Cây ráng không phải là tên một loài cây riêng biệt mà là một họ cây thuộc ngành Dương xỉ. Tại Việt Nam có 4 loại cây ráng phổ biến đó là: Ráng bay, ráng tổ phụng, ráng biển và ráng gạc nai. Các cây ráng này được người dân sử dụng làm thuốc trị bệnh. Cùng đọc bài viết để biết thêm về họ ráng, phân loại và công dụng trị bệnh của một số cây ráng phổ biến tại Việt Nam.
GIỚI THIỆU VỀ HỌ RÁNG
Họ Ráng thuộc Ngành Dương xỉ Polypodiophyta, nhóm Quyết, phân bố khắp nơi trên thế giới, nhưng gặp nhiều nhất ở các khu rừng nhiệt đới. Trước hết nói về ngành Dương xỉ, là một trong những ngành thực vật vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành thảm thực vật dưới tán rừng. Các Họ trong ngành này có tác dụng giữ độ ẩm, chống xói mòn đất đai. Trong Ngành Dương xỉ lại bao gồm các cây thuộc họ Ráng: Ráng lá dừa, Ráng Tổ điểu, Ráng vệ nữ, Ráng lá chuối, Ráng lưỡi rắn…
Tại Việt Nam, có một số cây thuộc họ Ráng được dùng làm rau ăn, trồng cảnh và có thể sử dụng làm dược liệu. Trong phạm vi bài viết này, người viết xin được giới thiệu tới bạn đọc 4 loại cây ráng phổ biến dùng làm thuốc chữa bệnh đó là:
- Cây ráng bay hay còn gọi là Ráng rừng
- Cây ráng tổ phụng hay còn gọi là ráng tổ chim, tổ điểu
- Cây ráng biến hay còn gọi là ráng nước, ráng dại
- Cây ráng gạc nai hay còn gọi là Cần trôi
CÂY RÁNG BAY
Tên gọi
- Tên thường gọi: Ráng bay, Ráng rừng, cốt toái bổ, chồn đen, đuôi công....
- Tên khoa học: Drynaria quercifolia (L),
- Họ: Ráng
Đặc điểm cây ráng bay
Cây ráng bay là loại cây thân thảo. Loài cây này sống cộng sinh trên các loài cây thân gỗ. Thường thấy cây ráng bay sống trên các hốc cây gỗ lớn hoặc bám leo trên vách đá. Thân cây mọc sát với vật chủ để bám, phần gốc cây có nhiều rễ phụ và các lông bám xung quanh.
Lá cây ráng bay rất dài, có khi vươn cao tới hơn 1m. Những lá này đảm nhiệm vai trò hứng lấy các chất mùn, lá cây và hoa quả của các loại cây cao lớn để quy về phía gốc cây tạo chất dinh dưỡng nuôi cây. Lá thường có nhiều khía. Các cánh lá dài và cong vút tựa như lông chim công hoặc đuôi phượng. Chính vì có hình dáng đó nên cây ráng bay còn được gọi với tên cây đuôi công hoặc cây đuôi phượng.
Bộ phận sử dụng làm thuốc
Trong dân gian, cây ráng bay cho phần gốc để làm thuốc. Họ thường đào lấy cây ráng bay rồi loại bỏ lá và các rễ con, giữ lấy phần thân gốc, sau đó cạo sạch lông, rửa sạch rồi thái lát phơi khô. Trong đông y, phần thân gốc của cây ráng bay được gọi là cốt toái bổ.
Công dụng ráng bay
Tại Việt Nam, ráng bay được ghi nhận làm thuốc trong sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" và cuốn "Từ điển bách khoa dược học". Theo đó, ráng bay có các tính chất sau:
- Vị: đắng
- Tính: ôn
- Dùng trị các bệnh: Suy thận, Viêm tiết niệu, Phong thấp, Giảm đau, Ù tai, bệnh giảm bạch cầu, đau nhức răng, làm tan máu bầm do chấn thương.
– Chống viêm, giảm đau:
Tại Ấn Độ, nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu và vườn bách thảo nhiệt đới, Palode đã tiến hành chiết xuất etanolic từ thân rễ cây ráng bay. Đem chiết xuất này thử nghiệm lâm sang đối với cơ thể chuột. Kết quả của thí nghiệm cho thấy cây ráng có tác dụng giảm cơn đau. Họ kết luận chất etanolic chiết xuất từ thân rễ cây Drynaria quercifolia có khả năng kháng viêm, giảm đau.
– Điều trị viêm đường tiết niệu:
Tại Đại học NM Christian, Marthandam, Ấn Độ, một nhóm nghiên cứu chiết xuất một số chất ở cây ráng bay và thực nghiệm trên các vi khuẩn nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) phân lập trên lâm sàng bằng phương pháp khuếch tán đĩa đệm. Kết quả của thí nghiệm cho thấy: Cây ráng bay cho 2 loại chiết xuất là acetone và ethanol có tác dụng kháng khuẩn đường tiết niệu. Sau đó, các nhà khoa học đã kết luận: Việc sử dụng cây ráng bay để trị viêm đường tiết niệu đã được khoa học kiểm chứng.
Cách dùng ráng bay làm thuốc chữa bệnh
Bài 1: Trị thận hư, bổ thận, chữa viêm đường tiết niệu
- Lấy gốc cây ráng bay đã bào chế mà sắc uống. Liều lượng khoảng 15 gram gốc ráng bay phơi khô thái lát sắc với 0,5 lít nước cho đến khi cô đặc còn 0,2 lít nước.
- Cách dùng: Cách dùng: Chia nước thuốc làm 2 phần, uống 2 lần trong ngày, uống sau khi ăn 15 phút.
Tham khảo thêm dược liệu sâm ngọc linh được sử dụng để tăng cường sức khỏe, bổ thận
Bài 2: Rượu ráng bay trị đau nhức xương khớp, bổ thận
- Cách 1 độc vị: Lấy ráng bay khô đã thái lát với lượng 1kg, rượu gạo trắng khoảng 4-5 lít. Ngâm trong vòng 1 tháng thì dùng được, để lâu càng tốt.
- Cách 2 ráng bay kết hợp các vị: rễ có xước, thổ phục linh, rễ nhàu, thiên nhiên kiện. Cách ngâm như trên.
- Cách dùng: Mỗi ngày 1 chén nhỏ trong bữa ăn. Không lạm dụng.
Bài 3: Điều trị giảm bạch cầu
- Lấy các vị Ráng bay 15 gram, Đương quy 15 gram, Thục địa 15 gram, Củ cốt khí khô 8 gram.
- Đem tất cả các vị trên sắc cùng 1 lít nước sạch, cô đặc còn khoảng 0,3 lít thì ngừng. Chắt lấy nước này mà uống làm 3 lần trong ngày. Duy trì trong vòng 30 ngày.
CÂY RÁNG Ổ PHỤNG
Tên gọi
- Tên thường gọi: Ráng ổ phụng, Cây tổ chim, Cây tổ Điểu
- Tên khoa học: Asplenium Nidus L.
- Họ khoa học: Ráng
Đặc điểm Ráng ổ phụng
Ráng ổ phục là loài cây dương xỉ, phần thân rễ rất ngắn, lá phát triển mạnh. Lá cây ráng ổ phụng to, dài và rất dày. Các lá mọc xoay quanh phần thân gốc, tỏa ra như hình hoa thị tựa một tổ chim. Phần cuống lá ráng ổ phụng khá ngắn, dày bề ngang, có nhiều vẩy dài ở gốc. Các phiến lá có chiều dài trung bình từ 30 cm đến 90 cm; chiều rộng trung bình từ 5cm đến 10 cm. Lá thuôn dài tựa hình ngọn giáo, đầu lá nhọn, mép nguyên, toàn bộ phiến lá màu xanh lá mạ trơn bóng.
Cây ráng ổ phụng chứa túi bào tử mỏng ở mặt dưới của lá, xếp chéo góc với gân chính. Các bào tử này hình trái xoan, có sắc màu vàng sáng.
Cây ráng ổ phụng là loài cây ưa sống ở vùng đất nhiệt đới. Trên thế giới, cây này có nhiều ở Châu Mỹ và có cả ở châu Âu. Ở các nước này, cây được trồng để làm cảnh, trang trí trong khuôn viên sân vườn. Còn ở nước ta, thường thấy cây ráng ổ phụng mọc cộng sinh trên các cây gỗ lớn trong rừng, những nơi có độ ẩm cao. Ngày nay, người dân nước ta cũng sử dụng cây này làm cây cảnh. Ngoài ra, cây còn có tác dụng trị bệnh theo y học cổ truyền Việt Nam.
Bộ phận sử dụng làm dược liệu
Toàn cây ráng ổ phụng được thu hái để làm dược liệu. Người ta tiến hành thu hái cây quanh năm, rửa sạch rồi thái khúc ngắn khoảng 5 -7cm phơi khô dùng dần.
Công dụng
Theo khoa học hiện đại
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu để tìm ra các chất hóa học có trong cây Ráng ổ phụng. Trong cây này chứa thành phần chính là các loại flavonoid ( trong đó có 12 flavonoid được nhận biết, 3 flavonoid không thể nhận biết). Trong các chất này có một số hoạt chất được chứng minh là có khả năng kháng khuẩn, kháng virus, phòng chống U.thư, và ngăn cản quá trình oxy hóa, an thần, chống co thắt.
Ngoài ra, cây ráng ổ phụng còn được bào chế để làm thuốc chữa bệnh sốt rét, hạ sốt và kháng virus Herpes simplex Type-1.
Theo kinh nghiệm dân gian và y học cổ truyền dân tộc
Theo kinh nghiệm dân gian của người Vân Nam, Trung Quốc, cây ráng ổ phụng dùng để chữa chấn thương gây gãy xương liệt dương; giã nát lấy nước bôi vào vết ong đốt, rắn cắn; dùng bã tươi đắp lên trán để hạ sốt.
Ở nước ta, người dân ở một số vùng miền núi dùng cây ráng ổ phụng chữa vàng da, sốt rét; suy nhược cơ thể, làm an thần; chữa bong gân, sai khớp. Ngoài ra, lá cây ráng ổ phụng còn được sử dụng để chữa các bệnh ngoài da và tóc; dùng lá non để ăn thay rau; chữa chứng hôi miệng; cho động vật ăn lá để ngừa thai. Ngoài ra, Tổ điểu còn dùng làm rau ăn, chữa hôi miệng hay biện pháp tránh thai ở động vật.
Cây ráng ổ phụng còn được sử dụng trong Y học cổ truyền. Theo đó, cây này có các tính chất:
- Vị: đắng
- Tính: ấm
- Tác dụng: Cường gân, tráng cốt; hoạt huyết khứ ứ, lợi thuỷ thông lâm.
Một số cách dùng ráng ổ phụng làm thuốc chữa bệnh
Bài 1: Chữa đau răng
- Cách làm: Lấy nguyên liệu ráng ổ phụng khô đem sao cho tới khi đen thành than rồi mang đi tán bột mịn. Đem bỏ thứ bột này vào lọ thủy tinh đậy nắp kín để dùng dần.
- Cách dùng: Lấy tăm bông tẩm nước sạch cho ướt rồi chấm vào bột ráng ổ phụng mà phết lên chỗ chân răng đau nhức. Mỗi ngày làm 2 lần vào buổi sáng và buổi tối sau khi đánh răng.
Bài 2: Chữa đau nhức xương khớp do thận hư
- Lấy các vị thuốc: Ráng ổ phụng 16 gram, Ngưu tất nam 12 gram, Cẩu tích 20 gram, Khoan cân đằng 12 gram, Rễ gối hạc 12 gram, Ngọc nữ 12 gram, Hoài sơn 20 gram, Bạt kế 16 gram, Đỗ trọng 16 gram. Đem tất cả các vị trên sắc với 550ml nước, cho tới khi cô đặc còn 1 nửa.
- Cách dùng: Chia nước thuốc làm 2 phần uống 2 lần trong ngày. 1 liệu trình kéo dài 10 ngày.
Bài 3: Chữa té ngã gây đau nhức, ê buốt thân mình
- Gồm các vị: Ráng ổ phụng khô 15 gram, Địa hoàng khô 10 gram, Lá sen khô 10 gram, Trắc bách diệp tươi 10 gram. Đem tất cả sắc cùng với 500ml nước, cô đặc còn 1 nửa thì dừng.
- Cách dùng: Chia nước thuốc làm 2 phần uống vào 2 buổi sáng / tối trong ngày. 1 liệu trình cần duy trì 5 ngày.
Bài 4: Chữa ù tai, đau lung do thận hư
- Đây là món ăn bài thuốc Ráng ổ phụng và bầu dục lợn hấp cách thủy. Tìm lấy nguyên liệu ổ phụng với lượng 4-6 gram cùng 1 cái bầu dục lợn.
- Cách làm: Tán nhỏ dược liệu ráng ổ phụng rồi làm sạch bầu dục lợn. Sau đó cho bột ráng ổ phụng vào bên trong bầu dục lợn, khâu lại. Đem hấp cách thủy hoặc bọc lá chuối nướng.
- Cách dùng: Ăn như món ăn hang ngày. Mỗi ngày 1 lần. Cách 1 ngày thì dùng 1 ngày. 10 ngày thì hết 1 liệu trình.
CÂY RÁNG NƯỚC
Tên gọi
- Tên thường gọi: Ráng biển, Ráng dại, Ráng nước…
- Tên khoa học: Acrostichum aureum L
- Họ khoa học: Ráng biển
Đặc điểm của ráng biển
Cây ráng biển thường mọc hoang dại ở các rừng thứ sinh, vùng núi cao hay những vùng đầm nước mặn, bờ kênh rạch khắp đất nước Việt Nam. Cây này ưa sáng và hợp với loại đất có nhiều mùn.
Thân cây ráng biển ngắn, to, phát triển theo phương thẳng đứng và có nhiều ngó.
Lá cây ráng biển là loại lá kép lông chim 1 lần. Chiều dài trung bình của lá tới 3m. Những lá chét dài khoảng 40 cm. Các lá này dày, nhẵn, mép nguyên, trên phiến lá nổi rõ hệ thống các gân phụ hình mạng lưới. Phần cuống lá chính khá dài, có nhiều gai giả được tạo thành từ những cuống phụ. Lá cây ráng biển sinh sản từ thân, có các ổ túi bào tử màu nâu đỏ ở khắp mặt dưới, gân lá và mép lá.
Bộ phận làm dược liệu
Lấy toàn bộ cây ráng biển làm sạch rồi thái khúc phơi khô để làm dược liệu
Công dụng
Theo kinh nghiệm dân gian, thân lá cây ráng biển khô được dùng để trị các bệnh:
- Sát trùng ngoài da
- Tẩy giun sán.
- Cầm máu
- Ngoài ra, những lá ráng biển non còn được người dân hái làm rau ăn hang này; các lá già khô được dùng làm chổi quét, cuống lá làm nguyên liệu đang lát.
CÂY RÁNG GẠC NAI
Tên gọi
- Tên thường gọi: Ráng gạc nai, Rau cần trôi
- Tên khoa học: Ceratopteris thalia troides (L.) Brongn
- Họ: Cần trôi
Đặc điểm cây ráng gạc nai
Ráng gạc nai là một loại dương xỉ có phần thân rễ mọc đứng. Các lá ráng gạc nai mọc tụm thành từng túm. Cuống lá khá dày và mọng nước, chất xốp. Ở những cây ráng gạc nai mới mọc, các phiến lá hầu như không sinh sản nổi mà phát triển dạng dựng đứng, hơi tạo hình khía. Ở những cây ráng gạc nai trưởng thành, phiến lá sẻ lông chim sâu 2 lần, tựa như lá rau cần; những lá chét bậc nhất có cuống, mọc so le. Các lá chét này có phần đầu lá thuôn tựa ngọn giáo, gân hình mạng, những phiến lá chứa bộ phận sinh sản ở mặt dưới thì hẹp hơn và phân nhánh tựa như sừng nai (gạc nai).
Loài cây này là thực vật liên nhiệt đới. Tại Việt Nam, ráng gạc nai được tìm thấy nhiều ở các ao hồ, ruộng ngập chua, các đầm lầy, bờ suối có nhiều bóng râm. Ngoài ra người ta còn trồng ráng gạc nai để làm cảnh cho bể nước, hồ cá.
Bộ phận sử dụng
Toàn cây ráng gạc nai được sử dụng để ăn hoặc làm thuốc trị bệnh.
Công dụng
Ráng gạc nai là một loài rau dại nhưng đã được đưa vào nghiên cứu. Các nhà khoa học đã tìm thấy trong ráng gạc nai có những thành phần hóa học chính như sau: 2,6mg% caroten và 7,5mg% vitamin C…
Tại Malaysia, người dân dùng cây ráng gạc nai để trị các bệnh ngoài da.
Tại Trung Quốc, người dân láy cây ráng gạc nai chữa chứng tiểu đục, ho hen có đờm, dùng ngoài chữa các vết thương
Trong dân gian Việt Nam, ráng gạc nai là loại thuốc có vị đắng; tính hàn; công dụng hoạt huyết, giải độc, chỉ lỵ. Cây ráng gạc nai được dùng theo cách sắc nước uống chữa hen suyễn, chữa bệnh lỵ, giải độc liều từ 15gram đến 30 gram; giã nát dùng ngoài chữa rắn cắn, lượng tùy dùng.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm