Nhục đậu khấu là một loại gia vị kích thích vị giác cho bạn trong bữa ăn. Bên cạnh đó, nhục đậu khấu còn là một trong những dược liệu quý dùng chữa bệnh trong y học cổ truyền phương Đông. Tuy nhiên, trong loại dược liệu này có chứa độc tố, nếu không biết cách sử dụng sẽ gây họa. Do đó, cần tìm hiểu kĩ các thông tin liên quan đến dược liệu nhục đậu khấu trước khi dùng để tránh bị ngộ độc.
NHỤC ĐẬU KHẤU LÀ GÌ?
Nhục đậu khấu là một loại thực vật, được mô tả khoa học đầu tiên năm 1774 bởi Houtt. Phần hạt nhục đậu khấu được sử dụng để làm dược liệu chữa bệnh trong đông y.
Tên gọi
- Tên tiếng Việt: Nhục đậu khấu, Nhục quả, Ngọc quả, Ngọc khấu
- Tên khoa học: Myristica fragrans Hourt.
- Họ khoa học: Myristicaceae.
Phân loại khoa học
- Giới: Plantae
- Bộ: Magnoliales
- Họ: Myristicaceae
- Chi: Myristica
- Loài: M. fragrans
ĐẶC ĐIỂM CÂY NHỤC ĐẬU KHẤU
Mô tả hình dáng cây
Nhục đậu khấu là loài cây thân gỗ to. Cây có chiều cao trung bình khoảng 8m, đôi khi cao vượt tới hơn 10m. Toàn bộ thân cành cây nhẵn. Lá nhục đậu khấu mọc so le, xanh tươi suốt bốn mùa. Chất lá rất dai. Phiến lá hình lưỡi mác, đầu lá nhọn, gốc tù hoặc tròn. Chiều dài của phiến lá từ 5cm đến 15 cm, rộng khoảng từ 3 cm đến 7cm. Mép lá nguyên. Cuống lá ngắn, khoảng chừng 7mm đến 12mm.
Hoa nhục đậu khấu là những hoa đơn tính mọc khác gốc. Hoa mọc thành xim trổ ra từ các kẽ lá, dạng tán. Hoa có màu vàng trắng.
Quả nhục đậu khấu là những quả hạch, hình dáng tựa như hình cầu hoặc giống quả lê. Đường kính của quả trung bình khoảng 5cm. Bề ngoài quả có màu vàng. Bên trong thường có một hạt. Loại quả này khi chưa chín thì nguyên quả, nhưng khi chín thì nứt đôi quả phân thành 2 mảnh, bên trong lộ ra một hạt. Hạt nhục đậu khấu có lớp vỏ khá dày, được bao bọc bởi một lớp áo màu hồng thường hay bị rách.
Phân bố
Trên thế giới, cây nhục đậu khấu có ở Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, và sau này đã di thực được vào tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc (nơi giáp với biên giới phía Bắc Việt Nam).
Ở Việt Nam, cây nhục đậu khấu được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam.
Thu hoạch, bào chế
Nhục đậu khấu là một vị thuốc được làm từ quả nhục đậu khấu. Cây nhục đậu khấu trồng đến năm thứ 7 thì bắt đầu cho thu hoạch quả. Từ đây, cây cho thu hoạch đều đến 60- 70 năm sau. Cây cho quả nhiều nhất vào độ tuổi năm thứ 25. Người ta ước tính từ năm thứ 10 đến năm thứ 25, cây nhục đậu khấu thường cho thu hoạch khoảng từ 1.500 quả đến 2.000 quả một năm, tức là chừng khoảng từ 8kg đến 10kg. Người dân tiến hành thu hái quả nhục đậu khấu 2 lần trong năm, một lần vào mùa hè và một lần vào mùa đông.
Quả nhục đậu khấu sau khi thu hái cần được bỏ vỏ. Tiếp tục tác riêng phần áo hạt và phần hạch. Với phần áo hạt thì cần phải ngâm qua nước muối rồi đem phơi (sấy) cho khô. Với phần hạch thì cần sấy ở nhiệt độ vừa phải cho tới khi lắc lên nghe tiếng kêu lóc cóc. Theo kinh nghiệm của người bào chế hạch nhục đậu khấu thì thường phải sấy quả trong vòng 2 tháng mới đạt. Tiếp đến cần mang hạch đậu khấu ra mà đập lấy phần nhân bên trong, rồi phân loại to nhỏ cho đều nhau, cuối cùng ngâm với nước vôi và phơi/sấy lại một lần nữa cho khô kỹ.
NHỤC ĐẬU KHẤU CÓ TÁC DỤNG GÌ?
Nhục đậu khấu là loại quả có nhiều các thành phần hóa học tốt cho cơ thể con người như một số vitamin, protein, hydrat cacbon, phốt pho, sắt, tinh dầu… Trong đời sống, nhục đậu khấu được dùng làm gia vị trong các món ăn để kích thích vị giác, nhục đậu khấu còn được chế biến thành tinh dầu để kích thích tinh thần. Bên cạnh đó, Nhục đậu khấu còn được sử dụng làm dược liệu trong cả Đông y và Tây y.
Tác dụng dược lý
Nhục đậu khấu là vị thuốc được dùng trong cả y học hiện đại và y học cổ truyền. Loại dược liệu này có mùi thơm, tác dụng kích thích.
Nếu dùng loại dược liệu này với lượng phù hợp thì có tác dụng xúc tiến hai dịch vị, làm cho tiêu hóa tốt, kích thích nhu động ruột, làm cho có cảm giác ăn ngon miệng.
Tuy nhiên nếu dùng nhục đậu khấu với liều cao sẽ gây ngộ độc, đi tiểu ra máu rồi dẫn đến tử vong.
Đã có tài liệu y văn ghi nhận trường hợp ngộ độc sau khi dùng nguyên một hạt nhục đậu khấu. Dùng nhục đậu khấu với liều cao, trong thời gian ngắn ban đầu sẽ cảm thấy kích thích nhưng sau đó sẽ cảm thấy mệt mỏi, ngủ gà, thậm chí hôn mê, nói sảng, sau đó tử vong. Sau khi dùng Nhục đậu khấu, Purkinje đã cảm nhận được cơ thể chuyển sang trạng thái tê mê.
Tại nước Anh và nước Mỹ, Theo Leclerc đã ghi nhận một số trường hợp ngộ độc nhục đậu khấu. Trong số đó có một trường hợp đã tử vong kèm theo hiện tượng dãn đồng tử tương tự như khi ngộ độc benladon.
Một số thực nghiệm lâm sàng chứng minh độc tính của nhục đậu khấu. Cụ thể như dùng 7,5 gram bột nhục đậu khấu cho 1 người trưởng thành có thể gây ra hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, nói sảng, hôn mê. Hoặc thực nghiệm trên mèo với liều 1,9g/kg thu được kết quả gan mèo bị nhiễm độc qua kiểm tra sinh thiết. Chất độc trong bột nhục đậu khấu được các nhà khoa học chỉ ra là thành phần hóa học Myristicin.
Tác dụng trị bệnh trong y học cổ truyền
Nhục đậu khấu được dùng làm vị thuốc trong y học cổ truyền phương Đông. Theo Đông y, vị thuốc này có những tính chất sau:
- Vị: cay, hơi đắng
- Tính: ấm
- Quy kinh: Tỳ và Đại tràng
- Tác dụng: Ấm trung tiêu hạ khí, tiêu ăn, bền ruột.
- Dùng chữa các bệnh: tâm bụng chướng đau, hư tả, lãnh lỵ, nôn mửa, thức ăn cách đêm không tiêu.
Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS TS Đỗ Tất Lợi thì Nhục đậu khấu là vị thuốc dùng để kích thích tiêu hóa, làm thuốc kích thích chung trong các trường hợp kém ăn, sốt rét.
CÁCH DÙNG VÀ LIỀU DÙNG
Cách dùng
Sau khi thu hái quả thì tiến hành tách bỏ phần vỏ chỉ phần lấy hạt rồi đem ngâm nước và phơi sấy khô cho đến khi lắc phần hạt có tiếng lọc cọc thì đem đập lấy phần nhân bên trong của hạt. Nhân hạt nhục đậu khấu được đem đi nghiền thành bột có thể dùng dưới dạng bột hoặc làm thành dạng thuốc viên hoàn để sử dụng dần.
Liều dùng
Trung bình uống khoảng từ 0,25 gram tới 0,50 gram trong một ngày. Đôi khi cũng cần dùng tới 2 gram – 4 gram nhưng quá liều sẽ gây ngộ độc.
MỘT SỐ BÀI THUỐC TRỊ BỆNH TỪ NHỤC ĐẬU KHẤU
Theo những ứng dụng lâm sàng trong nền y học cổ truyền phương Đông, vị thuốc nhục đậu khấu đã được đưa vào các bài thuốc cổ phương để điều trị bệnh. Sau đây người viết xin gửi tới bạn đọc một số bài thuốc trị bệnh có vị nhục đậu khấu:
Bài 1: Chữa bệnh kém ăn ăn uống không tiêu
- Lấy các vị thuốc với liều lượng như sau: Nhục đậu khấu 0,50 gram, Nhục quế 0,50 gram, Đinh hương 0,20 gram. Đem tất cả các vị trên trộn đều rồi tán thành bột mịn. Sau cùng đem bột này trộn với khoảng 1 gram đường sữa rồi chia đều làm 3 gói.
- Cách dùng: Ngày uống 3 gói thuốc nói trên, mỗi lần 1 gói.
Bài 2: Trị thủy thấp chướng như trống ăn, không ăn, bệnh có thể cho đi đại tiện
Theo“Tuyên Minh luận phương- Nhục đậu khấu hoàn”
- Lấy các vị thuốc với lượng như sau: Nhục đậu khấu, Binh lang, Khinh phấn mỗi vị 1 phân cùng với Hắc sửu 1,5 lạng. Đem tất cả nghiền nhỏ rồi làm thành viên nhỏ bằng hạt đỗ xanh.
- Cách dùng: ngày uống 3 lần, mỗi lần khoảng từ 10 đến 20 viên sau khi ăn.
Bài 3: Trị tỳ hư tiết tả, ruột reo, không ăn (theo “Dương thị gia tàng phương - Nhục đậu khấu tán”)
- Tìm lấy 1 quả Nhục đậu khấu rồi khoét 3 lỗ rỗng, tìm lấy 3 cục nhũ hương nhỏ mà cho vào rồi lấy bột miến nặn cho kín; miến chín làm mức, bỏ miến giã thật nhỏ.
- Cách dùng: Người lớn dùng mỗi lần uống 5 gram, chiêu cùng với nước cơm. Nếu dùng cho trẻ nhỏ thì 2,5 gram.
Bài 4: Trị thận hư yếu, đại tiện không thực, ăn không thiết ( theo Nội khoa trích yếu - tứ thần hoàn)
- Lấy các vị Nhục đậu khấu, Bổ cốt chỉ, Ngũ vị tử, Ngô thù du đem tán thành bột mịn. Rồi sau đó cho bột này cùng 8 lạng Sinh khương, 50 quả táo đỏ dùng nước nấu 1 bát nước gừng với táo, khi nước cạn thì lấy táo, bỏ gừng. Lấy thịt táo mà viên lại như hạt đồng. Mỗi lần dùng khoảng 50 viên đến 70 viên.
Bài 5: Trị tiết tả do tỳ, lý khí (theo Tục truyền tín phương)
- Tìm lấy 2 quả Nhục đậu khấu cùng với dấm gạo hòa bột miến gói kín, sau đó đặt trong tro nước đến khi vàng sém, cùng miến nghiền thành bột mịn. Lấy bột này mà dùng, mỗi lần khoảng 2 gram đến 3 gram.
Bài 6: Trị thủy tả vô độ, ruột reo, đau bụng (theo Thánh tễ tổng lục - Nhục đậu khấu tán)
- Tìm lấy quả nhục đậu khấu sau đó bỏ lớp vỏ rồi đem nghiền nhỏ khoảng 1 lạng, thêm miếng Nhục đậu khấu bỏ vỏ, nghiền nhỏ 1 lạng, thêm miến trắng 2 lạng cùng nước gừng tươi. Đem các vị trên hòa trộn, miến làm vỏ bánh gói bột nhục đậu khấu bên trong nước chín vàng. Sau đó nghiền nhỏ. . 3 vị trên hòa trộn miến làm bánh gói bột nhục đậu khấu nước chín vàng, rồi nghiền nhỏ một lần nữa. Dùng bột này mỗi lần 3 gram chiêu cùng nước cơm, ngày uống 2 lần lúc đói bụng.
Bài 7: Trị hoắc loạn nôn mửa không ngừng (theo Thánh huệ phương)
- Nguyên liệu: 1 lạng Nhục đậu khấu bỏ vỏ, 1 lạng Nhân sâm bỏ bẹ và bỏ đầu, 1 lạng Hậu phác bỏ vỏ thô, sau đó đồ nước gừng tươi, cuối cùng đem nướng cho thơm
- Cách làm: Đem tất cả các vị trên tán thô. Mỗi lần dùng 3 gram bột thuốc cùng với Sinh khương nửa phân, gạo tẻ 1 nắm, thêm 1 bát nước to sắc cho tới khi còn 5 phân nước.
- Cách dùng: Lọc bỏ bã, lấy nước thuốc uống trong ngày thay nước.
MUA NHỤC ĐẬU KHẤU Ở ĐÂU?
Để tìm mua Nhục đậu khấu tại Việt Nam thật dễ dàng. Nếu bạn ở các tỉnh thành phía Nam, nơi trồng nhiều loài cây này, thì các bạn có thể mua bột nhục đậu khấu trong các quầy hàng bán gia vị thực phẩm. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm mua Nhục đậu khấu dạng dược liệu tại các nhà thuốc Đông dược hoặc Nam dược trên toàn quốc. Loại dược liệu này khá phổ biến.
Qua tham khảo thị trường, người viết được biết tại Công ty TNHH Tấn Phát Thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ 22/21 đường 21, P.8, Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh) đang bán dược liệu Nhục đậu khấu với giá: 410,000 vnđ/1kg. Hoặc tại chuỗi cửa hàng thực phẩm Nam An Market tại TP Hồ Chí Minh, trực thuộc Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Nam An bán các gói bột nhục đậu khấu xuất xứ Việt Nam với giá: 146.350đ/50gram...
Để mua được Nhục đậu khấu thành phẩm chất lượng cao, bạn nên đến tận nơi các cơ sở kinh doanh để xem chất lượng mặt hàng và yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Không nên mua các sản phẩm Nhục đậu khấu được đóng gói sơ sài, không chứng minh được nguồn gốc và quy trình sản xuât chế biến dược liệu.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm