Tử uyển - Tác dụng chữa bệnh và cách dùng tử uyển

- Dược liệu
Tử uyển - Tác dụng chữa bệnh và cách dùng tử uyển

Cây tử uyển là loài cây cỏ dại, có hoa màu tím tựa như bông cúc. Loài cây này cho con người bộ phận rễ để làm nên vị thuốc tử uyển. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm nhiều thông tin hữu ích về cây tử uyển và những công dụng trị bệnh hay của vị thuốc này.

Hình ảnh cây tử uyển

Hình ảnh cây tử uyển

I. TÊN GỌI

Tên tiếng Việt: Tử uyển, Thanh uyển, Dã ngưu bàng.

Tên khoa học: Aster tataricus L.

Họ khoa học:  Asteraceae (tức họ Cúc).

 

II. TỬ UYỂN LÀ GÌ?

Tử uyển có danh pháp khoa học là Radix Asters,  tức là phần rễ khô của cây tử uyển (Aster tataricus L). Giải thích từ “Tử uyển” ta có: Tử (hay còn gọi là từ) là màu tía, uyển là mềm mại, Tử uyển là vị thuốc màu tím và rất mềm.

 

III. MÔ TẢ HÌNH ẢNH CÂY TỬ UYỂN

Cây tử uyển hay còn gọi là Cỏ Tử uyển là loại cây thân thảo sống lâu năm. Bề ngoài, cây có hình dạng tựa loài cỏ dại. Bộ phận rễ khá ngắn, có nhiều rễ con xung quanh rễ chính. Thân cây có thể cao tới hơn 1,5m. Từ thân chính tỏa ra nhiều cành nhỏ. Bao phủ hệ thống thân cành là một lớp lông ngắn, mịn; dưới gốc cây có những lá mọc vòng.

Cây tử uyển có 2 loại lá: Lá mọc vòng dưới phần gốc cây và lá ở thân cành phía trên. Thứ nhất là những lá dưới gốc cây mang hình dáng bầu dục, đầu lá hơi nhọn, gốc tù, thu hẹp lại ở phần cuống ngắn, mép lá hình răng cưa. Cả hai mặt lá đều được bao phủ một lớp lông ngắn. Mỗi phiến lá dài khoảng 20cm đến 40 cm, chiều rộng khoảng từ 6cm đến 12cm. Khi cây trổ hoa cũng là lúc những lá này héo úa. Thứ hai là loại lá mọc so le trên thân cành. Những lá này rất hẹp và gần như không có cuống. Phiến lá dài chừng 18cm đến 35 cm, rộng từ 2,5 cm đến 3,5 cm.

Hoa của cây tử uyển tựa như những bông cúc tím. Hoa hình đầu, những cánh hoa thìa lìa mọc xung quanh có màu tím nhạt; ở giữa là những hoa hình ống có màu vàng tươi. Quả tử uyển khô, hình dẹt và có túm lông trắng nhỏ ở đuôi, dễ dàng phân tán xa nhờ gió.

Hoa của cây tử uyển

Hoa của cây tử uyển

Trên thế giới có nhiều loài Tử uyển. Riêng tử uyển ở Việt Nam là loài Aster trinervus Roxb nhưng chưa thấy được khai thác (theo A Petelot). Loài này tựa như giống cỏ, chiều cao của thân khoảng từ 0,3-1,6m. Thân cây thẳng đứng, phân ra nhiều nhánh phía trên ngọn. Một lớp lông ngắn bao phủ toàn bộ thân cành. Lá hình bầu dục dạng thuôn dài, đầu lá nhọn, thu hẹp dần về phía cuốn lá, mép lá có răng cưa thưa. Các lá chỉ dai từ 3-7cm, rộng khoảng 5-25mm. Hoa cũng mang sắc tím ở rìa và màu vàng tươi ở giữa. Hoa tử uyển ở Việt Nam thường mọc đơn hoặc tụm lại thành cụm từ 3-5 hoa nơi đầu cành. Quả rất nhỏ, hẹp, dài chừng 2,5m, mép quả có rìa mang sắc vàng nhạt.

 

IV. CÂY TỬ UYỂN PHÂN BỐ Ở ĐÂU?

Trên thế giới, Tử uyển được tìm thấy mọc tại một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Triều Tiên, Việt Nam, Lào…

Tại Việt Nam, cây này có nhiều ở vùng núi Đông Bắc thuộc các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng. Đôi khi cũng có tìm thấy cây mọc hoang ở miền Trung nhưng thưa thớt và rất ít. Hầu như tử uyển ở ta chưa được khai thác. Nguồn nguyên liệu dùng làm thuốc vẫn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.

 

V. CÁCH THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN DƯỢC LIỆU TỬ UYỂN

Người ta trồng cây tử uyển rồi thu hoạch vào mùa thu năm thứ nhất hoặc sang mùa xuân của năm thứ hai. Khi thu hoạch, người ta phải dùng nước tưới xung quanh gốc cây cho đất mềm, ẩm. Rồi đào lấy cả gốc rễ, chú ý không làm đứt các rễ con. Sau đó rửa sạch đất cát, đem đi tết những rễ con lại thành những túm tóc. Cuối cùng tiến hành phơi hoặc sấy khô.

Nếu là tử uyển trồng thì vào mùa thu năm thứ nhất hay mùa xuân năm thứ hai, đào lấy rễ, cần chú ý kẻo đứt rễ con. Muốn vậy khi đào phải tuới nước, sau khi đào rửa sạch đất cát, tết những rễ nhỏ thành từng búi như búi tóc hay cũng có thể thái thành đoạn nhỏ, rồi phơi hay sấy khô là được. Bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc và ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

 

VI. THÀNH PHẦN HÓA HỌC TRONG DƯỢC LIỆU TỬ UYỂN

Các nhà khoa học đã tìm ra các thành phần hóa học chính có trong cây tử uyển gồm: Astersaponin, quercetin, epifriedelinol, lachnophyllol acetate, friedelin, shionone, aleic axit, aromatic axit, anethole và lachnophyllol.

 

VII. TỬ UYỂN CÓ TÁC DỤNG GÌ?

1. Theo y học hiện đại

Các nhà khoa học đã tiến hành các thí nghiệm về tác dụng dược lý của vị thuốc tử uyển. Sau đây là một số những tác dụng chính:

-    Trong vị thuốc tử uyển có chứa Astersaponin. Chất này có tác dụng làm tăng chất tiết khí quản, hóa đờm đối với thỏ thí nghiệm.

-    Sử dụng nước sắc từ dược liệu tử uyển cho mèo uống thì phát hiện ra trong nước này có chất ceton có tác dụng giảm ho trên thực nghiệm.

-    Tử uyển có khả năng ức chế các loại khuẩn như: trực khuẩn đại tràng, lị Shigella sonnei, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, Pseudomonas aeruginosa và phẩy khuẩn thổ tả.

-    Các nhà khoa học còn tiến hành chiết xuất dược liệu tử uyển và tìm ra trong dược liệu này có thành phần hóa học kháng tế bào ung thư.

-    Chất Astersaponin trong tử uyển có khả năng tán huyết mạnh. Không nên dùng chất này theo đường chích tĩnh mạch.

 

2. Trong y học cổ truyền

Trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, GS TS Đỗ Tất Lợi đã có những ghi chép về  tử uyển như sau:

-    Vị đắng, hơi ngọt

-    Tính ôn, không độc,

-    Quy vào kinh phế.

-    Tác dụng: ôn phế, hóa đờm, hạ khí, chỉ ho, thông điều thủy đạo.

Ngày nay, các thầy thuốc y học cổ truyền dân tộc Việt Nam sử dụng vị thuốc tử uyển kết hợp với các vị thuốc khác để trị các bệnh:

-    Ho kèm nhiều đờm, viêm khí quản cấp tính và mãn tính.

-    Tiểu tiện ra máu, làm thuốc thông tiểu

 

VIII. NHỮNG BÀI THUỐC TRỊ BỆNH HAY TỪ VỊ THUỐC TỬ UYỂN

Vị thuốc tử uyển

Vị thuốc tử uyển

Bài 1: Trị ho mới phát do cảm mạo

Gồm các vị tử uyển 12 gram, bách bộ 12 gram, bạch tiền 12 gram, cát cánh 8 gram, kinh giới 8 gram, trần bì 6 gram, cam thảo 4 gram. Đem tất cả các vị trên rửa sạch rồi sắc nước uống. Mỗi ngày 1 thang.

 

 Bài 2: Trị khí cấp, đờm khò khè trong họng

Gồm các vị: tử uyển 12 gram, xạ can 6 gram, ma hoàng 10 gram, gừng tươi 4 gram, tế tân 12 gram, , khoản đông hoa 12 gram, ngũ vị tử 8 gram, bán hạ chế 8 gram, đại táo 12 gram. Đem đi sắc nước. Uống mỗi ngày 1 thang.

 

Bài 3: Trị bệnh hen phế quản thể hàn, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang

Gồm các vị: tử uyển 12 gram, ma hoàng 10 gram, hạnh nhân 10 gram, tế tân 6 gram, cam thảo 4 gram, thần khúc 12 gram, bạch phàn 0,2 gram, bạch truật 12 gram, bán hạ chế 6 gram, hắc phụ chế 12 gram, xuyên tiêu 8 gram, gừng sống 6 gram, tạo giác 2 gram, khoản đông hoa 12 gram. Đem các vị này sắc nước uống. Dùng khi nước thuốc còn ấm nóng, chia nhiều lần trong ngày, mỗi ngày dùng 1 thang.

 

Bài 4: Trị bệnh lao phổi

Gồm các vị: tử uyển 12 gram, đảng sâm 12 gram, cỏ nhọ nồi 12 gram, bạch truật 12 gram, bách hợp 8 gram, thổ phục linh 8 gram, thổ bối mẫu 6 gram, ngũ vị tử 6 gram và cam thảo 6 gram. Lấy tất cả các vị trên rửa sạch, cho vào nồi thêm 5 bát nước, đun cô đặc còn 2 bát. Chia nước này làm 2 lần uống trong ngày.

 

Bài 5: Trị phế hư gây mệt mỏi, suy nhược cơ thể

Gồm các vị: tử uyển 12 gram, tang bạch bì 10 gram, đảng sâm 10 gram, thục địa 10 gram, ngũ vị tử 10 gram và hoàng kỳ 10 gram. Sắc lấy nước uống trong ngày.

 

Bài 6: Trị kinh nguyệt không đều

Theo Tuệ Tĩnh ( trong Nam dược thần hiệu) sử dụng các vị tử uyển, hồng hoa, nga truật, quế chi (không lấy phần vỏ thô), hương phụ (đã sao với giấm), lượng bằng nhau rồi đem phơi khô tán bột mịn. Dùng thứ bột này uống mỗi lần 8 gram cùng một chén rượu trắng, ngày 2 lần.

Lưu ý: Không dùng vị thuốc tử uyên cho người bị ho khan do âm hư hỏa vượng, ho ra máu và ho do thực nhiệt.

Vị thuốc không thể thiếu trong quá trình điều trị bệnh thận: https://onplaza.vn/duoc-lieu/cay-ty-giai-n168.html


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Tử uyển - Tác dụng chữa bệnh và cách dùng tử uyển

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.21710 sec| 1633.805 kb