Từ ngàn năm trước, người dân Việt Nam đã sử dụng lá mơ lông để làm rau ăn và trị bệnh. Ngày nay, các nhà khoa học đã tìm ra các chất kháng sinh tự nhiên có trong lá mơ lông. Trong Đông y, lá mơ lông còn là vị thuốc kháng viêm, chữa các bệnh về đường tiêu hóa, trị giun sán…
Mô tả cây mơ lông
Tên gọi
Mơ lông còn được gọi là mơ leo, mơ tam thể… Ngày nay, các nhà khoa học trên thế giới đặt tên khoa học cho cây mơ lông là Paederia scandens (Lour.) Merr. – Gentiana scandens Lour thuộc họ Rubiaceae.

Đặc điểm thực vật
Cây mơ lông là cây dây leo, thân nhỏ màu xám, phân thành nhiều nhánh. Thân cây nhiều xơ, rất dai, thường được người dân làm dây buộc khi đi rừng hoặc nương rẫy.
Lá mơ tựa như trái tim, đầu nhọn, gốc tròn. Màu sắc của lá phân thành 2 mặt, mặt hướng ánh sáng mặt trời àu xanh xám, mặt ngược lại màu tía, toàn bộ phiến lá phủ một lớp lông tơ mịn màng. Các lá mọc đối nhau qua thân, cành. Chính do màu sắc của lá mơ gồm màu bạc (do lớp lông tạo ra) màu xanh, và màu tía nên còn được gọi là mơ tam thể, hoặc mơ lông do lá cây phủ một lớp lông trắng mịn.
Cây lá mơ lông cho hoa nằm trên đầu ngọn hoặc kẽ lá. Hoa kết từng chùm màu tim tím. Mỗi bông hoa nhỏ như ngón tay út, hình loa kèn, xòe ra 6 cánh. Cây kết quả tròn, dẹt, bao quanh là lớp vỏ mỏng, khi chín già màu đen, rất dễ vỡ, bên trong có vài ba hạt đen, cứng.
Phân bố
Cây mơ lông có mùi vị rất đặc trưng. Nếu bạn lấy tay vò nát thân cây hay lá sẽ cảm nhận thấy mùi hăng, thúi. Cây mọc khắp nơi từ mọc hoang cho đến được trồng làm dây leo hàng rào, làm rau ăn lá. Trên thế giới, loài cây lá mơ lông được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam… Riêng ở nước ta, lá mơ lông có tại khắp các tỉnh thành.
Bộ phận sử dụng, thu hái, sơ chế và bảo quản
Cây lá mơ lông được sử dụng toàn bộ để làm dược liệu chữa bệnh. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là lá mơ, được sử dụng nhiều trong các bài thuốc và các món ăn hàng ngày.

Người ta hái lá mơ quanh năm để sử dụng. Có thể dùng lá mơ tươi hoặc phơi/sấy khô dùng dần. Với thân cây và rễ cây cũng thực hiện tương tự: nhổ lấy thân rễ rồi làm sạch, cắt khúc phơi khô. Bảo quản trong túi kín khí, để nơi khô ráo, tránh ẩm mốc.
Vị thuốc lá mơ
Thành phần hóa học có trong lá mơ
Các nhà khoa học tìm thấy trong lá mơ có lượng tinh dầu lớn. Đặc biệt chất methyl Mercaptan có trong lá mơ tạo nên mùi thúi đặc trưng của loài cây này. Ngoài ra, lá mơ lông còn có những chất hóa học sau: Scanderoside, Paederin, Bisulfur Carbon. Sulfur dimethyl disulphit, Alkaloid
Tính vị, liều dùng
Trong y học cổ truyền Việt Nam, vị thuốc lá mơ có vị ngọt, pha chút đắng. Nhiều người thắc mắc ăn lá mơ nóng hay mát? Theo GS.TS. Phạm Xuân Sinh (suckhoedoisong.vn ngày 27/6/2019) lá mơ lông là vị thuốc có tính mát.
Các thầy thuốc Đông y thường sử dụng vị thuốc mơ lông với liều lượng từ 10gr đến tối đa 20gr cho 1 người trong ngày dạng thuốc sắc uống hoặc dùng ngoài.
Tác dụng của lá mơ lông
Lá mơ lông được sử dụng như một vị thuốc để thanh nhiệt, tiêu độc; chủ trị các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là liên quan đến tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu,...

Lá mơ lông có công dụng sát khuẩn, diệt khuẩn lỵ amip và simela – hai vi khuẩn gây tình trạng kiết lỵ. Những người bị kiết lỵ, sử dụng thuốc tây không đỡ, nên thử dùng một số bài thuốc từ lá mơ lông.
Nhiều nghiên cứu của y học hiện đại đã chỉ ra các thành phần trong lá mơ có tác dụng rất tốt trong việc ức chế sự phát triển của một số loại vi khuẩn, sử dụng phổ biến trong các bài thuốc chữa viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích.
Lá mơ chữa bệnh gì?
Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã sử dụng lá mơ lông để làm rau ăn và trị bệnh. Chắc ai cũng biết đến món trứng gà lá mơ gói lá chuối nướng cháy hoặc trứng lá mơ hấp cách thủy ăn rất lành bụng, trị bệnh trĩ. Lá mơ còn được dùng ăn sống kèm các loại lá khác trong bữa ăn nhằm cân bằng độ đạm cho các món thịt.
Bạn có thể xem hướng dẫn chi tiết các cách làm trứng gà lá mơ trong bài viết: Cách làm trứng gà lá mơ trị táo bón, tiêu chảy, kiết lỵ
Trên thế giới, người dân các nước Ấn Độ, Philippines, Malaysia, sử dụng lá mơ lông để ăn sống nhằm kích thích tiêu hóa, tăng cảm giác them ăn. Có nơi còn dùng lá mơ lông để chiết xuất tinh dầu kháng khuẩn, chống viêm nhiễm và chữa trị bệnh ho.
Ngày nay các nhà khoa học đã chỉ ra thành phần hóa học sulfur dimethyl disulphide có trong lá mơ lông là một loại kháng sinh tự nhiên nhằm chống viêm, kháng khuẩn rất hiệu quả. Ngoài ra, trong lá mơ tam thể chứa một loại alkaloid là hoạt chất có tên Paederin. Chất Paederin có chức năng cải thiện sinh lý trên hệ thần kinh con người.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ lá mơ
Chữa trướng bụng, đầy hơi, đau bụng
Lá mơ lông tươi khoảng 50gr rửa sạch, thái chỉ rồi đánh tan với 2 quả trứng gà ta rồi áp chảo đến khi cháy cạnh cả 2 mặt. Hoặc dùng hỗn hợp trứng gà lá mơ gói trong lá chuối tươi đã hơ qua lửa cho mềm sau đó nướng trên than của hoặc lò nướng. Khi nào thấy lá chuối cháy xém, bên trong trứng gà rau mơ chuyển màu vàng giòn, tỏa ra mùi thơm, thì cho ra đĩa ăn sẽ thấy vị béo bùi cùng chút đắng của lá mơ, càng nhai kỹ càng thấy vị ngon. Sử dụng bài thuốc ngày 1 lần, duy trì từ 5 -7 ngày.

Chữa bệnh Bệnh lỵ amip
Tìm lấy 50gr lá mơ tam thể tươi, 150gr cỏ nhọ nồi tươi, 30gr lá bọ mẩy, 16gr hạt cau khô đã sao vàng, 12gr bách bộ, 9gr vỏ cây đại cạo vỏ ngoài sao khô. Dùng tất cả các vị trên cho vào siêu, thêm nước để sắc nước. Mỗi ngày dùng 1 thang với lượng như trên sắc lấy nước uống, chia ra 3 lần uống sau bữa ăn khoảng nửa tiếng khi nước thuốc còn nóng ấm. Duy trì trong 14 ngày. Lưu ý nếu bệnh nhân đi ngoài nhiều thì không cho vỏ đại.
Tẩy giun sán
Tìm lấy 50gr lá mơ tam thể tươi, rửa sạch rồi xay hoặc giã nhuyễn cho thêm vài hạt muối trắng. Lọc lấy nước này uống khi sáng sớm mới tỉnh dậy, chưa ăn thứ gì vào bụng. Duy trì trong 5 -7 ngày.

Trị bệnh ho gà cho trẻ em
Tìm lấy 150gr lá mơ tam thể tươi; 250gr mỗi loại các vị sau bách bộ, cỏ nhọ nồi, rau má, rễ chanh, cỏ mần trầu; 100g trần bì, 150g cam thảo dây cùng với 50gr gừng già tươi. Lấy các vị trên sắc nước đặc, sau lọc lấy nước bỏ bã, cho thêm đường kính tạo vị ngọt tựa siro cho trẻ dễ uống. Trẻ từ 2 tuổi trở lên uống 4 lần, mỗi lần khoảng 10ml.
Lưu ý khi sử dụng lá mơ lông
Lá mơ lông là vị thuốc lành tính nhưng không nên dùng quá liều, tối đa là 20gr cho một người trưởng thành trong một ngày.
Khi dùng lá mơ tươi để trị bệnh cần đảm bảo rửa sạch, ngâm qua nước muối để tiệt trùng. Đối với các bài thuốc bôi ngoài da, chữa vết thương lở loét phải vô cùng cẩn trọng. Tuy lá mơ có tác dụng kháng viêm nhưng các vi khuẩn bám trên lá mơ lông có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Cần phải có sự thăm khám và hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ đông y khi sử dụng lá mơ lông chữa bệnh.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm