Cây thổ phục linh - Tác dụng chữa bệnh, giá bán

- Dược liệu
Cây thổ phục linh - Tác dụng chữa bệnh, giá bán

Thổ phục linh là loại dược liệu cho phần dễ để làm thuốc, là loại cây dây leo sống lâu năm, được tìm thấy nhiều ở các vùng đồi núi, rừng thưa, thung lũng kéo dài từ Tây Bắc theo dọc dãy Trường sơn cho đến vào tận Khánh Hòa, Bình Thuận.

Thổ phục linh còn được gọi với cái tên khác là cây khúc khắc. Loài cây này mọc hoang dại ở các vùng núi Việt Nam. Người dân thu hái phần thân rễ để làm dược liệu chữa một số bệnh như: thấp khớp, lở ngứa, giang mai… Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có những thông tin đầy đủ về cây khúc khắc, tác dụng chữa bệnh và giá bán loại dược liệu này.

CÂY THỔ PHỤC LINH

Tên gọi

  • Tên thường gọi: Thổ phục linh, Khúc khắc, Kim cang, Dây chắt, Dây Khum, Cậm cù…
  • Tên khoa học: Smilax glabra Roxb.
  • Họ: Smilacaceae (tức họ Kim Cang)
Cây thổ phục linh
Hình ảnh cây thổ phục linh hay còn được gọi là cây khúc khắc

Đặc điểm cây

Thổ phục linh là loài cây dây leo sống lâu năm. Chiều dài của thân cây khoảng từ 4m đến 5m, đôi khi các dây leo dài tới hơn 10m. Từ thân chính phân ra các nhánh. Thân cành khá mảnh, nhẵn và không có gai.

Lá thổ phục linh là những lá hình bầu lục, đầu lá nhọn, cuống lá tròn. Các lá này mọc so le qua cành nhánh. Mỗi phiến lá có chiều dài khoảng từ 5cm đến 12cm, chiều rộng khoảng từ 1cm đến 5cm. Trên thân cành thường có những tua cuốn để giúp cây leo bám; các tua này thường là do các lá kèm biến đổi mà thành, đôi khi tiêu giảm thành các mũi nhọn dài hoặc ngắn. Cuống lá ngắn, dài chừng 1cm. Gân lá nổi bật giữa phiến lá, bao gồm 3 gân chính hình cung và rất nhiều gân phụ.

Hoa thổ phục linh mọc thành cụm ở nách lá, màu lục nhạt. Các cụm hoa này là các tán đơn độc, bao gồm khoảng từ 20 tới 30 bông. Mỗi bông hoa khá nhỏ, cuống hoa dài hơn cuống tán. Hoa phân thành 2 loài đực, cái riêng rẽ. Mùa hoa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7.

Quả thổ phục linh
Quả thổ phục linh mọc thành từng chùm

Quả thổ phục linh mang hình dáng tựa quả cầu, chia ra 3 cạnh. Quả còn non có sắc xanh, khi chín chuyển sang màu đỏ đậm. Bên trong quả chứa 3 hạt. Mùa quả kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12.

Phân bố

Trên thế giới, cây thổ phục linh thường mọc hoang nhiều ở khu vực Châu Á. Đó là các nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Myanma…

Tại Việt Nam, cây thổ phục linh được tìm thấy nhiều ở các vùng đồi núi, rừng thưa, thung lũng kéo dài từ Tây Bắc theo dọc dãy Trường sơn cho đến vào tận Khánh Hòa, Bình Thuận. Loài cây này cũng phát triển khá tốt ở vùng đất đỏ ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên.

VỊ THUỐC THỔ PHỤC LINH

Bộ phận làm thuốc

Thân rễ của cây thổ phục linh được sử dụng làm thuốc – Tufuling (Rhizoma Smilacis Glabrae).

Thu hái & Sơ chế

Người dân thường tiến hành đào phần thân rễ tươi của cây thổ phục linh quanh năm, tuy nhiên những người làm thuốc cho rằng cây cho tác dụng dược tính tốt nhất là vào mùa hè và mùa thu.

Rễ cây khúc khắc
Phần thân rễ tươi khi thái lát bên trong có mày đỏ nhạt

Sau khi thu hái bộ phận thân rễ tươi về, người làm cần nhanh chóng cắt bỏ phần gai và những rễ con. Sau đó tiến hành rửa sạch củ để loại bỏ đất cát, tạp chất. Cuối cùng là phơi hoặc đem vào lò sấy khô.

Cũng có thể sơ chế củ thổ phục linh theo các cách khác:

  • Ngâm rễ củ thổ phục linh trong nước nóng vài phút rồi vớt ra, để cho ráo nước thì tiến hành thái lát, phơi khô.
  • Ủ phần rễ củ trong 3 ngày cho mềm và rồi thái lát mỏng, đem phơi nắng hoặc sấy khô.

Thành phần hóa học

Các nhà khoa học đã tìm ra các thành phần hóa học chính trong thân rễ thổ phục linh gồm: Tinh bột, Sitosterol, Stigmasterol, Smilax saponin, Tigogenin, β-sitosterol, Tannin, Chất nhựa, Tinh dầu…

TÁC DỤNG CỦA THỔ PHỤC LINH

Tác dụng dược lý:

  • Trị giun sán, đặc biệt là các loại giun móc, sán lá gan nhỏ.
  • Chống viêm: bao gồm cả cấp tính và mạn tính. Tác dụng này đã được chứng minh qua thực nghiệm trên mô hình gây phù bàn chân chuột bằng caolin; mô hình u hạt thực nghiệm gây bằng amian.
  • Lợi tiểu
  • Kháng histamine
  • Giảm co thắt cơ trơn ruột của động đối với động vật thí nghiệm
  • Hạ huyết áp.

Theo y học cổ truyền phương Đông

Trong sách Lĩnh Nam bản thảo, Hải Thượng Lãn Ông đã viết về vị thuốc Phổ thục linh như sau:

“Thổ phục linh là củ khúc khắc    

Ngọt nhạt, tính bình, chữa đắc lực

Mạnh gân, khỏe vị, thu miệng ghẻ

Đuổi phong, trừ thấp, rất có sức”.

Còn ở Trung Quốc, dược liệu Thổ phục linh đã được sử dụng từ xa xưa. Chẳng hạn như sách Thường dụng Trung thảo dược thái sắc đổ phổ có ghi: “Thổ phục linh có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi quan tiết, trừ thấp”…

Tác dụng thổ phục linh

Tựu chung lại, theo y học cổ truyền phương Đông,  dược liệu thổ phục linh có những tính chất sau đây:

  • Vị: ngọt, có phần nhạt
  • Tính: bình
  • Quy vào các kinh: Can, Vị
  • Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, khử phong, trừ thấp.
  • Trị các chứng bệnh: đau nhức xương khớp, phong thấp, lở ngứa, giang mai, mụn nhọt, vẩy nến, mề đay mẩn ngứa, rôm sảy…

Cách dùng: Sắc nước uống, tán bột, viên hoàn, cao lỏng.

Liều dùng: Khoảng từ 12 gram đến 30 gram.

CÁCH DÙNG TRỊ BỆNH TỪ THỔ PHỤC LINH

Các bài thuốc

Từ xa xưa, ông bà ta đã biết dùng Thổ phục linh để trị bệnh. Người xưa dùng thổ phục linh theo cách sắc thuốc, chế cao, làm viên hoàn và còn chế biến các món ăn bài thuốc từ vị thuốc này.

Vị thuốc thổ phục linh
Rễ thổ phục linh được phơi sấy khô dùng để làm thuốc

Cao Thổ phục linh trị thấp độc ngoài da, nhọt độc, lác, ghẻ lở

- Nguyên liệu: Thổ phục linh 2 kg, mao căn (tức rễ tranh) 600 gram, Tang chi (tức cành dâu tằm) 600g, Sinh địa hoàng 200g.

- Cách chế:

  • Bước 1:  Xắt nát hoặc giã nát tất cả các vị thuốc trên vào nồi đất lớn, sau đó cho thật nhiều nước. Đun trên lửa to. Nấu sôi liên tục trong vòng 9 giờ đồng hồ thì dừng, lọc lấy nước, bỏ bã.
  • Bước 2: Tiếp tục đun nước thuốc đã lọc đến khi cô đặc thành cao. Bảo quản trong lọ kín để dùng.

- Cách dùng: Mỗi ngày dùng khoảng 6 đến 8 thìa canh, pha cùng nước sôi, uống khi nước cao còn nóng ấm. Chia 2 phần, uống vào lúc sáng/tối trong ngày, trước khi ăn độ 1 giờ đồng hồ.

Chữa sang lở, mụn nhọt, tràng nhạc, giang mai

  • Gồm các vị: Thổ phục linh 16 gram, Ké đầu ngựa 12 gram, hoa kim ngân 12 gram, Liên kiều 12 gram, Hạ khô thảo 12 gram. Đem tất cả sắc nước thuốc.
  • Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia ra 3 lần.

Chữa bệnh giang mai ở xoang miệng của trẻ sơ sinh, hoặc người lớn bị giang mai

  • Bài 1: Lấy độc vị Thổ phục linh 30 gram, đem sắc nước thuốc mà uống ngày 1 thang, chia ra 3 lần uống.
  • Bài 2: gồm các vị Thổ phục linh 60 gram, Kim ngân hoa 30 gram, Cam thảo 30 gram. Đem tất cả sắc nước thuốc uống ngày 1 thang, chia ra 3 lần uống trong ngày.
  • Bài 3: gồm các vị Thổ phục linh 20 gram, Kim ngân hoa 20 gram, Bạch tiễn bì 12 gram, Uy linh tiên 12 gram, Cam thảo 12 gram. Đem tất cả sắc nước thuốc uống ngày 1 thang, chia ra 3 lần uống trong ngày.
  • Bài 4: Gồm các vị Thổ phục linh 60 gram, Thương nhĩ tử 60 gram, Bạch tiễn bì 60 gram, mỗi vị 15 gram, Cam thảo 9 gram. Đem tất cả sắc nước thuốc uống ngày 1 thang, chia ra 3 lần uống trong ngày.

Chữa bệnh vẩy nến

  • Gồm các vị thuốc: Thổ phục linh 40 gram, Cải trời 80 gram.
  • Đem tất cả sắc nước thuốc uống ngày 1 thang, chia ra 3 lần uống trong ngày.

Chữa phong thấp, lợi khớp

  • Bài 1: Gồm các vị với liều lượng như sau: Thổ phục linh 20 gram, Dây đau xương 12 gram, Cốt toái bổ 12 gram, Tục đoạn 12 gram, Cẩu tích 12 gram. Đem tất cả sắc nước thuốc uống ngày 1 thang, chia ra 3 lần uống trước khi ăn 1 giờ đồng hồ.
  • Bài 2: Gồm các vị với liều lượng như sau: Thổ phục linh 20 gram; Cỏ nhọ nồi 16 gram, Hy thiêm 16 gram, Ngưu tất 12 gram, Ngải cứu 12 gram, Thương nhĩ tử 12 gram. Đem tất cả sắc nước thuốc uống ngày 1 thang, chia ra 3 lần uống trong ngày.
  • Bài 3: Gồm các vị với liều lượng như sau:  Thổ phục linh 20 gram, Lá lốt 12 gram, Hy thiêm 12 gram, Ngưu tất 12 gram. Đem tất cả sắc nước thuốc uống ngày 1 thang, chia ra 3 lần.

Lợi tiểu, chữa bí tiểu, đái đục đái dắt

  • Gồm các vị với liều lượng như sau: Thổ phục linh 20 gram, Thông thảo 12 gram, Kim tiền thảo 12 gram, Râu mèo 12 gram.
  • Đem tất cả sắc nước thuốc uống ngày 1 thang, chia ra 3 lần.

Trị giun móc, sán lá gan

  • Lấy vị thuốc Thổ phục linh 30 gram
  • Cách dùng: Sắc nước thuốc uống ngày 1 thang, chia ra 3 lần.

Trị lao hạch

  • Gồm các vị với liều lượng như sau:Thổ phục linh 20 gram, Hoàng dược tử 10 gram, Bồ công anh 30 gram.
  • Đem tất cả sắc nước thuốc uống ngày 1 thang, chia ra 3 lần.

Trị nước ăn chân, tổ đỉa

  • Gồm các vị với liều lượng như sau: Thổ phục linh 20 gram, Lá lốt 20 gram, Vỏ núc nác 16 gram, Rễ cỏ xước 16 gram, Kim ngân hoa 16 gram, Rễ gấc 12 gram.
  • Đem tất cả sắc nước thuốc uống ngày 1 thang, chia ra 3 lần.

Các món ăn

Trên báo Suckhoedoisong.vn Lương y Đinh Công Bảy có chia sẻ một số món ăn bài thuốc trị bệnh từ Thổ phục linh. Sau đây người viết xin gửi tới bạn đọc:

Món Thổ phục linh hầm thịt heo

– Nguyên liệu gồm: các vị dược liệu Thổ phục linh 80 gram, Sinh địa 20 gram, Trần bì 1 miếng nhỏ. Cùng với 160 gram thịt heo nạc.

– Cách chế biến: Rửa sạch các vị thuốc; thịt heo rửa sạch rồi thái thành từng khúc tựa ngón tay. Đổ nửa lít nước sạch vào nồi đất rồi nấu sôi, cho thịt và các vị thuốc vào hầm trong 2 giờ cho nhừ. Sau đó cho gia vị vừa ăn.

Cách dùng: Món ăn này ăn khi còn nóng, tác dụng bổ dưỡng, tiêu độc. Đôi khi người ta cho thêm mai rùa hoặc da heo để tăng cường tác dụng của món ăn. Không dùng cho người đang mang thai và người tỳ vị hư hàn.

Món Thổ phục linh, hạt sen, long nhãn

– Nguyên liệu gồm: Hạt sen khô 50 gram, Thổ phục linh 8 gram, Long nhãn nhục 12 gram, Củ sen 50 gram, Tàu hủ ky 100 gram (có thể thay thế bằng tim heo).

– Cách làm: Đối với hạt sen khô cần ngâm nước ấm trước 30 phút cho mềm, các nguyên liệu còn lại rửa sạch. Cho tất cả vào thố nhỏ rồi đặt vào một nồi nước lớn hơn chưng cách thủy trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Sau đó cho gia vị vừa ăn, đun thêm 10 phút nữa là được.

Cách dùng và tác dụng: Ăn lúc nóng, tốt cho những người bi suy tim, mất ngủ, hay hồi hộp, lo âu, ngủ mê sảng.

LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THỔ PHỤC LINH

Các thầy thuốc Đông y đưa ra lời khuyên không nên dùng nước trà để uống cùng với thuốc có thành phần Thổ phục linh. Nếu dùng chung như vậy sẽ gây mất tác dụng của vị thuốc.

Ngoài ra cần phải phân biệt cây thổ phục linh với một số cây khác cũng thuộc họ Kim cang như: cây khúc khắc,  kim cang lá quế, kim cang lá mỏng, kim cang lá thuôn, kim cang lá xoan, kim cang lá bắc… Đôi khi các loại kim cang này cũng được dùng thay thế vị Thổ phục linh, tuy nhiên công dụng kém hơn.

GIÁ BÁN THỔ PHỤC LINH

Hiện nay trên thị trường dược liệu, thổ phục linh được rao bán với nhiều mức giá khác nhau, chủ yếu từ 150.000đ đến 200.000đ/kg:

  • Chẳn hạn như tại Trung tâm cây thuốc quý Hòa Bình (địa chỉ tại số 73, K2, Mường Khến, Tân Lạc, Hòa Bình) bán thổ phục linh với giá 155,000đ/kg.
  • Hoặc tại cửa hàng ở địa chỉ Giải phóng, Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội thuộc Công ty CP phát triển Dũng Hà có rao bán với giá 150.000đ/kg.
  • Bên cạnh đó Công Ty Cổ Phần Siêu Thị Thảo Dược (địa chỉ Số 320 Đường Chiến Thắng – Hà Đông – Hà Nội) bán Thổ phục linh với giá 200.000đ/kg…

Thổ phục linh giá bao nhiêu

Còn rất nhiều địa chỉ cung cấp sản phẩm dược liệu Thổ phục linh mà chúng tôi không thể kể hết tại đây. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn cơ sở cung cấp uy tín lâu năm, cho biết nguồn gốc xuất sứ sản phẩm rõ ràng. Nếu bạn mua online thì nên trao đổi chi tiết về thông tin sản phẩm, giá cả và chọn hình thức mua sản phẩm được kiểm tra hàng trước khi thanh toán để đảm bảo chất lượng.  Cảm ơn quý bạn đọc đã theo dõi những thông tin về Thổ phục linh trên Onplaza Việt Pháp.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Cây thổ phục linh - Tác dụng chữa bệnh, giá bán

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.12861 sec| 1664.273 kb