Thủy phù liên: Đặc điểm, công dụng, liều dùng bèo cái trị một số bệnh

- Dược liệu
Thủy phù liên: Đặc điểm, công dụng, liều dùng bèo cái trị một số bệnh

Thủy phù liên là loại dược liệu được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian Việt Nam

Loại dược liệu này có tên nghe khá lạ tai nhưng thực chất lại là cây bèo cái hay còn gọi là bèo ván, thường được làm thức ăn nuôi heo, hoặc dùng để trồng cảnh trong bể cá. Cùng đọc bài viết để tìm hiểu về công dụng, cách dùng và một số lưu ý khi sử dụng bèo cái làm thuốc trị bệnh.

I. TÊN GỌI

Tên tiếng Việt: Thủy phù liên, Phù bình, Bèo cái, Bèo tai tượng, Bèo ván…

Tên khoa học: Pistia stratiotes L

Tên dược: Herba Pistiae

Họ khoa học: Araceae (tức họ Ráy)

Thủy phù liên

 Hình ảnh cây bèo cái 

II. ĐẶC ĐIỂM CỦA CÂY BÈO CÁI

Bèo cái là loài cây thân thảo, loài này sống nổi trên mặt nước. Phần ngập dưới mặt nước là thân và rễ. Từ thân chính đâm ra các chồi, và nhiều những nhánh ngắn.

Lá cây bèo cái thường mọc chụm lại ở các nhánh. Các phiến lá tựa như vỏ sò, màu xanh lục tươi tắn, bên ngoài được phủ một lớp lông mịn như nhung giúp lá không bị thấm nước.

Cây bèo cái thường sống thành từng bè mảng, trôi nổi trên các sông suối, ao hồ, đặc biệt là các vùng nước tù. Chúng thường sinh sản mạnh bằng cách phân nhánh con sang ngang và nhanh chóng tạo thành những chồi non mới. Ít khi thấy hoa bèo cái.

Buồng hoa bèo cái khá nhỏ. Độ dài của mỗi buồng hoa chỉ chừng 1 cm. Trong một buồng chỉ chứa 2 bông hoa trần màu xanh lục: Hoa đực mọc ở trên gồm có 2 nhị kết dính vào với nhau; đoạn giữa buồng hoa có những hoa lép tạo thành các vẩy; cuối cùng là bông hoa cái, phía dưới hoa cái chứa bầu hoa có 1 ô, trong ô này chứa nhiều những noãn thẳng.

Quả bèo cái thường rất mọng, bên trong chứa nhiều hạt nhỏ li ti.

III. ĐỊA BÀN PHÂN BỐ

Cây bèo cái là loài thủy sinh liên nhiệt đới. Cây này chưa xác định được nguồn gốc. Tuy nhiên, người ta tìm thấy cây bèo cái sinh sôi nả nở ở khắp các vùng nhiệt đới.

Trên thế giới, loài bèo cái được mô tả một cách khoa học là loài bèo cái sống ở sông Nin gần hồ Victoria tại châu Phi.

Ngày nay, cây bèo cái xuất hiện ở nhiều nơi thuộc vùng nước ngọt của khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới nhờ sinh sản tự nhiên hoặc do con người gây giống để làm thức ăn chăn nuôi gia súc là chủ yếu. Tại Châu Á, cây bèo cái thường thấy nhiều ở các nước: Philipin, Việt Nam, Lào, Malaysia, Trung Quốc,…

IV. BỘ PHẬN LÀM DƯỢC LIỆU

Người làm thuốc lấy toàn cây bèo cái để làm dược liệu Thủy phù liên, tên dược gọi là  Herba Pistiae.

Các loại dược liệu quý dễ tìm trong dân gian

Các loại dược liệu quý dễ tìm trong dân gian

IV. THU HÁI VÀ SƠ CHẾ

Thu hái: Để sử dụng cây bèo cái làm thuốc, chúng ta có thể thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng các thầy thuốc y học cổ truyền cho rằng nên lấy những cây mang hoa vào lúc tiết trời hạ là tốt nhất.

Sơ chế: Sau khi thu hái cần rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần. Với dược liệu tươi thì nên dùng ngay, dược liệu khô cần để nơi khô ráo thoáng mát, tránh ẩm mốc và ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

V. CÔNG DỤNG CỦA BÈO CÁI

Bèo cái là vị thuốc thủy phù liên được nhân dân ta sử dụng từ xa xưa. Theo kinh nghiệm dân gian, dược liệu thủy liên phù có những tính chất sau đây:

  • Vị: cay,
  • Tính lạnh
  • Quy vào 2 kinh: Phế và Bàng quang
  • Tác dụng: Phát hãn giải biểu (tức làm ra mồ hôi để giải cảm);  thấu chẩn chỉ dương (tức là làm cho ban chẩn phát ra ngoài, giảm ngứa); lợi thủy tiêu thũng.
  • Dùng để chữa các bệnh: Sốt kèm theo các triệu chứng sợ gió lạnh, họng khô, miệng khát, do cảm phải ngoại tà phong nhiệt; Ho do phong nhiệt; Ban sởi không phát được ra ngoài; Đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt.

VI. LIỀU DÙNG

Dùng mỗi ngày từ 10 gram đến 20 gram. Nếu dùng ngoài da, nên lấy lượng phù hợp.

VII. MỘT SỐ BÀI THUỐC CHỮA BỆNH TỪ CÂY BÈO CÁI

Theo tác giả Võ Văn Chi, trong sách “Cây thuốc trị bệnh thông dụng” thì cây bèo cái được nhân dân ta dùng để chữa mẩn ngứa, ho, hen suyễn, thông kinh nguyệt, lợi tiểu; ngoài ra còn dùng ngoài trị các bệnh mụn nhọt gây mẩn ngứa, bệnh eczema. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh từ cây thủy phù liên:

Bài 1: Chữa mặt sưng đau, mẩn ngứa, sưng phù khắp người

Lấy các vị thuốc sau: Thủy phù liên bỏ rễ 30 gram, Bạc hà 30 gram, Kinh giới 30 gram. Đem tất cả sắc nước uống, kết hợp xông và rửa ngoài.

Bài 2: Chữa chứng phù thũng giai đoạn đầu

Lấy độc vị Thủy phù liên30 gram, đem sắc uống trong ngày.

Bài 3: Chữa phù do viêm thận cấp tính, có triệu chứng sốt cao, tiểu tiện khó

Đây chính là bài thuốc “Phù bình đậu qua bì thang”. Bao gồm các vị thuốc với liều lượng như sau: Thủy liên phù khô 10 gram, Mộc tặc thảo 12 gram, Liên kiều 12 gram, q đậu 20 gram, Đông qua bì  16 gram, Tây qua bì 12 gram, Ma hoàng 4 gram, Cam thảo 4 gram. Đem tất cả sắc nước uống. Hoặc có thể đồ chín tất cả các dược liệu trên rồi đem phơi hoặc sấy khô, tán bột mịn dùng mỗi ngày 4 gram uống cùng nước đun sôi để nguội, chia 2  lần.

Bài 4: Chữa hen suyễn

Tìm lấy cây bèo cái còn tươi, lấy khoảng 1 lạng, đem bỏ rễ và lá vàng rồi rửa sạch, ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 phút thì để ráo nước. Giã bèo cái thật nhỏ, vắt lấy nước, bỏ bã. Đem nước cốt pha thêm nước lọc và si rô chanh cho vừa đủ 100ml. Ngày làm 2 lần, mỗi lần uống 100ml. Duy trì liều trong vòng 10 ngà sẽ thấy thuyên giảm những cơn hen suyễn. Tiếp tục dùng trong 2 đến 3 tháng thì dừng.

Lưu ý, nếu mới uống có thể có cảm giác ngứa cổ họng trong vòng 10 phút sau khi uống. Tuy nhiên, về sau thì quen dần, hết ngứa.

Bài 5: Chữa eczema

Lấy Thủy phù liên lượng vừa phải theo vùng da bị eczema, đem rửa sạch rồi giã nát kèm với vài hạt muối. Đem bã này đắp lên vùng da bị tổn thương. Thường sau khi đắp khoảng 2 lần sẽ không còn bị chảy nước, nếu duy trì từ 7 đến 10 ngày sẽ khỏi. Bên cạnh đó nên uống thuốc sắc từ hoa Kim ngân, Bồ công anh v.v…. để điều trị bên trong cơ thể.

Lưu ý, đối với những người dị ứng với các thành phần trong Thủy liên phù không nên dùng.

Bài 6: Chữa mẩn ngứa

Lấy Thủy phù liên sao vàng, rồi sắc nước mà uống hàng ngày. Duy trì liên tục trong 2 đến 3 ngày. Mới đầu uống nước thủy liên phù có thể bị ngứa cổ họng, tuy nhiên sau sẽ quen. Đặc biệt trong Thủy phù liên có các chất chống dị ứng, lành tính.

Bài 7: Chữa phát sốt, uống nước nhiều mà vẫn khát, tâm thần phiền táo

Tìm lấy Thủy phù liên đem rửa sạch rồi phơi hoặc sấy khô. Đem đi nghiền thành bột mịn, sau đó trộn bột này cùng với sữa trâu vo viên thành từng hạt ngô.

Cách dùng: Ngày uống khoảng 3 đến 4 lần, mỗi  lần 30 viên, chiêu cùng nước cháo loãng hoặc nước cơm.

Bài 8: Chữa viêm mũi dị ứng

Tìm lấy Thủy phù liên khoảng 250 gram tươi. Sau đó đem cắt sạch rễ, loại bỏ lá vàng úa, rửa sạch. Giã nát rồi lọc lấy nước cốt pha cùng nước lọc uống trong ngày.

Bài 9: Chữa chảy máu cam

Tìm lấy Thủy phù liên, rửa sạch rồi phơi khô. Đem tán thành bột mịn rồi thổi vào lỗ mũi bị chảy máu.

Bài 10: Chữa viêm xoang mạn tính

Gồm các vị thuốc: Thủy phù liên 10 gram, Bạch chỉ 5 gram, Hoàng cầm 5 gram, Kim ngân hoa 8 gram, Cam thảo 4 gram. Đem sắc nước uống thay trà hàng ngày.

Bài 11: Chữa trĩ ngoại

Tìm lấy Thủy phù liên mà nấu nước ngâm rửa bũi trĩ. Bên cạnh đó, giã nát thủy liên phù đắp vào chỗ búi trĩ sưng đau, lồi ra ngoài.

Bài 12: Chữa đơn độc mới phát

Chứng bệnh “Đơn độc” còn được các thầy thuốc Đông y gọi là “lưu hỏa”. Đây là bệnh viêm cấp tính do nhiễm trùng; thường gặp ở mặt và cẳng chân; nếu là ở chân thì thường hay tái phát. Chỗ bị “đơn độc” thường sưng đỏ tấy, đau nhức, nóng rát, thậm chí người phát sốt phát rét.

Theo kinh nghiệm dân gian, có thể chữa “đơn độc” bằng dược liệu Thủy phù liên theo cách sau: Lấy Thủy phù liên nấu nước xông rửa chỗ bị nổi đơn độc ngày 3 lần.

Bài 13: Chữa lang ben

Tìm lấy 200 gram Thủy phù liên tươi, đem rửa sạch rồi đun nước tắm, rửa. Đồng thời, cần giã nát Thủy phù liên tươi, lấy bã xát vào vùng da bị lang ben.

Bài 14: Chữa mụn rộp loang vòng

Tìm lấy cây bèo cái sắc nước rồi đem rửa chỗ bị mụn rộp. Đồng thời đem bèo cái đã phơi khô mà đốt cháy thành than rồi rắc bột này lên vị trí bị mụn rộp.

Bài 15: Chữa sốt phát ban

Tìm lấy một nắn Thủy phù liên tươi, bỏ rễ và các lá úa vàng cùng với một đoạn sắn dây củ to bằng bắp ngô. Đem hai vị trên sắc lấy nước, cô đặc còn 1 bát. Dùn nước này uống nóng và đắp chăn cho toát mồ hôi.

Bài 16: Trị chứng phong nhiệt, đau mắt, sưng đầu, sưng mặt, nổi mẩn ngứa khắp người

Tìm lấy dược liệu Thủy phù liên tươi khoảng 30 gram, loại bỏ phần rễ, cùng Bạc hà 30 gram, Kinh giới 30 gram. Đem tất cả sắc nước uống trong ngày, đồng thời chùm kín chăn xông nước lúc nóng rất tốt.

VIII. LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THỦY PHÙ LIÊN

Bèo cái là loại dược liệu rất dễ tìm kiếm, lại sử dụng để chữa trị được nhiều bệnh. Tuy nhiên những người có sức khỏe suy nhược, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi thì không nên sử dụng. Bên cạnh đó, nếu sử dụng bèo cái để trị bệnh ngoài da như lở ngứa, eczema cần phải cân nhắc kỹ, đối với người bị dị ứng với thành phần trong bèo cái có thể bị ngứa giữ dội.

Tóm lại, những thông tin về vị thuốc Thủy phù liên (tức bèo cái, bèo tai tượng) trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Không tự ý làm theo các bài thuốc được liệt kê bên trên. Nếu muốn sử dụng Thủy phù liên làm thuốc trị bệnh cần phải có sự thăm khám, tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ y học cổ truyền.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Thủy phù liên: Đặc điểm, công dụng, liều dùng bèo cái trị một số bệnh

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.12281 sec| 1657.281 kb