Bài thuốc chữa bệnh hay của cây tì giải đối với sức khỏe

- Dược liệu
Bài thuốc chữa bệnh hay của cây tì giải đối với sức khỏe

Tỳ giải hay còn gọi là củ Kim cang là vị thuốc chuyên trị các bệnh về đường tiểu, phong thấp và các chứng bệnh ngoài da. Hiện nay, cây tì giải ở Việt Nam rất hiếm, chủ yếu nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc. Cùng Công ty Onplaza đọc bài viết phía dưới để tìm thiểu thêm những tác dụng của cây tì giải.

I. TÊN GỌI

Tên tiếng Việt: Tỳ giải, Kim cang, Bạt kế…

Tên khoa học: Rhizoma Dioscoreae

Họ khoa học: Dioscoreaceae (tức họ củ nâu)

 

II. TỲ GIẢI LÀ GÌ?

Tỳ giải là một vị thuốc được sử dụng trong y học dân tộc cổ truyền Việt Nam. Tỳ giải được làm từ phần rễ phình to ra tạo thành củ của cây tỳ giải (có tên khoa học là Rhizoma Dioscoreae). Ngoài ra, tỳ giải còn được làm từ bộ phận rễ củ của một số loài cây Dioscorea khác nằm trong họ Củ nâu (Dioscoreaceae).

 

Vị thuốc tì giải

Vị thuốc tì giải

Vị thuốc tỳ giải thường có hình dáng là những đoạn củ, rễ được thái phiến vát, các miếng không đều nhau, dày từ 2mm đến 5 mm. Quan sát bên ngoài thấy màu nâu vàng, nhiều vết sẹo hình nón nhô lên do vết cắt các rễ con tạo thành. Phía trong lát cắt có màu xám nâu, điểm các đốm nâu vàng là những bó mạch rải rác. Chất tựa như bọt biển, xốp, nhẹ. Nếm thì cảm nhận vị đắng nơi đầu lưỡi, có mùi hương nhẹ.

 

III. ĐẶC ĐIỂM CÂY TỲ GIẢI

Cây tỳ giải là loài cây sống lâu năm. Thân cây dạng dây leo, rất gầy và nhỏ. Cây cần một cây thân chủ để leo lên cao.

Hình ảnh cây tỳ giải

Hình ảnh cây tỳ giải

Lá tỳ giải có hình dáng tựa trái tim. Các phiến lá màu xanh mỡ màng, có một số tua cuốn do các lá phụ tạo thành. Các lá được nối với thân cành bằng bộ phận cuống nhỏ, hơi dài. Mặt trên của phiến lá  nổi rõ những đường gân, từ giữa lá có một gân chính, từ đây tỏa ra hai bên khoảng 7 -9 gân phụ.

Cây tỳ giải thường trổ hoa vào mùa hè tới mùa thu. Các hoa tỳ giải là hoa đơn tính, có màu xanh nhạt rất lạ. Hoa mọc thành chùm, trổ ra từ các nách lá.

Loài này có quả rất nhỏ, mỗi quả có phần rìa giống như cánh, bên trong chứa nhiều hạt nhỏ.

Cây tỳ giải ở Việt Nam rất hiếm. Vị thuốc tỳ giải chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam. Ở Trung Quốc, cây này được trồng chủ yếu ở các vùng giáp với biên giới phía bắc của Việt Nam như các tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây.

 

IV. THU HÁI, CHẾ BIẾN, BẢO QUẢN

1. Thu hái:

Củ tỳ giải được người dân thu hái quanh năm, tuy nhiên củ cho tác dụng dược lý tốt nhất là vào vụ thu đông.

 

2. Chế biến:

Tại Trung Quốc, người ta đào lấy phần củ, rễ cây tỳ giải rồi rửa sạch, loại bỏ những rễ con. Sau đó thái lát vát chéo, mỗi phiến dày khoảng từ 2 – 5 mm. Cuối cùng là phơi hoặc sấy cho khô.

Tại Việt Nam, nhân dân vẫn lưu truyền cách bào chế dược liệu tỳ giải như sau: Lấy phần củ rễ cây tỳ giải rửa sạch rồi mang đi ngâm với nước vo gạo qua một đêm. Rồi lấy bàn chải chà nhẹ lớp ngoài cho sạch, để ráo nước. Cuối cùng là bảo mỏng hoặc thái phiến phơi khô.

 

3. Bảo quản:

Củ tỳ giải sau khi bào chế cần trữ trong các lọ hoặc túi ni lông buộc kín. Để nơi khô ráo, tránh nơi ẩm mốc và ánh sáng mặt trời rọi trực tiếp.

 

IV. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Các nhà khoa học đã tìm ra những thành phần hóa học chính trong dược liệu tỳ giải gồm: sapogenin steroid và tinh bột.

Cụ thể, năm 1936, tác giả Tsukano và Ueno (hai nhà hóa học của đất nước Nhật Bản) đã thành công trong việc tách diosgenin từ củ tỳ giải. Loại này là sapogenin steroid đầu tiên được tìm thấy có nối đôi ở 5-6. Bên cạnh đó, hai nhà hóa học người Nhật còn tìm ra trong tỳ giải có một sood sapogenin khác như yonogenin; tokorogenin; kogagenin; igagenin và isodiotigenin.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra, trong tỳ giải có những hợp chất tham gia vào quá trình điều chế cortisol và một số hormone trong cơ thể con người.

 

V. TỲ GIẢI CÓ TÁC DỤNG GÌ?

Vị thuốc tỳ giải được sử dụng chủ yếu trong Đông y. Theo Đông y, vị thuốc tỳ giải đắng; tính bình; quy vào kinh can và kinh vị. Vị thuốc này có tác dụng lợi niệu thông lâm, khứ phong thấp, phân thanh khứ trọc.

Các thầy thuốc Đông y sử dụng tỳ giải kết hợp với một số vị thuốc khác để trị một số bệnh lý như sau:

  • Thấp khớp
  • Viêm cầu thận mạn tính
  • Viêm tuyến tiền liệt thể thấp nhiệt
  • Mụn nhọt ngoài da
  • Lưng tê buốt, đầu gối đau nhức
  • Lợi tiểu

 

 VI. LIỀU DÙNG

Ngày dùng từ 4 gram đến 20 gram vi thuốc tỳ giải khô để sắc thuốc. Các thầy thuốc Đông y thường kết hợp tỳ giải với một số vị thuốc khác để trị bệnh.

 

VII. NHỮNG BÀI THUỐC TRỊ BỆNH HAY TỪ TỲ GIẢI

Dựa vào tác dụng của củ tỳ giải là: Lợi niệu thông lâm, Giảm đau trừ thấp và Trị bệnh  ngoài da mà các thầy  thuốc Đông y kết hợp với các vị thuốc khác nhằm chữa trị các chứng bệnh về phong thấp, đường tiểu và các bệnh mụn nhọt ngoài da. Dưới đây là một số bài thuốc trị bệnh từ vị thuốc tỳ giải.

 

1. Các bài thuốc chủ trị “Lợi niệu thông lâm”

Bài 1: Ôn thận lợi thấp, chữa tiểu đục, tiểu dắt

Bài này được gọi là “Chè thuốc Tỳ giải”

Gồm các vị:

  • Tỳ giải 16 gram
  • Thạch xương bồ 12 gram
  • Ích trí nhân 12 gram
  • Ô dược 12 gram
  • Cành cam thảo 8 gram

Cách làm: Đem tất cả rửa sạch rồi cho vào nồi, chế nước ngập các vị thuốc, rồi đun với lửa nhỏ trong vòng 1 tiếng.

Cách dùng: Lọc lấy nước thuốc, bỏ bã, chia nhiều lần uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang.

 

Bài 2: Trị đi tiểu nhỏ giọt do thấp nhiệt

Bài này được gọi là “Chè thuốc Trình thị Tỳ giải”

Gồm các vị:

  • Hoàng bá 2 gram,
  • Tỳ giải 8 gram,
  • Phục linh 4 gram,
  • Tâm sen 3 gram,
  • Đan sâm 6 gram,
  • Thạch xương bồ 2 gram,
  • Xa tiền tử 6 gram,
  • Bạch truật 4 gram.

Cách làm: Mang tất cả các vị thuốc trên đi rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào nồi, chế 1 lít nước. Đun sôi với lửa nhỏ trong vòng 30 phút.

Cách dùng: Sử dụng nước thuốc lúc còn ấm nóng, chia nhỏ nhiều lần dùng trong ngày. Mỗi ngày 1 thang.

 

Bài 3: Trị tiểu đục, đào thải sỏi tiết niệu

Gồm các vị:

  • Kim tiền thảo 16 gram,
  • Tỳ giải 12 gram,
  • Ý dĩ 16 gram,
  • Ô dược 12 gram,
  • Ngưu tất 12 gram

Cách làm: Rửa sạch các vị thuốc rồi để cho ráo nước. Cho vào nồi rồi đổ ngập nước. Đun trên lửa nhỏ khoảng 20-30 phút cho các vị thuốc phai ra nước.

Cách sử dụng: Lọc lấy nước đem uống nhiều lần trong ngày. Duy trì lâu dài.

 

2. Các bài thuốc chủ trị “Giảm đau, trừ thấp”

Bài 1: Trị tê thấp, đau nhức tay chân mình mẩy

Bài này trong Đông y gọi là “Hoàn tỳ giải”

Gồm các vị:

  • Ngưu tất 12 gram,
  • Tỳ giải 12 gram,
  • Bạch truật 12 gram,
  • Phụ tử 8 gram,
  • Đan sâm 16 gram,
  • Chỉ xác 8 gram.

Cách làm: Lấy tất cả các vị trên trộn đều rồi tán thành bột mịn. Sau đó trộn đều bột này với mật ong rồi vo viên nhỏ.

Cách sử dụng: Lấy các viên hoàn với lượng khoảng 12 gram rồi uống cùng rượu trắng được hâm nóng.

Bài 2: Trị đau nhức khớp gối, đi lại khó khăn

Gồm các vị:

  • Tỳ giải 12 gram,
  • Ngưu tất 12 gram,
  • Ý dĩ 16 gram,
  • Hà thủ ô 12 gram,
  • Đỗ trọng 12 gram,
  • Đương quy 12 gram,
  • Mộc qua 12 gram,
  • Đan sâm 12 gram,
  • Cam thảo 4 gram.

Cách làm: Sắc nước

Cách sử dụng: Lọc lấy phần nước đã sắc rồi uống làm nhiều lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang.

 

3. Bài thuốc trị bệnh ngoài da “Ngứa lở, mụn nhọt”

Gồm các vị:

  • Tỳ giải 20 gram,
  • Kim ngân hoa 16 gram,
  • Bạch tiên bì 12 gram,
  • Thổ phục linh 32 gram,
  • Thương nhĩ tử 16 gram,
  • Cam thảo 6 gram,
  • Uy linh tiên 12 gram

Cách làm: Sắc nước

Cách sử dụng: Lấy nước thuốc chia nhỏ làm 3 phần, uống 3 lần vào các buổi sáng, chiều, tối. Mỗi ngày 1 thang.

Tham khảo thêm 1 số thảo dược rất tốt cho bệnh thận:

 

VIII. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG TỲ GIẢI

Trong Đông y, các thầy thuốc không sử dụng vị thuốc tỳ giải cho người âm hư hỏa vượng và thận hư dẫn đến đau lưng.
Vị thuốc tỳ giải hay bị nhầm lẫn với một vị thuốc khác là vị Thổ tỳ giải (tức Thổ phục linh). Cần phải lưu ý để tránh nhầm lẫn trong sử dụng.

Tóm lại, tỳ giải là vị thuốc có nhiều tác dụng trị bệnh hay, tuy nhiên cần phải lưu ý một số điểm trong sử dụng vị thuốc này trị bệnh. Các thông tin về cây tỳ giải và các bài thuốc có chứa vị tỳ giải chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có nhu cầu sử dụng cần phải có bác sĩ chuyên môn thăm khám và chỉ định. Không tùy ý sử dụng.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Bài thuốc chữa bệnh hay của cây tì giải đối với sức khỏe

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.17692 sec| 1666.398 kb