược liệu cây riềng cho bệnh nhân mắc chứng trào ngược dạ dày
  • Trong quá trình sử dụng riềng nếu gặp tác dụng phụ, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chữa trị. 
  • Đặc biệt, trước khi có ý định sử dụng các bài thuốc chữa bệnh từ cây riêng, bạn cần tham khảo ý kiến từ thầy thuốc và các bác sĩ có chuyên môn để mang lại hiệu quả và sự an toàn cho người bệnh.

 


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Cây riềng - tác dụng - liều dùng - kiêng kỵ

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.27059 sec| 1629.164 kb