Khổ sâm chữa bệnh gì? Tác dụng, liều dùng

- Dược liệu
Khổ sâm chữa bệnh gì? Tác dụng, liều dùng

Khổ sâm, tác dụng, cách dùng, liều dùng, công dụng và những bài thuốc từ khổ sâm sẽ được bao quát ở tại bài viết này.

Khổ sâm là một trong những thảo dược quý hiếm trong dân gian được dùng nhiều trong các bài thuốc Đông y có tác dụng chữa các bệnh về hệ tiêu hóa và dạ dày. 

Cùng ONPLAZA tìm hiểu chi tiết về cây khổ sâm trong bài viết dưới đây.

Cây khổ sâm

Tên gọi 

- Tên gọi khác: trong dân gian còn gọi cây khổ sâm là khổ sâm bắc bộ, cây cù đèn, hay cây co chạy đón (Theo cách gọi của người dân tộc Thái) 

- Tên khoa học: Croton tonkinensis Gagnep.

- Tên nước ngoài: Croton du Tonkin, croton du Nord Vietnam (Pháp)

- Họ: Thầu dầu Euphorbiaceae

Mô tả cây khổ sâm

Cây khổ sâm có kích thước nhỏ, chiều cao khoảng 1 - 2m. Là cây bụi ưa sáng, có thể chịu được hạn. Rụng lá hàng năm vào mùa đông và sinh trưởng mạnh mẽ vào mùa hè. 

Cành non mảnh. Lá mọc đối hoặc mọc so le, hoặc có khi tụ lại thành nhiều lá mọc vòng. Lá khổ sâm có hình mũi mác, đầu thuôn nhọn, gốc hơi tù, chiều dài của lá khoảng 5 - 9cm, chiều rộng 1 - 3cm, hai mặt lá đều có lông, óng ánh. Cuống lá cũng có lông hình khiên.

Cụm hoa thường mọc ở đầu cành và kẽ lá, với chiều dài từ 2 - 7cm, gồm cả hoa cái, hoa đực, cụm hoa đực và hoa cái riêng. Phân biệt: hoa đực có cuống ánh bạch, có 5 lá đài hình bầu dục, 5 cánh hoa thuôn hình dài. Hoa cái có bầu hình cầu thuôn dần ở đỉnh. 

Quả của cây khổ sâm giống hình cầu, khi khô nứt thành 3 mảnh, trên đỉnh mỗi mảnh đều có 1 bướu nhỏ màu hung đỏ, ánh lông ánh bạc. Hạt khổ sâm có hình trứng, có mỏ màu nâu hung. Mùa đơm hoa kết quả thường diễn ra từ tháng 5 - tháng 8.

Phân bố, thu hái, sơ chế, bảo quản

- Phân bố: cây khổ sâm mọc tự nhiên, thường thấy ở các vùng đồi cây bụi, phân bố nhiều ở các tỉnh phía Bắc.

- Thu hái: vào mùa xuân, mùa thu, đào hái cây về. Cắt bỏ đầu rễ và các rễ to. Rửa sạch đất, phơi khô, hoặc cắt thành từng miếng dày khoảng 0.3 - 1cm.

- Bộ phận dùng: lá khổ sâm.

- Sơ chế: dùng nước vo gạo nếp, đặc, ngâm lá 1 đêm cho bớt mùi tanh hôi. Sau đó đãi lại, rồi hấp lá nửa ngày. Tiếp tục lấy ra phơi khô, thái để dùng. 

- Bảo Quản: để dược liệu đã sơ chế nơi khô ráo, kín.

Thành phần hóa học

Theo nhiều nghiên cứu, lá khổ sâm chứa nhiều các chất có lợi cho sức khỏe và điều trị bệnh cho con người, gồm: chứa flavonoid toàn phần 2.78%, tannin, alkaloid toàn phần 0.32%, hợp chất polyphenol.

Tác dụng dược lý của khổ sâm

- Tác dụng chống nấm: theo Trung Dược Học, nước sắc từ lá khổ sâm có tác dụng kháng 1 số loại nấm ngoài da

- Tác dụng kháng sinh: theo Trung Dược Học, khổ sâm còn có tác dụng kháng sinh đối với trực khuẩn lỵ, đồng thời có tác dụng kháng lỵ amip, làm cho đơn bào co thành kén.

- Tác dụng lợi niệu: thí nghiệm trên thỏ cho thấy, khổ sâm có tác dụng lợi niệu (Trung Dược Đại Từ Điển).

- Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc từ lá khổ sâm có tác dụng ức chế đối với lỵ trực khuẩn, Staphylococcus aureus, trùng Amip (Trung Dược Học).

- Tác dụng kháng ung thư: thí nghiệm trên chuột nhắt cho thấy, khổ sâm có tác dụng ức chế S180. Theo các nghiên cứu lâm sàng, khổ sâm có hiệu quả kháng ung thư dạ dày, gan, cổ (Trung Dược Học).

Tính vị, công năng

- Tính vị: vị đắng, hơi ngọt, hơi chát, mùi hơi hắc, có tính mát

- Công năng: sát khuẩn, thanh nhiệt, tiêu độc

Công dụng của khổ sâm

Khổ sâm được sử dụng nhiều để trị ung nhọt, sang lở, chốc đầu, lỵ, đau bụng khó tiêu, viêm loét dạ dày tá tràng, vẩy nến, chữa mẩn ngứa.

Liều dùng, kiêng kỵ

- Liều dùng khuyến cáo: 12 - 24g, hoặc có thể sử dụng đến 40g hàng ngày, dùng dạng thuốc sắc.

- Kiêng kỵ: Tuyệt đối không dùng chung khổ sâm với Lê lộ. Ngoài ra, không dùng vị thuốc khổ sâm cho các trường hợp sức khỏe yếu và hàn ở vị, tỳ.

Bài thuốc chữa bệnh với khổ sâm

Bài thuốc 1: chữa đau dạ dày với khổ sâm

- Đơn thuốc: khổ sâm 12g, bồ công anh 20g, lá khôi 50g, 600ml nước. 

- Cách dùng - Liều dùng: sắc đặc, đến khi còn 200ml thì ngừng. Chia làm 2 - 3 lần uống trong ngày. Dùng thuốc liên tục trong 10 ngày, thì dừng uống 3 ngày. Sau đó, lại uống theo liệu trình trên đến khi cải thiện bệnh.

Bài thuốc 2: khổ sâm chữa đau bụng không rõ nguyên nhân

- Đơn thuốc: Lá khổ sâm, lá ngấy đũm, mỗi vị một lượng bằng nhau (khoảng 30 - 40g), 3 lát gừng

- Cách dùng - Liều dùng: sắc uống.

Bài thuốc 3: Chữa viêm loét dạ dày tá tràng

- Đơn thuốc: Lá khổ sâm, nhân trần, bồ công anh, mỗi vị 12g, lá khôi 10g

- Cách dùng - Liều dùng: Tán thành bột mịn, mỗi ngày uống 30g với nước đun sôi để nguội.

Bài thuốc 4: chữa da mặt ngứa như kim đâm

- Đơn thuốc: Khổ sâm 640g, Đông qua tử, Xích thược đều 160g, Huyền sâm 80g. 

- Cách dùng - Liều dùng: Tán thành bột. Mỗi lần dùng 4g xoa vào vùng da mặt bị ngứa

Bài thuốc 5: khổ sâm trị âm đạo lở ngứa

- Đơn thuốc: Khổ sâm, Lộ phong phòng, Phòng phong, Chích thảo. Mỗi vị một lượng bằng nhau, 

- Cách dùng - Liều dùng: sắc lấy nước rửa hàng ngày đến khi hết lở ngứa

Bài thuốc 6: Trị lỵ ra máu không cầm với khổ sâm

- Đơn thuốc: Khổ sâm, sao với Tiêu, rồi tán nhuyễn. 

- Cách dùng - Liều dùng: Tẩm bột với nước làm thành viên, to bằng hạt ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 15 viên với nước cơm (Nhân Tồn Đường Kinh Nghiệm phương).

Bài thuốc 7: Trị khắp mình nổi mẩn ngứa

- Đơn thuốc: Lá Khổ sâm, lá Trầu không, lá Đắng cay.

- Cách dùng - Liều dùng: nấu lấy nước xông và tắm rửa (Trồng Hái Và Dùng Cây Thuốc).

Bài thuốc 8: Trị lỵ cấp tính, tiêu chảy

- Đơn thuốc: Khổ sâm, Rau sam, Cỏ sữa, Cỏ nhọ nồi, Lá mơ lông, mỗi vị 10g

- Cách dùng - Liều dùng: sắc uống (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

Bài thuốc 9: Trị vẩy nến

- Đơn thuốc:Khổ Sâm 15g, Huyền sâm 15g, Kim ngân 15g, Sinh địa 15g, Thương nhĩ tử 15g. 

- Cách dùng - Liều dùng: Tán bột, làm viên. Ngày uống 20-25g (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

Bài thuốc 10: Trị sa tử cung

- Đơn thuốc: Khổ sâm 10g, Phèn phi 25g, Bồ công anh 10g, Thổ phục linh 10g. 

- Cách dùng - Liều dùng: Sắc lấy nước rửa âm đạo, cách ngày làm 1 lần (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam )

Kết luận

Khổ sâm được biết đến là vị thuốc chữa bệnh tiêu hóa rất tốt và được áp dụng nhiều trong dân gian. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần được hướng dẫn từ thầy thuốc trước khi sử dụng để tránh những tác dụng phụ, rủi ro cũng như đạt hiệu quả

Lưu ý : Các bài thuốc trên chỉ có giá trị tham khảo. để hiểu rõ hơn nên hỏi ý kiến bác sỹ. 


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Khổ sâm chữa bệnh gì? Tác dụng, liều dùng

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.23680 sec| 1636.289 kb