Cây Sữa (thường gọi là cây Hoa sữa) là loài cây cho bóng mát rất quen thuộc với người Việt Nam. Nhưng rất ít người biết tới những tác dụng trị bệnh hay của vỏ cây sữa. Từ lâu, trong dân gian và trong y học cổ truyền, vỏ cây sữa là vị thuốc chữa các bệnh về răng miệng, chữa sốt rét và một số chứng bệnh về đường tiêu hóa…
Tên tiếng Việt: Sữa, Hoa sữa, Mùa cua, Mò cua…
Tên khoa học: Alstonia scholaris (L.) R. Br.
Họ khoa học: Apocynaceae (Trúc đào)
Hình dạng cây sữa
Cây sữa là một loại thực vật nhiệt đới thường xanh. Đây là loài thân gỗ có chiều cao khoảng 10m đến 40m tùy vào điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng. Đường kính thân cây khoảng 0,5 đến 1m. Bề ngoài thân cây là lớp vỏ xám nứt nẻ, thi thoảng có thấy dính nhựa cây. Cành mọc nhiều vòng quanh thân.
Cây sữa là loài thân gỗ nhỏ, mọc cao, tán rộng, cho bóng mát
Lá cây hoa sữa mọc thành tán rộng. Mỗi lá đơn dài khoảng 9-20cm, rộng khoảng 2-5cm. Lá hình bầu dục, phiến lá dầy, mặt trên trơn xanh bóng, mặt dưới màu xám.
Cây thường trổ hoa vào tháng 9 – tháng 10. Hoa lưỡng tính, kết thành từng chùm trắng ngà trổ ra vào nách lá hoặc đầu ngọn, mùi thơm nồng. Kết quả từ tháng 10 đến tháng 12. Quả sữa dài, phân theo cặp, bên trong có nhiều hạt. Hạt chứa mao lông ở cả 2 đầu nên rất dễ phát tán.
Phân bố
Cây sữa là loài cây ưa sáng, mọc nhiều ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại khu vực Châu Á thấy nhiều ở Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philipin, Ấn Độ…
Tại Việt Nam, do đặc điểm cây cao, tán rộng, cây sữa được trồng nhiều dọc các tuyến đường phố trong cả nước, có nhiều ở miền Bắc.
Bộ phận thu hái làm dược liệu
Cây sữa cho vỏ để làm dược liệu. Vỏ cây sữa có thể thu quanh năm nhưng tốt nhất là thu hái vào tiết xuân, hè.
Sau khi thu hái, vỏ cây sữa cần được loại bỏ bụi bẩn, cạo lớp vỏ sần sùi bên ngoài rồi phơi, sấy khô, có thể tán mịn, bảo quản dùng làm dược liệu.
Cây sữa cho bộ phận vỏ làm dược liệu trong y học cổ truyền
Các công dụng trị bệnh hay của cây hoa sữa
Y học hiện đại
Ở một số nước trên thế giới, vỏ cây sữa được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Chẳng hạn như ở Ấn Độ, có nhiều nghiên cứu về vỏ cây sữa. Tại đây, các nghiên cứu về tác dụng của dịch chiết từ vỏ cây sữa lên động vật cho thấy nó có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, có tiềm năng kiểm soát ung thư…
Một số công dụng chính của cây sữa theo y học hiện đại:
- Chữa trị các bệnh về răng miệng và có thể chiết xuất một số thành phần hóa học để đưa vào kem đánh răng chống nhiễm khuẩn.
- Điều trị sốt rét. Trên thực tế, vỏ cây sữa có các thành phần hóa học chủ yếu là các alkaloid như ditamine, echitenine và echitamine. Các chất này có tác dụng rất tốt trong điều trị bệnh sốt rét. Ngày nay, các nhà khoa học đã bào chế thuốc từ cây sữa thay cho thuốc chống sốt rét Quinine.
- Điều trị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
Y học cổ truyền
Tại Việt Nam, từ lâu nhân dân đã sử dụng vỏ sữa sắc nước đặc để chữa sâu răng hoặc trị các vết thương lở loét. Trong Đông Y, dược liệu vỏ sữa có:
- Vị: đắng
- Tính: lạnh
- Quy kinh: Phế và Can
- Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, chỉ thống, binh suyễn, chỉ khát triệt, phát hãn, kiện vị. Chữa các chứng bệnh: Tiêu chảy, kiết lỵ, viêm khớp, kinh nguyệt không đều, sốt rét.
- Liều dùng: mỗi ngày: 1- 3gr, cách dùng: sắc uống hoặc chế thành cao lỏng.
Trên báo Sức khỏe đời sống (31/10/2019) BS Phó Thuần Vương hướng dẫn cách chế cao lỏng từ vỏ cây sữa dùng cho người tạng nhiệt, gầy, ăn kém như sau: Lấy vỏ sữa phơi khô tán mịn ngâm trong cồn 60 độ trong 7 ngày. Mỗi ngày cần lắc lọc và thêm cồn 60 độ sao cho cuối cùng thu được kết quả 1000gr bột vỏ sữa thu về 1 lít cao lỏng. Dùng mỗi ngày từ 0,5 đến 1,5gr.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng cây sữa
Cây hoa sữa cho bóng mát, mùi hoa thơm nồng, lại có nhiều công dụng trong y học. Nhưng bên cạnh đó, cây hoa sữa cũng có những tác hại. Người trồng và sử dụng cần phải lưu ý.
Trước hết, đối với người sử dụng vỏ csây sữa làm vị thuốc cần phải dùn đúng liều chỉ định của thầy thuốc. Nếu dùng quá liều có thể gây nhiễm độc cơ thể. Bên cạnh đó, có một nghiên cứu về tác dụng dược lý của cây sữa lên chuột cho thấy: chiết xuất các chất từ vỏ cây sữa làm giảm khả năng sinh sản ở chuột. Do đó, nếu cần sử dụng vị thuốc cây sữa, bạn cần phải được chỉ định của bác sĩ.
Tiếp theo, đối với hoa và quả của cây sữa cũng có tác hại đối với những người có cơ địa dị ứng. Theo Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam): Hoa sữa có mùi nồng nặc, nếu hít phải nhiều dễ gây cảm giác choáng váng, mệt mỏi, khó thở. Đúng vậy, qua quan sát bề ngoài chúng ta cũng có thể nhận thấy, hoa sữa chứa nhiều phấn, quả sữa hai đầu đều có lông, phát tán trong không khí rất nhanh nên đây là loài cây kiêng kỵ đối với người bị viêm xoang, viêm mũi, mắc các chứng bệnh về đường hô hấp.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm