Kim tiền thảo – Đặc điểm, công dụng và các bài thuốc trị bệnh

- Dược liệu
Kim tiền thảo – Đặc điểm, công dụng và các bài thuốc trị bệnh

Kim tiền thảo vị thuốc nam quý trong đông y có công dụng chữa các bệnh về sỏi đường mật, sỏi thận, sỏi bàng quang, hạ huyết áp, các bệnh về tim mạch, phù thũng, ứ nước,…

Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ đến bạn những thông tin về cây thuốc kim tiền thảo, công dụng, các bài thuốc chữa bệnh khi sử dụng thuốc. 

Tên gọi, phân nhóm

– Tên gọi khác: Kim tiền thảo còn được biết đến với tên Bạch Nhĩ Thảo, Phật Nhĩ Thảo, Vẩy Rồng, Đậu Rồng, Mắt Trâu, Biến Địa Hương, Biến Địa Kim Tiền, Nhũ Hương Đằng, Bản Trì Liên, Cửu Lý Hương, Cỏ Đồng Tiền Vàng, Đồng Tiền Lông,…

– Tên khoa học: Desmodium styracifolium (Osb).

– Họ: Đậu (Fabaceae) hay còn gọi là họ cánh bướm.

Mô tả kim tiền thảo

  • Đặc điểm thực vật

Kim tiền thảo là cây thân thảo, sống lâu năm. Cây bò sát dưới mặt đất và có chiều dài khoảng 1m. Rễ đâm ở gốc rồi mọc thẳng đứng. Cành của kim tiền thảo có lông nhung màu gỉ sắt, có khía vằn và có hình trụ.

kim-tien-thao

Lá kim tiền thảo có chiều dài khoảng 2,5 – 4,5cm và chiều rộng khoảng 2 – 4cm, thường mọc so le gồm có 1 – 3 lá chét. Lá có hình thuôn hoặc hình tròn. Mặt trên của lá có màu xanh lục, có đường gân nổi rõ. Mặt dưới của lá thường phủ lông màu trắng bạc, sờ vào có cảm giác mềm mại.

Hoa kim tiền thảo màu hồng, thường mọc thành chùm, mỗi chùm có từ 2 – 3 hoa. Tràng hoa có màu tím, hình bướm. Hoa nở từ tháng 6 – tháng 8, kết trái từ tháng 9 – tháng 10. Quả kim tiền thảo hơi cong hình cung, với chiều dài khoảng 14 – 16mm. Bên trong quả có từ 4 – 5 hạt nhỏ.

  • Phân bố

Kim tiền thảo được trồng nhiều ở khu vực Đông Nam Á và vùng Hoa Nam, Trung Quốc. Cây thường mọc hoang ở vùng núi trung du có độ cao dưới 1000m.

Ở Việt Nam, kim tiền thảo trồng nhiều ở các tỉnh miền núi như Ninh Bình, Hòa Bình, Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh,…

Hiện nay, loại dược liệu này được trồng đại trà ở nhiều nơi để làm thuốc chữa bệnh.

  • Bộ phận dùng, thu hái, sơ chế, bảo quản

– Bộ phận dùng: hoa, lá, cành, thân của cây kim tiền thảo được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh

– Thu hái: Được thu hái vào mùa hè cho chất lượng thuốc tốt nhất

– Sơ chế: sau khi thu hái, đem rửa sạch dược liệu để loại bỏ tạp chất, để ráo nước rồi phơi khô dùng dần

– Bảo quản: để thuốc nơi thoáng mát, khô ráo.

  • Thành phần hóa học

Trong dược liệu kim tiền thảo có chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe con người như: Coumarin, Lysimachia Christinae, Herba Glechoma Longituba, flavonoid (isovitexin, vicenin glycoside) và các chất khác như tannin, menthol, desmodimin, lupeol, lupenone, acid stearic, palmitic,…

Vị thuốc kim tiền thảo

  • Tính vị

Vị ngọt, mặn, tính hơi hàn.

  • Quy kinh

Quy vào 3 kinh: Thận, Can đởm, bàng quang

Tác dụng dược lý của kim tiền thảo

Theo Đông y, tác dụng của kim tiền thảo như sau:

  • Kim tiền thảo trị ho, hóa đờm
  • Thông lâm, lợi tiểu, tiêu tích tụ
  • Điều trị ghẻ lở
  • Điều trị và làm giảm chứng đau răng.
  • Thanh nhiệt, giải độc, tiêu sạn, tiêu viêm
  • Trị rắn độc cắn
  • Trị sỏi mật, ung nhọt do nhiệt độc

Theo y học hiện đại, tác dụng của kim tiền thảo như sau:

  • Trong dược liệu kim tiền thảo có chứa nhiều hoạt chất Coumarin (hợp chất Este nội) có tác dụng hủy mỡ, phá vỡ một số acid như muối canxi và acid oxalate, giúp đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng.
  • Công dụng của kim tiền thảo giúp điều trị các bệnh về hệ bài tiết, tuyến mật và hệ tim mạch nhờ các hoạt chất như: Lysimachia Christinae, Herba Glechoma Longituba
  • Hỗ trợ điều trị viêm thận, chữa sỏi thận, viêm đường tiết niệu bằng kim tiền thảo
  • Tác dụng của kim tiền thảo giúp điều trị suy giảm chức năng gan, viêm gan, viêm thận, viêm tuyến vú, phù thũng, ung nhọt,…
  • Đối tượng sử dụng vị thuốc kim tiền thảo

Dược liệu kim tiền thảo chỉ mang lại hiệu quả cao đối với các đối tượng sau:

  • Người bị tăng huyết áp.
  • Người có các vấn đề về sỏi như: sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang, sỏi đường mật.
  • Người bị viêm thận, ứ nước, phù thũng.

Các bài thuốc từ kim tiền thảo

Các bài thuốc từ kim tiền thảo

Các bài thuốc từ kim tiền thảo

Dưới đây là các bài thuốc cụ thể với những cách làm đơn giản sử dụng dược liệu để chữa bệnh. 

Bài thuốc 1: kim tiền thảo chữa sỏi thận, sỏi bàng quang 

  • Đơn thuốc: kim tiền thảo, cối xay, cỏ tranh, rễ cỏ xước, ké đầu ngựa, thổ phục linh, rễ đinh lăng mỗi vị 16 gam, mộc thông 10 gam
  • Cách dùng, liều dùng: đem rửa sạch các vị thuốc trên. Sắc uống. Mỗi ngày sử dụng một thang thuốc. 

Bài thuốc 2. kim tiền thảo trị sỏi đường mật

  • Đơn thuốc: kim tiền thảo, cỏ xước, rau má tươi mỗi vị 20 gam, củ gấu, hoạt thạch mỗi vị 12 gam, hải tảo, củ nghệ vàng, kê nội kim 8 gam. 
  • Cách dùng, liều dùng: đem nguyên liệu rửa sạch rồi sắc uống hằng ngày. Mỗi ngày 1 thang thuốc. 

Bài thuốc 3. kim tiền thảo trị sỏi đường tiểu

  • Đơn thuốc: kim tiền thảo 30 gam, đông quỳ tử, hải kim sa, xuyên phá thạch, hoạt thạch mỗi vị 15 gam, hoài ngưu tất 12 gam. 
  • Cách dùng, liều dùng: đem nguyên liệu rửa sạch rồi sắc uống hằng ngày. Mỗi ngày 1 thang thuốc. 

Bài thuốc 4. kim tiền thảo chữa sỏi đường tiểu do thận hư thấp nhiệt

  • Đơn thuốc: kim tiền thảo 20 gam, hải kim sa, hoài ngưu tất, hoàng tinh, vương bất lưu hoành, xuyên phá thạch mỗi vị 15 gam. 
  • Cách dùng, liều dùng: đem nguyên liệu rửa sạch rồi sắc uống hằng ngày. Mỗi ngày 1 thang thuốc. 

Bài thuốc 5. kim tiền thảo hỗ trợ điều trị viêm đường mật không do vi khuẩn

  • Đơn thuốc: 10 – 30 gam kim tiền thảo (tùy theo chỉ định của thầy thuốc và mức độ của bệnh)
  • Cách dùng, liều dùng: đem nguyên liệu rửa sạch rồi sắc uống hằng ngày. Mỗi ngày 1 thang thuốc đến khi bệnh thuyên giảm

Bài thuốc 6. Kim tiền thảo trị ghẻ lở mụn nhọt 

  • Đơn thuốc: kim tiền thảo, xà tiền thảo tươi mỗi vị một lượng bằng nhau
  • Cách dùng, liều dùng: đem nguyên liệu rửa sạch, rồi giã nát dược liệu với một ít rượu. Sau đó chiết lấy nước cốt. Trước khi bôi thuốc cần vệ sinh sạch sẽ vùng bị ghẻ lở mụn nhọt cần điều trị để tránh nhiễm trùng. 

Bài thuốc 7. Kim tiền thảo trị phù thũng 

  • Đơn thuốc: kim tiền thảo, râu ngô, mã đề mỗi vị 20 gam, hạt ý dĩ, hoàng kỳ, cối xay mỗi vị 10g 
  • Cách dùng, liều dùng: dược liệu đem rửa sạch rồi đun với nước. Chia 2 lần uống mỗi ngày. Mỗi ngày sử dụng 1 thang thuốc, duy trì uống trong thời gian dài để cải thiện bệnh. 

Bài thuốc 8. Kim tiền thảo chữa tiểu buốt kèm táo bón 

  • Đơn thuốc: kim tiền thảo 30 gam, xa tiền tử 15 gam, ngưu tất 12 gam, ô dược 10 gam, thanh bì 10 gam, đào nhân 10 gam.
  • Cách dùng, liều dùng: sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang thuốc

Bài thuốc 9. Kim tiền thảo trị viêm thận, viêm túi mật

  • Đơn thuốc: kim tiền thảo 40 gam, ngưu tất 20 gam, mộc thông 20 gam, chút chít 10 gam. 
  • Cách dùng, liều dùng: sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang thuốc

Bài thuốc 10. kim tiền thảo điều trị viêm gan vàng da 

  • Đơn thuốc: kim tiền thảo 60 gam
  • Cách dùng, liều dùng: sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang thuốc. Duy trì uống trong một thời gian để cải thiện bệnh. 

Lưu ý khi sử dụng kim tiền thảo

Những đối tượng sau không nên sử dụng vị thuốc kim tiền thảo:

  • Không dùng thuốc cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thành phần của thuốc, bệnh nhân bị tỳ hư, tiêu chảy
  • Phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ nhỏ không sử dụng kim tiền thảo
  • Bệnh nhân bị bệnh dạ dày nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc, bác sĩ có chuyên môn trước khi dùng thuốc
  • Bệnh nhân điều trị sỏi thận không nên lạm dụng thuốc để tránh làm suy giảm chức năng gan, thận. 
  • Hạn chế sử dụng thuốc kim tiền thảo vào buổi tối.

Trên đây chúng tôi đã chia sẻ đến bạn những thông tin về cây thuốc kim tiền thảo và các bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, những bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ, thầy thuốc để tránh các tác dụng phụ gây nguy hiểm đến sức khoẻ. 


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Kim tiền thảo – Đặc điểm, công dụng và các bài thuốc trị bệnh

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.15424 sec| 1765.672 kb