Tổng quan về thảo dược cây tô mộc (cây vang đỏ)

- Dược liệu
Tổng quan về thảo dược cây tô mộc (cây vang đỏ)

Vị thuốc Tô mộc tức là phần lõi gỗ của cây tô mộc hay còn gọi là cây vang đỏ. Ngoài tác dụng làm thuốc nhuộm vải bông, sử dụng làm đồ gỗ mỹ nghệ, cây tô mộc còn có nhiều tác dụng tuyệt vời trong trị bệnh.

Hình dạng cây tô mộc

Tô mộc (còn gọi là cây vang đỏ) là cây thân gỗ nhỏ. Cây có chiều cao từ 5 đến 10m. Thân cây bên ngoài có nhiều gai, bên trong là thân gỗ màu đỏ nâu rất rắn, phần gỗ bao bọc bên ngoài màu trắng. Từ thân chính tỏa ra nhiều cành, nhánh. Các cành mới nhú, cành nhỏ thườn có lớp lông mịn ba phủ, sau khi phát triển lớp lông này rụng dần đi, cành lớn trở nên trơn nhẵn, đôi khúc có gai.

Hình dáng cây tô mộc

Hình dáng cây tô mộc

Lá cây tô mộc là dạng lá kép lông chim, các lá mọc so le, cách nhau, không đối xứng. Cây cũng có bộ phận lá chét. Đây là những lá chét nhỏ hình ô van hẹp phía dưới, phần đầu thuôn, mặt lá hướng ánh sáng nhẵn nhụi, mặt ngược lại có lông trắng mịn màng. Thường có từ 10 đến 15 lá chét nhỏ.

Cây tô mộc trổ hoa vàng vào khoảng tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Hoa mọc thành chùm nơi đầu cành. Cuống hoa ngắn có màu nâu đen. Quả tô mộc là loại quả dẹt, hình trứng ngược, phần đầu quả tựa chiếc sừng. Vỏ quả màu xanh khi non, khi chín già ngả vàng rồi chuyển màu nâu đậm, phần vỏ rất cứng, ở trong chứa khoảng 3-4 hạt màu nâu vàng

 

Địa bàn phân bố

Cây tô mộc tìm thấy nhiều ở Đông Nam Á. Đây là loài cây rất ưa ánh sáng và sinh trưởng tốt ở vùng khí hậu nóng ẩm, đặc biệt phù hợp nơi đất thoáng, không bị ngập nước.

Tại Việt Nam, có cả cây tô mộc dại và được trồng. Chủ yếu phân bố tại vùng đồi núi Tây bắc và Tây nguyên.

 

Các thành phần hóa học

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm thấy các chất sau trong cây tô mộc: tanin, axit galic, tinh dầu, D-alpha-phellandrene, ocimene, sappanin và brazilin.

 

Bộ phận sử dụng làm dược liệu

Cây tô mộc cho phần lõi gỗ để bào chế dược liệu. Người dân chọn những cây trưởng thành, chặt thân, cành rồi thu về phần lõi gỗ có màu đỏ nâu trong cùng. Sau đó lõi gỗ được phân thành các đốt nhỏ đem sấy khô. Bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp và mưa ẩm.

Cùng tìm hiểu về dược liệu: Lá Khế - Tác dụng của lá khế là gì?

Những thí nghiệm chứng minh tác dụng dược lý của tô mộc

Trên thế giới, đã có nhiều thí nghiệm chứng minh các tác dụng dược lý của cây tô mộc. Dưới đây là một số các thí nghiệm điển hình:

Năm 1951, tác giả Theo M.Gabor đã chỉ ra chất brasilein trong cây tô mộc có khả năng kháng histamin. Ông đã tiến hành thí nghiệm lâm sàng trên chuột bạch. Lấy chất brasilein tiêm vào màng bụng chuột bạch trước khi tiêm dung dịch 1,5% histamin clohidrat thì có thể phòng chống  sự thay đổi màu sắc ở mắt chuột.

Những tác dụng dược lý của cây tô mộc

Những tác dụng dược lý của cây tô mộc

Năm 1952, các tác giả M. Gabor, I. Szodady và z. Dirner đã thực hiện  thí nghiệm trên sinh thiết tổ chức thận và nước của tổ chức thận. Báo cáo này cho thấy 2 chất trong cây tô mộc là brasilin và brasilein đã ức chế enzym Histidine decarboxylase. Cũng trong năm này, M. Gabor, B. Horvath, L. Kiss và z. Dirner đã chứng minh chất brasilin và brasilein có tác dụng trên thỏ và chuột. Đó là những tác động tích cực và kéo dài tác dụng của chất hóc-môn thượng thận trên mẩu ruột cô lập của chuột bạch, tử cung cô lập của thỏ và huyết áp của loài thỏ.

Năm 1961, tại Việt Nam, Phòng Đông y thực nghiệm Viện Vi trùng Việt Nam đã báo cáo kết quả nghiên cứu về vị thuốc tô mộc. Báo cáo khẳng định: nước sắc cây tô mộc có tác dụng kháng sinh mạnh mẽ tới vi trùng và không hề bị nhiệt, dịch vị, dịch tuy tạng phá hủy. Đó là các vi trùng: Staphylococcus 209P, Shiga flexneri, Shigella Sonne, Shigella dysenteria Shiga, và trùng Bacillus subtills.

 

Các bài thuốc đông y từ tô mộc

Tô mộc là vị thuốc được dùng nhiều trong y học phương Đông. Theo các thầy thuốc Đông y, tô mộc có vị ngọt, mặn, có chút cay; tính bình; quy vào 3 kinh là tâm, can và tỳ. Công dụng của tô mộc là: hoạt huyết, thúc đẩy kinh nguyệt; Chỉ thống giảm sưng. Tô mộc được sử dụng với liều lượng từ 3gr đến 10gr cho một người trưởng thành trong ngày.

Các bài thuốc từ cây tô mộc

Các bài thuốc từ cây tô mộc

Dưới đây là một số bài thuốc đông y kết hợp vị thuốc tô mộc:

  • Bài Hoàn thông kinh chữa trị bế kinh, đau bụng kinh:

Lấy cácvị sau tán bột mịn vo thành viên hoàn khoảng 6gr: mỗi loại 12gr mỗi vị xích thược, quy vĩ, ngưu tất, đào nhân; mỗi loại 6gr các vị xuyên khung, hồng hoa, tô mộc, hương phụ; cùng với 2gr hổ phách, 6gr sinh địa 16g, 8gr ngũ linh chi. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần dùng khoảng 12gr (tức 2 viên) uống cùng nước ấm.

  • Bài thuốc chữa trị đau bụng từng cơn sau sinh, kinh nguyệt không đều:

Lấy 10gr tô mộc, 6gr diên hồ sách, 10gr sơn tra, 4gr hồng hoa, 10gr quy thân, 8r ngũ linh chi. Cho tất cả các vị ấy rửa sạch rồi bỏ vào siêu nước sắc dưới lửa nhỏ, cô đặc lại còn 1 bát con uống trong ngày, chia làm nhiều lần, uống lúc nước thuốc còn ấm.

  • Bài thuốc chữa tiểu đục ở nam giới, bạch đới ở nữ giới:

Mỗi loại 10gr các vị mộc thông, bạch đồng nữ, tô mộc sắc nước dưới lửa nhỏ. Sau đó lấy 12gr mai mực tách vỏ, tán bột mịn. Dùng nước thuốc uống cùng bột mai mực. Uống lúc nước thuốc còn ấm nóng.

  • Bài thuốc chữa thương tích do ngã, bị đòn đánh mạnh:

Tìm lấy rượu trắng và các vị thuốc với lượng như sau: 0,4gr xạ hương, 20gr đinh hương, 20gr tô mộc, 12gr nhũ hương, 12gr đồng thiên nhiên, 12gr một dược, 12gr huyết kiệt, 8gr hồng hoa cùng với 4gr hạt mã tiền. Tán bột mịn các vị trên rồi trộn đều, ngày uống 2 lần, mõi lần uống lượng 4gr chiêu với một chút rượu trắng.

  • Bài thuốc chữa trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do sang chấn:

Lấy mỗi loại 12gr các vị ngưu tất, xuyên khung, đan sâm 12g, 10gr tô mộc; 8gr uất kim; mỗi loại 6gr các vị trần bì, chỉ xác, hương phụ. Tất cả rửa sạch, cho vào siêu sắc nước dưới lửa nhỏ. Uống trong ngày làm nhiều lần khi nước thuốc còn ấm.

Lưu ý, không sử dụng vị thuốc tô mộc cho người huyết hư không ứ; người đang có thai phải thận trọng.

Mọi thông tin về dược liệu tô mộc bên trên chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn đọc nếu cần sử dụng đến vị thuốc tô mộc để trị bệnh phải có sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không tùy ý sử dụng.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Tổng quan về thảo dược cây tô mộc (cây vang đỏ)

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.16172 sec| 1644.18 kb