Bạch liễm - Công dụng - Liều dùng - Những điều kiêng kị

- Dược liệu
Bạch liễm - Công dụng - Liều dùng - Những điều kiêng kị

Bạch liễm là củ của cây bạch liễm có tên khoa học là Ampelopsis serijanaefolia Bung. Loài cây này hiếm thấy ở Việt Nam, chúng ta chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu bạch liễm từ Trung Quốc về dùng làm thuốc trong Đông y. Theo Đông y, bạch liễm dùng để chữa trị các vết lở loét lâu ngày không thu miệng lại, bệnh bỏng do nhiệt… Ở Việt Nam, cũng có một vài cây được đặt với tên Bạch liễm tuy nhiên không phải loài này. 

Cùng đọc bài viết để tìm hiểu những thông tin chính xác về cây bạch liễm, công dụng, liều dùng và những điều kiêng kỵ trong sử dụng dược liệu bạch liễm.

I. TÊN GỌI

  • Tên tiếng Việt: Bạch Liễm, Bạch căn, Côn lôn …
  • Tên khoa học: Ampelopsis serijanaefolia Bung.
  • Tên dược: Radix Ampelopsis.

 

II. MÔ TẢ HÌNH ẢNH

Bạch liễm là vị thuốc được lấy từ cây có màu trắng (tức bạch), vị thuốc này có tác dụng thu nhỏ các vết thương (tức liễm). Sau đây là những mô tả chi tiết về hình dáng của cây bạch liễm.

Bạch liễm là loại cây dây leo. Thân cây dài, khá cứng, bề ngoài nhẵn không có lông bao phủ, có vòi chẻ ra làm đôi.

Lá của cây bạch liễm là loại lá hai lần kép. Cuống lá dạng cánh. Mỗi lá kép bao gồm từ 3 đến 5 lá hình trái xoan, đôi khi hình xẻ lông chim, hai đầu lá nhọn. Chiều dài của lá chừng 4cm và chiều rộng chừng 2 cm. Giữa phiến lá nổi rõ hệ thống gân lồi và lông bao phủ. Màu sắc hai mặt lá khác nhau rõ rệt, mặt hướng ánh sáng mặt trời có màu xanh sẫm, mặt ngược lại màu trắng. Mép lá xẻ hình răng cưa và có lớp lông ngắn bao phủ.

Hình ảnh cây bạch liễm (Ampelopsis serijanaefolia Bung)

Hình ảnh cây bạch liễm (Ampelopsis serijanaefolia Bung)

 

III. PHÂN BIỆT CÁC LOÀI CÂY CÓ TÊN BẠCH LIỄM

Tại nước ta, có một số loài cây khác cũng được gọi với tên Bạch Liễm:

  • Thứ nhất là cây Ampolopsis japonica (Thunb) Makino.
  • Thứ hai là cây chìa vôi có tên khoa học là Cissus modeccoides Planch, thuộc họ Nho. Loài cây này phân bố nhiều ở Tây Nguyên (Việt Nam).

Cây chìa vôi cũng được gọi là bạch liễm, tránh nhầm lẫn trong sử dụng

Cây chìa vôi cũng được gọi là bạch liễm, tránh nhầm lẫn trong sử dụng

Trong khi đó cây Bạch liễm mà chúng ta đang nhắc đến trong bài viết là cây Ampelopsis serijanaefolia Bung. Nên cần nhận biết đúng danh pháp khoa học và đặc điểm thực vật của các loài cây này để ứng dụng đúng loại trong các phương pháp chữa trị bệnh. Tránh nhầm lẫn trong sử dụng, gây tác hại xấu.

 

IV. ĐỊA BÀN PHÂN BỐ

Cây bạch liễm phân bố nhiều huyện Bác La thuộc sông Đông Giang, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Tại Việt Nam, hiếm thấy loài cây này. Nguồn nguyên liệu bạch liễm chủ yếu là nhập khẩu tại Trung Quốc.

 

V. BỘ PHẬN SỬ DỤNG LÀM DƯỢC LIỆU

Cây bạch liễm cho chúng ta bộ phận củ để bào chế làm dược liệu. Những củ bạch liễm tươi có hình tròn, to gần như quả trứng gà, các củ thường dính liền với phần gốc cây. Hai đầu củ bạch liễm thường thấy hơi nhọn, bề ngoài của củ là lớp da màu đen, cắt đôi thấy phía trong có màu trắng, nếm thử thấy đắng nơi đầu lưỡi.

Lưu ý, đã có thông tin ghi nhận các cơ sở sản xuất dược liệu giả còn lấy củ khoai lang có hình dạng giống củ bạch liễm mà giả mạo. Hoặc củ Bạch Cập cũng có 3 nhánh cứng, mịn và trong cũng rất giống với củ bạch liễm. Cần nắm rõ những đặc điểm của dược liệu để không bị nhầm lẫn.

Dược liệu bạch liễm

Dược liệu bạch liễm 

 

VI. THU HÁI, BÀO CHẾ

Người dân thường đào lấy rễ cây bạch liễm vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 trong năm. Người thu hái có kinh nghiệm thường chọn những rễ phình to bằng quả trứng gà, bề ngoài có màu sắc đen nhánh, bên trong bổ ra trắng ngà, nêm thấy vị đắng thì biết đó là loại củ bạch liễm chất lượng cao, dùng làm thuốc rất tốt. Ngoài ra củ nhỏ, vỏ xù xì, màu đen nhạt là loại củ xấu, làm thuốc không tốt, cần để thêm thời gian cho củ già hơn mới có nhiều hoạt chất hóa học tốt.

Người ta thường bào chế củ bạch liễm để làm thuốc như sau: Làm sạch củ bạch liễm sau khi thu hái rồi đem đi ủ qua một đêm. Sáng hôm sau thấy củ bạch liễm mềm thì mang đi rửa lại 1 lần nữa, để cho ráo khô nước thì thái lát phơi khô, không cần sao tẩm. Cũng có thể tán thành bột mịn để làm hoàn tán.

 

VII. BẢO QUẢN DƯỢC LIỆU

Bạch liễm sau khi bào chế cần được để vào các lọ kín. Theo kinh nghiệm người xưa, cần để củ bạch liễm khô vào những chum vại, dưới lót vài củ vôi sống để chống ẩm, mốc, mối mọt rồi đậy kín nắp. Để các lọ này ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.

 

IX. CÔNG DỤNG

Bạch liễm là vị thuốc dùng trong y học cổ truyền phương Đông. Trong sách y dược học cổ của Trung Hoa có ghi lại công dụng của vị thuốc bạch liễm. Sau đây là một số chỉ dẫn về tác dụng của vị dược liệu này:

Trong “Trung Quốc Dược học Đại từ điển” có ghi: Bạch liễm có vị đắng ngọt, tính bình hơi lạnh, không độc; công dụng “tả hỏa, tán kết, sinh cơ, chỉ thống”.

Các thầy thuốc Đông y sử dụng vị thuốc Bạch liễn kết hợp với các vị thuốc khác trong nhiều bài thuốc nhằm chữa trị các trứng bệnh:

-      Chứng “ôn ngược” tức trong người thấy nóng nhiều rét ít, đầu nhức, chân tay đau mỏi, phiền khát, thỉnh thoảng nôn mửa.

-      Lỵ ra máu, tiêu ra máu, trĩ nội.

-      “Xích bạch đới” tức khí hư đới hạ ra nhiều, bệnh sinh ra ở những người tính tình nóng nảy hay lo nghĩ

-      Sưng ung ở hạch cổ, đinh nhọt.

-      Bệnh bỏng nhiệt do lửa, do nóng quá mà thành.

 

X. LIỀU DÙNG

Bạch liễm được các thầy thuốc Đông y sử dụng từ 3 gram đến 9 gram cho một người trong ngày, tùy theo chứng bệnh và thể trạng người bệnh mà kê.

Dùng bạch liễm theo các cách: tán bột xoa bên ngoài, sắc nước thuốc mà uống. Đặc biệt không sao vàng vị thuốc này khi dùng.

 

XI. MỘT SỐ BÀI THUỐC TRỊ BỆNH CÓ VỊ BẠCH LIỄM

  • Bài 1: Trị chứng bỏng nhiệt do lửa hoặc nước sô

Theo sách “Ngoại Đài Bí Yếu Phương” có ghi: Lấy bạch liễm tán thành bột mịn rồi tự cân đối vị trí tổn thương mà lấy lượng phù hợp, sau đó thoa lên vết thương. Cũng có thể hòa thêm chút nước cho bột sệt lại rồi dùng bông gạc sạch thấm vào xoa đều lên vết thương cho mát.

  • Bài 2: Chữa bệnh phong thấp gân rút sưng đau, duỗi co khó khăn

Theo sách “Thiên kim phương” thì chữa bệnh này cần phải lấy hai vị bạch liễm và thục phụ tử. Cứ thục phụ tử 1 phần thì bạch liễm 2 phần rồi trộn đều, tán thành bột mịn.

Cách dùng: lấy thứ bột này uống với rượu, mỗi lần uống độ 3 phân, ngày uống 2 lần. Nếu cảm thấy trong người nóng bừng là tốt. Duy trì uống liên tục trong vòng 10 ngày, kiêng ăn thịt lợn và những đồ ăn lạnh.

  • Bài 3: Chữa nghẹn thức ăn

Trong sách “Thánh huệ phương” có ghi: Lấy bạch liễm và bạch chỉ với lượng bằng nhau rồi đem đi sắc uống. Sắc 2 lần 2 chỉ, bỏ bã, lọc lấy nước uống là hết.

  • Bài 4: Chữa nghẹn họng do các vật sắt, tre, thép đâm vào cổ họng; Đinh nhọt mới phát

Trong sách “Thánh huệ phương có ghi”: Lấy hai vị thuốc là bán hạ và bạch liễm với lượng bằng nhau, đem ngâm nước sôi. Rồi đem uống mỗi lần nửa chỉ cùng với rượu ấm. Uống ngày 2 lần.

Bài thuốc này cũng có thể dùng với bệnh gai đâm vào trong thịt  hoặc chứng đinh nhọt mới phát.

  • Bài 5: Chữa chứng mặt sinh ra giống như gai châm, sần sùi như bột phấn

Trong “Trửu Hậu Phương” có ghi: Lấy vị bạch liễm 2 phân, vị hạnh nhân nửa phân cùng với chất trắng ở phân gà khoảng độ 1 phân. Đem tất cả các vị trên rồi trộn đều, tán nhỏ mịn. Cuối cùng trộn bột này với mật ong mà phết lên da mặt.

  • Bài 6: Chữa chứng sưng viêm

Theo “Dược Tính Phương: Lấy bạch liễm, xích tiểu đậu, vương thảo. Đem 3 vị trên trộn đều rồi tán bột mịn. Lấy bột này quết với lòng trắng trứng gà rồi bôi vào chỗ sưng viêm.

Theo “Đào Ẩn Cư Phương”: Lấy 2 phần bạch liễm, 1 phần lê lô trộn cho đều rồi tán thành bột mịn. Lấy bột này thêm chút rượu trộn cho đều rồi bôi vào chỗ bị viêm, ngày 3 lần.

  • Bài 7: Chữa chứng mũi nổi những hạt thịt nhỏ có màu đỏ

Theo “Ngự Dược Viện Phương”: Lấy 3 vị bạch liễm, bạch thạch chi, hạnh nhân, mỗi vị nửa lượng đem trộn đều rồi tán bột mịn. Lấy bột này trộn cùng lòng trắng trứng gà rồi phết vào giấy sạch, dán lên chỗ mụn thịt ngày 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, sáng dậy rửa sạch. Làm đến khi khỏi thì thôi.

  • Bài 8: Chữa lở loét không thu miệng lại

Theo sách “Thụy Trúc Đường Phương”: Lấy các vị bạch liễm 9 gram, xích liễm 9 gram, hoàng bá 9 gram đem trộn đều rồi tán bột mịn. Sau đó lấy khinh phấn 3 gram, dùng nước sắc của hành rửa xức vào những vị trí lở loét. Dần dần sẽ thu miệng lại, chóng lành.

Gợi ý:  Vị thuốc chi tử? Bài thuốc chữa bệnh và lưu ý khi dùng - Dược liệu  

XII. KIÊNG KỴ

Không sử dụng vị thuốc bạch liễm cho người có tỳ vị hư hàn, ung nhọt đã phá miệng; người không có thực hoả, nhiệt độc.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Bạch liễm - Công dụng - Liều dùng - Những điều kiêng kị

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.17053 sec| 1640.547 kb