Cây dướng (Chử thực tử): Đặc điểm, tác dụng và cách dùng làm thuốc

- Dược liệu
Cây dướng (Chử thực tử): Đặc điểm, tác dụng và cách dùng làm thuốc

Dướng hay còn gọi là chử thực tử là loại dược liệu mọc hoang. Cây dướng thuộc họ dâu tằm, có nguồn gốc miền Đông Châu Á. Các bộ phận từ lá, vỏ thân cây, vỏ rễ và quả dướng đều được sử dụng để làm thuốc.

Cây dướng là loài cây thân gỗ cao tới trên 10m, mọc hoang dại ở Việt Nam. Cây này cho quả làm nên vị thuốc Chử thực tử trong y học cổ truyền phương Đông. Chử thực tử được bào chế kỳ công và có tác dụng trị nhiều bệnh khó. Cùng đọc bài viết phía dưới để tìm hiểu về đặc điểm, tác dụng và cách dùng vị thuốc từ cây dướng.

Cây dướng mọc hoang
Cây dướng mọc hoang có nguồn gốc từ miền Đông Châu Á

TÊN GỌI

Tên tiếng Việt: Dướng, Chử thực tử, Câu thụ

Tên khoa học: Broussonetia papyrifera (L.) L’ Hér. ex Vent.

Họ khoa học: Moraceae (tức họ Dâu tằm)

Phân loại khoa học:

  • Giới (regnum): Plantae
  • Bộ (ordo): Rosales
  • Họ (familia): Moraceae
  • Chi (genus): Broussonetia
  • Loài (species): B. papyrifera

ĐẶC ĐIỂM CỦA CÂY DƯỚNG

Hình ảnh, mô tả

Cây dướng là loài cây thân gỗ to, cao. Chiều cao của cây trung bình từ 10m đến 16m, đôi khi cao tới 18m. Từ thân chính của cây tỏa ra nhiều cành tạo thành các tán. Các cành khi còn non có nhiều lông tơ mềm bao phủ.

Lá cây dướng là những lá hình trứng, mọc so le. Chiều dài trung bình của lá khoảng 7cm đến 20 cm; chiều rộng trung bình khoảng từ 6cm đến 15cm. Các phiến lá nhọn phần mũi, tù hoặc tròn phần gốc nối liền với cuống lá. Mép lá dướng thường xẻ hình rang cưa hoặc chia thùy nhưng không đều. Mặt trên của phiến lá màu lục, trơn nhẵn; mặt dưới của phiến lá bao phủ một lớp lông ngắn. Hệ thống gân nổi rõ giữa phiến lá, có khoảng từ 3 tới 5 gân lá chính. Cuống lá khá lớn, có lớp lông mềm bao phủ, lá kèm rất ngắn, sớm rụng.

Hoa của cây dướng là những hoa đơn tính mọc chung gốc. Những cụm hoa đực thường trổ ra ở ngọn các cành, bao gồm nhiều bông dài họp lại. Hoa cái mọc thành cụm riêng, hình đầu, trên các cánh hoa có nhiều lông bao phủ.

Quả cây dướng
Hình ảnh hoa, quả cây dướng

Quả dướng là loại quả phức, quả nhiều thịt, khi chín màu đỏ, mềm. Mùa hoa quả kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Trong y học cổ truyền phương Đông, quả dướng được bào chế làm dược liệu với tên là Chử thực tử.

Phân bố

Trên thế giới, cây dướng được phát hiện có ở Trung Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Lào và Indonesia… Ở nước ta, cây dướng thường mọc hoang dại trong rừng, thấy nhiều ở các vùng núi phía Bắc. Ngoài ra, cây còn được trồng quanh làng xóm, đồng ruộng để lấy bóng mát. Đôi khi, cũng bắt gặp cây dướng được trồng trong sân nhà làm cảnh.

Thu hái và bào chế

Người ta dùng lá, vỏ thân, vỏ rễ cây và quả dướng làm thuốc. Quả chín và lá cây thường được thu hái vào mùa hè và mùa thu, sau đó rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, trữ dùng dần. Còn đối với vỏ cây hoặc vỏ rễ thì thu hái quanh năm.

Quả dướng cần được bào chế đúng cách để dùng làm dược liệu. Cách bào chế dược liệu quả dướng phải tuân thủ theo các bước như sau:

  • Thu hái quả dướng vào thời điểm kéo dài từ mùa hè đến mùa thu, khi quả chín đỏ.
  • Ngâm quả trong nước 3 ngày. Khi ngâm cần khuấy nhẹ để vớt quả nổi lên bỏ đi.
  • Sau đó vớt ra, đem phơi khô rồi trần qua với rượu khoảng 5 phút.
  • Tiếp tục vớt quả dướng ra rồi cho vào nồi nấu trong 12 giờ liên tiếp. Cuối cùng, vớt ra phơi hoặc sấy khô, bảo quản trong lọ kín.

*** Chú ý: Theo kinh nghiệm dân gian truyền lại, để có thành phẩm dược liệu quả dướng chất lượng tốt nhất cần phải bắt đầu nấu quả dướng vào giờ Tý và kết thúc vào giờ Hợi.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra nhiều hoạt chất quý giá có trong quả dướng. Từ những năm 1960 nhiều công trình nghiên cứu khoa học về cây dướng đã được thực hiện. Qua nghiên cứu, các tác giả đã tìm thấy trong quả dướng có những thành phần hóa học chính như sau: 4,75% lignin, canxi cacbonat, axit xerotic, các men lipaza, proteaza và zymaza. Bên cạnh đó, tại Viện Y học Bắc Kinh, các nhà khoa học còn tìm thấy trong quả dướng có chứa 0,51% saponin.

CÂY DƯỚNG CÓ TÁC DỤNG GÌ?

Cây dướng thường được lấy lá, quả, vỏ thân cành và vỏ rễ để làm dược liệu trong Y học cổ truyền phương Đông. Theo đó:

  • Lá dướng có vị ngọt, tính hàn; dùng để chữa bệnh tả, cầm máu, nấu xông chữa cảm mạo và làm thuốc nhuận tràng cho trẻ nhỏ.
  • Vỏ thân cây và rễ cây dướng có vị ngọt; tính hàn; tác dụng lợi tiểu, tiêu sung, chữa bệnh lị, cầm máu. Nhựa cây dướng có tác dụng sát khuẩn. Người ta thường lấy nhựa cây dướng để trị các vết thương do côn trùng đốt.
  • Quả cây dướng còn được gọi là chử thực tử. Chử thực tử là loại dược liệu có vị ngọt; tính lạnh, không có độc tố; quy vào các kinh Tỳ, Tâm; tác dụng: bổ thận, thanh can, minh mục, lợi tiểu.
Cây dướng có tác dụng gì
Lá, quả, vỏ thân cây đướng đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh

CÁCH DÙNG CÂY DƯỚNG LÀM THUỐC TRỊ BỆNH

Cây dướng là loài cây mọc hoang dại trong tự nhiên. Cây cho nhiều bộ phận để con người làm thuốc trị bệnh. Có nhiều cách sử dụng vị thuốc từ cây dướng: có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị khác; dùng tươi hoặc phơi khô sắc nước…

Dưới đây là một số bài thuốc trị liệu tiêu biểu từ cây dướng, kính mời bạn đọc tham khảo:

Bài 1: Chử thực tử chữa cảm ho, lưng gối mỏi

  • Lấy vị thuốc chử thực tử (tức quả dướng) với lượng từ 9gram đến 15 gram sắc nước thuốc. Lấy nước này uống làm 2 lần trong ngày. Mỗi ngày 1 thang. Duy trì liên tục từ 1 tuần đến 10 ngày.

Bài 2: Vỏ cây dướng chữa rối loạn hành kinh ở nữ giới

  • Tìm lấy vỏ cây dướng rồi đem sao cho đến khi đen thành than, sau đó tán bột mịn.
  • Dùng thứ bột này uống mỗi lần 8 gram đến 10 gram cùng với rượu hoặc rượu pha loãng với nước sôi để nguội, ngày uống 2 lần vào sáng và tối. Nếu không dùng được rượu có thể thay bằng nước đun sôi để nguội cũng được.

Bài 3: Vỏ rễ cây dướng chữa mỏi cơ, phù thũng

  • Tìm lấy cây dướng mà đào lấy rễ, rửa sạch rễ rồi bóc lấy vỏ mà dùng.
  • Dùng khoảng 9 gram đến 15 gram vỏ rễ cây dướng sắc nước uống. Uống thứ nước này ngày 3 lần, mỗi ngày 1 thang. Duy trì từ 5 đến 7 ngày.

Bài 4: Lá dướng tươi chữa viêm ruột, bệnh lỵ

  • Tìm lấy lá dướng tươi với lượng từ 50 gram tới 100 gram, rửa sạch, ngâm qua nước muối rồi để cho ráo nước. Lấy lá dướng sạch giã nát rồi vắt lấy nước cốt, bỏ bã. Chia nước cốt làm 2 phần, uống 2 lần trong ngày.

Bài 4: Lá dướng tươi chữa chảy máu cam

  • Tìm lấy lá dướng tươi một nắm lớn. Rửa sạch lá dướng rồi giã nhuyễn, vắt lấy nước. Dùng nước này uống trong ngày.

Bài 5: Lá dướng tươi chữa phong độc đau như dùi đâm, mình ngứa

  • Tìm lấy lá dướng tươi chia ra 2 phần. 1 phần dùng đun nước tắm rửa ngoài da; 1 phần giã nhuyễn rồi vắt lấy nước cốt uống nhiều lần trong ngày.

Bài 6: Lá dướng tươi chữa bệnh thấp khớp, tứ chi nhức mỏi

  • Dùng lá dướng non rửa sạch rồi ăn như các loại rau ăn lá khác.

Bài 7: Quả dướng chữa mắt mờ khó nhìn

  • Lấy quả dướng (chử thực tử) khoảng 0,5 kg cùng với Hoa kinh giới 0,5 kg. Đem hai vị này trộn đều rồi nghiền nát, sau đó trộn với mật ong vo thành các viên bằng đầu ngón tay trỏ. Ngày dùng 3 viên chia làm 3 lần uống với nước sắc bạc hà.

Bài 8: Chử thực tử kết hợp các vị tiểu nhiều, chân phù, người già suy nhược cơ thể

  • Lấy các vị: Chử thực tử 12 gram, Phục linh 10 gram, Đỗ trọng 10 gram, Câu kỷ tử 10 gram, Ngưu tất 8 gram, Tiểu hồi hương 3 gram, Bạch truật 10 gram.
  • Cách sắc: Cho tất cả các vị trên vào nồi rồi thêm 3 bát nước, sắc trên lửa nhỏ cho tới khi cô đặc lại còn 1 bát thì dừng. Lọc lấy nước, bỏ bã.
  • Cách dùng: Chia nước thuốc làm 3 phần, uống 3 lần trong ngày trước khi ăn khoảng nửa tiếng.

Bài 9: Chử thực tử chữa thủy khí, trùng gây trướng đau

  • Gồm các vị: Chử thực tử 1kg, Phục linh 120 gram, Đinh hương 60 gram.
  • Cách làm: Lấy 1kg Chử thực tử nấu với 3 lít nước cho đến khi cô đặc thành cao lỏng. Sau đó đem phục linh và đinh hương tán nhuyễn rồi trộn với cao Chử thực tử, vo thành viên to bằng hạt ngô.
  • Cách dùng: Mỗi ngày uống khoảng 10 đến 15 viên trước khi ăn.

Bài 10: Quả dướng chữa vết đâm chém gây thương tích ngoài da

  • Dùng quả dướng giã nát rồi đắp vào vết thương, hoặc nghiền nhỏ rồi rắc lên vết thương.

Bài 11: Quả dướng chữa gan nóng gây vàng mắt, đau mắt khó chịu

  • Lấy quả dướng khô tán bột mịn, mỗi lần dùng khoảng 4 gram uống cùng nước đường sau khi ăn. Ngày uống 2 lần.

Bài 12: Quả dướng chữa hầu tắc, hầu phong

  • Tìm lấy 1 quả dướng, vào các ngày 5/5 hoặc 6/6 hay 7/7 âm lịch trong năm.
  • Đem quả dướng này phơi khô trong bóng râm tức âm can, không được phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô. Dùng quả dướng này tán nhỏ rồi chiêu với nước giếng sạch.

Bài 13: Quả dướng chữa nhọt cứng như mọc ở mặt và thân mình

  • Dùng quả dướng nướng lên rồi giã nát, đắp vào vùng da mọc mụn hoặc bị tổn thương.

About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Cây dướng (Chử thực tử): Đặc điểm, tác dụng và cách dùng làm thuốc

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.19292 sec| 1633.938 kb