MÔ TẢ TIỂU HỒI HƯƠNG
Tên gọi, phân nhóm
- Tên gọi khác: Tiểu hồi hương còn có tên gọi khác là tiểu hồi, hồi, hồi hương, cốc hương,...
- Tên khoa học: Fructus Foeniculi
- Họ: Hoa tán (danh pháp khoa học: Apiaceae)
Đặc điểm thực vật
Tiểu hồi hương là cây thực vật thân thảo, có chiều cao trung bình từ 0,6 đến 2m, sống lâu năm. Thân cây có màu lục, nhăn và có khía. Rễ cây tiểu hồi hương cứng.
Lá cây tiểu hồi hương thường mọc so le, phiến lá xẻ hình lông chim từ 3 - 4 lần, bẹ phát triển. Hoa thường có màu vàng lục, mọc ở nách lá hoặc ở ngọn cành. Cây thường ra hoa vào tháng 6 - tháng 7 và cho quả vào tháng 10 hằng năm.
Quả của cây tiểu hồi hương có hình trứng thuôn dài, khi còn non quả có màu xanh lam, sau khi già chuyển sang màu xanh nâu.
Bộ phận dùng
Quả của cây tiểu hồi hương được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, lá và rễ của cây cũng được sử dụng làm thuốc, nhưng ít phổ biến hơn.
Phân bố
Cây tiểu hồi hương có nguồn gốc từ Trung Quốc, phát triển nhiều ở các tỉnh như Nội Mông, Cam Túc, Liêu Ninh, Sơn Tây. Ở Việt Nam, cây cũng được trồng ở một số địa phương có khí hậu mát mẻ, nhưng số lượng không nhiều.
Thu hái – sơ chế
Thu hái: sau khi quả chín, ngả sang màu nâu, tiến hành thu hoạch quả để làm thuốc.
Sơ chế: sau khi thu hoạch quả, để quả ở những nơi thoáng khí cho đến khi quả chín hoàn toàn. Đối với những quả đã chuyển sang màu nâu hoàn toàn, đem cột lại thành bó. Sau đó dùng chày đập bỏ vỏ để lấy quả.
Ngoài cách sơ chế trên, tiểu hồi hương còn được bào chế ở dạng diêm tiểu hồi (chế muối). Cách sơ chế như sau: hòa muối với nước, sau đó đem quả ngâm với nước muối, ngâm cho đến khi muốn ngấm hoàn toàn vào quả. Sau đó cho tất cả quả vào nồi và sao nhỏ lửa cho đến khi dược liệu hơi ngả vàng. Lưu ý: tỷ lệ ngâm như sau cứ 10kg dược liệu thì ngâm tẩm với 0,2kg muối.
Bảo quản
Sau khi dược liệu tiểu hồi hương đã sơ chế, bạn cần bảo quản ở những nơi khô ráo và thoáng mát.
Thành phần hóa học
Trong tiểu hồi hương có chứa các thành phần hóa học có lợi cho sức khỏe con người như: fenchone, anethol, cis-anethole, camphene, a-pinene, a-phellandrene, anisic acid, petroselinic acid, estragole, dipenten, anise aldehyde, p-cymene, 7-hydroxycoumarin, stigmasterol,…
VỊ THUỐC TIỂU HỒI HƯƠNG
Tính vị
Tiểu hồi hương có vị đắng, cay, tính ôn.
Quy kinh
Quy vào 3 kinh Thận, Vị, Tỳ
Tác dụng dược lý
- Theo Đông Y, vị thuốc tiểu hồi hương có tác dụng như sau:
- Tác dụng: Chỉ thống, ôn thận, ấm can, tán hàn, lý khí khai vị
- Chủ trị: Các chứng bệnh như sa tinh hoàn, thận hư, bụng sườn đau, buồn nôn, ăn ít
- Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, tác dụng của tiểu hồi hương như sau:
- Tiểu hồi hương có tác dụng ức chế trực khuẩn lao nhờ thành phần anethol (Kết quả được xác nhận trên súc vật thực nghiệm)
- Có tác dụng kích thích tại chỗ, tương tự như dược liệu bạc hà.
- Tiểu hồi hương có thể được sử dụng dưới dạng tinh dầu, giúp kích thích trung tiện, tăng tiết dịch vị dạ dày và tăng nhu động ruột.
- Ngoài ra, dược liệu tiểu hồi còn có tác dụng lúc giảm đau bụng và giảm co thắt ruột
CÁCH DÙNG TIỂU HOA HỒI
Cách dùng: hồi hương có thể được sử dụng dưới dạng sắc, tán bột làm hoàn. Có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để tăng hiệu quả chữa bệnh. Ngoài việc sử dụng như một loại dược liệu chữa bệnh thì hoa hồi còn được dùng như một loại gia vị cho các món ăn hàng ngày.
Liều dùng: mỗi ngày chỉ nên sử dụng từ 3 - 8 gam thuốc
Những điều cần lưu ý khi sử dụng dược liệu tiểu hồi hương:
- Vị thuốc tiểu hồi hương không nên sử dụng cho người có chứng nhiệt và âm hư hỏa vượng
- Cần tránh nhầm lẫn vị thuốc tiểu hồi với quả hồi có độc (Illicium religiosum).
- Lưu ý, tiểu hồi hương có thể làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai có chứa estrogen. Do đó nếu bạn đang sử dụng loại thuốc này, nên phối hợp với các biện pháp ngừa thai khác như sử dụng bao cao su mà không nên sử dụng thuốc tránh thai
- Ngoài ra sử dụng các bài thuốc có chứa dược liệu tiểu hồi hương có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc chữa estrogen như Ethinyl estradiol, Estradiol,...
BÀI THUỐC TỪ DƯỢC LIỆU TIỂU HỒI HƯƠNG
Bài thuốc 1. Tiểu hồi hương giúp trị sán khí
- Đơn thuốc: tiểu hồi hương, lệ chi hạch (đã sao đen), mỗi vị một lượng bằng nhau.
- Cách dùng, liều dùng: đem tán các vị thuốc trên thành bột mịn, mỗi lần sử dụng từ 4 - 6 gam bột và uống cùng với rượu ấm.
Bài thuốc 2. Dược liệu tiểu hồi hương giúp trị bạch đới do hàn
- Đơn thuốc: 10 gam tiểu hồi hương, 6 gam can khương
- Cách dùng, liều dùng: sắc các vị thuốc trên với nước đường đỏ. Uống hết phần thuốc trong ngày.
Bài thuốc 3. Tiểu hồi hương giúp chữa dịch sốt rét ác tính
- Đơn thuốc: hạt tiểu hồi hương tươi
- Cách dùng, liều dùng: đem giã nát hạt tiểu hồi hương, rồi vắt lấy nước cốt để uống. Hoặc bạn cũng có thể sắc hạt tiểu hồi hương để uống.
Bài thuốc 4. Tiểu hồi hương giúp chữa chứng chậm kinh (Lượng máu ít, máu kinh có màu đỏ nhạt, đại tiện lỏng, bụng dưới đau âm ỉ, mỏi lưng)
- Đơn thuốc: 6 gam tiểu hồi hương, 6 gam gừng nướng, 8 gam xuyên khung, 10 gam ngải diệp, 10 gam thục địa, 10 gam quế chi, 10 gam bạch thược, 10 gam ngưu tất, 12 gam ba kích, 15 gam kỷ tử, 15 gam đương quy, 30 gam hoàng kỳ
- Cách dùng, liều dùng: đem các vị thuốc trên sắc với 1l nước. Đến khi còn lại 600ml thì tắt bếp. Uống hết thuốc trong ngày, mỗi lần uống 200ml, chia 3 lần uống. Lưu ý: nên dùng bài thuốc này liên tục trong 10 - 15 ngày sau khi kết thúc kỳ kinh.
Bài thuốc 5. Tiểu hồi hương giúp trị âm nang tích thủy
- Đơn thuốc: 10 gam tiểu hồi hương, 3 gam muối ăn
- Cách dùng, liều dùng: đem các vị thuốc trên sao vàng, sau đó tán thành bột mịn. Mỗi lần ăn cùng với chả trứng vịt và uống rượu gạo. Lưu ý: nên dùng thuốc vào buổi tối. Thực hiện liên tục 4 ngày để kết thúc một liệu trình. Sau đó nghỉ 2 ngày và thực hiện liệu trình tiếp theo.
Bài thuốc 6. Vị thuốc tiểu hồi hương giúp chữa đau bụng do thận hư suy
- Đơn thuốc: 4 gam một tiểu hồi hương, 1 cái bầu dục lớn
- Cách dùng, liều dùng: cho bột thuốc tẩm với bầu dục, sau đó đem nướng chín. Mỗi ngày ăn 1 cái. Duy trì ăn liên tục trong vòng 7 ngày để cải thiện bệnh.
Bài thuốc 7. Tiểu hồi hương giúp chữa đau xóc dưới sườn
- Đơn thuốc: 40 gam tiểu hồi hương đã sao vàng, 20 gam chỉ xác sao
- Cách dùng, liều dùng: đem các vị thuốc trên tán thành bột mịn. Mỗi ngày sử dụng 2 lần, mỗi lần 8 gam bột uống cùng với rượu hoà thêm muối.
Bài thuốc 8. Tiểu hồi hương giúp bổ thận tráng dương
- Đơn thuốc: 8 gam tiểu hồi hương, 10 gam đậu đen, 15 gam đỗ trọng, 2 quả cật dê
- Cách dùng, liều dùng: cật dê đem rửa sạch và thái thành từng miếng nhỏ. Các dược liệu còn lại đem rửa sạch, cho vào túi vải rồi bỏ vào nồi chưng cùng với cật dê. Nấu từ 40- 60 phút. Khi ăn, bạn có thể nêm nếm thêm gia vị cho vừa miệng
Bài thuốc 9. Tiểu hồi hương giúp trị tinh hoàn sa đau
- Đơn thuốc: 2 gam lệ chi hạch, 2 gam mộc hương, 2 gam sa nhân, 3 gam ngô thù du, 6 gam tiểu hồi hương, 6 gam phá cố chỉ, 8 gam mộc qua, 20 gam tỳ giải
- Cách dùng, liều dùng: đem sắc thuốc với một chén rượu. Dùng thuốc khi còn ấm
Bài thuốc 10. Tiểu hồi hương giúp trị thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ
- Đơn thuốc: 50 gam dĩ nhân căn, 20 gam tiểu hồi hương, 10 gam lệ chi hạch, 10 gam quýt hạch, 5 gam ô dược, 5 gam đinh hương
- Cách dùng, liều dùng: đem các vị thuốc trên tán thành bột mịn, sau đó trộn với mật để làm hoàn. Mỗi viên nặng khoảng 3 gam. Mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần dùng từ ½ - 1 viên hoàn.
Bài thuốc 11. Vị thuốc tiểu hồi hương giúp chữa chứng bụng đầy hơi, đầy trướng, nôn oẹ, kém ăn
- Đơn thuốc: 6 gam tiểu hồi hương, 20 gam gừng tươi
- Cách dùng, liều dùng: đem sao vàng các vị thuốc trên, sau đó tán thành bột mịn và làm hoàn. Mỗi ngày chia 2 lần uống, uống kèm với nước.
Tiểu hồi hương là một trong những dược liệu quý của đông y, có tác dụng chỉ thống, khứ hàn, lí khí. Tuy nhiên để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ và các thầy thuốc có chuyên môn trước khi sử dụng các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm