Tỳ bà diệp: Đặc điểm, công dụng và những bài thuốc trị bệnh

- Dược liệu
Tỳ bà diệp: Đặc điểm, công dụng và những bài thuốc trị bệnh

Tỳ bà diệp là một loại dược liệu được dùng trong y học cổ truyền dân tộc Việt Nam.

Tỳ bà diệp có nhiều tác dụng quý, được dùng làm vị thuốc trong một số bà thuốc chữa các bệnh thông thường như: ho, cảm nắng, đau dạ dày, nôn mửa…

I. TÊN GỌI

Tên tiếng Việt: Tỳ bà, Nhót Tây…

Tên khoa học: Folium Eriobotryae japonicae.

Họ khoa học: Rosaceae (tức họ Hoa hồng)

Tỳ bà diệp

chú thích: Hình ảnh cây Tỳ bà

II. MÔ TẢ HÌNH ẢNH CÂY TỲ BÀ

Tỳ bà diệp tức là lá của cây Tỳ bà hoặc còn gọi cây Nhót tây. Cây Tỳ bà là cây thân gỗ sống lâu năm. Cây có chiều cao trung bình khoảng từ 6 mét tới 8 mét, những cây lâu năm còn có khi cao hơn 10 mét. Thân cây màu nâu, trơn nhẵn. ừ thân chính tỏa ra nhiều cành nhánh.

Lá cây Tỳ bà mọc so le. Các phiến lá có hình bầu dục tròn, đầu lá nhọn, phần đáy hình nêm. Chiều dài trung bình của mỗi phiến lá khoảng từ 12 cm đến 25 cm, chiều rộng khoảng từ 4 cm đến 9 cm. Mặt trên của lá có màu lục sẫm, mặt dưới có phủ lông màu bạc, mép lá trên có xẻ hình răng cưa. Hệ thống gân lá hình lông chim, chính giữa gân lá nổi lên ở mặt dưới. Cuống lá khá ngắn.

Cây trổ hoa nơi đầu cành. Hoa Tỳ bà rất sai, mọc thành chùm, đường kính trung bình khoảng từ 15 mm đến 20 mm, phần cuống rất ngắn, hoa bao phủ một lớp lông ngắn màu đỏ hung.

Cây kết quả thịt. Quả Tỳ bà có dạng hình cầu, bên ngoài được bao phủ một lớp lông ngắn. Quả màu xanh khi còn non, khi chín chuyển sang màu vàng tươi. Mỗi quả dài khoảng từ 3cm đến 4 cm. Trên đỉnh mỗi quả Tỳ bà có hình mắt quanh mép mang đài tồn tại. Bên trong quả chứa nhiều thịt, chứa 4 hạch đơn, mỗi hạch lại có khoảng từ 1 đến 2 hạt không phôi nhũ. Hạt tròn, bề ngoài có màu nâu sáng bóng. Mùa quả Tỳ bà thường kéo dài từ tháng 4 tới tháng 5 hàng năm.

III. ĐỊA BÀN PHÂN BỐ

Trên thế giới, cây Tỳ bà được cho rằng có nguồn gốc ở Trung Quốc và Nhật Bản. Sau này cây Tỳ bà được di thực tới nhiều nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, cây Tỳ bà mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở các tỉnh Đông Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn…Cũng thấy cây Tỳ bà được trồng ở Hà Nội.

IV. BỘ PHẬN LÀM DƯỢC LIỆU

Người ta thường dùng phần lá cây Tỳ bà để làm dược liệu, gọi là Tỳ bà diệp (diệp tức là lá).

Chú thích: Lá Tỳ bà làm nên vị thuốc Tỳ bà diệp

V. THU HÁI BÀO CHẾ

  1. Thu hái

Thu hoạch lá Tỳ bà quanh năm. Người thu hái thường chọn những lá bánh tẻ, không non cũng không già quá. Phiến lá dày, không bị vàng úa, không sâu mọt, màu xanh lục hoặc ngả màu nâu hồng.

Sau khi thu hái cần phơi hoặc sấy khô rồi bảo quản trong bọc nilong buộc kín.

2.  Bào chế

Người làm thuốc có một số cách bào chế Tỳ bà diệp để làm thuốc. Dưới đây là một số công thức bào chế lá Tỳ bà.

Cách 1: Lấy lá Tỳ bà rồi chải bỏ lông tơ, lấy nước rửa sạch để cho ráo, sau đó cắt thành sợi rồi phơi khô. Đầu tiên, chải bỏ lông tơ, dùng nước rửa sạch, hơi ướt, cắt sợi, phơi khô. Hoặc cũng có thể tìm lấy một miếng vải sạch mà lau chùi phần lông nhám trên lá tỳ bà rồi sau đó lấy nước Cam thảo tiếp tục chùi cho sạch; cuối cùng lấy mỡ sữa bôi lên khắp lá đem nướng qua (Theo sách Lôi Công Bào Chích Luận).

Cách 2: Cách này được gọi là chích mật. Tìm lấy Tỳ bà diệp sợi rồ cho thêm mật ong rừng tự nhiên nguyên chất mà luyện cho tới khi chín. Tỷ lệ Tỳ bà diệp tơ và mật ong là: 100 cân Tỳ bà diệp tơ dùng 26 cân mật ong luyện chín. Sau đó cho lượng nước sôi vừa phải rồi trộn đều, đậy nắp kín cho ngấm qua. Cuối cùng cho vào chảo sao trên lửa nhỏ cho tới khi không dính tay thì dừng, lấy ra để nguội, bảo quản dùng dần.

Cách 3: Lấy lá Tỳ bà tẩm nước gừng rồi sao vàng.

VI. BẢO QUẢN

Dược liệu Tỳ bà diệp thành phẩm là những lá dày, chất cứng và giòn, dễ bẻ gãy nên cần bảo quản trong túi nilong, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp,tránh va chạm gây nát lá.

Dược liệu bào chế cần cho vào trong lọ kín, dùng ngay, không nên để lâu.

VII. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Các nhà khoa học đã tìm thấy một số thành phần hóa học chính có trong lá tỳ bà như sau: saponin, vitamin B. Ngoài ra còn có axit ursolic C20H48O3, axit oleanic và caryophylin…

VIII. CÔNG DỤNG

Công dụng của tì bà điệp

Công dụng của tì bà điệp

  1. Theo Y học hiện đại

Tỳ bà diệp được sử dụng trong y học hiện đại với những công dụng sau:

  • Giảm ho
  • Kích thích tiêu hóa, chữa nôn mửa
  • Sát trùng, rửa vết thương ngoài da

2. Theo Y học cổ truyền

Tỳ bà diệp là loại dược liệu được nhân dân Việt Nam sử dụng từ lâu đời và là vị thuốc phổ biến trong Y học cổ truyền. Theo y học cổ truyền dân tộc Việt Nam, Tỳ bà diệp có một số tính chất như sau:

  • Vị: đắng, không mùi
  • Tính: bình
  • Quy kinh: Phế, Vị.
  • Chủ trị: Ho có nhiều đờm, nôn khan, miệng khô khát; Đau tức ngự, hen suyễn do nhiệt trong người; Đau dạ dày, nôn mửa, điều hòa Tỳ Vị.
  • Liều dùng: mỗi ngày dùng khoảng 8 gram tới 12 gram.

IX. MỘT SỐ CÁCH DÙNG TỲ BÀ DIỆP TRỊ BỆNH

Mặc dù cây Tỳ bà có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng người Việt Nam từ xưa đã biết trồng và sử dụng lá Tỳ bà làm thuốc. Qua thực nghiệm lâm sàng, các thầy thuốc y học cổ truyền đã đúc kết được những công dụng hay của dược liệu Tỳ bà diệp và đưa vị thuốc này vào một số đơn thuốc trị bệnh. Sau đây là một số cách dùng lá Tỳ bà để trị bệnh, kính mời bạn đọc tham khảo:

  1. Tỳ bà diệp chữa bệnh ho, làm mát phổi

Các thầy thuốc Đông y sử dụng Tỳ bà diệp cho người ho do phế nhiệt sinh ra, đôi khi có thể kết hợp với các thuốc có tính ôn để trị bệnh ho do lạnh.

Bài 1: Chữa chứng ho có đờm vàng đặc, lưỡi có rêu vàng, miệng đắng họng khô ráo

Bao gồm các vị thuốc: Tỳ bà diệp 12 gram, Chi tử 12 gram, Hoàng  liên 8 gram, Hoàng bá 8 gram, Cam thảo 4 gram, Vỏ rễ cây dâu tằm 12 gram, Sa sâm 12 gram. Đem tất cả sắc uống nước thuốc ngày 1 thang.

Bài 2: Chữa ho do cảm lạnh

Bao gồm các vị thuốc: Tỳ bà diệp 20 gram, Tía tô 20 gram. Đem sắc nước thuốc uống trong ngày.

Bài 3: Chữa bệnh viêm phế quản mạn tính, chứng ho lâu ngày không khỏi

Lấy 1kg lá tỳ bà và 5 lạng mật ong rừng nguyên chất. Đem lá tỳ bà rửa sạch rồi đun với 4 lít nước, đun cho tới khi cô đặc thì bỏ bã. ấy nước này cho thêm mật ong đun cho cô tới khi còn khoảng 2kg. Để dung dịch nguội rồi cho vào hũ thủy tinh hoặc sành sứ đậy nắp kín mà dùng dần.

Cách dùng: Ngày uống 3 chén nhỏ (mỗi chén khoảng 30ml), chia ra ba lần sáng, trưa, chiều.

Bài 4: Chữa ho do phong nhiệt.

Gồm các vị thuốc: Tỳ bà diệp 12 gram, Tang bạch bì 8 gram, Hoàng liên 4 gram, Hoàng bá 4 gram, Nhân sâm 4 gram, Cam thảo 4 gram. Đem tất cả sắc uống ngày 1 thang.

Bài 5: Chữa bệnh ho gà

Gồm các vị thuốc: Tỳ bà diệp 125 gram, Bách bộ 125 gram, rễ Cỏ tranh 125 gram, xơ quả mướp 20 gram, tỏi ta 63 gram.

Đem các loại trên rửa sạch rồi cho vào nồi thêm 2,5 lít nước đun cô đặc còn 0,5 lít nước thì bỏ bã.

Cách dùng: Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ.

Bài 6: Chữa ho, viêm khí quản mạn tính

Gồm các vị thuốc: Tỳ bà diệp 20 gram, Khoản đông hoa 10 gram, Cam thảo 5 gram. Đem tất cả sắc uống ngày 1 thang.

Lưu ý: Khi dùng lá Tỳ bà chữa ho cần lau hoặc rửa sạch lớp lông mịn bám trên lá.

2. Dùng Tỳ bà diệp chống nôn, làm mát dạ dày

Bài 1: Chè thuốc lá Tỳ bà

Gồm các vị: Tỳ bà diệp 12 gram, Đảng sâm 12 gram, Bán hạ 12 gram, Phục linh 12 gram, Hạt cau 12 gram, rễ Cỏ tranh 12 gram, Gừng tươi 8g. Đem tất cả sắc nước uống ngày 1 thang.

Bài 2: Chữa nôn và buồn nôn do vị nhiệt

Gồm các vị thuốc: Tỳ bà diệp 12 gram, Trúc nhự 12 gram, Lô căn 12 gram, Chích cam thảo 6 gram. Đem tất cả sắc nước uống ngày 1 thang.

  1. Tỳ bà diệp chữa chảy máu cam

Lấy lá Tỳ bà lau sạch lông rồi rửa sạch để ráo khô, đem sao vàng, tán nhỏ thành bột. Lấy bột này uống với nước chè ngày 2 lần, mỗi lần khoảng từ 4 gram tới 8 gram.

  1. Tỳ bà diệp chữa cảm nắng, hoa mắt váng đầu

Lấy các vị thuốc với lượng như sau: Tỳ bà diệp 10 gram, Cam thảo (chích) 20 gram, Đinh hương 10 gram, Hậu phác 10 gram, Hương nhu 15 gram, Mạch môn 20 gram, Bạch mao căn 20 gram, Mộc qua 20 gram, Trần bì 10 gram, Gừng tươi 3 lát. Đem tất cả các vị trên tán bột dùng mỗi lần từ 10 gram tới 15 gram hoặc sắc nước uống.

X. LƯU Ý  KHI DÙNG TỲ BÀ DIỆP

Tỳ bà diệp là loại dược liệu có tác dụng trị các chứng bệnh như: ho do phong nhiệt, nôn mửa, đau dạ dày… Tuy nhiên khi sử dụng Tỳ bà diệp các thầy thuốc y học cổ truyền đã đưa ra một số khuyến cáo sau:

  • Không dùng Tỳ bà diệp cho người bị ho và nôn mửa do nhiễm lạnh.
  • Người bị bệnh lâu này, chân tay lạnh, bụng lạnh, cơ thể suy nhược không nên dùng.

Tóm lại, Tỳ bà diệp là loại dược liệu trong nước, có nhiều tác dụng tốt trong trị một số bệnh thông thường. Mọi thông tin về dược liệu Tỳ bà diệp trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bạn đọc cần sử dụng lá Tỳ bà làm thuốc cần phải có sự thăm khám, chỉ định và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ y học cổ truyền. Mặc dù lá Tỳ bà rất dễ tìm kiếm, lại không có độc tính nhưng không được tự ý sử dụng lá Tỳ bà làm thuốc.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Tỳ bà diệp: Đặc điểm, công dụng và những bài thuốc trị bệnh

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.17035 sec| 1638.938 kb