Cây cà gai leo - Tác dụng chữa bệnh và cách sử dụng hiệu quả

- Dược liệu
Cây cà gai leo - Tác dụng chữa bệnh và cách sử dụng hiệu quả

Cây cà gai leo thường mọc thành bụi lớn, thân cây dạng leo, có nhiều gai, có nhiều ở vùng đồng bằng và trung du. Loại cây này được dùng làm vị thuốc trong y học cổ truyền dân tộc Việt Nam với nhiều công dụng hay như: tiêu độc, trừ ho, giảm đau, cầm máu…

Ngày nay, cà gai leo còn được bào chế làm thành phần trong các sản phẩm có giá trị chữa bệnh viêm gan, xơ gan và hỗ trợ người bệnh mắc ung thư gan. 

TÊN GỌI

Tên tiếng Việt: Cà gai leo, Cà gai dây, Cà quýnh, Cà lù, Gai cườm…

Tên khoa học:  Solanum procumbens Lour.

Họ khoa học: Solanaceae (tức họ Cà)

Phân loại khoa học:

  • Giới (regnum): Plantae
  • Bộ (ordo): Solanales
  • Họ (familia): Solanaceae
  • Loài (species): S. procumbens
Cây cà gai leo
Hình ảnh cây cà gai leo

CÂY CÀ GAI LEO

Đặc điểm cây

Cây cà gai leo có thân nhỏ. Mặc dù gọi là cà leo nhưng thực chất cây không leo mà thân cây vươn dài dạng bụi, ít khi leo. Loài cây này sống nhiều năm. Chiều cao của thân cây trung bình khoảng 1m hoặc cao hơn. Đối với những cây sống nhiều năm, phần gốc cây hóa gỗ. Từ thân chính tỏa ra nhiều cành non, các thân cành non được bao phủ một lớp lông mịn, chứa nhiều gai cong màu vàng.

Lá cây cà gai leo màu xanh thẫm, các lá mọc so le trên thân cành. Phiến lá hình bầu dục, đôi khi thuôn dài, đầu lá tù, gốc lá tròn. Mặt trên của phiến lá đậm màu hơn, mặt ngược lại có màu nhạt hơn, phủ một lớp lông tơ mịn. Cả hai mặt lá đều có gai mọc ra từ các gân chính, cuống lá cũng có gai.

Hoa cà gai leo màu tím trắng, hình dáng tựa như hoa cà pháo. Các hoa này mọc thành chùm từ 2 đến 5 bông trổ ra từ các kẽ lá. Mùa ra hoa cà gai leo vào các tháng 4, tháng 5, tháng 6.

Quà cà gai leo
Quả cà gai leo khi chín già có màu đỏ tươi

Quả cà gai leo hình cầu, rất mọng, cuống ngắn. Các quả khi còn non có màu xanh, chuyển sang màu vàng sau đó chín già thì có màu đỏ. Bên ngoài quả trơn nhẵn, bên trong có nhiều thịt quả và có những hạt hình thận màu vàng tươi. Mùa kết quả cà gai leo từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm.

Cây cà gai leo mọc ở đâu?

Cà gai leo rất ưa ẩm, và thích hợp nơi nhiều ánh sáng. Cây này thường mọc cùng các loại cây khác, lẫn trong các lùm bụi thưa. Thường thấy cây có nhiều ở các nơi nhiều ánh sáng, dễ sinh trưởng và phát triển, cho nhiều hoa quả.

Tại Việt Nam, cây cà gai leo được tìm thấy nhiều ở các tỉnh thuộc đồng bằng và trung du, ít khi thấy ở các tỉnh miền núi. Địa bàn phân bố của loài cây này khá rộng, kéo dài từ các tỉnh ven biển Hải Phòng cho tới Bình Thuận.

DƯỢC LIỆU CÀ GAI LEO

Bộ phận làm thuốc

Cây cà gai leo cho thân cành và rễ để làm thuốc. Dược liệu thành phẩm là các đoạn cà gai leo khô.

Thu hái, bào chề

Người ta thu hái thân cành và rễ cà gai leo quanh năm. Người dân cắt lấy thân cành và đào rễ cây. Sau đó rửa sạch rồi cắt thành từng đoạn khoảng 3 cm tới 5 cm. Sau đó phơi hoặc sấy khô. Bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

Đôi khi, cà gai leo tươi cũng được dùng để trị bệnh.

Cà gai leo khô
Dây cà gai leo phơi khô để làm dược liệu

 

Thành phần hóa học

Các nhà khoa học đã tìm thấy trong rễ và lá của cây cà gai leo mọc tại Việt Nam có các thành phần hóa học chính như sau: alkaloid, saponin, flavonoid, axit amin glycoalkaloid và sterol, trong đó nhân glycoalkaloid có tỷ lệ cao hơn.

TÁC DỤNG CỦA CÀ GAI LEO

Tác dụng qua thực nghiệm lâm sàng

Cây cà gai leo hiện nay đã được đưa vào làm thành phần của nhiều sản phẩm có giá trị điều trị  về mặt lâm sàng.

➣ Tác dụng giảm đau, chống viêm: Các chế phẩm Solamin A được bào chế từ rễ cây cà gai leo, rễ cây khúc khắc và rễ cây ngưu tất và solamin B được bào chế từ thân lá cà gai leo và rễ ngưu tất đã chứng minh qua lâm sàng có khả năng  giảm đau, chống viêm rõ rệt. Theo Đông y, thì solamin có tính bình, phù hợp với những người mắc bệnh thấp khớp ở thể nhiệt.

➣ Chữa viêm chân răng: Có tài liệu ghi nhận một sản phẩm có thành phần chính là lá cà gai leo, sâm đại hành và ngưu tất đã chữa khỏi chứng viêm chân răng cấp tính.

Tác dụng của cà gai leo
Cà gai leo có tác dụng giải độc gan, mát gan, chống viêm...

➣ Chống xơ gan, kháng viêm: Cà gai leo chiết xuất toàn phần đã được các nhà khoa học chứng minh rằng nó có tác dụng ngăn cản quá trình xơ hóa gan, kháng viêm, chống lại quá trình oxy hóa và collagenase.

Ngày nay, dược liệu cà gai leo đã được đưa vào nghiên cứu và chứng minh có tác dụng chữa bệnh viêm gan do virus, xơ gan đồng thời có thể hỗ trợ bệnh ung thư gan. Tại Việt Nam, một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh cà gai leo có thể dùng làm thuốc chữa viêm gan B mạn tính thể hoạt động. Ngoài ra, cây cà gai leo còn được chứng minh trên thực nghiệm lâm sàng có tác dụng: giảm nhanh các triệu chứng đau tức hạ sườn phải, nước tiểu vàng, da niêm mạc vàng, cơ thể nhức mỏi; không gây tác dụng phụ.

Theo kinh nghiệm dân gian và y học cổ truyền

Dược liệu cà gai leo được dùng phổ biến trong y học cổ truyền dân tộc Việt Nam. Theo đó, loại dược liệu này có những tính chất sau đây:

  • Vị: đắng, hơi the.
  • Tính: ấm, hơi độc.
  • Tác dụng: tán phong thấp, tiêu độc, trừ ho, giảm đau, cầm máu.
  • Dùng điều trị các bệnh: phong thấp, đau nhức các đầu gân xương, ho, ho gà, dị ứng.
  • Trong dân gian, cây cà gai leo còn được sử dụng để chữa rắn cắn, chữa chứng say rượu.

CÁCH SỬ DỤNG CÀ GAI LEO TRỊ BỆNH

Liều lượng

Thường dùng cà gai leo khô với liều từ 16 gram tới 20 gram, dạng sắc nước thuốc uống trong ngày. Dùng ngoài lấy lượng thích hợp.

Cách sử dụng cây cà gai leo
Cà gai leo dùng để uống hoặc kết hợp với các dược liệu khác giúp mát gan, thanh nhiệt

Bài thuốc chữa bệnh

Dược liệu cà gai leo có nhiều ở Việt Nam. Loại dược liệu này không cần phải nhập khẩu ở bên ngoài, dễ dàng tìm kiếm lại có thể chữa được một số bệnh khó. Tổ tiên ta từ xưa đã biết dùng cà gai leo để chữa rắn cắn, trị chứng say rượu. Ngày nay, cà gai leo là loại thảo dược được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền phương Đông, được bào chế thành thành phần trong các bài thuốc trị bệnh đã được khoa học hiện đại ghi nhận. Các thầy thuốc y học cổ truyền dân tộc Việt Nam đã sử dụng cà gai leo trị bệnh bằng nhiều cách: sắc nước thuốc uống; cây lá tươi giã nát để dùng ngoài… Dươi đây là một số bài thuốc chữa bệnh có chứa thành phần thảo mộc cà gai leo:

Bài 1: Trị chứng tê thấp, đau lưng, nhức mỏi cơ thể

  • Gồm các loại thảo dược với liều lượng như sau: Cà gai leo 10 gram, Dây gấm 10 gram, Thổ phục linh 10 gram, Kê huyết đằng 10 gram, Lá lốt 10 gram.
  • Đem tất cả sao vàng rồi sắc uống ngày 1 thang. Duy trì liều liên tục từ 10 ngày đến 1 tháng.

Bài 2: Trị chứng ho gà, hen suyễn

  • Gồm các vị thuốc với liều lượng như sau: Cà gai leo 10 gram, Thiên môn 10 gram, Mạch môn 10 gram.
  • Đem tất cả các vị trên sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần sáng/trưa/tối.

Bài 3: Chữa rắn cắn

  • Tìm lấy rễ hoặc thân cành cà gai leo với lượng từ 16 gram tới 20 gram.
  • Sắc nước uống hàng ngày, đồng thời lấy rễ cà gai leo giã nát đắp lên vết rắn cắn.

Bài 4: Giải rượu

  • Trong dân gian Việt Nam, cây cà gai leo được dùng làm thuốc giải rượu. Lấy cà gai leo khô khoảng 1 lạng, sắc với 0,4 lít nước cho tới khi cô đặc còn 150ml thì ngừng. Dùng nước này uống lúc còn nóng ấm.
  • Hoặc cũng có thể lấy 50 gram cà gai leo khô rồi hãm như hãm chè mà cho người say rượu uống sẽ giã rượu mà tươi tỉnh.

Bài 5: Chữa ho do viêm họng

  • Tìm lấy các vị: Lá cà gai leo khoảng 15 gram, lá chanh 30 gram.
  • Đem tất cả sắc uống ngày 1 thang, chia làm 2 lần uống khi còn nóng ấm. Duy trì liều liên tục từ 5 đến 7 ngày.

Bài 6: Hỗ trợ bệnh nhân bị viêm gan, xơ gan

  • Tìm lấy  rễ hoặc thân lá cây cà gai leo rồi sắc với 1 lít nước sạch cho tới khi cô đặc còn 0,3 lít.

MỘT SỐ LƯU Ý KHI DÙNG CÀ GAI LEO CHỮA BỆNH

Cà gai leo là thảo mộc tại Việt Nam, có giá trị điều trị một số bệnh khó, lại không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên khi sử dụng loại thảo dược này bạn cần lưu ý một số điếm sau đây:

- Chưa có đủ thông tin về việc sử dụng dược liệu cà gai leo cho phụ nữ mang thai và cho con bú nên các đối tượng này cần phải được sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ. Không tự ý sử dụng.

- Khi mua cà gai leo để dùng, bạn cần phải tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ, quá trình bào chế và bảo quản dược liệu đảm bảo an toàn. Nếu dược liệu không đảm bảo chất lượng sẽ không có tác dụng trị bệnh mà còn gây hại cho cơ thể bởi hóa chất bảo quản hay nấm mốc…

Tránh nhầm lẫn cà gai leo với các cây trong họ cà như cà tàu, cà độc dược, cà dại…

Mọi thông tin về vị thuốc cà gai leo và những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu cần sử dụng à gai leo chữa bệnh, bạn cần tới sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Không tùy ý sử dụng cà gai leo theo các bài thuốc nêu trên.


About
Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Cây cà gai leo - Tác dụng chữa bệnh và cách sử dụng hiệu quả

Quản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Nhấn vào đây để đánh giá
Hỗ trợ 24/7
Bảo mật thanh toán
0.21836 sec| 1782.367 kb