Tên gọi, phân nhóm
- Tên gọi khác: Bạch Thược
- Tên gọi khác: mẫu đơn trắng, thược dược, kim thược dược, tiêu bạch Thược, Cẩm túc căn,...
- Tên khoa học: Paeonia lactiflora Pall
- Họ: Mao lương (Ranunculaceae)
Phân loại khoa học:
- Giới (regnum): Plantae
- Bộ (ordo): Saxifragales
- Họ (familia): Paeoniaceae
- Chi (genus): Paeonia
- Loài (species): P. lactiflora
Mô tả dược liệu
Đặc điểm thực vật
Bạch Thược là cây thân thảo sống lâu năm, có chiều cao trung bình từ 50 - 80cm. Cây thường mọc thành từng khóm với phần thân có nếp nhăn dọc hoặc nhẵn, thân thẳng đứng. Cây bạch thược có nhiều rễ mập, to, rễ cái có thể dài tới 30cm, đường kính khoảng từ 1 - 3cm. Rễ cây có màu nâu với phần mặt cắt màu hồng nhạt hoặc màu vàng trắng.
Lá thường mọc so le nhau, có cuống dài và chia thành 3 - 7 thuỳ hình trứng hoặc hình mác thuôn. Chiều dài lá bạch thược dài khoảng 8 - 12cm và rộng khoảng 2 - 4cm với phần đầu nhọn.
Hoa mẫu đơn trắng - bạch thược có nhiều cánh màu trắng và phần nhị vàng. Hoa to, mỗi bông mọc riêng lẻ ở phần ngọn của cây. Mỗi hoa có tới vài chục hạt, tuy nhiên đa phần là hạt lép. Mùa hoa thường rơi vào từ tháng 5 - tháng 7, con mùa quả khoảng tháng 8 - tháng 9.
Bộ phận dùng
Rễ của cây bạch thược thường được sử dụng để làm vị thuốc.
Phân bố
Bạch thược có nguồn gốc từ Trung Quốc, được tìm thấy ở các tỉnh như Hà Bắc, Liêu Ninh, Sơn Đông, Cát Lâm,...
Ở Việt Nam, cây bạch thược được trồng nhiều ở Sapa. Tuy nhiên nguồn dược liệu bạch thược dùng trong nước hiện tại vẫn được nhập khẩu từ Trung Quốc là chủ yếu.
Thu hái và sơ chế
- Thu hái: Thời điểm thu hái rễ bạch thược tốt nhất là từ tháng 8 - tháng 10 hằng năm, thu hoạch ở những cây có tuổi thọ ít nhất 4 năm.
- Sơ chế: sau khi thu hái rễ bạch thược, đem về giũ sạch đất cát, cắt bỏ rễ phụ và rễ con. Sau đó phơi khô hoặc có thể tẩm rượu hoặc tẩm giấm rồi sao qua.
Bảo quản
Nên bảo quản dược liệu bạch thược ở những nơi khô ráo và tránh độ ẩm cao. Lưu ý để giữ được dược liệu lâu, cần đem sấy qua lưu huỳnh.
Thành phần hóa học
Trong dược liệu bạch thược có chứa rất nhiều những thành phần có lợi cho sức khỏe con người như:
- Paeoniflorin
- Tanin
- Paeonia
- Sitosterol
- Paeonol
- Oxy Paeoniflorin
- Triterpenoids
- Albiflorin
- Benzoyl Paeoniflorin
- Canxi oxalat
- Một ít tinh dầu
- Tinh bột
- Galloyl Paeoniflorin
- Axit benzoic
- Paeoniflorigenone
Vị thuốc bạch thược
Tính vị
Rễ cât bbạch thược có vị đắng, hơi chua và tính hàn.
Quy kinh
Được quy vào 4 kinh gồm Can, Tỳ, Thái âm, Kinh thủ
Tác dụng dược lý
Theo Đông y, tác dụng của bạch thược như sau:
- Công dụng: Trừ huyết tích, dưỡng huyết, điều dưỡng tâm can tỳ kinh huyết, chỉ phúc thống, chỉ thống, chỉ thủy tả, tả tỳ nhiệt, liễm âm, giáng khí,...
- Chủ trị các bệnh: Đau lưng, đau bụng, hen suyễn, phế cấp trướng nghịch, trúng ác khí, dương duy mạnh có hàn nhiệt, can huyết bất túc,...
Theo y học hiện đại, tác dụng của bạch thược như sau:
- Tác dụng giảm đau, an thần nhờ thành phần Glucozit. Đồng thời, còn có tác dụng giúp chống hình thành huyết khối, bảo vệ gan, hạ men transaminase, tăng lưu lượng máu dinh dưỡng đến cơ tim
- Nước sắc từ vị thuốc bạch thược còn có tác dụng giúp ức chế các cơ trơn của ruột, dạ dày, tử cung, đồng thời giúp ức chế tiết dịch vị nhằm ngăn ngừa viêm loét.
- Bạch thược có tác dụng hạ áp nhẹ nhờ cơ chế chống co thắt cơ trơn mạch máu và giúp giãn mạch máu ngoại vi.
- Vị thuốc bạch thược có tác dụng ức chế các vi khuẩn như trực khuẩn đại tràng, tụ khuẩn vàng, trực khuẩn mủ xanh, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ thương hàn cùng các loại nấm ngoài da.
Ngoài ra, một số thành phần trong bạch thược còn có tác dụng cầm mồ hôi và giúp lợi tiểu.
Cách dùng – liều lượng
- Cách dùng: vị thuốc bạch thược có thể được sử dụng dưới dạng sắc uống, hoặc tán bột để làm hoàn, có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để tăng hiệu quả chữa bệnh.
- Liều dùng khuyến cáo từ 6 – 12g/ngày dưới dạng thuốc sắc. Ngoài ra, có thể điều chỉnh lượng thuốc sao cho phù hợp với từng bài thuốc chữa bệnh.
Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu bạch thược
Dược liệu bạch thược được ứng dụng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh dưới đây.
Bài thuốc 1: bạch thược chữa đau nhức đầu gối, không co duỗi được
- Đơn thuốc: 8 gam bạch thược, 4 gam cam thảo
- Cách dùng, liều dùng: sắc cùng 300ml nước, đến khi còn 100ml nước thì ngừng sắc. Chia thuốc thành 2 lần và uống hết trong ngày
Bài thuốc 2: bạch thược giúp chữa nhức đầu hoa mắt
- Đơn thuốc: 6 gam bạch thược, 6 gam phục linh, 6 gam sinh khương, 6 gam quế chi, 6 gam bạch truật, 6 gam đại táo, 4 gam cam thảo
- Cách dùng, liều dùng: đem sắc các vị thuốc trên với 600ml nước, đến khi còn khoảng 200ml nước thì ngân sách. Chia nước thuốc thành 3 phần và uống hết trong ngày.
Bài thuốc 3: bạch thược giúp trị chứng ù tai, hoa mắt, chân tay tê
- Đơn thuốc: 20 gam bạch thược, 20 gam toan táo nhân, 16 gam đương quy, 16 gam thục địa, 8 gam mộc qua, 8 gam xuyên khung, 4 gam cam thảo
- Cách dùng, liều dùng: sắc uống, mỗi ngày sử dụng 1 thang thuốc.
Bài thuốc 4: vị thuốc bạch thược giúp hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường
- Đơn thuốc: 40 gam bạch thược, 8 gam cam thảo
- Cách dùng, liều dùng: 2 vị thuốc trên đem điều chế thành cao khô, sau đó làm thành viên hoàn mỗi viên khoảng 0,165 gam. Mỗi ngày uống từ 4 - 8 viên/lần. Duy trì uống 3 lần/ngày với nước sôi để nguội.
Bài thuốc 5: bạch thược trị ho gà
- Đơn thuốc: 15 gam bạch thược, 3 gam cam thảo
- Cách dùng, liều dùng: sắc uống. Mỗi ngày sắc một thang thuốc.
- Lưu ý nếu ho nhiều và lâu ngày, có thể cho thêm vị thuốc bách bộ và bạch hộ để sắc cùng. Trường hợp ho có đờm thì thêm địa long, đình lịch và ngô công để sắc cùng.
Bài thuốc 6: vị thuốc bạch thược trị hen suyễn
- Đơn thuốc: 30 gam bạch thược, 15 gam cam thảo
- Cách dùng, liều dùng: đem các vị thuốc trên tán mịn, rồi trộn đều với nhau. Mỗi lần dùng 30 gam bột đun với 100 - 150ml nước trong vòng 3 - 5 phút. Sau đó lọc lấy nước uống khi còn nóng.
Bài thuốc 7: bạch thược giúp chữa táo bón lâu năm
- Đơn thuốc: 24 - 40 gam bạch thược tươi, 10 - 15 gam cam thảo sống
- Cách dùng, liều dùng: sắc uống. Mỗi ngày sắc một thang thuốc.
Bài thuốc 8: bạch thược trị đau bụng tiêu chảy
- Đơn thuốc: 8 gam bạch thược đã sao vàng, 8 gam phòng phong, 6 gam trần bì, 12 gam bạch truật đã sao khử thổ
- Cách dùng, liều dùng: sắc uống. Mỗi ngày sắc một thang thuốc.
Bài thuốc 9: bạch thược trị bệnh kiết lỵ
- Đơn thuốc: 12 gam bạch thược, 12 gam hoàng cầm, 6 gam cam thảo.
- Cách dùng, liều dùng: sắc uống. Mỗi ngày sắc một thang thuốc.
Bài thuốc 10: bạch thược chữa loét dạ dày
- Đơn thuốc: 15 - 20 gam bạch thược, 12 - 15 gam cam thảo
- Cách dùng, liều dùng: sắc uống. Mỗi ngày sắc một thang thuốc.
Bài thuốc 11: bạch thược chữa băng huyết, rong kinh
- Đơn thuốc: 8 gam bạch thược, 8 gam thục địa, 8 gam hoàng kỳ, 8 gam lộc giác giao hay còn gọi là cao ban long, 8 gam can khương, 8 gam quế lâm, 8 gam mẫu lệ, 8 gam long cốt
- Cách dùng, liều dùng: đem tán các vị thuốc trên thành bột mịn. Mỗi ngày sử dụng 8 gam bột uống với nước ấm hoặc rượu nóng trước bữa ăn. Ngày uống 3 lần để cải thiện bệnh.
Bài thuốc 12: vị thuốc bạch thược giúp chữa đau bụng sau sinh do huyết hư
- Đơn thuốc: 30 gam bạch thược, 15 gam gừng tươi, 15 gam đương quy, 1kg thịt dê
- Cách dùng, liều dùng: thịt dê đem hầm với các vị thuốc trên, hầm với lửa nhỏ. Sau khi thịt chín, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Nên ăn thịt dê và uống nước hầm khi còn ấm.
Bài thuốc 13: bạch thược giúp điều trị sỏi thận
- Đơn thuốc: 3g hổ phách mạt, 5 gam cam thảo, 5 gam quảng mộc hương, 6 gam kê nội kim, 10 gam bạch thược, 12 gam sinh địa, 18 gam hải kim sa đằng, 30 gam kim tiền thảo
- Cách dùng, liều dùng: cho các vị thuốc trên (trừ vị thuốc hổ phách mạt và quảng mộc hương) vào nồi sắc cùng với nửa thăng nước. Sau đó cho thêm quảng mộc hương sắc tiếp đến khi nước còn khoảng 200ml thì cho thêm hổ phách mạt vào khuấy đều. Mỗi ngày chia thuốc làm 2 phần và uống hết trong ngày. Chỉ được sử dụng một thang thuốc một ngày.
Lưu ý và kiêng kỵ khi sử dụng bạch thược để chữa bệnh
Thuốc bạch thừa không được sử dụng cho những trường hợp sau:
- Người bị huyết hư hàn
- Người bị tỳ khí hàn, đầy trướng không tiêu,
- Người bị mụn đậu
- Người bị ngực đầy, vị hàn
- Người bị tiêu chảy, đau bụng do hàn tà, trường vị hư lạnh
- Người bị sản hậu, tỳ khí hư hàn, hạ lỵ ra toàn máu
Kiêng kỵ: Bạch thược kỵ thạch hộc, tiêu thạch phản lê lô, miết giáp, tiểu kế, mang tiêu
Trên đây, chúng tôi đã chia sẻ đến bạn những thông tin về vị thuốc bạch thược. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tránh những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc bạn cần trao đổi kỹ với các bác sĩ và thầy thuốc có chuyên môn, không nên tự ý sử dụng thuốc trong bất cứ trường hợp nào.
Quản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm